Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
[13.12.2007 01:14]
Thụy Anh
Chiều đã buông, cánh rừng đã lặng
Những thân cây dáng đứng thẳng vẫn buồn
Giá vùi mặt xuống đất kia như cỏ
Thì nỗi niềm có dễ chịu hơn không?
Ai từng ở Nga chẳng thấy thấp thoáng trong ký ức sâu xa của mình những thân cây đứng san sát, thẳng tắp và vút cao, trắng sáng lên trong buổi chiều tà. Đó là cây bạch dương - loài cây thân trắng, vỏ dễ bong. Lá nhỏ đều và tròn trịa, người lãng mạn sẽ ví chúng như những trái tim xinh, còn người thực tế hơn thì lại liên tưởng đến những đồng tiền xu bé xíu. Hoa của bạch dương nở vào dịp tháng Năm, thành chùm hoa phấn bám quanh một cái đài hoa dài vài đốt ngón tay, rủ xuống, trông giống như những chiếc hoa tai toòng teng của các cô gái mới lớn.
Hình ảnh cây bạch dương dịu dàng nghiêng bóng xuống dòng sông luôn đặc trưng cho nông thôn Nga trong trí nhớ của nhiều người Việt từng sống và học tập nơi này:
Lối mòn gợi nhớ làng quê Bạch dương buông mái tóc thề đợi ai Nghĩ người xưa đến tựa vai Chiều đi thương bóng cây dài lặng yên
(“Hoàng hôn nhớ” - Nguyễn Đình Chiến)
Chiều nay, một buổi chiều thu muộn, chớm đông, tôi có dịp đi ra ngoại ô Matxcơva. Mùa thu vàng rực đã qua từ lâu. Bầu trời đã xám. Những rừng cây xa đã chớm lên màu đen sậm, mặc dù thảng hoặc vẫn thấy những mảng lá xanh thiểu não cuối mùa… Xe đưa chúng tôi đi về hướng Tula, cách Matxcơva độ 50 cây, thì trước mắt tôi hiện ra một cánh rừng bạch dương - hoàn toàn chỉ có bạch dương, không lẫn một loài cây nào khác. Trời không một chút nắng. Ánh sáng mờ nhạt từ đâu đó trên cao hắt xuống cánh rừng và con đường dài tít tắp. Cánh rừng bạch dương làm sáng lên thứ ánh sáng mờ ảo như không có thực ấy bằng những tán lá vàng muộn màng của mình, nhưng là một thứ màu vàng kỳ lạ lắm: chẳng rực rỡ bừng bừng như lá phong, cũng không ấm áp như màu nắng. Màu vàng ấy hình như chưa có trong từ điển để ta có thể dùng lời mà tả nó. Chỉ cảm được. Rằng nó đẹp một cách buồn rầu. Rằng nó sáng lên rụt rè, như là e ngại không dám cháy hết mình. Màu vàng đều và dịu, có phần cũ kỹ nữa. Nó lại cũng không tĩnh lặng. Những chiếc lá của rặng dương non thì có vẻ to bản hơn, trùm kín những thân cây khẳng khiu chưa lên hết màu trắng của vỏ cây, run rẩy theo gió, nghiêng bên này, ngả bên kia, trông rất tội nghiệp. Phía trên cao là những ngọn bạch dương già, lá tập trung chủ yếu ở phần trên. Có thể vì ở trên cao, ở xa, nên nhìn những chiếc tay lá ấy mới bé nhỏ làm sao! Qua cửa kính xe, tôi thấy chúng nhòa đi, thành những chấm vàng đang rung rinh, lay động rất vội vàng. Dù đang ngồi trong ấm áp, ta cũng không khỏi không cảm thấy gió lạnh đang về, len lỏi giữa các ngọn cây.
Lá bạch dương bao giờ cũng chín muộn hơn cả, vì thế mà hơn chục năm ở Nga, chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh một rừng bạch dương đồng loạt ngả vàng như hôm nay. Cảnh tượng khiến tôi ngợp đi trong một thứ tình cảm lạ lùng, thấy cổ mình nghẹn lại. Những thân cây bạch dương cách nhau một khoảng đều đặn, cùng nhất nhất đứng thẳng mình. Cái gắng gỏi ấy sao lại gợi buồn đến thế: dường như chúng đang mang những tâm sự chất chồng mà chẳng muốn kể lể, phiền lụy ai, kiêu hãnh vươn người lên bầu trời chớm Đông nặng trĩu.
Ngắm nhìn kỹ một cây bạch dương, bạn sẽ thấy lòng dâng lên những cảm giác thương mến khó tả. Thân cây mảnh dẻ như một thanh nữ, lá cành thanh thoát mong manh, có vẻ rất non tơ. Thế nhưng, cái màu trắng chen lẫn đốt đen xạm của thân cây lại khiến ta tưởng đến những dạn dày sương gió. Mỗi cơn lốc tuyết, mỗi trận mưa rào, mỗi ngày oi nóng… tất cả theo tháng ngày khắc dấu lên thân cây. Cây càng cao, đốt trắng đen càng nhiều… Những cây bạch dương đứng tuổi có thể cao đến 30 mét, cành tỏa từ trên ngọn xuống đen xám, mảnh dài và rối lên vì gió, trông từa tựa cành liễu rủ khiến dáng cây không gợi vẻ cứng nhắc, mà ngược lại, mềm mại vô cùng.
