IV. Tình yêu nơi Tiutchev
Cũng cái chất bi kịch thực thụ ấy thẩm thấu thơ về tình yêu của Tiutchev. Tỉ trọng thơ tình trong di sản của nhà thơ-triết gia này khá cao: 47/303 bài thơ, ứng hợp với vị trí mà tình yêu chiếm giữ trong đời sống của Tiutchev-con người. Về đời sống tình cảm sầm uất và nhiều bão táp lẫm liệt của Tiutchev người ta sáng tác những giai thoại và viết những công trình khảo cứu nghiêm túc. Tình yêu, đặc biệt mối tình cuối cùng của Tiutchev đối với Denisieva (*) đã cổ lệ ông viết lên một loạt thi phẩm được xem là những viên ngọc sáng của thơ trữ tình tình yêu Nga. Thơ tình Tiutchev có những đặc điểm phân biệt rõ rệt, ứng hợp với chất tư tưởng của thơ ông, với nhân sinh quan và vũ trụ quan đặc thù của ông. Trừ một số ngoại lệ, ta không tìm thấy trong những bài thơ tình của Tiutchev sự thổ lộ trực tiếp những tình cảm yêu đương, những tâm trạng sung sướng hay đau khổ mà tình yêu đem lại. Thơ tình của Tiutchev về bản chất là thơ suy ngẫm và kiểm nghiệm, thơ cật vấn và lý giải. Yếu tố nhục cảm trong tình yêu được thể hiện chỉ trong một bài thơ - nàng thơ của Tiutchev, như một nhà phê bình văn học thế kỷ XIX (I. Aksakov) nói, không chỉ khiêm nhường, mà còn cả thẹn. Nhưng ít mang sắc thái nhục cảm, thơ tình của Tiutchev cũng ít chứa đựng yếu tố lý tưởng hoá - ở điểm này, Tiutchev khác xa ngay cả Pushkin, chứ chưa nói đến các nhà thơ Nga lãng mạn và tân lãng mạn chủ nghĩa từ Zhukovski đến Blok và Tsvetaeva - những thi nhân tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận trong sự không chỉ lý tưởng hoá, mà còn thần thánh hoá người yêu. Trong thơ Tiutchev tình yêu ít khi được ca ngợi, tán tụng, nó ít khi xuất hiện như một tình cảm hồn nhiên, tươi sáng, làm đẹp cuộc sống con người, cất bổng nó lên khỏi thực tại đời thường ô trọc. Tiutchev thường cảm thụ tình yêu như một sức mạnh phi lý tính chiếm lĩnh toàn bộ con người, đem vào trong cuộc sống của nó sự lưỡng phân phức tạp hoá, sự bất hoà, sự khổ đau, sự bất hạnh. Tình yêu trong thơ Tiutchev hay được đồng nhất với nguyên tố lửa trong vũ trụ - nguyên tố huỷ hoại sự sống, khi nó không được kiềm chế. Trong một bài thơ không đề năm 1835, Tiutchev so sánh tình yêu đương chớm nở trong lòng người trinh nữ với cảnh cơn dông đang đến gần (thêm một hiện tượng dông bãonữa!): khí trời oi ả đến ngột ngạt, tiếng côn trùng inh ỏi lẫn với tiếng sấm xa, chớp dật chạy quanh bầu trời, người thiếu nữ thấy người nóng hầm hập như có lửa chảy trong gân mạch, mắt mờ đi, lồng ngực nghẹt thở, và những giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống nặng nề như những giọt mưa dông bắt đầu. Hiện tượng tự nhiên và hiện tượng tâm lý được mô tả lúc song song, lúc xen kẽ, chúng có chung một bản chất, chúng là hai biểu hiện khác cấp của một sự kiện vũ trụ hiểm nguy diễn đi diễn lại.
Bài thơ Biệt thự Ý (1837) vẽ một bức tranh ngược lại: tình yêu nồng cháy của hai cá thể con người phá vỡ sự bình yên êm đẹp của thiên nhiên. Khi họ bước vào khuôn viên cái biệt thự ngủ trăm năm giữa rừng bách trong tiếng róc rách của suối phun thì suối bỗng ngừng chảy, ngọn gió run rẩy lắc lư các ngọn cây, và tiếng nói lo sợ phát ra từ tiềm thức chủ thể trữ tình:
Cái gì thế, hỡi bạn lòng? Hay là cuộc sống ác tính,
Cái cuộc sống - than ôi!- không ngẫu nhiên chảy trong ta,
Cuộc sống ác tính, với nhiệt khí cuồng say,
Đã bước qua ngưỡng thiêng ẩn kín?
