(Thơ tình cuối mùa thu)
Tình yêu ấy đẹp vì qua đó, không chỉ là tìm được “một nửa” con người cần gắn bó, phù hợp, mà còn vì đó cũng chính là “một nửa” cuộc đời để sống hoàn chỉnh, hạnh phúc.
Trước hết, họ đem đến cho nhau sự hoàn chỉnh, hoàn mỹ trong tình yêu.
Lưu Quang Vũ rất biết ơn Xuân Quỳnh, và ngược lại, với Xuân Quỳnh cũng vậy. Hạnh phúc sau một lần hôn nhân tan vỡ, bình thường, khó được hoàn toàn đẹp đẽ vì những mặc cảm trong tâm lý của chính bản thân cả hai người – vợ và chồng.

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Tình yêu của họ thật đặc biệt.
Ban đầu, họ đến với nhau không tránh được những rào cản lớn về tâm lý từ phía những người thân. Nhất là phía gia đình Vũ, trước hết là ở bà mẹ. Hình như, có một chênh lệch khó kê bằng – không hẳn chỉ vì tuổi tác, mà còn vì dư luận xã hội.
Nhưng rồi, họ đã vượt qua tất cả bằng sự chủ động của cả hai, trong đó quyết tâm lớn thuộc về Lưu Quang Vũ. Đôi vợ chồng này không chỉ hàn gắn, mà còn xây mới cuộc đời.
Theo lẽ thường, tình yêu là sự gặp gỡ đẹp của đôi trài tái gái sắc.
Nhưng ở đây, tài và sắc là ở cả hai đối tượng. Xuân Quỳnh hấp dẫn Lưu Quang Vũ không chỉ là ở sắc đẹp thiên phú, và giờ đây là cái mặn mà “gái một con”. Lưu Quang Vũ bị “tiếng sét ái tình” do cái nhìn nghệ thuật và con người nghệ thuật.
Với Xuân Quỳnh, có lẽ điều hấp dẫn chủ yếu ở Lưu Quang Vũ là “tính đàn ông” ở một nhà thơ trẻ, và dĩ nhiên là tài năng nghệ thuật ở một con người. Họ là hai thanh nam châm cùng có hấp lực mãnh liệt trong tình yêu.
Họ sống với tất cả ý nghĩa của chữ yêu: yêu đương, yêu thương, yêu chiều. Trong tình có cả nghĩa nữa. Đó chính là chất keo giữ chặt hai số phận, hai cuộc sống vừa trần thế, hiện thực; vừa lãng mạn, bay bổng.
Qua thơ và những lá thư khi xa nhau ta thấy rất rõ điều đó – Thư hai người gửi cho nhau, dù là tình thật, cũng là chất liệu cho thơ tình yêu sau này khi chung sống. Toát lên là một tình yêu ngọt ngào, thơ mộng và ngày càng đắm đuối, say mê.
Chỉ dẫn đôi điều qua hai bức thư, để thấy một trái tim yêu thương nồng hậu, với tư cách cả người tình, người chồng và người cha.
Dưới đây là trích bức thư của Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh khi đi công tác miền Nam và khi đi Liên Xô.
“Quỳnh thương yêu,
Em gắng đi về bằng máy bay cho khoẻ. Không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí , với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu..., về với những con đường chúng ta vẫn đi, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.
Những ngày này, nhớ và thương Quỳnh lắm, không nên bực bội vì Sài Gòn và người Sài Gòn làm gì. Mùa đông này về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chung ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?
Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.
Hôn em rất lâu”.
Thư viết ngày 5/6/1976.
Và đây là thư viết khi Xuân Quỳnh đang ở Liên Xô cũ:
“Quỳnh nhớ thương,
Em đi đã được một tuần. Nhớ em và buồn lắm. Mấy bố con ở nhà vẫn bình thường. Mẹ đi vắng, Mí cứ quấn bố, tối không chịu xuống bà. Hôm nào cũng bảo: bố với con đi đón mẹ đi. Mí ăn được, ngủ được, vẽ thêm nhiều tranh mới.
Anh đang viết gấp cho xong tập sách diễn viên, cũng mới viết được mấy bài thơ và định viết truyện ngắn về Campuchia. Nhuận bút tập thơ của em, mẹ bảo, có lẽ phải hàng tháng mới có tiền. Mấy bố con ai cũng túng, nhưng cũng “cầm cự” được vì có cá khô, tôm khô rồi.
Anh làm mọi việc xong, ru con yên thì đã 11 giờ, lúc đó mới làm việc. Mới biết em ở nhà làm việc nhà vất vả thật...”