Rễ bạch dương bám đất rất nông, vì thế, cây càng cao, càng yếu. Năm nay, có tin ở một vùng nào đó của Nga, tuyết đột ngột rơi dày, trong khi bạch dương chưa kịp trút lá, khiến tuyết qua một đêm đọng lại nặng trĩu cành, và cả cánh rừng ngổn ngang cây đổ.
Cánh rừng bạch dương không như những cánh rừng tạp khác, nó cho người ta nhìn thấu vào lòng. Chỉ ngồi trên ôtô mà ngoái lại tôi vẫn có thể nhìn xuyên qua những thân cao, trắng ấy, chạm mắt đến một lối mòn mờ nhạt phía xa, hay là khoảng rừng trống nằm sâu hơn trong đó. Thậm chí, tôi còn tưởng như nhìn được một vài con sóc nhỏ đang vui vẻ chuyền cành.
Xe lướt qua, những thân cây không chạy về phía sau vùn vụt như hàng cây đơn điệu bên đường cao tốc ở những nơi khác mà chậm rãi quay tròn trong một vũ điệu riêng, với tiếng nhạc lòng riêng của mình. Có thể giải thích cái tiết tấu chậm rãi ấy bằng một thực tế, rằng cánh rừng trải dài và sâu khiến ôtô dù có phóng nhanh mấy cũng không làm điệu vũ quay cuồng hơn. Và cũng có thể giải thích bằng một cách khác: đó là một bản van-xơ xoay buồn, trong tiết trời se sắt và màu trời xám lạnh của mùa Đông đang tới - không điều gì lúc này khiến điệu nhảy vui lên được!
Chỉ sang đầu tháng sau thôi, bạch dương sẽ hoàn toàn trơ trụi với những cành xám mảnh, giăng nối vào nhau thành một tấm lưới thanh thanh. Tấm lưới ấy sẽ đón giữ bông tuyết đầu mùa, vẽ nên vẻ đẹp bất tử của thiên nhiên Nga kỳ vĩ và khắc nghiệt - hình ảnh bạch dương thân bạc lấp lánh tuyết chắc chắn không bao giờ mờ nhạt đi trong văn chương và trong lòng những người từng sống trên mảnh đất này.
Người Nga cổ yêu cây bạch dương vì nó một loài cây tượng trưng cho sự may mắn, hồn cây đuổi hết tà ma. Cành bạch dương được treo ở đâu, ở đó có sự yên ổn trong tâm linh con người. Và, trong các sự kiện trọng đại của cuộc đời, người Nga không bao giờ quên túm cành lá mảnh mai tỏa mùi thơm dịu nhẹ này: ngày sinh con, ngày khởi công xây nhà, ngày bắt đầu một vụ cấy trồng mới trên đồng, ngày dựng chuồng ngựa, và, thậm chí cả khi nướng xong một mẻ bánh mì mới vàng sậm trong lò, họ cũng bỏ thêm vào lò những thanh củi bạch dương cùng những lời nguyện cầu về một cuộc sống no ấm. Mùa hè, các cô gái quê thường lén vào rừng, hái một cành bạch dương xanh, ném xuống sông. Các cô muốn bói chuyện tình duyên: nếu cành ấy chìm hoặc trôi vào bờ, nghĩa là chuyện chồng con sẽ chưa đứng số; còn nếu cành cây trôi nổi trên dòng nước, đem theo những lời mong mỏi thẹn thùng của cô nàng, có nghĩa, cô sắp được nên duyên với người mình mơ ước.
Vỏ cây bạch dương có chất kháng khuẩn rất lớn, bởi vậy không khí trong rừng bạch dương luôn trong veo. Có người bạn Nga kể cho tôi rằng, người Nga cổ có câu: “Vào rừng bạch dương để mà hít thở khí trời, để mà sướng vui, còn vào rừng thông để mà tìm u sầu và cái chết…” Người nông dân Nga thích dùng đồ gia đình làm bằng vỏ bạch dương: bánh mì để trong hộp gỗ bạch dương sẽ lâu thâm hơn, mật ong, sữa, bơ... đựng trong âu gỗ bạch dương cũng giữ được rất lâu, lâu hơn cả cách bảo quản của con người hiện đại bây giờ là mọi thứ tống hết vào tủ lạnh. Lá bạch dương sấy khô làm thuốc; mật bạch dương giúp tăng sức đề kháng của con người; gỗ bạch dương làm nhà, làm bàn ghế, vỏ bạch dương làm gầu múc nước, làm biết bao đồ vật khác nữa.
Và, mỗi buổi chiều Đông, bước ra từ phòng tắm ghép bằng gỗ bạch dương đang bốc hơi nghi ngút, người ta cầm túm cành lá bạch dương quất lên người nhau khiến máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, người nhẹ bỗng đi không còn mảy may lo nghĩ điều gì.
Bạch dương… Chẳng có loài cây nào gắn bó với hồn Nga đến thế - tưởng như giản dị, mộc mạc, mà con đường đi đến với tận cùng thấu hiểu tâm hồn ấy vẫn chất chứa đầy những câu hỏi chẳng biết bao giờ được giải đáp:
Cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc? Cớ gì những thân trắng kia thấu hiểu lòng người? Đứng bên đường tựa vào gió lả lơi Và trút lá xuống sao mà buồn bã?
(Bài hát nổi tiếng của nhóm Liube)
Thụy Anh Matxcơva 10-2007
|