Tình yêu với “nhiệt khí cuồng say” là biểu hiện của “cuộc sống ác tính”, cái cuộc sống cá thể khao khát vượt ra ngoài khuôn khổ hữu hạn của mình nhưng không phải để hội nhập với bản thể thần thánh nhất thống tất cả của vũ trụ, mà để chiếm đoạt, sở hữu một linh hồn cá thể khác, vì thế mà luôn luôn xung đột với nó, hãm hại nó và hãm hại mình. Vào thời kỳ yêu say đắm Denisieva, Tiutchev viết những dòng thơ tự thú:
Ôi, sao tình yêu của chúng ta khốc liệt,
Sao trong đam mê mù quáng, cuồng điên
Ta càng hãm hại bạo ngược hơn
Cái mà tim ta yêu quý nhất!
Và từ những trải nghiệm của bản thân với những quan sát về sự đời, ông rút ra cái quy luật tất yếu của tình yêu, cái tiền định của nó:
Tình yêu, tình yêu - người đời truyền tụng-
Là liên minh của linh hồn với linh hồn thân thương,
Là sự kết hợp, sự hoà hợp của chúng
Nhưng cũng là cuộc hội ngộ định mệnh
Và cuộc giao chiến oan khốc!
Và trong cuộc chiến không ngang sức ấy
Trái tim nào dịu hiền hơn
Thì càng chắc chắn, càng tất yếu hơn
Yêu thương, khổ đau, buồn tủi-
Nó cuối cùng sẽ chết vì kiệt sức.
Nhà nghiên cứu người Ý Angelo Maria Ripellino trong một bài viết về Tiutchev mang tiêu đề đáng để ý - Sự già cả (sénilité) của Tiutchev - viết: ?Tiutchev không bao giờ biết ca ngợi niềm vui của sự sở hữu, sự hiện diện ấm áp, mà chỉ truyền đạt sự nuối tiếc cái con người để mất hay cái tiêu biến trong thời gian.”(*) Trong 23 bài thơ tình tặng Denisieva, không có bài nào nói lên niềm sung sướng được yêu và được sở hữu người yêu. Ngược lại, nhà thơ chua chát nhận thấy sự không xứng đáng của mình. “Như một phù thuỷ thảm hại, đứng trước mà không tin/ vào cái thế giới diệu kỳ do chính nó tạo nên / anh đỏ mặt tự nhận thấy mình/ là thần tượng vô cảm của linh hồn sống của em.” Thâm nhập vào thế giới nội tâm đầy đau khổ của người tình của mình, Tiutchev hàng chục năm trước Dostoievski và Tolstoi lột tả tâm trạng bi phẫn của người phụ nữ trước sự bất bình đẳng trong tình yêu nảy sinh không chỉ từ sự chênh lệch về địa vị xã hội, mà còn từ bản chất ích kỷ, chiếm đoạt của tình cảm nơi người đàn ông:
Đừng nói: anh ấy vẫn yêu em như xưa
Vẫn như xưa, anh ấy thương quý em.
Không! Anh ấy hãm hại bất nhân đời em,
Mặc dù, em thấy chứ, con dao run rẩy trong tay anh ấy.
Phẫn uất, khóc than, sầu tủi, căm hờn,
Đắm đuối, mà lòng vẫn như bị đâm chém.
Em không sống... em chỉ sống bằng một mình anh ấy,
Nhưng cuộc sống ấy, sao nó đắng cay!
Cả không khí anh ấy cũng đong cho em dè sẻn,
Người ta không đong như thế cho cả kẻ thù...
Trời, em thở đau đớn và khó nhọc,
Em còn thở được nhưng không còn sống nữa.
Bài thơ không đề này, gợi liên tưởng đến những trang phân tích tâm lý tài tình nhất trong các tiểu thuyết xã hội-tâm lý hiện thực chủ nghĩa, được sáng tác cùng một năm (1851) với một thi phẩm khác - Anh em song sinh, mà ở đấy sự khái quát triết lý rất sống động đạt được nhờ thủ pháp phúng dụ điển hình cho thi pháp cổ điển chủ nghĩa, đến giữa thế kỷ XIX tưởng chừng đãrất lỗi thời:
Anh em song sinh
Có hai anh em song sinh - đối với người trần
Là hai thần linh - Cái Chết và Giấc Ngủ,
Hai anh em giống nhau kỳ lạ,
Một người cau có hơn, người kia dịu hiền hơn...
