Đó chỉ là một nhà văn có cá tính sống và viết độc đáo, mạnh mẽ đến mức quyết liệt đã để lại một dấu ấn sâu sắc khác lạ trên văn đàn..
Sinh thời nhà văn đã có hẳn một cuốn sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp như một khám phá về cá tính sáng tạo độc đáo trong đời và trong văn. Giờ đây “cái quan định luận” xin thêm tíếng nói tiếp tục khám phá và khẳng định một tài năng xuất sắc và định vị một cột mốc trong dòng chảy của lịch sử văn học.
Về cốt cách căn bản nhất Nguyễn Huy Thiệp là con người rất mực nhân hậu. Đôi khi nói phũ, nói “ác” nhưng đó là “khẩu xà tâm phật”.
Nhà văn sống tử tế, thân thiện và yêu mến mọi người, từ người thân trong gia đình đến con người cộng đồng xã hội.
Ông đã gặp cảnh ngộ buồn trong gia đình vì có cậu con trai sa ngã. Nhưng chính lòng thương yêu tuyệt vời, trách nhiệm cao cả của người cha đã cứu đứa con như một con người đáng bỏ đi ấy! Truyện Tuổi hai mươi yêu dấu chính là một tự truyện của đời mình.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Ghét cái xấu, cái ác, tố cáo, lên án và viết về bóng tối như là một cảm thức sâu xa từ đáy sâu tâm hồn nhà văn.
Một bạn văn, Lam Điền đã phân tích chí lý về tấm lòng cao đẹp của Nguyễn Huy Thiệp: “Và viết về cái ác chính là cái nhân hậu của Nguyễn Huy Thiệp, lòng nhân hậu của những nhân vật lớn (...) Đó là sự nhân hậu lặn sâu bên trong.
Lòng tin của ông về con người không bao giờ mất. Ông yêu thương con người bắt đầu bằng sự phê phán, ông miêu tả hết cái nhếch nhác, tầm thường, cái khốn nạn, cái không đáng yêu của cuộc đời, nhưng chính bằng cách đó ông lại làm cho người ta hiểu và yêu đời hơn và có thể làm người tốt hơn” (May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp, tuoitre.vn 22/3/2021)
Từ gia cảnh có thể gọi là bần hàn với cuộc sống thanh sạch, nhà văn có những suy tư cám cảnh. Từ đó thương mình và thương người một cách thật sự, thật lòng “Thương người như thể thương thân” Tinh thần này ta gọi là từ tâm, toát ra từ những trang viết gan ruột, nhất là qua câu chuyện như tự truyện đã nêu: Tuổi hai mươi yêu dấu truyện viết về đứa con trở thành “Tội tình” của gia đình
Khó có thể tưởng tượng một thầy giáo trình độ cử nhân đi dạy học có tới mươi năm rồi thành một nhà văn sớm nổi tiếng có tác phẩm in nhiều ở trong nước và ngoài nước mà lại sống trong cảnh nghèo.
Thì chẳng đã có câu về cửa miệng dân gian: “nhà văn, nhà báo, nhà giáo: nhà nghèo” là gì? Nhà giáo nhưng dạy ở miền núi Sơn La, xa nhà, xa quê….dạy cấp cao nhưng lại không dạy thêm làm sao có đồng ra đồng vào?Tôi đã từng dạy học ở Tây Bắc trước anh giáo Thiệp nhiều năm, biết rât rõ tình cảnh này, chỉ có chuyện thầy mời học trò đến lớp, tự nguyện lăn lưng phụ đạo học sinh yếu kém: làm gì có chuyện dạy thêm để kiếm tiền? Có sách in nhiều nhưng nhuận bút 10% chỉ như hương hoa bổng lộc. Sách in ở nước ngoài, may ra được ít cuốn lại quả. Thời xưa ta chưa tham gia vào tổ chức xuất bản quốc tế, người ta in sách của mình thoải mái. Tử tế thì gửi trả nhuận bút tượng trưng. Tôi từng hỏi chuyện nhà văn Tô Hoài về tình cảnh như vậy của bản thân ông. Ngay cả cuốn Dế mèn phiêu lưu ký được dịch và in ở nhiều nước và với số lượng nhiều nhất trong các nhà văn hiện đại! Có chuyện lạ có thật là nhà văn thiếu không đủ tiền mua cái bánh 5 hào (tiền cũ) nhưng bạn văn nữ thông cảm tặng hẳn 5 chục đồng, bằng cả tháng lương ! Nhưng chỉ là chuyện cơ nhỡ thôi vì nhà văn lại từ chối bạn khác khi có hảo tâm giúp đỡ khoản tiền lớn: “Người ta cho rất to, tôi không dám nhận” nhà văn từng tự bạch như vậy.
