Máy điện thoại di động nhà tôi có cuộc gọi đến. Thì ra con gái Ngô Lan Phương hẹn gặp ba mẹ ở Nhà khách quân đội. Khi cháu đến, cả nhà chuyện trò ríu rít. Rồi chúng tôi đi ăn cơm. Đi bộ, ngắm phố phường Hà Nội, tận hưởng nhiệt độ man mát lành lạnh của Hà Nội vào một buổi tối đầu đông.
Nhà hàng món ngon 18 Phan Bội Châu sáng bừng ánh điện nhiều màu sắc. Rất đông khách, nhưng rất trật tự. Tôi cảm nhận được phong cách ẩm thực Hà Nội trong buổi tối đầu đông. Nhà hàng có khách châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, khách các nước châu Phi. Cả khách và chủ có người nói tiếng Việt, tiếngAnh, tiếng Hàn, âm thanh nghe rì rầm nhỏ nhẹ, lời các ngôn ngữ hòa vào nhau đều đều như tiếng cánh đàn ong đi lấy mật. Quả là bản nhạc ngôn ngữ nhiều chất giọng; giọng nam, giọng nữ, giọng cao, giọng trầm rất hấp đẫn, càng nghe càng lí thú.
Nhà tôi, bà giáo văn học lúc này nói nhớ tới bài “ Phở” của cố nhà văn Nguyễn Tuân nên gọi phở gà. Con gái tôi cười tươi; mẹ ăn món gì con ăn món ấy. Riêng tôi, duyên nợ nhiều với núi rừng nên chọn món cơm lam, gà nướng tẩm mật ong. Vừa ăn vừa trò chuyện, nhận xét hương vị món ăn. Tuyệt vởi làm sao bữa ăn tối của gia đình tôi giữa Thủ đô Hà Nội, Thủ đô đất nước ngàn năm văn vật, đang ổn định, bình yên, hội nhập, phát triển. Khách du lịch các nước đã và sẽ đến với Hà Nội, đến với Việt Nam, đến với hòa bình, với sự tinh tế, thanh lịch để thưởng thức món ngon, cảnh đẹp Việt Nam, tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Sáng hôm sau, đúng 6 giờ ngày 6 tháng 11 tàu từ từ rời ga Hà Nội. Chúng tôi xuống ga Suối Kiết lúc hai giờ chiều ngày 7 tháng 11. Em gái Ngô Thị Lan đã gọi xe tắc xi đợi sẵn ở ga, đón chúng tôi về thị trấn Lạc Tánh, huyện lỵ Tánh Linh, Bình Thuận. Chúng tôi nghỉ lại nhà riêng em rể Nguyễn Rô, em gái thứ hai Ngô Thị Kim Tuyến. Đây là khu nhà vườn sinh thái, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, rất nhiều cây xanh. Vườn có hoa, rất nhiều phong lan, một vài cành mai nở sớm vàng tươi. Nói nhà vườn cho khiêm tốn, thực chất là khu biệt thự xây trong vườn rộng 1000 mét vuông. Ở đây suốt ngày vang lên bản nhạc rừng. Cu rừng gáy, gà rừng gáy, gà nhà cũng gáy. Có đến gần trăm lồng chim đẹp. Chim trong lồng cất tiếng hót lảnh lót. Nói thêm; bà con nông dân quanh vùng gọi em rể tôi danh hiệu “VUA HỒ TIÊU”. Em là một trong những người trồng tiêu thành công ở Bình Thuận. Mỗi vụ thu hoạch rất nhiều tấn tiêu khô. Tiền bán tiêu mua rẫy hợp pháp, trồng cây cao su. Rất mừng vì em tôi có đến 8 mẫu cây cao su đang đến mùa thu hoạch nhựa. Giá một mẫu cao su vào thời gian này tại Bình Thuận lên đến 4 trăm, 5 trăm triệu đồng.
Em trai Ngô Xuân Bắc, em dâu Nguyễn Thu Trà, em út Ngô Thị Bạch Tuyết hay tin chúng tôi vào Tánh Linh, từ Tây Nguyên xuống thăm. Sáng hôm sau chiếc xe hơi gia đình chú Bắc chở chung tôi du lịch Thác Bà. Từ Trung tâm thị trấn Lạc Tánh đến Thác Bà khoảng 10 ki lô mét. Từ khu nhà vườn sinh thái chúng tôi đang nghỉ lại đến Thác Bà chỉ 7 cây số. Con đường vào thác cũng có tên Thác Bà. Hai bên đường vào thác, phố còn thưa nhưng không thiếu những nhà vườn, biệt thự vườn xinh xắn và nhà nghỉ ẩn giữa vườn cây.

Thác Bà huyện Tánh Linh
Nhà vườn, biệt thự, vườn cây… Rồi đồng lúa xanh không thẳng cánh cò bay rợp trắng cánh cò. Rồi vườn cam, vườn chanh, vườn quả thanh long và đặc biệt những cánh rừng cao su ngút ngàn đang mùa lấy nhựa; màu nhựa trắng như sữa. Thi thoảng thấy người đi rừng lấy mật và người làm vườn lấy nhựa cao su.
