Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Chủ nhật,
26.03.2023 23:39 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1668377
Tin tức > Văn học Nga > Xem nội dung bản tin
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P2)
[30.11.2018 20:24]
Xem hình
Những đoản khúc trữ tình của Tiutchev rất hoành tráng, bất cứ nói về đề tài gì chúng cũng luôn luôn phả vào đấy hơi thở của sự sống toàn thế giới. Tynianov đã gọi không sai phong cách thơ của Tiutchev là “phong cách hoành tráng núp dưới những hình thức nhỏ nhặt”.

Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P 1)

Tiếp theo kỳ trước

I. Hình thức thơ Tiutchev

Di sản thơ ca của Tiutchev không đồ sộ - tất cả nằm gọn trong một cuốn sách không dày. Về phương diện này, Tiutchev giống thí dụ Baudelaire, chứ không phải Hugo trong văn học Pháp. Cũng như Baudelaire, Tiutchev chỉ sáng tác thơ trữ tình và không bao giờ viết trường ca tự sự hay kịch thơ. Nét nổi bật thứ ba làm cho Tiutchev cũng giống Baudelaire hơn Hugo là tuyệt đại đa số các thi phẩm của ông đều ngắn gọn. Trong 303 bài thơ sáng tác của ông (không kể thơ dịch) in trong Tổng tập Tiutchev (Moskva, "Pravda", 1980) chỉ có một bài thơ dài - Urania (194 câu) sáng tác vào tuổi thiếu thời, bắt chước thể loại tụng ca (ode) rất thịnh hành trong thơ cổ điển chủ nghĩa. Ngoài ra, có 22 bài tương đối dài (từ 32 đến 72 câu) thuộc thể loại khác - vận thư (épitre) cũng có những khuôn mẫu cổ điển. Trong số trên dưới 50 bài thơ "nghi ngẫu" cũng có những bài khá dài (50-60 câu) nhưng tất cả những sáng tác ấy đều không tiêu biểu cho Tiutchev. Cái làm nên diện mạo thơ Tiutchev là những tiểu phẩm trữ tình từ 4 đến 20-24 câu, rất ít khi lên tới 30 câu. Chúng vừa chiếm tỉ lệ cao, vừa hoàn hảo đến nỗi làm lu mờ hoàn toàn cái phần còn lại của di sản Tiutchev. Tài viết những tiểu phẩm kiệt tác của Tiutchev khiến những nhà thơ cứng cựa như Nekrasov và Turgenev phải thán phục. Nekrasov, sau khi dẫn hàng chục bài thơ 12 câu, 8 câu, 4 câu của Tiutchev, nhận xét: "Tất cả những bài thơ ấy đều rất ngắn, tuy vậy tuyệt đối không thể thêm một cái gì vào đấy". Turgenev khẳng định: "Những bài thơ ngắn nhất của ông Tiutchev hầu như bao giờ cũng là những bài thành công nhất" và ông giải thích cái đó bởi bản chất ứng tác của thi tài Tiutchev. "Cảm hứng trữ tình ngoại biệt, gần như mang tính chớp nhoáng ở thơ Tiutchev khiến ông diễn đạt một cách cô đúc và ngắn gọn, dường như bao bọc lấy mình bằng một đường biên chật hẹp e lệ và trang nhã". Turgenev hết sức đề cao yếu tố thần hứng nơi Tiutchev, nó làm cho thơ ông "không mảy may mang dấu ấn của sự viết lách... chúng dường như không được viết ra, mà cứ như tự đơm kết như trái trên cây".

Đáng để ý là chuyên tâm sáng tác thơ ngắn, Tiutchev lại hầu như không sử dụng đến  xonê (sonet) - thể loại thơ ngắn (14 câu) rất thịnh hành ở châu Âu từ thời Phục Hưng và ở Nga từ thế kỷ XVIII, được nhiều nhà thơ cùng thời với ông yêu chuộng và, như lịch sử thơ ca cho thấy, cho đến ngày nay vẫn chưa vắt kiệt những khả năng biểu đạt của mình. Thể loại xonê, mà những quy tắc nghiêm ngặt của nó khiến ta liên tưởng tới thơ Đường luật của Á Đông, xem ra không mấy thích hợp với tinh thần tự do phóng khoáng luôn luôn muốn phá vỡ mọi khuôn khổ ổn định của thi tài Tiutchev.