Sống nhẫn nại, chịu đựng và quả cảm là một đức tính nổi bật của nhà văn biết tự trọng Nguyễn Huy Thiệp.
Lương hưu của nhà văn qua “đấu tranh” đòi quyền lợi chính đáng, chỉ vỏn vẹn có 2 triệu đồng/tháng. Có lúc gia cảnh túng quẫn, có sự cố xảy ra, tiền tiết kiệm trong túi gia đình kiểm lại còn 9 triệu đồng tức là tiền dành dụm mấy tháng lương nên không tiêu! Nguyễn Huy Thiệp có lúc cũng xoay việc để kiếm tiền, kể cả mở quán, vừa làm chủ, vừa lấy chính mình làm người bưng bê.
Những chuyện xa văn, ngoài văn phải làm để…nuôi văn thật tội nghiệp!
Nguyễn Huy Thiệp sống say mê nhưng tỉnh táo, có bản lĩnh vững vàng
Sức khỏe đã làm chậm lại sức viết của ông. Mười năm trước đã đột quỵ và gượng lại được, lần thứ hai này đã bị gục ngã. Tuyên bố là gác bút năm 2004 nhưng nhà văn vẫn âm thầm, lặng lẽ sớm hôm đến tận khuya khoắt để thêm những con chữ. Công việc thật bề bộn không thể dứt: một cuốn tiểu thuyết, vài ba truyện ngắn và hai vở kịch Mà là viết thủ công, bằng giấy trắng mực đen.
Cũng như nhiều người viết khác, Nguyễn Huy Thiệp từng giao lưu với Hồng Thanh Quang một bạn văn thân thiết đã từng tâm sự : “…nghề viết văn nó đặc biệt, vì nó là bát nhã. Nó là một cái gì đấy sáng tạo và lý thú, nghĩa là nó có sức đẩy, sức hút từ những trang viết do chính mình làm ra. Nhiều người cứ “vục mặt mà viết” viết quên chết” vì sức hấp dẫn mê hồn ấy!”… “Một khi mình đã sáng tạo thì mình đánh lừa được thần chết, thậm chí đánh lừa được thời gian”.
Không chỉ là say mê văn chương, mặc dù đây cũng là lĩnh vực rất rộng mở. Là người tài hoa, Nguyễn Huy Thiệp còn say mê cả nghệ thuật – một sân chơi đầy thú vị và còn bao la hơn nhiều lắm. Họa chỉ là vẽ chơi nhưng kịch thì đã nhiều công sức và tài nghệ kể cả đời sống trên ánh đèn sân khấu. Thậm chí trên giường bệnh, nhà văn còn hí hoáy vẽ và làm thơ… Nguyễn Huy Thiệp sống và làm nghề một đời với tâm hồn thực sự của một nghệ sĩ đam mê cái đẹp biến ảo trên đời và trong nghệ thuật.
Nguyễn Huy Thiệp từng có quan hệ bạn bè rộng rãi với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.
Trong văn thơ chủ yếu là các bạn cùng trang lứa Nguyễn Văn Thọ, Trần Thị Trường, Xuân Ba, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh…Và quen biết và đôi khi cả những người đi trước một chút như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải…do đó lọt vào “mắt xanh” của họ - những biên tập viên gạo cội.
Với ai ông cũng sống thân thiện, hòa đồng và lấy được cảm tình. Đặc biệt số cùng trang lứa, thường được nhà văn chia sẻ những ý tưởng.
Ngoài ra trong phạm vi công việc, hứng thú cá nhân, nhà văn có quan hệ với giới nghệ sĩ trong đó nổi bật là họa sĩ, nhà điêu khắc như Nguyễn Hưng từ thuở còn hàn vi vất vả với việc viết và kiếm sống. Sau đấy, nổi tiếng rồi, bạn bè quây tụ đông hơn, nhất là số đạo diễn phim ảnh, sân khấu, cũng từ và qua việc viết lách . “Giàu” và “sang” về tên tuổi cũng một phần nhờ bạn bè. Như cuốn Tuyển tập truyện ngắn ra mắt năm 70 tuổi có tới 18 họa sĩ danh tiếng tham gia minh họa. Mặt khác, họ cũng có tác phẩm minh họa sách cho bạn văn, bán đấu giá được tới hơn 300 triệu.
