Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Chủ nhật,
26.03.2023 23:59 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1668382
Tin tức > Văn học Nga > Xem nội dung bản tin
Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (Phần 4)
[12.12.2018 09:28]
Trong thơ Tiutchev, đặc biệt thơ thời trẻ thấm đượm tinh thần tự nhiên thần (panthéisme), thiên nhiên thường xuyên được cảm thụ như một sinh linh lưỡng diện. Một mặt nó có sự sống, có linh hồn mà con người có thể cảm hội; nó là cái bản thể nhất thống tất cả mà chỉ trong sự hoà hợp và hoà đồng với nó con người hữu tử mới tìm thấy được hạnh phúc cao nhất của mình.

III. Vũ trụ quan và nhân sinh quan Tiutchev

Vladimir Soloviev trong bài viết nổi tiếng của mình, so sánh thơ trữ tình triết lý của Tiutchev và Goethe, nhận xét rất đúng: “Thơ Tiutchev không vẽ nên những bức tranh đồ sộ về sự sống thế giới trong toàn thể tiến trình phát triển của nó, như chúng ta có thể tìm thấy ở Goethe... Nhưng ngay chính Goethe có thể cũng không thâu tóm một cách sâu sắc, như nhà thơ của chúng ta, cái gốc tăm tối của tồn tại vũ trụ, không cảm thụ mạnh mẽ đến thế và không ý thức rõ đến thế cái nền huyền bí của mọi sự sống - sự sống của tự nhiên và của con người - cái nền mà trên đó ngự yên cả ý nghĩa của tiến trình hoàn vũ, cả vận mệnh của linh hồn con người và toàn thể loài người”.(2) Trong cảm quan của Tiutchev - nghệ sĩ, vũ trụ với con người là một thể thống nhất, cái huyền bí của vũ trụ cũng là cái huyền bí của con người, cái gốc tăm tối của vũ trụ tồn tại ngay ở bên trong tâm hồn con người. Trong thơ Tiutchev, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, trật tự (kosmos) và hỗn mang (chaos), ý thức và vô thức là những bình diện đan bện không thể tách rời của đời sống vũ trụ cũng như đời sống con người, nhưng Tiutchev coi nặng hơn, xem là cơ bản hơn cái bình diện thứ hai. Từ đó mà có mối bận tâm khôn nguôi của ông đến đề tài đêm. Trong di sản thi ca, như ta biết, không đồ sộ của Tiutchev, chỉ trong phần thơ thuần tuý trữ tình (trên dưới 200 bài) có thể đếm được 47 bài chứa đựng hình ảnh đêm tối hay chiều tối, những hình ảnh ấy trong nhiều thi phẩm thu lượm sức nặng của những huyền thoại triết học. Đây, bài thơ-huyền thoại về Ngày và Đêm, sáng tác năm 1839 và phát triển nhiều ý tưởng hàm chứa trong bài thơ về gió đêm viết chín năm trước đó:           

Ngày và đêm

Bên trên thế giới huyền nhiệm của ma quỷ,
Bên trên cái vực thẳm không tên
Tấm vải dệt bằng vàng sợi được phủ lên
Bởi ý nguyện cao siêu của thần thánh.
Ngày là tấm vải phủ huy hoàng ấy,
Ngày là cuộc sống rộn ràng của muôn loài,
Là thuốc chữa trị tâm hồn ốm đau,
Là bạn của loài người và thần thánh!
                          
Nhưng ngày tắt - đêm ụp xuống,
Nó ụp xuống - và liền cuộn lại, vứt phăng đi
Tấm vải diễm phúc, tấm vải ơn trời
Phủ lên trên thế giới định mệnh.                         
Và vực thẳm lộ ra trước chúng ta
Với bóng đen và những nỗi hãi hùng của nó
Và không còn rào cản nào giữa nó với ta -
Chính vì thế, với ta đêm đáng sợ!