Tiutchev

Về hình thức, những bài thơ ngắn của Tiutchev đứng bên ngoài mọi thể loại đã định hình, chúng không có cấu trúc cố định, không tuân theo quy phạm, không chỉ những quy phạm cổ điển, mà ngay cả những quy phạm mới định hình trong thơ ca thời ông. Thường được xem là nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa, Tiutchev không viết những bi ca (élégie), những khúc mặc tưởng (méditation), những balat (ballade) như biết bao nhà thơ lãng mạn khác ở Nga, Đức, Pháp, Anh. Dịch Lamartine và Hugo ra tiếng Nga, Tiutchev trong thơ sáng tác của mình hết sức né tránh chất từ chương hùng biện tràn trề ở hai nhà thơ này - theo ông, nó "là một ung nhọt hay nói đúng hơn một tội tổ tông của trí tuệ Pháp" (thư gửi công tước Gagarin, 19. VII. 1836).(*) Mẫu mực đối với ông là Pushkin mà ông đặt cao hơn "tất cả các nhà thơ Pháp đương thời" (trong đó có cả Hugo). Từ những phát biểu luôn luôn hết sức trân trọng của Tiutchev về Pushkin có thể hình dung ông đã thầm lặng học tập ở Pushkin tất cả những gì có thể giúp ông phát huy sở trường và đạt được cái đích sáng tạo của mình - viết ngắn gọn, giản dị, cô đúc, bằng ít lời diễn đạt những nội dung to lớn. Nhưng như nhà nghiên cứu văn học lỗi lạc Iu. Tynianov đã chứng minh từ những năm 20 thế kỷ trước,(*) Tiutchev học tập không chỉ Pushkin. Một người thầy nữa về ngôn ngữ thơ ca của Tiutchev là Derzhavin, nhà thơ thế kỷ XVIII mà công lao chính đối với hậu thế là ông đã tạo ra một kiểu thơ trữ tình có phong cách hoành tráng. Không bị cám dỗ tí nào bởi những thi phẩm thường rất dài dòng của Derzhavin, Tiutchev học tập sáng tạo ở thi hào này cách sử dụng một số từ ngữ và cách nói cổ cho phép gia tăng dung tích và âm hưởng ngữ nghĩa của những bài thơ thường rất ngắn gọn của mình, biến nhiều câu thơ trữ tình của Tiutchev thành những danh ngôn mang sức nặng của minh triết ngàn đời.

Đối chiếu hình thức thơ Tiutchev với hình thức thơ Nga và châu Âu cùng thời, Tynianov cho rằng Tiutchev đã thành công trong một tìm tòi thể loại quan trọng - ông đã đưa vào thơ Nga, đưới dạng biến cải, một hình thức thể loại mới - đoản khúc (fragment). Đoản khúc là hình thức sáng tác khá điển hình cho thơ ca (và cả âm nhạc) châu Âu thời lãng mạn chủ nghĩa. Khác với những thể loại dài hơi của thơ ca cổ điển chủ nghĩa, mà ở đấy cảm xúc trữ tình được hun đúc và được cân bằng hóa bởi lý trí, thơ đoản khúc lãng mạn theo đuổi mục đích ghi lại, nhiều khi dưới dạng thô mộc tự nhiên, những tình cảm và ý nghĩ bột phát, những tâm trạng thoáng của con người, chúng giàu yếu tố ấn tượng, chúng giống như những bức phác hoạ chớp nhoáng, những ghi chép tức thời không có ý định soi sáng từ nhiều phía một đối tượng nào hay phô diễn đến cùng một ý tứ nào. Bí quyết thành công của chúng là ở năng lực gợi cảm, gợi nghĩ, tạo tác ra xung quanh mình những trường liên tưởng rộng lớn. Heinrich Heine (1797-1856), nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa lớn nhất của nước Đức, là bậc thầy khó vượt qua về thơ đoản khúc trữ tình. Tiutchev một thời chơi thân với Heine và là người đầu tiên dịch thơ Heine ra tiếng Nga. Nhiều thi phẩm của Tiutchev có hình thức bề ngoài giống những đoản khúc của Heine, nhưng lại rất khác biệt về ý tứ, âm hưởng, điệu thức và cả về phương thức tồn tại. Những đoản khúc trữ tình của Heine thường được xâu chuỗi thành những liên khúc, mỗi bài thơ ngắn có vẻ dở dang không đầu không đuôi sống giữa quần thể những thi phẩm tương tự, cộng hưởng với chúng, thu nhận từ chúng cái hàm nghĩa của văn bản lớn. Tiutchev trong đại đa số trường hợp không xâu chuỗi những đoản khúc của mình. Mỗi một bài thơ ngắn của ông tồn tại và tác động độc lập, tự tạo ra trường ngữ nghĩa của mình, ứng đáp thuận nghịch với những thi phẩm độc lập khác trong một hệ thống liên văn bản mang tính ngôn ngữ chung của thơ Tiutchev. Trọng tải và âm hưởng ngữ nghĩa của thơ đoản khúc của Heine và Tiutchev vì thế mà không giống nhau.