Nhưng còn có hai anh em khác
Trên đời chẳng có cặp song sinh nào đẹp hơn...
Và không có sức hấp dẫn nào khủng khiếp hơn
Đối với trái tim đã biết đến chúng...
Sự liên minh của chúng là huyết thống
Và chỉ trong những ngày oan khốc
Chúng mới làm mê say hồn ta
Bằng bí ẩn không thể giải tỏa.
Và trong phút giây cảm xúc dâng trào
Khi máu trong ta sục sôi và đông cứng
Ai không biết đến sức cám dỗ của các người,
Hỡi Tình Yêu và Sự Tự Sát!
Hình như không có nhà phê bình nào trong thế kỷ XX (trong số những người hiểu biết văn học Nga và phương Tây) mà lại không bàn về sự gần gũi kỳ lạ giữa bài thơ này của Tiutchev với nhiều bài thơ trong tập thơ Những bông hoa ác của Baudelaire ra mắt độc giả năm 1857 và đãmở đường cho nền văn học hiện đại chủ nghĩa. Cũng như ở Baudelaire, trong bài thơ này của Tiutchev với sức biểu đạt lớn hơn ở các thi phẩm khác của ông, tình yêu xuất hiện như một sức mạnh tăm tối, đồng nhất với tội lỗi và cái ác, với sự huỷ hoại và tự huỷ hoại. Nhưng sức mạnh ấy lại có lực “hấp dẫn khủng khiếp”, có sức quyến rũ không thể cưỡng lại đối với trái tim con người. Lực hấp dẫn ấy, sức quyến rũ ấy hàm chứa trong mình một ý nghĩa sâu xa. Tình yêu tội lỗi mù quáng, rồ dại đẩy con người đến tử vong theo Tiutchev và Baudelaire dẫu sao vẫn là biểu hiện của nỗi khao khát cái Tuyệt Đối muôn đời không được thoả mãnở loài người; tình cảm ấy phá vỡ khuôn khổ chật hẹp của sinh tồn thuần tuý cá thể, thuần tuý vị kỷ, nó là bước đầu của quá trình hội nhập linh hồn cá thể với bản thể thần thánh của vũ trụ - quá trình hết sức khúc khuỷu và gian nan, đầy rẫy những sa ngãvà bại vong. Song chỉ thông qua những sa ngãvà thất bại ấy, thông qua sự khổ đau và sự diệt vong ấy con người bất toàn và hữu tử mới có cơ may phục sinh cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự Tự Sát, là anh em sinh đôi của Tình Yêu trong bài thơ kỳ tài của Tiutchev, không phải là sự lựa chọn cái hư vô tịch diệt tuyệt đối - nếu thế nó đãkhông có sức hấp dẫn, sức quyến rũ. Nên hiểu nó nhiều phần hơn như là hành động tự tẩy uế, hành động chuộc tội khốc liệt nhưng thiết yếu cho tâm hồn con người.
V. Cảm thức tôn giáo của Tiutchev
Không có cái gì xa lạ với thế giới thơ Tiutchev hơn tư tưởng hay cảm hứng thần thánh hoá con người. Có thể nói, thơ Tiutchev sống bằng cảm quan đau đớn và bất an về thân phận con người: cuộc sống của nó ngắn ngủi và quá mong manh; tâm hồn nó bị xâu xé bởi những lực đối kháng, là trường đấu tranh khốc liệt giữa cái thiện và cái ác, với ưu thế thấy được của cái ác; trí lực của nó hữu hạn, không đủ để cho nó nhận chân và làm chủ thế giới; đức tin ở nó yếu ớt không đủ để nó có thể đinh ninh vào sự cứu rỗi tinh thần và sự sống vĩnh hằng chân phúc trong thế giới của Thượng Đế. Nếu cuộc đời ngắn ngủi, nay còn mai mất, phụ thuộc vào quá nhiều cái ngẫu nhiên của con người khiến nó “mơ hồ tự cảm thấy mình là chiêm mộng của thiên nhiên”, thì sự bé nhỏ của nó trước vũ trụ khiến nó hình dung mình chỉ như một dấu chấm trong không gian vô tận. Trong một bài thơ sáng tác bằng tiếng Pháp, ông thốt lên: “Con người sao ít hữu thực đến thế, sao dễ tiêu biến đến thế! / Nó bé nhỏ làm sao khi ở gần và không là gì cả khi lùi xa/ Sự hiện diện của nó chỉ là một dấu chấm, / sự vắng mặt của nó là cả không gian vũ trụ.”