PHÙNG QUÁN VÀ GIAI THOẠI
[08.12.2007 03:18]
 |
Phùng Quán |
Cậu này viết sai chính tả nhiều quá
Năm 1954 Phùng Quán được phân công vào Sầm Sơn đón tù chính trị của ta do địch trao trả cùng các anh Mai Ngữ, Hoài Giao, Tất Đạt. Xúc động trước những câu chuyện do tù chính trị kể, Phùng Quán muốn viết một cái gì đó. Và ông đã viết Những chuyện ở Côn Đảo.
Viết chưa xong, thì Phùng Quán ra Hà Nội và gặp anh Vũ Tú Nam, lúc đó đang phụ trách tờ Sinh hoạt văn nghệ quân đội (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ quân đội) và được giữ lại để hoàn thành tập tiểu thuyết. Hơn một tháng sau, tập Những chuyện ở Côn Đảo hoàn thành, Vũ Tú Nam đọc thích quá và bỏ công sửa chữa để thành Vượt Côn Đảo đưa Tổng cục Chính trị in hàng vạn cuốn phát hành về các đơn vị, tác giả không có thù lao. Sau đó, nhà xuất bản Quốc gia in lại bốn lần với hàng vạn bản nữa và tác giả nhận tới bốn triệu rưỡi tiền nhuận bút (tính theo giá gạo lúc bấy giờ thì được 18 tấn gạo). Số tiền to lớn đó Phùng Quán mua tặng bạn bè mỗi người một chiếc xe đạp, và riêng cho mình một đồng hồ Omêga Automatic giá 25 vạn bạc nhưng vài ngày sau đó thì đánh mất ở nhà tắm tập thể. Kỷ niệm Phùng Quán nhớ nhất, là khi Vũ Tú Nam đọc Vượt Côn Đảo và kêu lên: “Cậu viết hay lắm, nhưng sai chính tả nhiều quá” và Phùng Quán cười bảo: “Em từ lưng trâu nhảy lên trung đoàn, có học hành gì đâu anh”.
Được tuần hồ bảo kê
Sống cạnh Hồ Tây, không có công ăn việc làm, ngoài thì giờ “viết văn chui”, Phùng Quán còn sống bằng nghề câu cá trộm.
Một lần đang ngồi câu, thì bị nhân viên bảo vệ cá Hồ Tây, mà nhân dân vùng Nghi Tàm – Quảng Bá gọi là người tuần hồ, chộp được Phùng Quán. Người đó có biệt danh là Tôn Tẩn. Những kẻ câu trộm cá nghe đến danh anh ta là đã khiếp sợ. Tên thật anh ta là Trần Văn Tôn. Nhưng khi anh ta bắt được ai câu trộm cá là tẩn cho đến nhừ xương. Vì thế mà có biệt danh là Tôn Tẩn.
Khi biết người bị bắt vì câu cá trộm là tác giả tiểu thuyết Vượt Côn Đảo và cũng là một cựu chiến binh, anh tuần hồ bèn tha, sau một vài cú đấm.
Vài hôm sau, người tuần hồ đó (cũng là một cựu chiến binh) tìm đến thăm và nghe Phùng Quán đọc thơ. Người tuần hồ bảo:
- Thôi từ nay ông đừng đi câu trộm nữa, cứ gần sáng, tôi sẽ mang số cá bắt được của những người câu trộm khác về cho ông…
- Làm thế không được! Phùng Quán từ chối.
- Thế thì từ nay ông ngồi chỗ khuất vắng, đừng ngồi gần bọn kia. Khi nghe tôi đuổi bắt bọn chúng thì ông thu xếp lánh đi.
Từ đó Phùng Quán được anh tuần hồ “Tôn Tẩn” bảo kê để sống bằng con cá Hồ Tây cho đến cuối đời.
Nói dzậy mà không phải dzậy
Năm 1958, đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế lao động ở Thái Bình, do nhà văn Hoàng Trung Thông làm tổ trưởng. Tô Hoài kể: “Một lần uống rượu say, Hoàng Trung Thông ra về, chân nam đá chân chiêu. Thấy vậy, Phùng Quán sợ Hoàng Trung Thông ngã, nên đưa tay ra nói: “Anh cứ vịn vào vai em cho chắc”. Thông quát: “Ông mà để Nhân văn dắt à?” câu này làm cho Phùng Quán buồn lắm.
Nhưng sau đợt đi thực tế về, Hoàng Trung Thông tìm tới nhà Phùng Quán chơi và uống rượu. Khi rượu đã ngấm, Hoàng Trung Thông lặng lẽ xin một tờ giấy trắng và rút bút viết tặng Phùng Quán bài thơ chữ Hán:
Hạ tiết bằng hữu đáo
Hồ thâm cổn cổn ba
Ẩm tửu hữu tri kỷ
Túy quá vong hồi gia
(Nghĩa là: Mùa hạ bạn hữu đến/ Hồ sâu cuồn cuộn sóng/ Uống rượu có tri kỷ/ Say quá quên về nhà).
Thì ra, nhà thơ khi đi thực tế lao động thì đứng trên lập trường tổ trưởng, còn thơ văn là bạn tri âm, vì thế mới có thơ tặng Phùng Quán. Lúc này Phùng Quán mới ngộ ra, khi chia tay Hoàng Trung Thông, với câu nói của anh em Nam Bộ: “Nói dzậy mà không phải dzậy”.
Đọc thư vợ
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng: “Thời gian Phùng Quán vào Huế để hoàn thành tập 3 Tuổi thơ dữ dội nhưng viết thì ít mà “ham chơi” thì nhiều, nên đã nhiều tháng anh chưa trở ra Hà Nội. Vợ anh, chị Vũ Bội Trâm ở nhà chẳng những nhớ mà còn lo lắng sức khoẻ của anh. Nhân Nguyễn Trọng Tạo vào Huế, chị nhờ đưa cho Phùng Quán một phong thư. Sau khi nhận được thư vợ, Phùng Quán xé ra đọc ngay và tủm tỉm cười. Bạn bè hỏi, thì Phùng Quán đưa bức thư ra chỉ có 4 dòng:
Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ
Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ
Bao giờ điếu lại reo êm ái
Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ
Liền đó, Phùng Quán vơ đồ đạc cho vào túi nhờ Nguyễn Trọng Tạo chở ra ga Huế mua vé về Hà Nội trong đêm.
XUÂN TÙNG
| (Theo vannghequandoi.com) |
|