PGS. TS Phạm Vĩnh Cư

Thơ Heine giàu tính tâm tưởng, thơ Tiutchev giàu chất quán tưởng, thơ Heine khêu gợi, thơ Tiutchev ám thị, thơ Heine thường có âm hưởng thính phòng (không phải ngẫu nhiên mà chúng được chuyển thể nhiều thế thành những ca khúc), thơ Tiutchev có âm hưởng vũ trụ (chính vì thế rất khó “ca khúc hoá” chúng).

Ta sẽ thấy rõ nét hơn những đặc điểm của thơ Tiutchev nếu so sánh hai đoản khúc trữ tình có số câu như nhau của Tiutchev và Heine. Có thể sử dụng một thi phẩm không đề nổi tiếng của Heine được Tiutchev và sau này cả Lermontov dịch ra tiếng Nga và đã trở thành một hiện tượng của thơ Nga:

                      Ở miền Bắc tăm tối, trên đỉnh núi hoang dại
                      Một cây tùng đứng trắng xoá dưới tuyết.
                      Nó ngủ ngon trong sương giá mịt mờ
                      Và bão tuyết đu đưa giấc ngủ của nó.

                      Nó mơ thấy ở phương Đông xa xôi
                      Dưới bầu trời trong vắt thanh bình
                      Một cây cọ đương tuổi xuân đứng một mình
                      Trên mỏm đồi chan hoà ánh nắng.

Trong bài thơ này của Heine, thiên nhiên hùng vĩ có quy mô vũ trụ làm khung cảnh cho ước mơ cá nhân về hạnh phúc lứa đôi (cây tùng trong tiếng Đức và tiếng Nga thuộc giống đực, cây cọ thuộc giống cái), ước mơ ấy tuy bất khả thi nhưng rất tự nhiên, êm ái, ngọt ngào, và chính cái phong vị ngọt ngào, êm ái ấy truyền cho bài thơ một âm hưởng trữ tình gần gũi với mọi người, thính phòng theo nghĩa ấy. Cũng ở tuổi thanh xuân như Heine, năm 1830 Tiutchev sáng tác một đoản khúc trữ tình như sau:

                                       Bình yên


                      Cơn dông vừa qua. Cây sồi lớn
                      Bị sét vật ngã còn nằm ngổn ngang
                      Và làn khói lam còn bốc nghi ngút
                      Qua kẽ lá xanh được dông gội rửa.
                        
                      Thế mà lảnh lót, đồng loạt hơn trước
                      Tiếng chim đã vang dội khắp rừng non
                      Và cầu vồng đã cắm một chân
                      Xuống những ngọn cây xanh mướt.