(*) Ông thổ lộ trong một bức thư gửi vợ: “Anh nghĩ không ai cảm thụ mãnh liệt hơn anh sự hèn mọn của mình trước mặt hai tên độc tài cường bạo của loài người: không gian và thời gian.” (26. VI. 1858). Trong một bức thư khác, ông viết: “Sự mong manh của cuộc sống con người là điều duy nhất trên đời này mà mọi suy luận dù khoa trương hùng biện đến đâu cũng không thể cường điệu” (24. VIII. 1855). Sự mong manh đến hư ảo của cuộc sống con người khiến Tiutchev một lần, trong một bài thơ ngũ tuyệt, ví nó với cái bóng chập chờn dưới chân cột khói trong ánh trăng. Sống trong thời đại, khi mà con người bắt đầu thể hiện trong thực tế quyền lực của mình đối với giới tự nhiên, khi mà ý chí chinh phục thiên nhiên trở thành cảm hứng lớn của nhiều nền văn học, Tiutchev thường xuyên trở về với tư tưởng của Pascal về con người như một “cây sậy suy tư”, nhưng trong thơ ông, khác với Pascal, không có sự khẳng định một chiều sức mạnh tinh thần của con người. Con người của Pascal, yếu đuối vô cùng về thể chất, thu nhận được thế ưu việt vô song từ ý thức về sự bất tử của mình trong Thượng Đế, từ niềm tin vào sức mạnh vô biên của trí tuệ được khai sáng bởi đức tin. Con người của Tiutchev, tự hào về trí tuệ hùng mạnh tưởng chừng tự có của mình, ôm ấp tham vọng nhận thức và chinh phục toàn bộ thế giới bên ngoài mà không biết rằng những năng lực trí tuệ nơi nó đã được định giới trước và dù cố gắng đến đâu nó cũng không thể vượt qua được những giới hạn ấy. Bài thơ Suối phun (1836) vừa ngợi ca trí tuệ dũng mãnh ấy của con người vừa tố giác những ảo tưởng của nó về mình.
Suối phun
Xem kìa, tựa hồ đám mây trắng sinh động
Suối phun cuồn cuộn rực sáng giữa không trung,
Nó bốc lửa, vỡ thành khói ẩm
Lung linh sắc màu trong nắng chói chang.
Phọt lên trời như một tia sáng
Nhưng vừa vươn tới đỉnh ước mơ
Nó lập tức bị quật rơi xuống đất
Thành muôn triệu hạt bụi ngũ sắc.
Ôi, suối phun của tư duy con người,
Cái suối phun không biết cạn kiệt
Quy luật nào không thể hiểu được
Cất bổng ngươi, phóng ngươi lên cao?
Ngươi say sưa vươn lên trời làm sao!
Nhưng bàn tay ai vô hình nghiệt ngã
Bỗng bẻ gẫy tia sáng cường liệt
Và tung toé ném xuống từ trên cao.
Suối phun, trong khổ thơ đầu được miêu tả rất sống động như một hiện tượng của thế giới thực tại, ở khổ thơ thứ hai thông qua phép tỉ dụ hoá hình rất tự nhiên thành một biểu tượng đa nghĩa về trí lực kiên cường, dồi dào nhưng dẫu sao vẫn hữu hạn của con người. Chính sự nhấn mạnh cái giới hạn nghiệt ngãđược định trước cho suối phun cũng như tư duy con người tạo nên âm hưởng bi kịch thống nhất của tác phẩm. Trong bài thơ này, cũng như những bài thơ triết lý khác của Tiutchev, tư tưởng và hình tượng không tồn tại như cái được minh hoạ và cái minh hoạ, mà thẩm thấu, đan thoa nhau, tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật đầy sức sống.Cũng cái phương cách sáng tạo hình tượng-biểu tượng ấy ta thấy trong một bài thơ không đề năm 1834 nói về sự cáo chung của kỷ nguyên tôn giáo được thay thế bằng thời đại của chủ nghĩa vô thần:
Tôi yêu thích lễ thánh của giáo dân tin lành,
Nghi thức nghiêm trang và giản dị của họ.
Những bức tường trần trụi ấy, thánh đường trống không ấy -
Tôi hiểu ý nghĩa cao siêu của chúng.
Chẳng lẽ các người không thấy? Chuẩn bị lên đường,
Lần cuối cùng Tín Ngưỡng đứng trước các người,
Nó còn chưa bước qua ngưỡng
Nhưng nhà của nó đãtrống rỗng và trần trụi.
Nó còn chưa bước qua ngưỡng,
Cửa còn chưa khép lại đằng sau nó...
Nhưng giờ đã điểm, hãy cầu nguyện,
Các người đương cầu nguyện Chúa lần chót!
Những bức tường trần trụi, không có tranh tượng của nhà thờ tin lành - giáo phái được thế tục hoá hơn cả trong các giáo phái của đạo Kitô - trong bài thơ hiện ra như một hình tượng về thế giới - ngôi nhà chung của loài người - đương bị thánh thần rời bỏ, nơi những con người đã đánh mất đức tin không còn được phép cầu nguyện đấng chí tôn nữa.
Bi kịch của nhân loại bất toàn và hữu tử, trong sự tự cao tự đại đã chối bỏ Thượng Đế và vì thế sa vào cảnh bơ vơ tinh thần được Tiutchev lột tả với một sức mạnh tiên tri trong bài thơ Thời nay (1851):
Thời nay không phải xác thịt mà tinh thần rữa nát
Và con người tuyệt vọng không lối thoát...
Từ bóng tối, nó cố thoát ra ánh sáng
Nhưng nhận được ánh sáng, nó kêu ca phản kháng.
Bị thiêu đốt, khô héo vì mất niềm tin
Nó phải chịu đựng cái không thể chịu đựng...
Ý thức được sự bại vong của mình
Nó khao khát... nhưng không cầu xin tín ngưỡng.
Dẫu đau khổ đến đâu, nó vẫn không nói
Với nước mắt khẩn cầu trước cánh cửa đóng kín:
“Hãy cho con vào, hỡi Chúa! Con tin Người!
Hãy giúp con chiến thắng nỗi không tin này!”
Cảm hứng tôn giáo, tư tưởng khẳng định không chỉ sự không thể thiếu, mà còn vị trí thiết yếu hàng đầu của chiều kích cái thiêng trong đời sống của con người và loài người là đặc trưng chung cơ bản của văn học Nga cổ điển, khu biệt nó với các nền văn học phương Tây cùng thời. Cảm hứng ấy, như ta thấy, hiện diện mãnh liệt trong sáng tác của Tiutchev, có điều niềm tin của nhà thơ-triết gia này không gắn chặt với một tôn giáo, chứ không nói một giáo phái xác định nào, hình như nó cảm thấy bị tù túng, trói buộc trong phạm vi mọi tôn giáo chính thống hiện hữu. Trong thơ chính luận của mình cổ xuý cho đạo Kitô Chính thống của phương Đông, đối lập nó với đạo Công giáo La Mã, Tiutchev trong thơ triết lí ít khi bày tỏ cái nhân sinh quan thuần tuý Kitô giáo mà ta có thể tìm thấy trong nhiều thi phẩm của Lomonosov và Derzhavin trước ông, Khomiakov và Glinka cùng thời với ông, Soloviev và Mandelstam cùng nhiều nhà thơ Nga khác sau ông. Trong thơ thời trẻ của Tiutchev, các thần tự nhiên của tôn giáo Hy Lạp-La Mã được nhắc đến nhiều hơn Thượng Đế toàn năng nhưng vô hình của đạo Kitô. Tiutchev chia sẻ với rất nhiều nhà thơ Nga và châu Âu cùng thời cảm hứng ngưỡng mộ thiên nhiên - trước hết ngưỡng mộ sức mạnh sáng tạo phong phú kỳ diệu và khả năng hồi sinh bất tận của nó. Song trong thiên nhiên, cũng như trong các thần tự nhiên Hy- La, có sức mạnh bất tận, nhưng không có sự thánh thiện bất tận - cái mà tình cảm tôn giáo của con người khao khát và đòi hỏi. Về phương diện mỹ học, cái thánh thiện rất gần gũi với cái cao cả. Tâm hồn con người, ngưỡng mộ cái đẹp cao cả siêu phàm, từ ngàn xưa tìm kiếm trong giới tự nhiên những đối tượng ứng hợp với niềm ngưỡng kính ấy. Tiếp tục một chủ đề muôn thuở của thơ ca phương Tây cũng như Đông, trong thơ trữ tình Tiutchev sớm xuất hiện hình ảnh con người từ mặt đất ngước mắt chiêm ngưỡng những ngọn núi cao. Một bài thơ tả cảnh thuộc đầu những năm 30 mô tả theo chiều thẳng đứng, từ dưới lên trên, thung lũng vào giờ chiều với dòng sông màu xanh sẫm chảy xiết, những sườn đồi trồng nho, bên trên chúng những đám mây vàng trôi lững lờ và bên trên tất cả , sát mép một đỉnh núi cao, một thánh đường hình tròn rực sáng trong nắng:
Nơi ấy trên cao, trong trú sở siêu phàm,
Nơi không có chỗ cho sự sống hữu tử
Những luồng không khí lưu thông
Nhẹ nhàng, vắng lặng và thanh sáng...