Đêm là cái vực thẳm muôn thuở, tối tăm và vô đáy, ngày chỉ là tấm vải rực rỡ sắc màu nhưng mỏng manh được trải lên trên vực thẳm ấy do ý nguyện của thánh thần. Đêm có quy chế bản thể, quy chế cái tự tồn, ngày chỉ là hiện tượng, thậm chí là cái hư ảo, mặc dù cái hư ảo ấy được muôn triệu chúng sinh, được loài người và cả thần thánh tha thiết yêu quý. Mỗi khi ngày tắt là con người phải trực tiếp đối diện với cái vực thẳm không đáy ấy, với cõi hỗn mang vô tận ấy. Đêm đáng sợ vô cùng, nhưng đêm cũng linh thiêng, như nó được gọi trong một bài thơ-huyền thoại khác của Tiutchev, viết khoảng năm 1850, với những môtip rất gần gũi với bài thơ năm 1839:

Đêm linh thiêng bước lên vòm trời
Và ngày đáng mừng, đáng yêu bị cuộn lại
Như một tấm vải bằng vàng
Trải bên trên vực không đáy.
Và như ảo ảnh, thế giới biến mất,
Và con người, như trẻ mồ côi không nhà
Giờ đây đứng bất lực, trần trụi
Mặt đối mặt với vực tăm tối .

Nó bị phó mặc cho chính nó -
Trí năng bị cướp mất, tư duy xoá bỏ
Không điểm tựa, không giới hạn bên ngoài,
Nó chìm vào hồn mình như vào vực thẳm...
Và tất cả những gì sống động sáng tươi
Giờ đây với nó là giấc mộng xa xôi...
Và trong bóng đêm xa lạ, không thể giải toả
Nó nhận ra cái di sản tộc loại.

Cái vực thẳm vô tận vô biên luôn luôn đe doạ nuốt chửng thế giới của các vật thể, xoá sạch mọi sinh tồn cá thể - cái bản nguyên đêm ấy mỗi con người mang trong mình như một “di sản tộc loại”. Trước nó, tất cả mọi con người đều “bất lực và trần trụi” như nhau, đều “như trẻ mồ côi không nhà”. Nhưng trong thơ Tiutchev cũng như trong các nền thần thoại cổ xưa, cái bản nguyên đêm ấy mang tính hai chiều đối nghịch: nó hút thu cái hiện tồn để cho cái mới có khả năng nảy sinh. Con người hữu hạn, quyến luyến với sự sống, không thể không khiếp sợ sự tử vong của mình, nhưng minh triết của mọi dân tộc dạy nó rằng chỉ thông qua sự tử vong ấy nó mới có cơ may được tái sinh cho sự sống tốt đẹp hơn, viên mãn hơn. Trong thơ Tiutchev, giờ đêm hay giờ xẩm tối là giờ thiêng, khi mà ngã thể con người, cảm thấy mình bị giam hãm trong khuôn khổ sinh tồn bất toàn và hữu tử, khao khát hoà mình vào hoàn vũ tự tồn, sẵn sàng hiến mình cho sự hư vô, tịch diệt vì những khả năng tái sinh mới. Đây là tứ một bài thơ trác việt sáng tác năm 1835:

Mọi hình bóng đã sẫm lại, hoà lẫn
Sắc màu đã nhạt nhoà, âm thanh ngủ im.

Sự sống chuyển vận giờ ngưng kết
Trong bóng tối lờ mờ, trong tiếng động xa xăm....
Trong không trung mờ mịt               
Nghe được tiếng bướm bay...
Giờ của nỗi buồn đau khôn tả!
Tất cả trong tôi, tôi trong tất cả!    

Bóng tối tĩnh mịch, bóng tối ngái ngủ
Hãy chảy sâu vào lòng ta!
Lặng lẽ, âm u và thơm ngát,
Hãy tràn ngập và trấn yên tất cả!
Để cho mọi cảm xúc
Dâng trào đến ngất ngây.
Cho tôi được nếm sự tiêu biến
Hòa lẫn tôi với thế giới ngủ say!

“Cho tôi được nếm sự tiêu biến”- một hình tượng nghịch dụ táo bạo hiếm có trong thơ cổ điển. Sự hư vô tịch diệt được tâm hồn con người khao khát đến nỗi từ một đại lượng âm biến hoá thành đại lượng dương. Và thêm một chi tiết nữa: cái giờ mà chủ thể trữ tình cảm thấy “tất cả ở trong tôi” và “tôi ở trong tất cả”, giờ mà ngã thể con người sẵn sàng hoà lẫn vào vũ trụ cũng là lúc mà nó cảm thấy “nỗi buồn đau khôn tả” vì quyến luyến tha thiết với cuộc sống hữu hạn của mình. Tâm hồn con người nơi Tiutchev được dệt bằng những mâu thuẫn gay gắt mà nhà thơ biết phô diễn kiệm lời nhưng sắc nét.