Nguyễn Huy Thiệp một tấm lòng rộng mở, là người tài năng nhưng không đố kỵ ai, mà trái lại có ý thức hiền tài, yêu mến quý trọng người tài.
Chính vì vậy, nhà văn còn tinh tường từng để ý nhận rõ tài năng của những người viết trẻ,coi đó là những tia sáng mới lấp ló. Võ Thị Xuân Hà kể lại kỷ niệm về truyện ngắn Cô gái quàng chiếc khăn xanh được lọt vào “mắt xanh” của bậc đàn anh này, vì cô chưa dám tự khen mình. Thực ra nhà văn nữ kém mười tuổi là lớp đàn em liền kề cầm bút. Người có thiện chí thường tham gia đọc sách giúp bạn, tự nhận nhiệm vụ biên tập giúp. Để phát huy cái hay và trừ bớt cái dở. Nhà biên tập chuyên nghiệp thường làm chức trách “bà đỡ” cho tác phẩm là như vậy. Những nhận xét, chỉ dẫn góp ý, đề nghị thường quý giá biết bao với bạn viết khi mới khởi nghiệp.
Một vài bạn văn trẻ nhận được sự chân tình của người anh tài năng qua giao tiếp. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Thiệp ảnh hưởng tới văn đàn nói chung và lớp trẻ nói riêng bằng phong cách sống và nhất là phong cách văn đặc biệt là truyện ngắn. Đó là “lối viết” Nguyễn Huy Thiệp có phần mạnh mẽ, táo bạo, lạ lẫm.
Tổ chức Hội Nhà văn có những lớp và trường bồi dưỡng viết văn. Đồng thời là các trại sáng tác. Nguyễn Huy Thiệp cũng đã có ý tưởng tốt xung quanh các tổ chức bồi dưỡng này. Như một thiện nguyện. Đó là ý tưởng cùng người bạn đại gia Mạnh Thường Quân mở một trung tâm văn chương – nghệ thuật ở Láng – Hòa Lạc. Ông rủ nhà văn Văn Giá dựng một nơi đào tạo văn chương trẻ. Đó là câu chuyện kể từ năm 2020.
Có một phản ứng tự nhiên có tính bản năng của người viết trẻ là “kính nhi viễn chi” thậm chí có lúc có ý tưởng “quay lưng” lại với bậc tài danh đàn anh.
Có hai nhà văn, nay đã đứng tuổi thú nhận tâm lý này với Nguyễn Huy Thiệp. Đây cũng là thói tật thường tình vì xưa nay hiện tượng “văn nhân đố kỵ” là có thật. Đến như nhà thơ lớn Chế Lan Viên cũng còn tỉnh táo nhận ra có không ít kẻ thù đương thời và có lẽ sau khi mất sẽ sẵn sàng “giết ông”. Tất nhiên người yêu ông là nhiều vô kể, so với mấy hạt muối có nghịch tâm ấy.
Nguyễn Huy Thiệp sống hiền lành, biết điều, không đố kỵ ganh ghét ai dù có lúc bị xỉ mắng trên văn đàn của những nhà phê bình xã hội học dung tục. Trong những ngày trên giường bệnh cuối đời, ông vẫn mong mỏi trên văn đàn, các nhà văn viết hay hơn nữa “Các bạn hãy dũng cảm lên và viết với chân thiện mỹ”.
Nghèo thật nhưng sống đàng hoàng thanh bạch, và chuyên tâm với nghề viết .Bạn thân nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá “Nguyễn Huy Thiệp một đời nghèo, nhưng văn chương huy hoàng”. Cái nghèo ám ảnh suốt cả cuộc đời nhất là vào cuối đời, hai lần đột quỵ.
Cuộc sống có trầm luân, khổ ải luôn là một thách thức lớn vì lòng quả cảm về ý thức vượt thoát của nhà văn tài danh.
Rất thực tế, Nguyễn Huy Thiệp viết cũng là để mưu sinh. Có phóng viên nhà xuất bản Trẻ hỏi chuyện nhân tái bản tập phê bình Giăng lưới bắt chim: “Có phải nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết văn để tim đạo?” Ông trả lời: viết văn trước hết để kiếm sống. Sống bằng đồng tiền lương thiện, nghèo nhưng sạch là như vậy.
Cốt cách và bản lĩnh sống một đời thể hiện một nhân cách cao đẹp của một nhà văn chân chính. Thời buổi khó khăn của kinh tế thị trường, không bao giờ vì đồng tiền mà ông bán rẻ lương tâm, danh dự.
