Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ năm,
01.06.2023 22:49 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 3
Số truy cập: 1696151
Tin tức > Trang Thơ trong nước > Xem nội dung bản tin
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
[14.05.2020 12:55]
Xem hình
Nhà thơ Thiếu Khanh
Vài nét về tác giả

Nhà thơ Thiếu Khanh tên thật là Nguyễn Huỳnh Điệp, sinh năm 1942 tại làng Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hiện đang sống tại Sài Gòn, Việt Nam. Ngay từ tập thơ in riêng lần đầu tiên “Trong cơn thao thức” (1971), ông đã để lại ấn tượng mạnh và sâu sắc trong lòng độc giả bằng giọng thơ riêng biệt, tài hoa. Cách đây gần chục năm, Người Bạn Đường đã giới thiệu đầy đủ nội dung tập "Trong cơn thao thức" của ông. Do hoàn cảnh số phận đặc biệt, sau năm 1975, ông vắng bóng trên văn đàn mấy chục năm, lên rừng làm nông dân, sau chuyên tâm nghiên cứu Anh ngữ, dịch thuật để mưu sinh. Nhưng nghiệp thơ vẫn không rời bỏ ông.

Tác phẩm đã in của Thiếu Khanh gồm có tập thơ “Khơi dòng”, in chung với Thu Lâm và Nguyên Thi Sinh, Canada, 1968,  tập thơ “Trong cơn thao thức”, NXB Da vàng, Đà Nẵng, 1971. Từ bấy đến nay, ông chỉ công bố các tác phẩm dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt và tiếng Việt ra tiếng Anh và một cuốn “Từ điển cụm từ Việt Anh”, NXB Trẻ, năm 2005. Tập thơ “Tình Ca Thiếu Khanh” do Nhân Ảnh xuất bản, năm 2020 đánh dấu sự trở lại Thi Đàn của ông.

 

NBĐ xin trân trọng giới thiệu tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” cùng bạn đọc

 

 Tình ca Thiếu Khanh (Thơ tình Thiếu Khanh). Bìa: Nguyễn Thành. Hình bìa: “Giao Cảm”, tranh Lương Trường Thọ (trưng bày tại Avant Garden Gallery , BroadwayStreet , Santa Ana city California), Nhân Ảnh Xuất Bản 2020. Giá sách: US$21.74. Đã phát hành trên hệ thống phát hành toàn cầu Amazon.

 Trước khi đến với thơ tình Thiếu Khanh, xin mời độc giả đọc bài viết của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết về Thiếu Khanh, một nhà thơ lính viết về nhà thơ lính.

37 NĂM TÔI MỚI GẶP THIẾU KHANH

Khoảng 1973-1974 tôi tình cờ có được tập thơ Trong Cơn Thao Thức của Thiếu Khanh. Tập thơ đã rách bìa, và cuối tập thấy ghi in ở Đà Nẵng 1971. Khi đó cuộc chiến tranh đang hồi ác liệt, tôi là bộ đội và Thiếu Khanh chắc là “lính Cộng Hòa” - vì thơ anh là thơ của một người lính. Tập thơ của anh hấp dẫn tôi vì sự chân thật đến nghẹt thở của một người lính chiến. Từ chuyện hành quân, nổ súng, ném bom đến tin vợ sinh con khi ba đang trong trận đánh đều được anh viết chân thật và lay động tận tâm can. Lúc đó tôi cũng đã làm thơ, đã có thơ in báo và đang chuẩn bị in một tập thơ lính. Đọc Thiếu Khanh, tôi giật mình khâm phục, ước gì viết được những câu thơ gan ruột như anh. Những câu thơ đến giờ tôi còn nhớ:

Ba thèm một lòng nôi suốt sáu năm lính thú
Có con ra đời làm chứng cho Ba

(Vì nếu không may mà Ba nằm xuống
Lấy gì xác nhận Ba đã có mặt trên đời!)

Chỉ có người lính chiến mới nhận ra được cái điều tưởng như đơn giản ấy. Đạn bom đã cướp đi biết bao người lính trẻ “chưa một lần được hôn” (Phùng Quán), họ thành liệt sĩ hay thành vô danh trong suốt cuộc chiến tranh dài như là họ chưa hề có mặt trong đời. Bởi vì cuộc chiến thật khốc liệt, không biết sống chết lúc nào:

“Vỗ vào đầu thấy đau
Ngắt vào thịt thấy đau
Da thịt nghe đau - dấu hiệu sống còn”

Và cái nghịch lý chiến tranh đã tạo nên biết bao bi kịch người lính, kể cả tình yêu mà mình luôn nâng niu trân trọng:
“Anh đi ném bom xé nát trăm miền
Rồi về dưới đó mua cành hoa nhân tạo
Sáng mồng một Tết cho em”

Những câu thơ chua chát và cay đắng thật hiếm có trong cuộc chiến!