Trong thế giới thơ Tiutchev, cặp huyền thoại tố  “ngày” - “đêm” vừa tương ứng lại vừa không tương ứng với cặp phạm trù “kosmos” - “chaos” trong huyền thoại và triết học cổ đại. "Đêm” của Tiutchev không chỉ là cái hỗn mang đáng sợ mà con người phải có can đảm tiếp nhận. Trong đêm tối, tâm hồn con người gặp gỡ linh hồn thế giới ban ngày bị che khuất bởi cơ man vật thể hữu hình hữu sắc. Trong đêm tối hiển lộ những sức mạnh tự phát của thiên nhiên mà con người ban ngày không nhận thức được với đầy đủ mãnh lực, quy mô và bản chất kỳ bí của chúng. Chỉ đêm tối mới mở cho con người nhìn thấy sự vô tận vô biên của vũ trụ đồng chất với tính vô tận vô biên của tâm linh nó. Thơ phong cảnh đêm của Tiutchev đầy rẫy những “khải huyền” về sự sống hữu linh xác thực, mãnh liệt của thiên nhiên, mà so với nó sự sống của con người chỉ là ảnh hình giảm thiểu, mờ nhạt.

Còn chưa nguội khí oi,
Đêm tháng bảy lấp lánh
Trên mặt đất mờ sáng
Bầu trời đầy dông bão
Bập bùng muôn chớp nguồn.
Tựa hồ những hàng lông mi nặng trĩu
Thỉnh thoảng lại hé mở
Và đằng sau những tia chớp co giật
Những con ngươi dữ tợn của ai đó
Loé sáng bên trên mặt đất...

1850

Mặc dù trong bài thơ có chữ “ tựa hồ” nhắc nhở người thưởng thức rằng tất cả ở đây chỉ là những liên tưởng, là trò chơi dỡn của trí tưởng tượng của nhà thơ, nhưng những hình ảnh liên tưởng ấy, cái trò chơi dỡn của trí tưởng tượng sáng tạo ấy có sức mạnh ám ảnh đến nỗi người đọc không thể không tin rằng “những con ngươi dữ tợn loé sáng bên trên mặt đất” là của một sinh linh siêu nhiên, mà con người trên mặt đất chỉ là một thể tương đồng bé nhỏ và yếu ớt của sinh linh ấy.

Bài thơ năm 1850 vừa dẫn tái tạo trạng thái tự nhiên trước cơn dông. Tiutchev rất ưa thích mô tả dông bão, nhất là những cơn dông ban đêm, với những dấu hiệu từ xa nói lên sự giằng co vật lộn của những sức mạnh vũ trụ, những sức mạnh ấy trong thơ ông luôn luôn hiện ra như những lực sống bản thể dũng mãnh và bất tử. Trong một thi phẩm cuối đời của ông (1865), ta tìm thấy một kiến giải thần thoại tuyệt hay cho cái thời khắc tĩnh lặng trước dông bão của thiên nhiên:

Những tia chớp sáng chói
Chốc chốc lại toé lửa
Tựa hồ những quỷ thần câm điếc
Đương cùng nhau truyện trò.
Như theo một tín hiệu quy ước
Dải trời bỗng sáng bừng
Và lập tức từ bóng tối hiện ra
Đồng ruộng với rừng xa !
Nhưng rồi tất cả lại tối đen,
Tất cả im lìm trong bóng đêm mẫn cảm,
Cứ như một việc gì bí ẩn
Đương được quyết ở trên cao...

Bóng đêm của Tiutchev mẫn cảm chờ đón quyết định không thể cưỡng lại của đất trời. Trong một bài thơ khác, Tiutchev nói về “những vì sao mẫn cảm” từ trên cao nhìn ngắm “sự đại náo nơi biển khơi”, “những ngọn sóng lao đi ầm ầm rực sáng” dưới ánh trăng mờ.