Có một điều rất đáng quý là nhà văn đã biết kiềm chế lòng tham “Thỉnh thoảng có người vì yêu quý, in cho tôi cái này, cái kia. Nhiều khi người ta cho rất to tôi cũng không dám nhận .Ở đời rắc rối là thế” (Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một đời nghèo nhưng văn chương huy hoàng – Nguyễn Văn Thọ , tuoitre.vn 20.03.2020)
Đấy là sự tu thân, ý chí diệt trừ tham sân si như giáo lý đạo Phật.
Có bức ảnh Nguyễn Huy Thiệp chụp mà bên trên phía sau là một bức tượng Phật tọa lạc thật đồ sộ… Nhà văn đã dành nhiều thời gian để tô tượng. Vì yêu nghệ thuật hội họa, điều khắc nhưng chính là tôn thờ một hình tượng đã nhập vào hồn cốt- hình tượng của cái thiện, của từ bi, bác ái.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có tâm Phật và trang viết xét kỹ có mùi thiền – như một triết lý hồn nhiên minh triết về Đạo: đạo sống và đạo viết hòa nhập.
Cần nói thêm và nhấn mạnh cái bản lĩnh Nguyễn Huy Thiệp có thể định nghĩa đó là một con người dám sống, dám làm như một biểu hiện rõ ràng, cụ thể của sự quả cảm. Nhà văn sống và viết kiên gan, táo bạo, quyết liệt với tư tưởng của mình, với quan niệm nghệ thuật của mình. Vượt qua gia cảnh bần hàn, vượt qua đau yếu bệnh tật là điều có thể nhìn thấy rõ ràng cụ thể, tuy nhiên vật vã với những đắng cay, bức xúc, khổ tâm với cảnh đời, với nhân tình thế thái, với dư luận thì phải có lòng thấu cảm của nhà văn.
Dám mở đường và kiên định trên con đường riêng độc đáo đã lựa chọn trong nghề văn, bình tĩnh vững vàng trong dư luận trái chiều náo động văn đàn một thời, đó là chứng tỏ cái bản lĩnh vững vàng của Nguyễn Huy Thiệp. Rồi còn vượt qua được những cám dỗ ngọt ngào, những chê trách, xỉ vả phũ phàng để ngẩng cao đầu mà dấn bước nữa!
“ Sinh lão bệnh tử” là quy luật đời người mà Nguyễn Huy Thiệp đã bình tĩnh chấp nhận trong đau đớn, nuối tiếc.
Sự ra đi của một danh tài thực sự để lại nhiều thương tiếc lớn không thể bù đắp cho bạn bè, đồng nghiệp văn chương và bạn đọc rộng rãi xã hội. Sinh thời, trang văn của ông đã bay ra ngoài biên giới, tới các chân trời. Giờ đây, từ hải ngoại cũng có tiếng nói gửi về chia buồn.
Hội Nhà văn lấy làm vinh dự được tham gia tổ chức lễ tang cùng gia đình. Chủ tịch Hội sẽ đọc bài điếu văn làm xúc động lòng người và chạm thấu vong linh người quá cố.
Tuy nhiên bài Điếu văn “đại tự sự” xã hội chân thành và cảm động thực sự là những lời chia buồn đánh giá công lao, tưởng nhớ của bao cư dân đã và đang viết trên các trang mạng xã hội và báo chí.
Tôi vốn có quan hệ đặc biệt với nhà văn: vừa là đồng môn , vừa là đồng nghiệp, Số là tôi từng học Khoa Văn Sử từ 1958-1960 tức là tốt nghiệp lấy bằng cử nhân Văn học và Sử học. Vậy là học Sử trước Nguyễn Huy Thiệp hơn 10 năm. Tôi về dạy học ở Trường Sư phạm Sơ cấp Tây Bắc từ 1953, tiền thân của Sư phạm 10+2 - Khu học xá Mường La Tây Bắc. Đây cũng là cơ sở tiền thân của Đại học Tây Bắc đa ngành từ 2001 đến nay. Nguyễn Huy Thiệp về dạy TâyBắc từ 1970 tức cũng sau tôi hơn 10 năm.
Viết mấy dòng này cũng là nén tâm nhang thương tiếc , tưởng nhớ người đồng nghiệp đàn em rất đáng trân trọng, quý mến, kính yêu.
Tp.HCM, ngày 24/3/2021
Ngày lễ tang nhà văn
* PGS. TS Đoàn Trọng Huy, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn ĐHSP Hà Nội 1. Nay nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh