Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ ba,
30.05.2023 13:12 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Năm 2023
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 31        
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1694241
Tin tức > Trang Văn người Việt ở các nước khác > Xem nội dung bản tin
Đỗ Quyên: Đẻ sách (Chương kết*)
[30.12.2018 18:01]
Tuyên ngôn của Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách (1)

Một bóng ma đang ám ảnh các nền văn học và nghệ thuật tiểu thuyết: Bóng ma Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách.
Tất cả văn lực của văn học: từ các phái Văn hoàng tới Chính trị hoàng, từ các em Mở Mồm Tung Bướm tới cánh trương tuần làng văn... đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.

Có phái đối lập chữ nghĩa nào lại không bị địch thủ của mình đang nắm văn quyền hay văn đàn, buộc tội là Ăn Thịt Người Đẻ Sách? Có phe đối lập viết lách nào, đến lượt mình, lại không ném trả lại cho những đại biểu tiến bộ nhất trong phe đối lập, cũng như cho những địch thủ phản nhân tính của mình, lời buộc tội nhục nhã là Ăn Thịt Người Đẻ Sách?

Từ đó, có thể rút ra hai văn luận:

- Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã được tất cả các văn lực ở làng văn thế giới thừa nhận là một văn lực.

- Hiện nay, đã đến lúc những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách phải công khai trình bày trước văn giới đang được toàn cầu hóa những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một văn phẩm về Chủ nghĩa của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Vì mục đích đó, những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thuộc các sắc tộc khác nhau đã họp trên internet trong diễn đàn anthitnguoidesach.com, và thảo ra bản Tuyên ngôn này, được minh họa qua cuốn tiểu thuyết châm biếm Đẻ Sách kèm đây do Đỗ Quyên, một Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chấp bút, với bản đầu tiên được công bố bằng tiếng - tất nhiên - Việt (và đang làm tiếp các bản tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Tàu, tiếng Hàn, tiếng I-ta-li-a, tiếng Phla-măng, v.v... và - nếu thấy thật cần thiết đành buộc lòng - cả tiếng... Đan Mạch!)

Tiểu thuyết châm biếm Đẻ Sách gồm nhiều chương, minh họa và mô tả các ý chính sau:

1. Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách

2. Những người ăn thịt người không đẻ sách và những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách

3. Văn Học Ăn Thịt Người Đẻ Sách

4. Thái độ của những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách đối với các tông phái văn nghệ đối lập và cách tân khác

1. Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách

Lịch sử tất cả các nền văn học tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh của các phương pháp sáng tác và các phương pháp phản sáng tác; cho dù thuật ngữ “phương pháp sáng tác” mới ra đời hồi đầu thế kỷ 19, còn cách gọi chính trị hóa của nó - “chủ nghĩa” (“-isme”) trong văn học - thoát thai ở lối vào thế kỷ 20.

Tác giả và độc giả; nhà văn và nhà xuất bản, tòa soạn; văn giới và chính quyền; văn đàn và chốn đàn đúm; văn sĩ và vợ/chồng/con cái/bồ bịch của văn sĩ… - nói tóm lại, những người viết và những kẻ không viết vốn luôn luôn đối kháng với nhau và với chính bản thân mình, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ văn học, hoặc bằng sự diệt vong của hai phương pháp sáng tác-phản sáng tác cụ thể nào đó đấu tranh với nhau.

Văn Học Không Ăn Thịt Người sinh ra từ trong lòng văn học tiền hiện đại và đang đi đến diệt vong, không xóa bỏ được những đối kháng giữa sáng tác và phản sáng tác. Nó chỉ đem những người viết mới, những người không viết mới, những điều kiện viết mới, những điều kiện không viết mới, những hình thức đấu tranh mới để thay thế những người viết/không viết cũ, những điều kiện viết/không viết cũ, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi.

Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại văn học chúng ta - thời đại mà Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách còn chiếm số đông - là đã đơn giản hoá những đối kháng phương pháp sáng tác và phản sáng tác. Xã hội văn học ngày càng chia thành hai văn phái lớn thù địch nhau, hai văn cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Hai đẳng cấp văn học lớn nhất lịch sử văn giới đó đầu thai và sinh ra trong lòng ba cuộc toàn cầu hóa văn chương: Lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1492 với Christopher Columbus phát hiện ra cú pháp bản xứ Bắc Mỹ; Lần thứ hai, kể từ năm 1880 sau Cách mạng giấy bút Pháp lần thứ nhất năm 1789; Và cuộc văn cầu hóa đệ tam gắn với kỷ nguyên Thông tin và Cách mạng số, bắt đầu từ năm 2000, sau văn kiện Bức tường ngữ nghĩa Đông-Tây sụp đổ ở Berlin 1989. (2)

Của đáng tội, việc tìm ra bàn văn keyboard, văn đàn email và văn lộ internet đã đem lại một văn đồ hoạt động mới cho nhiều Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách vừa ra đời. Như vậy, chúng ta thấy rằng bản thân Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách cũng là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài, của hàng loạt các cuộc cách tân trong phương thức viết và phản viết.

Đúng là Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã đóng được một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử văn chương!

Bất cứ ở chỗ nào Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách chiếm được văn quyền thì nó đã đạp đổ những quan hệ cổ truyền, văn trưởng và điền viên của văn giới truyền thống.

Tất cả những mối quan hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người văn học cổ truyền với "những bề trên tự nhiên" của mình, đều bị Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thẳng bút phá vỡ, không để lại giữa người (đọc) và người (viết) một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối "câu trao chữ múc" không tình không nghĩa.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng văn, của nhiệt tình văn sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh bởi sự tính toán ích kỷ không muốn dây dưa với máu thịt tha nhân.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách tước hết hào quang thần thánh ở tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học... đều bị Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách biến thành các nhân vật tiểu thuyết được văn chương thuê mướn với đồng nhuận bút nhất định cho tác giả.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ giữa các nhân vật và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là quan hệ ngôn ngữ hư cấu đơn thuần.

Tóm lại, Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã đưa đến sự bóc lột chữ nghĩa một cách công nhiên, vô sỉ, trực tiếp và tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng giả văn học về tôn giáo và chính trị.

Chính họ - Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách - là các nhà văn đầu tiên đã cho chúng ta thấy hoạt động của văn nghệ sĩ có khả năng làm được gì. Nó đã tạo ra những kỳ quan văn học khác hẳn những Trường ca Odyssey của thời ngữ nghĩa thượng cổ, những Don Quixote thời ngữ pháp trung cổ, những Anna Karenina thời ngữ vựng cận đại... Nó đã tiến hành những cuộc viễn chinh khác hẳn những cuộc di cư của các dòng văn học và những cuộc thế chiến trên văn đàn.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách không thể tồn tại, nếu như không luôn luôn cách mạng hoá nguyên vật liệu khi hành văn, do đó cách mạng hoá những quan hệ sáng tạo văn học, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong văn học.

Do bóp nặn văn trường toàn cầu, Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã làm cho sự viết và sự phản viết trong tất cả các quốc gia mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho văn học mất cơ sở dân tộc. Những ngành nhánh văn học dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt.

Nhờ cải tiến mau chóng công cụ viết lách và làm cho các phương tiện diễn đàn trở nên vô cùng tiện lợi, Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách lôi cuốn đến cả những dân tộc có ngôn ngữ dã man nhất vào trào lưu văn minh và tân văn. Giá rẻ của những tác phẩm từ các nhà văn ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những vạn lý trường thành của con chữ cái nghĩa, và buộc những người có cú pháp dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải văn phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức viết văn không ăn thịt người, nếu không sẽ bị... ăn thịt! Nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn chương không ăn thịt người, nghĩa là phải trở thành kẻ văn người thơ không ăn thịt người! Nói tóm lại, nó sinh ra cho nó một thế giới ngữ nghĩa theo văn dạng của nó.

Tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách bắt văn học nông thôn phải phục tùng văn học thành thị. Nó lập ra những đô thị văn chương đồ sộ; nó làm cho dân số của chữ nghĩa tân hình thức phố thị tăng lên phi thường so với dân số ca dao chân quê; và do đó, nó kéo một bộ phận lớn dân cư thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống câu chữ thôn dã. Cũng như nó đã bắt nghĩa nông thôn phải phụ thuộc vào ngữ thành thị, bắt những xứ sở có ngữ pháp dã man hay một phần ba dã man phải phụ thuộc vào các quốc gia mang ngữ pháp văn minh; nó đã bắt những dân tộc ít động từ nhiều danh từ phải phụ thuộc vào những dân tộc nhiều động từ ít danh từ, bắt Đông văn phải phụ thuộc vào Tây văn.

Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng xoá bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sáng tác, về tài sản ngôn từ và về dân cư văn học. Nó tụ tập văn nhân, tập trung văn liệu, và tích tụ văn sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là sự tập trung về văn trị.

Tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, trong quá trình văn trị một thế kỷ rưỡi đã cất công tạo ra những lực lượng viết văn nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sáng tạo trong bảy môn nghệ thuật từ tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Nhờ chinh phục được các công cụ văn nhiên - những phương tiện của thế giới tự nhiên đến với văn học - qua sự viết bằng máy đánh chữ rồi nay là bàn phím computer, laptop, iPhone và sắp tới chỉ cần gõ ngón tay Này hay bàn tay Kia vào khoảng không nào đó, Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã khoác lên cơ thể hoành tráng của trường ca tấm voan thấu hết những gì trường ca cấu thành, đã rước thơ từ đỉnh cao trữ tình mây mờ xuống là là với các cục phân tư tưởng, đã chuyển hóa sân khấu kịch từ thi trường thành chính trường rồi chiến trường, đã biến hóa bộ môn lý luận phê bình khi thành chiếc roi sắt lúc làm củ cà rốt cho các con ngựa con lừa văn học, đã khai phá từng lục địa nguyên vẹn trên bản đồ tiểu thuyết, và đã đặt dấu chấm tưởng như cuối cùng với nghệ thuật trước cuộc đời qua truyện ngắn rồi truyện cực ngắn…

Hỏi có các kỷ nguyên nào trước đó lại ngờ được rằng, hôm nay, bàn văn ở các Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách được thừa hưởng những văn lực sáng tạo ngôn từ như thế tiềm tàng trong lòng lao động văn học?

Vậy là chúng ta đang thấy rằng, những tư liệu sáng tác và bình luận, làm cơ sở hình thành cho tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, đã được tạo ra từ trong lòng xã hội văn học hậu truyền thống và tiền hiện đại. Những tư liệu viết lách và phản viết lách ấy phát triển tới một trình độ nhất định nào đó thì sẽ không phù hợp với những lực lượng độc giả đã phát triển cả về dạ dày lẫn não bộ. Những cái đó đã và đang  cản trở viết lách, chứ không làm cho viết lách tiến triển. Tất cả những cái đó đều biến thành xiềng xích! Phải đập tan những văn xiềng ngữ xích ấy, và quả nhiên những ngữ xích văn xiềng ấy đã và đang bị đập tan!

Những vũ khí mà Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã dùng để đánh đổ các tông phái văn nghệ lớn nhất như chủ nghĩa văn học kinh điển, chủ nghĩa văn học lãng mạn và chủ nghĩa văn học hiện thực “chăm phần chăm em ơi”, thì ngày nay quay lại đập ngay vào chính họ. Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách không những đã rèn những văn khí tự giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng văn khí ấy chống lại nó, đó là những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, những Độc Giả Ăn Thịt Người Đọc Sách.

Tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách mà lớn lên thì tầng lớp Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách - tức là các nhà văn chỉ có thể viết với điều kiện kiếm được đối tượng văn chương ăn thịt người và kiếm được người để ăn thịt - cũng lớn lên theo. Những nhà văn ấy, buộc phải tự chan hòa câu máu chữ thịt của bản thân với câu thịt chữ máu của tha nhân để viết văn từng dòng một, như là sản phẩm bằng ngữ nghĩa, tức là một món hàng ngôn ngữ bị đem bán như bất cứ một món hàng phi ngôn ngữ nào khác. Vì thế họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường xuất bản sách báo.

Với sự phát triển từ việc dùng computer, email và internet và sự phân công văn sản, lao động nhà văn của Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách trở nên mất hết tính chất độc lập, do đó họ mất hết văn hứng.

Văn chương Hậu hiện đại (Post-modernism) và - còn nữa nào đã hết - văn chương Sau hậu hiện đại (Beyond post-modernism) đã biến bàn văn của người thơ chân quê ở một làng văn vùng sâu vùng xa trở thành tòa soạn viễn liên của Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách sống ngay giữa đại đô thị. Những khối đông đảo Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chen chúc nhau trong nhà xuất bản, tòa soạn được tổ chức theo lối quân sự. Là những người lính trơn của văn khu, họ bị đặt dưới quyền giám sát của cả một hệ thống cấp bậc sĩ quan (văn) và hạ sĩ quan (văn). Họ không những là văn nô cho tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, cho chủ nghĩa Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, mà hàng ngày, hàng giờ, còn là văn nô của thế giới phẳng computer-email-weblog, của các tay sen đầm văn giới, đầu nậu văn bút, và trước hết của chính cái kẻ Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách làm chủ bút tòa soạn, sếp sòng nhà sách, chủ xị văn đàn. Chế độ chuyên quyền văn học ấy càng công khai tuyên bố văn danh (tiếng) và văn kim (tiền) là mục đích cao nhất của nó thì nó lại càng trở nên ti tiện, bỉ ổi và đáng căm ghét.

Vì cánh Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng cạnh tranh với nhau hơn và vì khủng hoảng mỹ học cùng phương pháp luận do sự cạnh tranh ấy sinh ra, cho nên tiền nhuận bút càng trở nên bấp bênh. Việc cải tiến bút pháp, văn phong không ngừng và ngày càng nhanh chóng hơn - nhất là nâng bi hiện thực, sờ mông ngôn ngữ - làm cho văn cảnh ở trường phái Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng bấp bênh, những cuộc xung đột cá nhân giữa Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng có tính chất của những cuộc xung đột giữa hai chủ nghĩa, hai trường phái.

Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách bắt đầu thành lập những liên minh (văn bút, văn đoàn) chống lại bọn Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách để bảo vệ lao động nghệ thuật của mình. Thậm chí họ đi tới chỗ thành lập những đoàn thể, những diễn đàn liên mạng thường trực để sẵn sàng đối phó khi những cuộc xung đột bất ngờ xảy ra. Đây đó, đấu tranh ngữ nghĩa đã nổ thành văn chiến.

Đôi khi Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thắng, nhưng đó là một thắng lợi tạm thời.

Sự tổ chức như vậy của Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thành đẳng cấp và do đó thành chủ nghĩa, luôn luôn bị phá vỡ bởi sự cạnh tranh giữa chính các Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách với nhau. Nhưng nó luôn luôn được tái lập và luôn luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn. Nó lợi dụng những bất hòa trong nội bộ Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách để buộc họ phải thừa nhận một số văn quyền của Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Chẳng hạn, ăn tim của ai cũng được với nhà văn David O'Donovan (ở Chương 1, Đẻ Sách), ăn chân người tỵ nạn chỉ để viết sách luật pháp Đức với nhà văn  Tabitha McAmmond (trong Chương 2), Nhà thơ Tự-ăn-tóc có thể bất lực trước các ngón tay của mình đang ngoại tình với Nhà viết kịch Ăn-tóc (nơi Chương 3), Ban chấp hành Hội Văn học Ăn tay Toàn thế giới thường có tính thây kệ (giữa Chương 4), v.v...

Nói chung, những xung đột xảy ra trong nền văn học cũ đã bằng nhiều cách giúp cho giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách phát triển. Giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách sống trong một trạng thái luận chiến không ngừng. Trước hết chống lại các văn hào thi bá hậu cổ điển, trung lãng mạn và tiền hiện thực; sau đó, chống lại các bộ phận của chính ngay giai tầng mình mà văn quyền xung đột với sự tiến bộ của đại công nghệ viết lách; và cuối cùng, luôn luôn chống lại giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách ở tất cả các nước. Trong hết thảy những cuộc đấu tranh ấy, giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách tự thấy mình buộc phải kêu gọi giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, yêu cầu họ giúp sức, và do đó, lôi cuốn họ vào phong trào văn học. Thành thử giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã buộc phải cung cấp cho những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách một phần trong những tri thức văn nghệ và những tri thức phổ thông của bản thân nó, nghĩa là những vũ khí chống lại chính nó.

Hơn nữa, như chúng ta vừa thấy, từng bộ phận trọn vẹn của giai tầng thống trị văn học bị sự tiến bộ từ công nghệ kỹ thuật đẩy vào hàng ngũ các Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, hay ít ra cũng bị đe dọa về những điều kiện văn sinh của họ. Những bộ phận ấy cũng đem lại cho giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách nhiều kiến văn.

Cuối cùng, lúc mà cuộc đấu tranh về phương pháp luận tiến gần đến giờ quyết định thì quá trình tan rã của giai tầng thống trị văn học, của toàn nền văn học vừa mới đã bị cũ, mang tính chất dữ dội và khốc liệt đến nỗi một bộ phận nhỏ từ giai tầng văn trị đó tách khỏi giai tầng này và đi theo giai tầng của văn tân, đi theo giai tầng trong tay đang nắm tương lai văn nghệ. Như trước kia, một bộ phận từ các văn học hậu kinh điển, trung lãng mạn và tiền hiện thực, thậm chí của cả các văn học “chăm phần chăm em ơi” kinh điển, lãng mạn, hiện thực cũng chạy sang hàng ngũ giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Ngày nay, một bộ phận của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách cũng chạy sang hàng ngũ giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách - đó là bộ phận những nhà tư tưởng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã biết vươn lên nhận thức được, về mặt lý luận, toàn bộ quá trình vận động của lịch sử văn học Ăn/Không ăn Thịt Người Đẻ/Không đẻ Sách.

Trong tất cả các tầng lớp hiện đang đối lập với giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thì chỉ có giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách là giai tầng thực sự văn tân, triệt để văn cách, hoàn toàn văn mệnh. Tất cả các giai tầng khác đều sẽ suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại internet, trong khi đó giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách lại chính là sản phẩm của bản thân nền kỹ nghệ đại internet, của thế giới đại phẳng!

Các tầng lớp trung đẳng là những Nhà Văn Ăn Thịt Người Không Đẻ Sách, Không (là) Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Không (ra) Sách, Độc Giả Ăn Thịt Người Đẻ Sách, v.v... và v.v... - tất cả đều đấu tranh chống giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ để cứu lấy sự sống còn văn chương của riêng họ với tính cách như những tầng lớp trung đẳng. Cho nên họ không cách tân, cách mạng, mà bảo thủ; càng không văn tân, văn mệnh, thậm chí hơn thế nữa, lại phản động: họ tìm cách làm cho con chuột trên bàn văn chạy nhắng nhít, làm cho màn hình của văn đàn lồi lõm hơn. Nếu có thái độ cách tân thì cũng chỉ trong chừng mực là họ thấy mình sẽ phải rơi vào hàng ngũ Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách: lúc đó, họ bảo vệ lợi ích văn học tương lai của họ, chứ không phải lợi ích văn học hiện tại của họ; lúc đó, họ từ bỏ quan niệm văn nghệ của chính mình để đứng trên văn niệm của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Còn giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách lưu manh, cái sản phẩm tiêu cực từ sự thối rữa những tầng lớp tận cùng trong các trào lưu văn học cũ, thì đây đó này kia, có thể được cuộc cách mạng Ăn Thịt Người Đẻ Sách lôi cuốn vào phong trào, nhưng điều kiện sinh hoạt chữ nghĩa của họ lại khiến họ sẵn sàng bán bút buôn mouse cho những mưu đồ từ các phe phản văn học.

Điều kiện sinh hoạt của văn chương cũ đã bị xóa bỏ trong những điều kiện sinh hoạt của giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách không còn gì để ăn, nếu muốn sáng tác ra hồn sáng tác; Quan hệ giữa anh/chị ta với vợ/chồng/con/bồ bịch không còn giống chút nào so với quan hệ gia đình Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách; Viết lách trong công nghệ thông tin đại hiện đại, tình trạng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách làm văn nô cho Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, ở Anh cũng như Áo, ở Chile cũng như ở Ấn Độ, đã làm cho Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách mất hết mọi tính chất dân tộc; Thi pháp, nội dung, hình thức văn học đều bị Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách coi là những thành kiến Không Ăn Thịt che giấu những lợi ích Không Ăn Thịt.

Tất cả những giai tầng văn học trước kia sau khi chiếm được văn quyền, đều ra sức củng cố văn vị mà họ đã nắm được bằng cách bắt toàn văn giới tuân theo những văn kiện đảm bảo cho phương thức sáng tạo của chính chúng. Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ có thể giành được các lực lượng văn học bằng cách xóa bỏ phương thức sáng tác hiện nay của chính mình, và do đấy, xóa bỏ toàn bộ phương thức sáng tác nói chung đã tồn tại từ trước đến nay. Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chẳng có cái con... c. (chuột) gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá hủy hết thảy những gì vẫn bảo đảm và bảo vệ phương cách Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách từ trước đến nay!

Tất cả những trào lưu văn học, từ trước tới nay, đều do thiểu số văn nhân thực hiện, hoặc đều mưu cầu lợi ích cho thiểu số văn nhân. Cao trào Ăn Thịt Người Đẻ Sách là một phong trào độc lập của khối đại đa số các loại nhân, mưu cầu lợi ích cho khối đại đa số các loại nhân. Giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách, tầng lớp tận cùng dưới đáy của văn học hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành văn học.

Cuộc đấu tranh của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chống lại giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh văn học dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh văn học dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách ở mỗi nước (và cộng đồng hải ngoại của nó) phải thanh toán xong cái giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đang cùng viết bằng tiếng của nước mình đã.

Khi phác ra những nét lớn từ các giai đoạn phát triển của văn tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, chúng tôi đã nghiên cứu cuộc nội chiến văn nghệ ít nhiều mang tính chất ngấm ngầm trong văn học hiện nay cho đến lúc cuộc văn chiến ấy nổ bung ra thành cuộc văn cách công khai, mà văn tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thiết lập sự văn trị của mình bằng cách dùng văn lực lật đổ văn tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Tất cả những dòng văn học trước kia, như chúng ta đã thấy, đều dựa trên sự đối kháng giữa các giai tầng Không Ăn Thịt Người và các giai tầng được/bị Ăn Thịt Người.

Điều kiện căn bản của sự tồn tại và sự văn trị của giai tầng Không Ăn Thịt Người là sự tích lũy văn liệu vào tay những (văn) tư nhân, là sự hình thành và tăng thêm văn liệu sáng tác. Điều kiện tồn tại của Không Ăn Thịt Người là Ăn Thịt Người viết sách thuê theo đơn đặt hàng của Không Ăn Thịt Người. Lao động nghệ thuật làm thuê hoàn toàn dựa vào sự cạnh tranh giữa văn công - công nhân văn học - với nhau. Sự tiến bộ của văn nghiệp - mà giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó - đã đem sự đoàn kết cách tân của văn công do liên hợp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của văn công do cạnh tranh giữa họ gây nên. Như vậy, cùng với sự phát triển của đại internet, chính cái nền tảng, mà trên đó giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách từng sáng tác và chiếm hữu văn phẩm của mình, đã bị phá sập dưới chân giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Thế là, trước hết, giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó!