Hỡi biển đêm, ngươi đẹp sao,
Chỗ này sáng láng, chỗ kia đen sẫm
Dưới ánh trăng như một vật sống
Ngươi đi lại, ngươi thở, ngươi phô vẻ huy hoàng... 
 
Trong tất cả các bài thơ của Tiutchev, biển luôn luôn là một vật sống dũng mãnh, ngang tàng, yêu chuộng tự do, không chịu đựng bất kỳ xiềng xích nào. ở sự cảm thụ này Tiutchev không khác nhiều nhà thơ cổ điển khác viết về biển, song trong thi phẩm mà chúng tôi đương nói đến hoạt tính hiên ngang của biển không chỉ được sự chuẩn nhận, mà còn được sự ban phước của tinh tú, tức là của Trời. Chỉ thấy được ban đêm, tinh tú trong thơ Tiutchev luôn luôn là hiện thân của sự sống anh minh, trinh trắng không tì vết, bất cập đối với người trần; chúng tôi sẽ còn nói đến điểm này khi bàn về cảm thức tôn giáo của Tiutchev.

Tiutchev là ca sĩ cuồng nhiệt của ban ngày, của ánh sáng mặt trời, của thế giới những sắc màu rực rỡ, những âm thanh rộn ràng, của sự sống sục sôi. Trong thơ ông, có một hiện thân địa lý cho ngày vũ trụ - đó là phương Nam, đối lập với hiện thân địa lý của đêm vũ trụ - phương Bắc. ở nhiều bài thơ, Tiutchev thổ lộ tình yêu nồng nàn đối với phương Nam, nơi ông đã sống qua tuổi thanh xuân, và sự ghẻ lạnh đến ác cảm đối với phương Bắc, quê hương xứ sở của ông và là nơi ông đã sống những thập niên cuối đời mình. “Phương Bắc định mệnh” đối với ông là “giấc mơ dị quái”, là nơi “không có âm thanh, không có sắc màu, không có chuyển động”, nơi “sự sống đã rời xa - và cam chịu số phận / trong sự mê man kiệt sức / con người chỉ nằm mơ thấy chính mình”. Trong một thi phẩm gây sốc cho nhiều độc giả cùng thời (trong đó có Turgenev, người đã thấy cần phải biên tập lại nó) và thu phục người đọc hôm nay bằng tính chân thật đến cùng của nó, Tiutchev gọi thẳng nơi chôn rau cắt rốn của mình là “không thân thương”, là bất can với đời sống của tâm hồn ông:

... Không phải nơi đây, không phải miền hoang vu này
Là xứ sở của tâm hồn tôi,
Không phải nơi đây đã nở hoa, đã hiển vinh
Ngày hội vĩ đại của tuổi xuân kỳ diệu!
Và cũng không nơi đây tôi đã chôn cất
Những gì đã làm nên đời tôi, những gì tôi thương quý!...

Tiutchev-thi sĩ không tiếc những hình dung từ rực rỡ nhất, những ẩn dụ đập vào mắt nhất để truyền đạt vẻ đẹp quyến rũ của phương Nam - hiện thân của Ngày vũ trụ. Thế nhưng sự cảm thụ Ngày nơi Tiutchev cũng lưỡng phân như sự cảm thụ Đêm. Có đêm tăm tối mịt mù và có đêm sáng rực vì ánh sao. Có ngày huy hoàng nhờ ánh nắng trong trẻo mà trong đó thiên nhiên phô sắc đẹp của mình và có ngày chói nhoà mờ mịt do quá nhiều ánh nắng. Giờ trưa hè nóng nực trong thơ Tiutchev là thời khắc khi mà ánh sáng chuyển hoá thành cái đối lập ( “màn sương”, “sương mù” tương tự với bóng tối), sự “dư thừa sự sống” trong vạn vật chuyển hoá thành “giấc ngủ nặng nề” (tương tự với cái chết). Chủ thể trữ tình trong thơ Tiutchev yêu mến ánh sáng ban ngày bao nhiêu thì cũng sợ “cái nóng, cái ồn, cái náo động “ của ngày bấy nhiêu:

Ôi, sao xâu xé man rợ,
Sao đáng ghét đối với tôi
Sự ồn ào náo động, tiếng gọi, tiếng thét
Của ngày trẻ trung, ngày rực lửa!
Những tia nắng đỏ ngầu của nó
Đốt mắt tôi nóng bỏng làm sao!
Đêm hỡi, đêm hỡi, tấm màn che của ngươi ở đâu?
ở đâu bóng tối với giọt sương dịu hiền?

“Cái nóng, cái ồn, cái náo động” của Ngày vũ trụ trong thơ Tiutchev có bình diện siêu hình. Chúng tương ứng với cái nóng, cái ồn, cái náo động của tâm hồn con người bị thiêu đốt bởi những đam mê thị dục, trong đó đam mê mãnhliệt nhất là tình yêu. Chúng tôi sẽ còn đề cập đến huyền học tình yêu của Tiutchev, ở đây muốn nhấn thêm rằng nhà thơ-triết gia luôn luôn thụ cảm sự dư thừa lực sống chơi dỡn trong thiên nhiên và trong con người như một khởi nguyên hai mặt, vừa bộc lộ hết vẻ đẹp quyến rũ của sinh tồn vừa đẩy nó đến sự tự vắt kiệt, tự tiêu diệt. Năm 1830, giữa tuổi thanh xuân, Tiutchev viết một trong những thi phẩm kỳ lạ nhất về quan hệ láng giềng thân thích giữa Tình Yêu - Tuổi Trẻ - Cái Đẹp và Sự  Chết:

Mal' aria(*)

Tôi yêu sao cơn giận dữ của Chúa Trời, tôi yêu 
Cái ác bí ẩn tàng hình trong vạn vật:
Trong hoa thắm, trong dòng suối trong vắt như thuỷ tinh,
Trong sắc cầu vồng, trong bầu trời trên thành La Mã!
Vẫn bầu trời xanh thẳm không gợn mây ấy,
Vẫn lồng ngực em thở nhẹ ngọt ngào,
Vẫn làn gió ấm ấy lắc lư ngọn cây,
Vẫn hương hoa hồng ấy - và tất cả đều là Sự Chết!

Ai biết được, có thể trong thiên nhiên có những âm thanh,
Những hương thơm, những sắc màu, những tiếng nói -
Chúng tiên báo giờ phút lâm chung của ta
Và xoa dịu nỗi đau cuối cùng nơi ta.
Và chính vị sứ giả nghiệt ngã của Định Mệnh
Khi vời gọi những đứa con của Đất từ giã cõi đời
Dùng chúng như tấm vải mỏng che lấy mặt
Để không cho ai thấy sự hiện diện khủng khiếp của mình!

Tư tưởng ám ảnh về cái chết ẩn náu khắp nơi, đằng sau mọi hiện tượng sống tự nó không mới và sẽ không làm người thưởng thức bài thơ phải động lòng kinh ngạc, nếu nó không xuất hiện trong một khung cảnh tương phản - giữa thành phố La Mã (Rôma) vĩnh cửu, giữa thiên nhiên tuyệt diễm hào phóng ban thưởng cho con người những tặng phẩm mê hồn của mình. Chủ thể trữ tình, say đắm với hương sắc của đất trời, say đắm với tình yêu của mình, bỗng nhiên nhận ra rằng tất cả cái đó có thể là dấu hiệu của cái chết đến bất thình lình, dấu hiệu của cơn giận dữ không thể hiểu nổi của Thượng Đế. Vừa bàng hoàng khủng khiếp, nó vừa quyết chí chấp nhận đến yêu mến “cái ác bí ẩn tàng hình trong vạn vật” ấy, cái bi kịch muôn đời không thể cắt nghĩa ấy của sinh tồn (ở đây, ta không thể không nhớ đến “amor fati” của Nietzsche hậu sinh!)

Trong thơ Tiutchev, đặc biệt thơ thời trẻ thấm đượm tinh thần tự nhiên thần (panthéisme), thiên nhiên thường xuyên được cảm thụ như một sinh linh lưỡng diện. Một mặt nó có sự sống, có linh hồn mà con người có thể cảm hội; nó là cái bản thể nhất thống tất cả mà chỉ trong sự hoà hợp và hoà đồng với nó con người hữu tử mới tìm thấy được hạnh phúc cao nhất của mình. Tranh luận với những môn đệ của thế giới quan cơ giới chủ nghĩa, Tiutchev năm 1836 viết những câu thơ nổi tiếng:

Thiên nhiên không phải cái các người tưởng tượng,
Không phải bản sao, không phải mặt nạ vô hình:
Nơi ấy có linh hồn, nơi ấy có tự do,
Nơi ấy có tình yêu, nơi ấy có ngôn ngữ...