Tôi nghe nói nhiều về yến sào. Thợ yến khai thác yến ở các vách đá cheo leo hiểm trở Khánh Hòa. Nay trên đường vào thác, tôi tận mắt thấy nhà yến nhân tạo mọc sừng sững giữa rừng Tánh Linh có những cửa sổ như cửa sổ nhà chung cư ở Hải Phòng, Hà Nội. Yến bay từng đàn quanh nhà yến. Chim yến gọi nhau. Con người đã ghi âm tiếng chim yến để dụ chim yến vào nhà yến làm tổ.
Huyện Tánh Linh có chừng 100 nghìn dân. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tánh Linh trở thành miền đất mới. Mấy chục tỉnh thành cả nước, ngay cả Hà Nội, Phú Quốc đều có người dân đến đây lập nghiệp. Tánh Linh là vùng Lạc Thổ (đất vui) như ý nghĩa thủy danh, địa danh ở đây; Lạc Tánh, Lạc Hóa, hồ Biển Lạc. Núi Ông, Thác Bà một vùng sông suối hoang sơ đã cựa mình trong ngày mới. Ban đêm điện sáng rực Thác Bà, sáng cả một vùng rừng núi nhuốm màu sắc huyền thoại, Núi Ông một thời còn trẻ,Thác Bà một thửa tuổi còn xanh.
Từ xưa lắm, trên một đỉnh núi quanh năm mây mù che phủ, có đường thông lên trời là nơi trú ngụ của một gia đình thuộc dòng Tiên Thánh. Chàng là Đại Thánh cai quản cung chính của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nàng là Hoa Tiên cai quản dòng Thủy Tiên. Hai người đã yêu nhau rồi xuống trần gian sinh sống như con người, dạy dân cày cấy, trồng trọt. Họ sinh được một bé trai. Nhân dân tôn kính gọi thần Ông là Núi Ông. thần Bà là Thác Bà, thần con là Dinh Cậu. Hàng năm gia đình thần tiên hội ngộ một lần vào mùa xuân ca hát, muôn thú vui mừng trẩy hội. Nhưng đất trời thay đổi, không biết vì sao Thần Cậu đi mãi không về. Nhớ con, Thần Cha về trời đánh cờ khuây khỏa. Thần Mẹ ở lại trần gian, khắc khoải nhớ con, thêm phần nhớ chồng bỗng rùng mình hóa đá. Mái tóc xanh của Tiên Nữ hóa thành dòng suối đổ vào Hồ Tóc Tiên. Thần cha khi trở về khóc vợ nhớ con nước mắt tràn ngâp mặt hồ. Nghe truyền thuyết này tôi liên tưởng đến nàng Vọng Phu bế con chờ chồng hóa đá. Cho tôi thêm vào truyền thuyết ngàn đời này một câu: Núi Ông-Thác Bà vọng tử (nhớ con)
Cậu đi đâu? Lạc giữa rừng chăng?
Cách Núi Ông, Thác Bà không xa, cách thị trấn Lạc Tánh chừng ba cây số đường chim bay có Hồ Biển Lạc. Mùa nước cạn diện tích mặt hồ khoảng 1000 héc ta; mùa mưa lên đến 3000 héc ta. Một nguồn tài nguyên dồi dào để nuôi cá nước ngọt. Biển Lạc là một một mỏ cát lộ thiên. Hy vọng chính quyền địa phương có biện pháp bảo tồn để Biển Lạc còn mãi với đất trời, nhân dân.

Thác Bà huyện Tánh Linh
Nhà tôi, cô giáo Tô Thị Tuyến, một trong những nhà giáo dạy văn tại trường Phổ thông trung học Tánh Linh, cách đây mấy chục năm viết bài: “ Biển Lạc” đăng trên tờ tin Tánh Linh:
“ Biển đi tìm hồ vui
Lạc trong rừng
Chờ ban mai đến gần
Để rồi còn đi mãi
Con sóng Hồ Biển Lạc
Xui mai vàng vào thơ”
Sóng Hồ Biển Lạc đâu phải sóng hồ Than Thở Đà Lạt. Theo thời gian, hồ Biển Lạc lăn tăn gợn sóng ánh bạc của một thời hoang dại xa xăm ngọt ngào thì thầm nói lời yêu thương nhớ nhung để rồi xui cánh mai vàng vào thơ.
Đi chơi Thác Bà về mà cứ nhớ. Nhớ ánh nắng mặt trời ban mai dìu dịu chiếu qua tán lá rừng đại ngàn Núi Ông, Thác Bà. Vì nhớ nên sáng hôm sau tôi trở lại rừng và thác. Bên Hồ Tóc Tiên, trong quán Lan Rừng tôi nếm thử cá phát lát Biển Lạc nấu chua ngọt, rau rừng, uống rượu gạo nếp nương lên men do đồng bào Chàm chưng cất. Tôi ngắm nhìn Thác Bà ôm chặt Núi Ông chảy từ đỉnh xuống chân núi, luồn qua đá núi rừng đại ngàn. Thác 1 ở chân núi. Thác 9 gần đỉnh núi.
Trạm cấp nước khai thác nước ngọt Thác Bà cung cấp cho nhân dân quanh vùng. Thác Bà chảy qua sông Cát, Tánh Linh. Sông Cát đổ vào sông La Ngà. La Ngà hẹn găp sông Đồng Nai để nói nỗi niềm muôn thửa rồi quyện vào nhau về biển.
Hà Nội 5/11
Tánh Linh, Bình Thuận 24/11/2019