Sự sụp đổ của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách và sự thắng lợi của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách đều là tất yếu!

2. Những người ăn thịt người (không đẻ sách) và những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách

Quan hệ giữa Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách với những người ăn thịt người nói chung (không đẻ sách) như thế nào?

Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách không thuộc về một tông phái văn học hoàn toàn riêng biệt, đối lập với các chủ nghĩa, phương pháp Ăn Thịt Người khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể các giai tầng Ăn Thịt Người. Họ không đặt ra những nguyên tắc hành văn riêng biệt nhằm khuôn phong trào Ăn Thịt Người theo những văn tắc ấy.

Văn phái Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ khác với các chủ nghĩa, trường phái Ăn Thịt Người khác trên hai điểm:

- Một là, trong các cuộc đấu tranh của những người Ăn Thịt Người, theo các mục đích Ăn Thịt Người khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích chung cho toàn thể các giai tầng Ăn Thịt Người mà không phụ thuộc vào việc Ăn Thịt Người để làm gì.

- Hai là, ở các giai đoạn khác nhau của sự phân kỳ văn học trong cuộc đấu tranh giữa Ăn Thịt Người và Không Ăn Thịt Người, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích văn học của toàn bộ phong trào.

Vậy là về mặt thực tiễn, những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách là bộ phận kiên quyết nhất trong các trường phái Ăn Thịt Người ở những mục đích khác nhau; là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên về mặt lý luận, họ hơn các bộ phận còn lại của các giai tầng Ăn Thịt Người ở chỗ họ hiểu rõ những văn kiện, văn trình và văn phẩm chung của phong trào Ăn Thịt Người nói chung, dù ăn để đẻ sách hay không đẻ sách hay đẻ không sách hay vân vân...

Mục đích trước mắt của những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách cũng là mục đích trước mắt của tất cả các trường phái Ăn Thịt Người khác: tổ chức những người Ăn Thịt Người thành giai tầng; lật đổ sự văn trị của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách; và sau đó giai tầng Ăn Thịt Người giành lấy toàn bộ xã hội văn học.

Quan điểm lý luận của những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách tuyệt nhiên không dựa trên những văn niệm, những văn lý từ một văn hào cải cách thế giới nào đó phát minh hay phát hiện ra. Những nguyên lý ấy chỉ là biểu hiện khái quát từ các quan hệ văn chương thực tại của cuộc đấu tranh giai tầng hiện có, của sự vận động văn học đang diễn ra ngay trong phòng văn nơi mỗi văn sĩ chúng ta.

Tất cả những phong cách Ăn Thịt Người và Không Ăn Thịt Người đã trải qua những thay đổi liên tiếp, những cải biến liên tiếp trong văn học. Chẳng hạn, một chuỗi cao trào Không Ăn Thịt Người Đẻ Tiểu Thuyết ở Pháp với Honoré de Balzac và Victor Hugo, với vân vân và vân vân, để cuối cùng với Albert Camus và Jean-Paul Sartre đã xóa bỏ vĩnh viễn nền văn trị trung lãng mạn hậu hiện thực Ăn Ruộng Đất Đẻ Sách và đã bênh vực văn phái Không Ăn Thịt Người ở Âu châu. Vậy thì tại sao người ta lại trách những người Ăn Thịt Người Đẻ Sách chúng tôi là muốn xóa bỏ sự Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách? Tại sao, tại sao và tại sao?

Vâng! Chúng ta sắp nói đến việc Ăn Thịt Người Đẻ Sách viết thuê.

Giá cả trung bình của lao động viết thuê là số tiền nhuận bút tối thiểu, nghĩa là tổng số nguyên liệu sinh hoạt cần thiết cho nhà văn duy trì đời sống với tính cách là văn công (công nhân văn học). Cho nên cái mà Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách viết thuê chiếm hữu được bằng văn hoạt (sinh hoạt văn học) của mình cũng chỉ vừa đủ để tái xuất ra văn hoạt mà thôi. Không! Nhiều lần không! Chúng tôi tuyệt không muốn xóa bỏ việc Ăn Thịt Người ấy về những văn phẩm cần thiết để tái xuất ra văn hoạt, vì sự văn chiếm (chiếm hữu văn chương) ấy không đẻ ra một khoản dư văn nghệ văn giềng nào có thể đem lại một văn lực chi phối văn hoạt của văn sĩ khác.

Các ông hoắng lên, vì chúng tôi muốn xóa bỏ hình thức viết văn Không Ăn Thịt Người. Nhưng trong văn giới hiện nay của các ông, cái cung cách Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã bị xóa bỏ đối với chín phần mười số thành viên của văn giới đó rồi; chính vì nó không tồn tại đối với số chín phần mười ấy, nên nó mới tồn tại được. Như vậy, các ông trách chúng tôi muốn xóa bỏ một văn phong chỉ có thể tồn tại với điều kiện tất yếu là tuyệt đại đa số văn nhân bị tước hết văn quyền Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Nói tóm lại, các ông buộc tội chúng tôi là muốn xóa bỏ cách viết riêng của các ông. Quả thật, đó chính là điều chúng tôi muốn.

Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách không tước bỏ của ai cái khả năng đang chiếm hữu những phương pháp sáng tác cả. Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ tước bỏ quyền dùng sự văn chiếm ấy để nô dịch lao động nhà văn của người khác, tức là để tạo ra các văn nô.

Người ta còn phản đối lại rằng, xóa bỏ lối viết Không Ăn Thịt Người thì mọi hoạt động sáng tạo sẽ ngừng lại, thì bệnh viết dở “no thịt người ấm cật” sẽ phổ biến, sẽ ngự trị. Nếu quả vậy thì Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách phải sụp đổ từ lâu rồi do tình trạng viết dở, vì trong văn học ấy những nhà văn thì không được viết mà những kẻ được viết lại chẳng là nhà văn. Tất cả sự lo ngại đó chung quy chỉ là luận điệu trùng phức cho rằng, nếu không còn giới Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thì cũng không còn lao động nghệ thuật nữa!

Tất cả những lời phản đối nhằm chống lại thi pháp Ăn Thịt Người và chiếm hữu những văn phẩm được tung ra, cũng nhằm chống lại sự viết và sự chiếm những sản phẩm tinh thần và chiếm hữu cả Thịt Người nữa. Nếu đối với người Không Ăn Thịt Người, cách viết Không Ăn Thịt Người bị thủ tiêu có nghĩa là chính văn học cũng bị thủ tiêu, thì đối với họ, văn hoá Ăn/Không Ăn để viết bị thủ tiêu, cũng có nghĩa văn hóa nói chung bị thủ tiêu. Cái văn hoá mà người Không Ăn Thịt Người than tiếc bị tiêu diệt đi đó, thì với đại đa số, chỉ là việc biến họ thành vật phụ thuộc vào việc đẻ sách mà thôi.

Nếu các ông lấy những quan điểm Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách của các ông về thi pháp học, mỹ học, ngôn ngữ học, tu từ học... làm tiêu chuẩn để xét việc xóa bỏ sự Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thì chẳng cần phải tranh cãi với chúng tôi làm gì. Chính những tư tưởng của các ông là sản phẩm của phong cách Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, cũng như văn quyền của các ông chỉ là văn ý của giai tầng các ông được đề lên thành văn pháp - cái văn ý mà nội dung là do những điều kiện văn hoạt thiếu chia sẻ thịt người thịt mình của giai tầng các ông quyết định.

Quan niệm thiên vị khiến các ông biến những quan hệ văn đàn và quan hệ văn liệu của các ông từ quan hệ văn sử, mang tính chất nhất thời trong quá trình phát triển của nghề viết thành những quy luật vĩnh cửu của tự nhiên và lý trí - Thưa vâng, quan niệm ấy, các ông cũng tán đồng với tất cả các giai tầng văn trị trước đây và hiện không còn nữa. Điều mà các ông nhận thức được đối với văn giới Không Ăn Thịt Chó ở thời bút lông, hay gần hơn là văn giới Ăn Ruộng Đất trong thời lãng mạn, thì nay đối với Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách các ông lại không dám nhận thức nữa.

Bây giờ tới lúc nói về quan hệ Ăn Thịt Người và gia đình, hôn nhân...

Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách! Ngay cả những người cấp tiến cực đoan nhất cũng phẫn nộ về cái văn ý xấu xa ấy của những người Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Thế cái gọi là văn học Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách hiện nay dựa trên cơ sở nào nhỉ? Dựa trên quan niệm "văn mình vợ người” và “vợ như cơm, nhân tình như phở”. Văn học gia đình dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách mà thôi; nhưng nó lại kèm theo sự bắt buộc phải thủ tiêu mọi gia đình văn học đối với Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách, và kèm theo nạn mãi dâm văn bút và bia ôm sáng tác một cách công khai và tá lả.

Văn học gia đình và gia đình văn học của Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách dĩ nhiên sẽ tiêu tan cùng với cái vật bổ sung đó của nó, và cả hai cái ấy đều mất đi cùng với sự tan biến của Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách.

