Đối chữ với ông tú Cát
[17.12.2007 18:58]
Làng nọ có một Nho sinh tên Cát đi thi dăm lượt vẫn chỉ đỗ tú tài, được làng gọi là ông tú Cát. Văn tài trượt nhiều bận, nhưng tú Cát rất huênh hoang, cho mình giỏi nhất xã. Nghe tiếng thằng bé Quỳnh làng bên mới tí tuổi mà hay chữ, tú Cát mò sang chơi.
Đến nhà Quỳnh, thấy Quỳnh đang giúp mẹ cho lợn ăn, con lợn cấn xốc oàm oạp. Ông tú Cát bảo:
- Nghe nói chú mày giỏi văn phú lắm hả? Giỏi thì làm ông tú, chứ lại chui vào chuồng lợn. Ta cho chú mày một vế đối xem có phải như lời đồn không nhé. Nếu không đối được thì đích thị chỉ là thằng chăn lợn. Và đọc:
“Lợn cấn ăn cám tốn”
Vế đối của tú Cát vừa mô tả, vừa nói sự việc, vừa chơi chữ: dùng hai quẻ cấn và tốn trong bát quái “càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài”.
Con chó trong nhà thấy tiếng người lạ, chạy ra sủa ầm ĩ. Quỳnh đánh chó, rồi vờ hỏi:
- Thưa, tôi đối lại có gì không phải, ông tú dạy bảo cho. Đừng giận.
Tú Cát thấy thái độ có vẻ sợ sệt của Quỳnh, cho rằng không nghĩ ra vế đối, bèn bảo:
- Ta cho phép chú dùng chữ nào cũng được.
Quỳnh được lời, đọc luôn:
“Chó khôn chớ cắn càn”
Vế đối lại của chú bé Quỳnh rất xược. Vế đối vẫn nói sự việc mà còn hàm ý chê tú Cát ngu muốn khoe chữ - cắn càn. Quỳnh cũng sử dụng 2 quẻ khôn và càn trong bát quái để đối lại.
Tú Cát biết mình bị chửi, nhục quá ra về.
***
Có lần Quỳnh qua làng ông tú Cát, thấy một tòa nhà to, ngoài cổng gạch có hai cột trắng, một cột ghi một vế đối chữ đen và đẹp:
“Trời sinh ông Tú Cát”
Vế đối tỏ sự tự đắc quá đáng. Dưới ghi dòng chữ: Tú Cát tự đề và thách ai đối được thì viết sang cột bên kia cho thành đôi câu đối chỉnh. Thấy vậy, Quỳnh mở bút mang sẵn trong áo, vào xin mực, viết luôn cột bên kia, chữ to hơn con gà mái:
“Đất nứt con bọ hung”
Cả vế đối và vế đáp đều dùng tên quẻ: Cát – Hung.
| |
|