Ba mươi năm sau ông lại khẳng định:

Có tiếng hát trong những ngọn sóng biển,
Có hoà âm trong giao tranh của các lực tự nhiên,
Và bản nhạc xào xạc êm ái
Toát ra từ những cây lau gợn sóng.

Trong tất cả có sự hài hoà không thể khuấy động,
Sự đồng điệu hoàn mỹ trong toàn thể thiên nhiên,
Chỉ trong cái tự do hư ảo của mình
Chúng ta cảm thấy  bất hoà với nó...

Nhưng đó chỉ là một vẻ mặt của thiên nhiên, một bình diện trong cảm quan phức hợp về thiên nhiên nơi Tiutchev. Theo Tiutchev, con người vừa không có vừa có lẽ phải trong sự bất hoà với thiên nhiên. Thiên nhiên trong nhiều thi phẩm của Tiutchev hình như không có tâm hồn và ý thức, hay nói đúng hơn, tâm hồn và ý thức của nó bất cập đối với con người. Khác với con người nó không nhớ gì về quá khứ, nó chỉ sống với hiện tại. Tiutchev nhiều lần nhấn mạnh rằng thiên nhiên tuyệt đối thờ ơ đối với con người, đối với toàn bộ đời sống nội tâm của nó, những sung sướng và những đau khổ, những niềm tin và những hoài nghi, những phấn đấu và thất vọng của nó. Trong bài thơ Mùa xuân (1838), Tiutchev viết:

Mùa xuân... nó không biết gì về bạn,
Về chúng ta, về điều ác và nỗi đau.
Sự bất tử ngời sáng trong mắt nó
Và không một vết nhăn trên vừng trán.
Chỉ tuân theo những quy luật của mình
Vào giờ định ước nó bay đến với chúng ta
Sáng tươi, hoan hỉ và bình thản
Tựa hồ các thần linh thực thụ...

Hai năm trước khi mất, trở về thăm quê hương nơi trong quá khứ đã từng diễn ra những trận chiến ác liệt đi vào lịch sử nhưng hầu như không để lại dấu vết trong thiên nhiên, nhà thơ lại nhận xét:

Thiên nhiên không muốn biết gì về quá khứ
Những năm tháng của chúng ta hư ảo đối với nó,
Và trước nó, chúng ta mơ hồ tự cảm
Thấy chính mình là chiêm mộng của thiên nhiên.
                     
Tất cả những đứa con của mình -
Những tác giả của những kỳ công vô ích -
Nó lần lượt chào đón bằng cái vực không đáy
Hút thu và trấn yên tất cả.

Đối mặt với cái vực không đáy hút thu tất cả ấy, cái vực chỉ giải phóng con người khỏi những khổ đau của cuộc đời bằng cách giải phóng khỏi chính cuộc đời mà không trả lời câu hỏi về ý nghĩa của nó, tất cả mọi công sức của các thế hệ con người đều trở nên vô nghĩa. Thơ Tiutchev không nuôi dưỡng một tí ảo tưởng nào về thân phận con người ở cõi đời này và không gieo rắc một ảo vọng nào về cuộc sống an lạc trong vĩnh hằng. Chữ định mệnh theo nghĩa cổ xưa, như là số phận chung oan nghiệt đối với mọi sinh linh, xuất hiện rất nhiều lần trong thơ Tiutchev. Chạy trốn hay chống lại định mệnh là hành động vô vọng. Nhưng Tiutchev, noi gương các nhà khắc kỷ chủ nghĩa thời xưa và dự báo cho các nhà hiện sinh chủ nghĩa thời sau, tìm kiếm hy vọng bên kia bờ vô vọng. Ông kêu gọi con người chấp nhận cuộc đời như nó có, không hạ vũ khí mà, ngược lại, đấu tranh không ngơi nghỉ với định mệnh, biết trước rằng trong cuộc chiến ấy mình chỉ có thể chuốc lấy thất bại, nhưng bằng sự chiến đấu đến cùng khẳng định nhân phẩm cao quý của mình, biến chiến bại thành chiến thắng. Đấy là ý nghĩa chính của bài thơ Hai tiếng nói viết năm 1850, ở chính giữa thi nghiệp của Tiutchev:

Hai tiếng nói
                                     I
Hãy can đảm, hỡi các bạn, hãy siêng năng chiến đấu
Mặc dù cuộc chiến không ngang sức, tình thế vô vọng!
Trên đầu các bạn các thiên thể im lặng
Dưới chân các bạn những mồ mả cũng lặng im.
              
Cứ để cho các thần hoan lạc trên đỉnh Olympe:
Sự bất tử của họ không biết đến lao động và lo nghĩ;
Lao động và lo nghĩ chỉ dành cho những sinh linh hữu tử...
Đối với chúng không có chiến thắng, chỉ có kết thúc.


                                    II
Hãy can đảm, hãy chiến dấu dũng cảm, hỡi các bạn
Dù cuộc chiến có tàn khốc, có quyết liệt đến đâu!
Trên đầu các bạn, các thiên thể quay vòng lặng im,
Dưới chân các bạn những quan tài cũng câm lặng.


Mặc cho các thần trên Olympe bằng con mắt đố kỵ
Nhìn cuộc quyết chiến của những tâm hồn không biết ngả nghiêng,
Ai ngã xuống, bị chiến thắng chỉ bởi Định Mệnh,
Người ấy giật từ tay thần linh vòng nguyệt quế quang vinh!

Hai tiếng nói thể hiện hai nhân sinh quan vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Nếu tiếng nói thứ nhất nhấn mạnh cái vực ngăn cách không thể vượt qua giữa thân phận thần linh và thân phận người trần, toàn bộ sự ưu việt ở đây hình như thuộc về các thần bất tử không biết đến lao động và lo nghĩ là cái phận của con người hữu tử, thì tiếng nói thứ hai vừa đồng tình với tiếng nói thứ nhất vừa có phần uốn nắn lại nó: chính các thần tưởng chừng vĩnh phúc ấy bằng con mắt đố kỵ nhìn cuộc chiến không ngang sức giữa những con người yếu đuối với Định Mệnh toàn năng và cuối cùng phải tôn vinh con người tử trận nhưng không đầu hàng. Sự thất bại thảm thê biến hoá thành chiến thắng quang vinh. Nhưng con đường đưa đến sự hiển vinh xán lạn ấy đi qua miền vô vọng tăm tối. Và trong giờ phút quyết định vận mệnh con người, cả những vì sao anh minh trên trời lẫn tổ tiên dưới mộ đều bỏ mặc con người cho chính nó, nó không thể tìm được sự trợ lực, sự dắt đường chỉ lối nào từ bên ngoài. Nó chỉ có thể trông cậy vào lòng quả cảm không biết nao núng bắt nguồn từ ý thức nhân phẩm của nó. Từ bài thơ của Tiutchev toát ra một chủ nghĩa anh hùng mang tính bi kịch đích thực.

(Còn nữa)

Tin liên quan:
Phạm Vĩnh Cư: Thưởng ngoạn tuyển tập Dương Thuấn (05.04.2020 17:36)
Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (Phần 5) (12.12.2018 09:55)
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P3) (02.12.2018 11:57)
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P2) (30.11.2018 20:24)
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P 1) (27.11.2018 08:58)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Chùm thơ ĐMITRI ĐVERI (06.02.2017 17:02)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Thơ tình nước Nga (P1) - Ngọc Châu dịch
Những nét khác thường trong ?Một con người ra đời’ của Macxim Gorki
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 2)
Tác giả ?Nhật kí trong tù’ trong một tâm hồn thơ Nga
Thơ tình nước Nga (P12): Aleksey Konstantinovich Tolstoi (Ngọc Châu dịch)
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 1)
Tiểu thuyết mới của Chinghiz Aitmatov
Thơ tình nước Nga (P6) - Sergay Exenhin - Ngọc Châu dịch
Chùm thơ dịch từ tiếng Nga của Tư Huyền
Ngày hội Puskin toàn Nga -
 
 
 
Thư viện hình