Thoạt nhìn có thể tưởng đây là một bài thơ tả cảnh đơn thuần, một bức tranh về sự bình yên tĩnh lặng trở lại với thiên nhiên sau dông tố. Nhưng chữ “bình yên” được đưa lên tiêu đề nói không phải về thiên nhiên – ở đó đương sục sôi sự sống: rừng đương vang dội tiếng chim hót, cầu vồng ngũ sắc cất mình lên cao đương cắm một chân xuống những ngọn cây xanh mơn mởn. Chữ “bình yên” ở đây nói về sự tử vong đột ngột của cây sồi- tráng sĩ, cây sồi đại thụ đương hiên ngang ngự trị giữa rừng non thì bị sét quật ngã và giờ đây nằm phủ phục dưới gốc những cây đương ở tuổi lớn lên mà không hề được chúng để ý, không hề được chúng khóc thương. Cái chết của cây sồi đại thụ tuyệt không làm gián đoạn ngày hội bất tận của thiên nhiên bình thản trước sự ra đi của mọi cá thể, dù là những cá thể kỳ vĩ nhất, anh hùng nhất. Cuộc sống và cái chết của cá thể, với tất cả hạnh phúc và nỗi đau, vừa được cảm hội đầy đủ từ góc độ cá thể, vừa được nhìn nhận từ tầm cao siêu cá thể như là những biểu hiện khác nhau của một sự sống chung, bất tận, luôn luôn đổi mới và đổi khác, luôn luôn tống cựu nghinh tân. Cảm xúc trữ tình mà bài thơ tám câu này gây nên nơi người đọc đã không mang âm hưởng thính phòng mà thu lượm những chiều kích vũ trụ quan rõ rệt. Nếu đoản khúc của Heine rõ ràng được viết theo cung điệu mineur thì về đoản khúc của Tiutchev khó nói nó mang cung điệu nào: mineur (thứ) và majeur (trưởng), với tất cả các biến hóa, ở đây đan thoa đến mức không thể phân biệt.

Cũng cái điệu thức phức hợp ấy ta nghe rõ mồn một ở đoản khúc khác của Tiutchev còn ngắn hơn, sáng tác cũng vào năm 1830 rất được mùa ấy:

                              Tai biến cuối cùng   

                             Khi giờ chót của thiên nhiên điểm
                             Mọi thành tố của hạ giới sẽ vỡ tan
                             Nước lại che kín mọi vật hữu hình
                            Và trong nước sẽ hiện lên khuôn mặt Thượng Đế.

Ở đây, chỉ trong bốn câu thơ, được gói gọn cả những huyền thoại tôn giáo thượng cổ về sự sáng tạo và tái tạo thế giới bởi thần linh tối cao, cả những quan niệm triết học tự nhiên cũng rất cổ xưa về nước như là một nguyên tố khởi thủy, nơi vạn vật phát sinh và vạn vật phải trở về để cho vũ trụ được cải tử hoàn sinh. Những đoản khúc trữ tình của Tiutchev rất hoành tráng, bất cứ nói về đề tài gì chúng cũng luôn luôn phả vào đấy hơi thở của sự sống toàn thế giới. Tynianov đã gọi không sai phong cách thơ của Tiutchev là “phong cách hoành tráng núp dưới những hình thức nhỏ nhặt”.

(Còn nữa)

Theo bản tác giả Phạm Vĩnh Cư gửi Người Bạn Đường

Tin liên quan:
Phạm Vĩnh Cư: Thưởng ngoạn tuyển tập Dương Thuấn (05.04.2020 17:36)
Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (Phần 5) (12.12.2018 09:55)
Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (Phần 4) (12.12.2018 09:28)
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P3) (02.12.2018 11:57)
Phạm Vĩnh Cư: Tiutchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia (P 1) (27.11.2018 08:58)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Chùm thơ ĐMITRI ĐVERI (06.02.2017 17:02)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Thơ tình nước Nga (P1) - Ngọc Châu dịch
Những nét khác thường trong ?Một con người ra đời’ của Macxim Gorki
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 2)
Tác giả ?Nhật kí trong tù’ trong một tâm hồn thơ Nga
Thơ tình nước Nga (P12): Aleksey Konstantinovich Tolstoi (Ngọc Châu dịch)
Đại thi hào Nga A.Puskin: Ngực tròn vuốt nhẹ (Bài 1)
Tiểu thuyết mới của Chinghiz Aitmatov
Thơ tình nước Nga (P6) - Sergay Exenhin - Ngọc Châu dịch
Chùm thơ dịch từ tiếng Nga của Tư Huyền
Ngày hội Puskin toàn Nga -
 
 
 
Thư viện hình