Các ông trách chúng tôi muốn xóa bỏ hiện tượng Nhà Văn Cha Mẹ Không Ăn Thịt Con Cái Đẻ Sách? Tội ấy, chúng tôi xin nhận. Nhưng các ông lại bảo rằng chúng tôi muốn thủ tiêu những mối quan hệ văn thiết nhất đối với con người, bằng cách đem giáo dục văn học thay thế các giáo dục vợ chồng, con cái. Thế nền giáo dục của các ông chẳng phải cũng do văn học quyết định đó sao? Chẳng phải từ những quan hệ văn học của các ông, từ sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp của văn học thông qua nhà trường để nuôi dạy con cái các ông đó sao? Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách không bịa đặt ra tác động văn học đối với giáo dục; chúng tôi không chỉ thay đổi tính chất giáo dục văn học mà còn kéo giáo dục văn học ra khỏi ảnh hưởng của giai tầng văn trị.

Kỹ nghệ đại internet càng phát triển sẽ càng phá hủy mọi mối quan hệ chữ nghĩa gia đình của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách, và càng biến trẻ em thành những món hàng văn tự, những công cụ lao động văn học đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách về văn nghệ gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ câu chữ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm.

“Nhưng bọn Nhà Văn Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách các anh, muốn thực hành chế độ văn chương cộng thê”, toàn thể Nhà Văn Không Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách đồng thanh tru tréo như vậy.

Đối với người Không Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ hoặc để sản xuất con cái văn học hoặc để thỏa mãn tình dục văn chương. Cho nên nghe nói việc Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách phải được đem dùng làm thi pháp chung, tất nhiên hắn kết luận rằng chính đàn bà rồi cũng phải chịu cái số phận chung là bị văn học hóa. Thậm chí hắn không ngờ vấn đề ở đây, chính là kéo đàn bà ra khỏi vai trò hiện nay của họ như một công cụ đơn thuần sản xuất con cái chữ nghĩa hay như các sex toys ngôn ngữ.

Vả lại, không có gì lố bịch bằng sự ghê sợ quá đạo đức của những nhà Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách với cái gọi là văn chương cộng thê chính thức do những người Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách chủ trương.

Những người Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách khỏi cần phải áp dụng phong cách văn chương cộng thê, phong cách ấy hầu như đã luôn luôn tồn tại.

Các ngài Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách của chúng ta chưa thỏa mãn là đã sẵn có vợ, bồ, bạn gái, con gái và con dâu của những người nam Ăn Thịt Thân Nhân để dùng làm các nhân vật hư cấu và phi hư cấu; đó là chưa kể chế độ văn đàn mãi dâm cùng các khoản dụng ngôn “tươi mát” công khai, các ngài ấy còn lấy việc cắm sừng con tự lẫn nhau làm một thú vui văn giới đặc biệt.

Văn chương hôn nhân và hôn nhân văn chương của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách thật ra mang văn thể cộng thê. Có chăng người ta chỉ có thể buộc tội những Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách là họ tuồng như muốn đem một chế độ chữ nghĩa cộng thê công khai và chính thức thay cho cái thói văn nghệ cộng thê được che đậy một cách giả chữ giả nghĩa mà thôi.

Nhưng với sự xóa bỏ những quan hệ Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, dĩ nhiên chế độ văn học cộng thê do những quan hệ sáng tác ấy sinh ra, tức là chế độ văn ngôn mãi dâm và “tươi mát” chính thức cũng như không chính thức, tất sẽ biến mất.

Chưa hết! Người ta còn buộc tội những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách là muốn xóa bỏ văn học Tổ quốc, xóa bỏ văn chương dân tộc, xóa bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ.

Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách không có ngôn ngữ văn học. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có. Vì giai tầng Ăn Thịt Người ở mỗi nước, ở mỗi ngôn ngữ trước hết phải giành lấy văn quyền, phải tự vươn lên thành giai tầng dân tộc, phải tự mình giành quốc ngữ, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai tầng Không Ăn Thịt Người hiểu.

Kèm theo sự phát triển của giai tầng Không Ăn Thịt Người là tự do viết lách, là văn đoàn toàn cầu hóa, là sự đồng đều của nghề viết, là sự văn khế hóa nền văn học thành văn và là những điều kiện văn hoạt thích ứng như internet, website, blog, thì những cách biệt giữa các văn học dân tộc và những đối lập giữa làng văn ở các nước cũng ngày càng mất đi.

Đ.Q

(Còn nữa)

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Đỗ Quyên: Đẻ sách (25.01.2019 15:44)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
NHÀ VĂN NỮ LỆ HẰNG - VIỆT KIỀU ÚC: Viết rất là khổ cực!
VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGOẠI
Anh hoa phát tiết ra ngoài - Trần Thị Bông Giấy (Hoa Kỳ)
Mùa thu vàng
Vĩnh biệt Võ Thị Thu Trang
Quyên
Gặp các nhà văn Mỹ ở hải ngoại
Phạm Tiến Duật đây là một con đường
TS Thái Kim Lan và tủ sách Tuyển tập văn học Đức - Việt
THĂM TRƯỜNG M. GORKI
 
 
 
Thư viện hình