Nhiều lần tới Đà Nẵng, tôi hỏi thăm xem có ai biết Thiếu Khanh không. Năm 1984, nhà thơ Đoàn Huy Giao (con rể nghệ sĩ Hoàng Châu Ký) bảo tôi là có biết anh nhưng không biết Thiếu Khanh hiện đang ở đâu. Rồi lâu quá, tôi nghĩ chắc anh vượt biên hoặc đi ra nước ngoài theo diện HO. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc những câu thơ của anh khi nói chuyện về thơ lính. Những câu thơ luôn nhận được sự đồng cảm và thán phục của công chúng.

Mãi đến đầu 2010, trên một chuyến xe chở đoàn nhà văn từ Hà Nội đi dự Đêm Thơ Quốc Tế ở Hạ Long, tôi ngồi ghế trước anh ngồi ghế sau mà không hề biết nhau. Xe gần đến Tuần Châu tôi hỏi anh tên gì? Anh rất hiền từ nói tên là Thiếu Khanh, khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Và khi biết tên tôi anh cũng ngạc nhiên không kém. Hóa ra sau này Đoàn Huy Giao cũng đã kể cho Thiếu Khanh là tôi đã có lần tìm anh. Tôi đọc thuộc những câu thơ gần 40 năm của anh, và anh gật gù đọc nối tiếp. Anh bảo nhiều bài thơ xưa anh không còn nhớ nữa, nhưng những câu thơ tôi thuộc thì anh vẫn nhớ. Hóa ra anh vẫn ở Việt Nam. Sau chiến tranh anh đi làm rẫy 22 năm rồi mới xuống Sài Gòn làm nghề dịch sách văn học, làm sách từ điển, và vẫn thầm lặng làm thơ. Thơ của anh vẫn nồng hậu và lãng đãng chất lính hào hoa xưa.

Xưa “Yêu em ta bỗng thành thi sĩ/ Thơ lính hong ngời mắt mỹ nhân”, và nay thì: “Chỉ hai đứa mình cũng đủ thành giao hưởng/ Mỗi nốt vui khởi xướng cả trăm
bè”.

Chúng tôi du thuyền ra Hạ Long, ngồi cáp treo lên Yên Tử rồi chụp ảnh kỷ niệm hai người lính hai chiến tuyến xưa, nhưng thơ thì không còn ranh giới nào cả, bởi thơ là điểm gặp nhau chung nhất của con Người.

Chiều nay tôi nhận được mail và tấm hình anh gửi. Lòng cảm động như nhận thư của người yêu.

“Sự gặp gỡ của hai chúng ta trong dịp này khiến tôi hết sức xúc động, nó làm cho những ngày ở Hà Nội của tôi thật có ý nghĩa mà nếu trước đó tôi không đi dự chắc là tôi không biết mình đã đánh mất một điều gì. (Tôi đã định không đi dự hội nghị này vì ... sợ không kịp hoàn thành một tác phẩm đang dịch dở dang. Về tới nhà tôi vội lao vào làm việc ngay cho kịp). Tấm ảnh Tạo gửi tôi, năm người chúng ta thật đẹp, và tất cả cùng rất vui. Tôi cũng gởi cho Tạo tấm ảnh chúng ta chụp ở núi Yên Tử. Tôi nhớ chúng ta có chụp một tấm ảnh nữa trước cổng Thiền Phái Trúc Lâm (?), nhưng tôi chưa tìm ra!”.

Vâng 37 năm người viết và người đọc mới gặp nhau mà như đã chơi với nhau từ lâu lắm...

Hà Nội, 21.1.2010

Nguyễn Trọng Tạo

1 Sâu trăm dặm biển,

thưa mười ngón tay

 1.QUY NHƠN

Quy Nhơn đẹp quá phảỉ không em?

Quy Nhơn trong vắt nắng hồn nhiên

Quy Nhơn khúc khích nghiêng vành nón

Reo giữa lòng anh những tiếng chim.


Quy Nhơn đẹp quá phải không em?

Quy Nhơn ngường ngượng nắng chiều êm

Bàn tay mềm nắm bàn tay mạnh

Bước lạ bềnh bồng giữa phố quen.


Quy Nhơn hoa đào trên nét môi

Anh đi hồ hải bốn phương trời

Trang thư không hết niềm tâm sự

Thắp lửa rừng khuya nhớ nụ cười.


Quy Nhơn tóc dài như sóng đêm

Ru anh êm ái giấc mơ hiền

Mai kia sông núi mình quang rạng

Dành trọn đời anh để ngắm em.  


Quy Nhơn lên trường mỗi sớm mai

Anh ra núi lớn nối sông dài

Bao giờ hai nửa trăng về một

Em có so bì ai nhớ ai?


Ngày xa Quy Nhơn ngày dài thêm

Quy Nhơn hun hút phía mây chìm

Chiều xưa còn đọng trên Gành Ráng

Chút nắng vàng phai áo lụa mềm?


Bây giờ mùa Đông hay mùa Xuân?

Quy Nhơn ngăn ngắt giấc mơ gần

Anh ngoài sông núi xa lồng lộng

Hướng một phương trời nhớ Tuyết Vân!

(Trảng Bàng – Tây Ninh, 12/1964)

2. BÓNG NGỰA


Khuya chìm

      trăng quạnh          
                   
    đèo xa

Lung linh bóng ngựa nhạt nhòa nẻo sương

Cõi xưa lạ dấu quên đường

Trong chiêm bao ngỡ y thường thoảng bay

Đêm dằng dặc
ngồi khoanh tay

Con trăng côi cút nhập bầy với ai

Lời nào mơn trớn bên tai

Nghe ra lau lách mọc dài châu thân

Ngựa về bóng ngã theo trăng

Chìm sau đuôi mắt tình nhân hững hờ.

(Trên đèo B’lao, đêm 6.1.1966)

3. BIỂN XƯA

Lòng xao con nước vỗ về

Trải sương bãi thuộc nằm nghe cát buồn

Dấu còng đọng dấu trăng suông

Bữa xưa trút biển vào hồn ngậm đau

Lạt lòng tay nhả tay nhau

Ta theo ngọn sóng ngàn sau luân hồi

Càng đong dòng cát chảy xuôi

Sâu trăm dặm biển thưa mười ngón tay

Non mòn biển cạn không hay

Dấu chân cổ tích chan đầy mê cung

Lòng im bỡ ngỡ lạ lùng

Áp môi cát đẫm thinh không chợt buồn.


4. BỐN MÙA

Xuân

Ra vườn thấy nắng rung rinh

Ai cười trong nón

cho mình ngẩn ngơ

Hạ

Nắng reo phơi phới trên đường

Nghe vang tiếng guốc tan trường

bữa xưa

 Thu

Tóc dài chảy một dòng im

Trong veo làn nước

bóng thuyền Trương Chi

Đông

Tiệc tan

nhạc lặng

người về

Gió bay xác pháo bên hè nhà em.

5. ĐA TẠ

Cũng đành giả lả làm thinh

Tháng năm vỗ cánh một mình đã quen


Lòng người chậm nhớ mau quên

Non thề biển hẹn sao nên nỗi này?


Ân tình sấp ngửa bàn tay

Cuộc chơi đuổi bắt đổi thay ngậm ngùi


Chia nhau chén ngọt chén bùi

Lạc nhau nẻo ngược đường xuôi ngỡ ngàng


Dễ chừng nắng hửng sương tan

Đồi cao núi thấp xui nàng hồi tâm


Nặng lòng đa tạ cố nhân

Thấy cành cong laị băn khoăn ngại lời


Cuộc đời đã hóa trang tôi

Trăm năm

Thôi

 

xẩy tay rồi

hỡi em!

(Còn nữa)

Tin liên quan:
Thiếu Khanh: Bỏ Tết để Văn minh? (28.01.2022 21:12)
Thiếu Khanh: Những phát hiện mới trong cuốn sách The birth of Vietnam cùa tiến sĩ sử học Keith Weller Taylor. (01.02.2021 22:53)
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 4 (04.06.2020 23:06)
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 3 (25.05.2020 20:20)
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2 (20.05.2020 14:45)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
THƠ DƯƠNG THUẤN P1
Tin cùng chủ đề
Trường ca Đất nước hình tia chớp (Ch 7+10) - Trần Mạnh Hảo
Bốn bài thơ bất tử về hoa mai
Đi tìm bài thơ Vòng trắng của Phạm Tiến Duật
Chùm thơ Nguyễn Sĩ Đại
Chùm thơ Nguyễn Văn Hòa - Phú Yên
Đọc “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu
Thơ viếng Ai-ma-top
Về bài thơ Hai nửa vầng trăng
100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20
Ảo ảnh
 
 
 
Thư viện hình