Bay tới đó, mọi âm thanh im bặt,
Chỉ nghe thấy cuộc sống của tự nhiên
Và một cái gì đó phảng phất như lễ hội
Như sự tĩnh mịch của những ngày chủ nhật.
Sự sống ở trên đỉnh cao, ở chốn không dành cho con người phàm tục, tĩnh mịch, thanh sáng và nhẹ nhàng, phảng phất không khí ngày hội lại chính là sự sống chân chính của thiên nhiên, là biểu hiện thuần tuý nhất của bản chất sâu kín cuối cùng của tự nhiên. Trục thẳng đứng, xuất hiện sớm trong thế giới nghệ thuật của Tiutchev, luôn luôn mang nặng hàm nghĩa tôn giáo-siêu hình. Trong một bài thơ khác của Tiutchev, viết cũng vào đầu những năm 30, những đỉnh núi phủ băng trắng xoá, chơi dỡn trong nắng trưa hè với màu xanh lam của trời, được cảm thụ như là “những thần linh thân thuộc”. Ngọn núi Mont Blanc cao nhất châu Âu trong thơ Tiutchev “rực sáng như một khải huyền nơi thượng giới”. Yêu ánh sáng mặt trời, đặc biệt ánh ban mai trong lành đánh thức vạn vật, Tiutchev tuy vậy dành niềm ngưỡng mộ vô điều kiện không phải cho mặt trời, mà cho các vì sao ở bên trên mặt trời; bầu trời sao mới là đối tượng của sự ngưỡng mộ tuyệt đối nơi ông, ông gọi ánh sáng của các tinh đẩu không chỉ là “trinh bạch” mà còn “vinh hiển”. Trong một bài thơ Pháp ngữ của Tiutchev tinh tú được ca ngợi như là “bản nguyên thánh thần” (le divin élément), như là “những ánh chói thiêng liêng vĩnh hằng” (splendeurs toujour sacrées), đối lập với loài người, một tộc loại phù du (race éphémère) mà niềm vui lớn nhất trước lúc nhắm mắt xuôi tay là được ngưỡng kính các thiên thể bất tử. Tổ từ “bản nguyên thánh thần” được lặp lại trong một bài thơ tiếng Nga tán dương vẻ đẹp siêu phàm của con thiên nga bơi trên mặt nước phản chiếu ánh sáng của bầu trời sao :
Thiên nga
Mặc cho đại bàng trên mây
Đón bắt tia chớp lượn bay
Và trừng trừng mở mắt
Uống ánh sáng mặt trời.
Không gì quý hơn số phận
Của ngươi, hỡi thiên nga thanh trắng,
Thánh thần đã bao bọc lấy ngươi
Bằng bản nguyên cũng trinh bạch như ngươi.
Bản nguyên ấy giữa hai vực thẳm
Nâng niu giấc ngủ thấu thị tất cả của ngươi,
Và bầu trời hiển vinh đầy tinh tú
Từ khắp phía vây quanh ngươi.
Lại một bài thơ rất điển hình cho bút pháp Tiutchev. Bình diện hiện thực và bình diện tượng trưng ở đây hoà nhập không thể tách rời. Một con thiên nga thật với những đặc tính quen thuộc của nó đối lập với một con đại bàng thật cũng với những thuộc tính ai ai cũng biết của nó. Nhưng con đại bàng mở to mắt uống ánh sáng mặt trời trong chớp nhoáng biến thành biểu tượng của mặt trời vừa ban tặng vừa thiêu đốt sự sống, còn con thiên nga trinh trắng khoan thai bơi dưới ánh sao trinh trắng cũng hoá hình thành hiện thân cõi trần của bản nguyên tinh tú xán lạn nhưng luôn luôn hiền hoà, thánh thiện. Hình ảnh đại bàng bay bên trên mây đón bắt những tia chớp báo hiệu dông bão gây nơi người đọc cảm giác hâm mộ, nhưng thiên nga với “giác ngủ thấu thị tất cả” của nó đã khêu gợi ở chúng ta niềm ngưỡng mộ. Có vẻ đẹp, có chất thơ đích thực trong hoạt động hăng hái và dũng mãnh của đại bàng trên trời, nhưng một vẻ đẹp, một chất thơ cao thượng hơn toát ra từ thế chiêm nghiệm hiền minh của thiên nga sống trên mặt đất. Cảm hứng hướng thượng – nòng cốt của tình cảm tôn giáo - trong bài thơ này của Tiutchev đã chuyển vị từ toạ độ thuần tuý không gian sang những toạ độ tâm lý-tinh thần.
Trong tất cả các hệ thống tôn giáo lớn của nhân loại, thánh thần luôn luôn ở trong quan hệ không chỉ siêu tại mà còn nội tại đối với con người. Tuy vậy lúc thì tính siêu tại, lúc thì tính nội tại của thánh thần được nhấn mạnh, được đưa lên hàng đầu tuỳ theo định hướng tinh thần của các trào lưu tôn giáo khác nhau hay các nhà tư tưởng khác nhau. Đặc trưng cho nhân sinh quan tôn giáo của Tiutchev là cảm giác sắc nhạy về tính siêu tại của thánh thần, về sự hầu như như bất khả tri ngộ giữa Thượng Đế hoàn hảo với con người bất hoàn hảo. Trong một bài thơ có liên quan đến mối tình phi pháp với Denisieva, Tiutchev gọi tâm hồn mình là “ốm đau bởi tội lỗi" và không tin rằng thiên ân có thể hạ cố đến nó, truyền cho nó sức phục sinh và chấn hưng. “Sự lưỡng phân khủng khiếp” mà Tiutchev nhìn thấy trong tâm hồn mình, lực hấp dẫn lớn lao của cái tội lỗi, cái ác, quyền lực của “những đam mê định mệnh” đối với nó, những hoài nghi ngờ vực và sự mất niềm tin của nó - tất cả những gì mà nhà thơ đau khổ nhận ra và lên án ở mình, cũng cái đó hiện ra trước ông với độ đậm sắc lớn hơn nhiều trong “nhân thế hoá hoang”, nơi “bóng đêm mỗi lúc một dày đặc”.Trong thơ trữ tình của Tiutchev xuất hiện môtip “cơn giận dữ” và sự xử phạt của Chúa Trời - môtip này sẽ được phát triển mãnh liệt trong sáng tác của các nhà thơ Nga tượng trưng và hậu tượng trưng chủ nghĩa (đây là một nguyên do giải thích sự quan tâm sát xao của họ đến di sản của Tiutchev). Nhưng cái mà ở nhiều thi sĩ hậu sinh sẽ trở thành chủ đạo, nơi Tiutchev mới chỉ là những nét chấm phá khởi phát.
Trong thơ “vũ trụ luận” của Tiutchev có một đề tài thường trực đối lập với môtip nỗi tuyệt vọng toàn thế giới. Đấy là đề tài “mùa thu vàng” rất quen thuộc trong thơ cổ điển Nga, đạt những mẫu mực nghệ thuật ở Pushkin, Baratynski, Fet... nhưng trong thơ Tiutchev thu nhận được ý nghĩa triết lý đặc biệt cao cả. Là thi sĩ của mùa xuân, biết diễn đạt bằng lời tất cả niềm hân hoan của những lực tự nhiên hồi sinh, tỉnh giấc vào thời khắc này, Tiutchev cũng biết với một sức truyền cảm phi thường khắc hoạ vẻ đẹp trang trọng, thanh cao, điềm tĩnh của thiên nhiên vào thu, khi nó chuẩn bị đón giờ chết của mình.
Trong những chiều thu sáng láng
Có vẻ đẹp huyền bí xao xuyến lòng.
Sự lộng lẫy sặc sỡ báo điều dữ của cỏ cây,
Tiếng xào xạc uể oải của lá đỏ rực,
Màu thanh thiên như sương mờ lặng lẽ
Bên trên mặt đất rầu rĩ mồ côi.
Thương tổn, suy kiệt - nhưng ở khắp nơi
Có nụ cười thuỳ mị của giờ tàn héo
Mà ở sinh linh hữu trí chúng ta gọi
Là sự e lệ thánh thiện trong khổ đau.
Vẻ đẹp của sự tàn héo ấy, sức mạnh của sự yếu đuối suy kiệt ấy, nỗi đau khổ e lệ núp sau nụ cười huy hoàng ấy là biểu hiện của sự sống biết vươn lên bên trên chính mình, biết từ bỏ sự tự khẳng định mình, biết tình nguyện chấp nhận cái chết vì cơ may phục sinh. Thiên nhiên, không cứu rỗi được con người, dạy bảo nó nghệ thuật chết. Trong một số bài thơ tuổi già, nổi bật hơn cả trong bài Tặng hương hồn M. K. Politkovskaia (1872) Tiutchev ngợi ca những linh hồn biết chấp nhận tất cả những thử thách khốc liệt mà cuộc đời đem lại (trong đó có đau ốm bệnh tật), biết chiến thắng nỗi sợ chết, biết giữ gìn đến giây phút cuối cùng tình yêu nồng nàn nhưng khiêm nhường đối với sự sống. “Nếu còn có một mặc khải, / một khâu nối với bí mật vĩ đại của thế giới bên kia / thì - chúng tôi thấy, chúng tôi tin - đó là / sự ra đi của những linh hồn như chị / sự di dời của chúng khỏi đêm tối của thế giới chúng ta.” - nhà thơ viết trong bài thơ vừa được gọi tên.
Sự khiêm nhường siêu phàm là nét mà Tiutchev nhấn mạnh và ngợi ca trong hình ảnh Kitô - Đấng Cứu Thế. Hình ảnh này quan hệ mật thiết với hình ảnh tổ quốc trong thơ trữ tình triết lý của Tiutchev. Nhà thơ chia sẻ với nhiều đồng bào của ông niềm tin vào sứ mệnh đặc biệt của nước Nga - giữ gìn trong thể trong sáng trinh nguyên học thuyết của Kitô và truyền thụ nó cho toàn nhân loại. Trong thơ chính luận của mình, Tiutchev tán dương sự vĩ đại bề ngoài của tổ quốc ông - biên cương của nó sẽ phải bao gồm “bảy nội hải và bảy sông lớn / từ Nil đến Neva, từ Elbe đến Trung Hoa / từ Volga đến Euphrate, từ sông Hằng đến Danuyp” (Địa lý Nga) - chủ nghĩa yêu nước của Tiutchev đôi khi mấp mé với một chủ nghĩa sôvanh tầm thường nhất, như Vladimir Soloviev đã nhận xét. Nhưng một nước Nga khác, vĩ đại trong vẻ đẹp khiêm nhường, hiện ra trong một bài thơ không đề sáng tác năm 1855 đã khiến những con người có chính kiến rất khác nhau như Chernyshevski và Dostoievski hâm mộ.
Những làng mạc xơ xác ấy,
Thiên nhiên cằn cỗi ấy -
Quê hương của lòng nhẫn chịu
Quê hương dân tộc Nga.
Con mắt ngoại tộc kiêu hãnh
Sẽ không hiểu, không nhìn thấy
Cái gì lấp ló và kín đáo toả sáng
Đằng sau sự nghèo nàn khiêm nhường của Người.
Đau khổ vác cây thánh giá
Chẳng phải chính Chúa Trời
Dưới dáng hình kẻ nô lệ, hỡi đất mẹ,
Đã đi khắp và ban phước cho Người.
Ở đây, như ở một hợp âm phức tạp nhưng hài hoà, lý tưởng dân tộc chân chính hội nhập với lý tưởng tôn giáo. Nếu để chuộc tội cho loài người, chính Chúa Trời toàn năng đã tình nguyện nhập thể thành con người lầm than nhất và vô quyền nhất, thì một dân tộc ý thức được sứ mệnh vĩ đại của mình như dân tộc Nga không thể chạy theo sự vĩ đại hùng cường bên ngoài, mà phải sẵn sàng gánh chịu mọi gian khó ngược đãi, kể cả sự hạ nhục, vì thắng lợi của sự nghiệp toàn nhân loại mà nó là người khởi xướng.
*
* *
Tiutchev, một thiên tài sáng tạo không mấy được tri ngộ trong thời đại của mình, hiện nay đương chiêu mộ ngày càng nhiều bạn đọc nhiệt thành không chỉ ở trong nước ông - những người, na ná như Lev Tolstoi xưa kia, cảm thấy khó sống nếu không có thơ ông, cảm thấy nhu cầu thường xuyên giao lưu, hội kiến với thế giới nghệ thuật và tư tưởng của ông.
2003