Chỉ mấy dòng cắt ngang thư đã thấy sự cảm thông sâu sắc của tấm lòng người chồng. Lưu Quang Vũ biết Xuân Quỳnh chỉ viết về khuya sau khi tất bật làm xong hết việc nhà, việc của cả một gia đình lớn chung sống. Và cũng chỉ lúc ấy mới cầm bút với tờ giấy kê trên đùi, giữa sàn nhà, giữa đêm khuya. Và chia sẻ sự lo toan của vợ qua những lời dặn dò:
“Những gì em dặn về nhà cửa, về con anh đều nhớ và lo chu toàn. Chỉ có nhớ và mong em về. Có lẽ cũng phải một tháng nữa em mới về nhỉ?”.
Nổi lên vẫn là khát vọng viết và yêu thương của hai con người cùng say mê nghệ thuật, và chung tay xây dựng hạnh phúc lứa đôi.
“Em cũng chẳng nên mất thời gian quá về những dự định mua sắm bên đó, để sức mà đi xem, đi chơi. Đời sống vợ chồng, con cái mình rồi cũng đã ổn dần, miễn là mình viết được và in được.
Nhiều việc anh muốn làm quá, anh rất sốt ruột, sức khoẻ thì có hạn.
Anh cũng muốn làm xong mọi “com măng” để thư thả mà làm thơ. Anh muốn viết khác đi, hay hơn và chắc rằng sẽ viết được.
Mới đó mà đã giữa năm
... Hôn em. Nhớ em nhiều. Em ở bên đó xứ sở đẹp đẽ, giàu có, có nhớ đến gian buồng và cái sạp của bố con tôi không?
Anh của em”.
Nếu có thần giao cách cảm, chắc rằng, tâm hồn của họ sẽ gặp nhau vào giờ phút ấy. Và đó là hai tâm hồn yêu thương, quấn quýt với nhau mãi mãi như lời nguyện của chính Xuân Quỳnh. “Hoa cúc xanh” như nở mãi trên thiên đường tình yêu Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh!
Đáp lại, tiếng nói tình yêu của Xuân Quỳnh cũng là sự “nghẹn ngào”, “xúc động” trong thư gửi cho Lưu Quang Vũ.
Xuân Quỳnh trải lòng rất thật với người yêu, cả những lo toan, suy nghiệm trong tình yêu. Trong thư, Xuân Quỳnh không giấu sự trăn trở giằng xé nội tâm khi phải rời xa gia đình để đến một đất nước xa xôi như “thiên đường mơ ước” của một thời.
Sau đây là đôi trích đoạn:
“Anh nhớ thương của riêng em,
Suốt từ hôm đi, chưa lúc nào mở mắt được. Muốn viết cho anh ngay, viết nhiều nhưng bận quá, và căng thẳng quá.
Hôm em đi, trời mưa chỉ kịp nhìn anh xuống xe đạp, và khoác cái mảnh ni lông trắng. Em thương nhớ anh muốn khóc, nhưng đành phải cười nhạt nhảy lên xe.
Em không còn nhớ được em thấy gì cuối cùng trên đất ta ngoài anh và em”.
Và đêm đầu tiên xa xứ là đêm không ngủ được của nữ sĩ bởi “... không sao nhắm mắt được. Em nhớ thương con, nhớ anh quá (...)
... Anh bận nhiều, vất vả.
Em nghĩ mà thương anh lắm. Không hiểu anh có nhớ em không, hay lại thấy là đang thoát khỏi sự khó tính bẳn gắt của em? Đừng giận em, em dù có những nhược điểm như vậy, nhưng chủ yếu là bao giờ cũng thương yêu anh lắm”.
Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh, không phải về tình yêu, mà về trí tuệ.
Em cảm thấy em già rồi, già về thể chất đã đành, nhưng em lại quá già cả về sự yên phận của người đàn bà, về những nhỏ nhen tầm thường của đời sống.
Em nhìn mặt em trong gương, em thấy em không xứng đáng với anh.
Tất cả trong anh là cái gì đó đang vươn lên, đang trỗi dậy. Tất cả trong anh là sự bắt đầu mà con đường của anh thì còn xa tít tắp. Con người anh như cây đàn, vừa tiếp nhận những luồng gió của cuộc sống, vừa trả lại cho cuộc sống biết bao nhiêu âm thanh”.
Em cảm thấy em khô cằn và bất lực. Em buồn lắm. Em thành thật nói với anh điều đó. Em vẫn cảm thấy hết. Vậy cho nên lúc nào em cũng thấy tình yêu của chúng ta mong manh. Em buồn lắm.
Em không thể hình dung là nếu không có anh, em sẽ sống như thế nào.
Em rất muốn em trẻ đẹp lại cho tuổi tác và hình thức của mình.
Có thể anh không cần như thế, nhưng em cần như thế. Và chắc chắn rằng em trẻ hơn và đẹp hơn, anh sẽ yêu em hơn”.
Qua mấy dòng thơ trích, ta thấy rõ sự tôn trọng, tin tưởng ở một tài năng đẳng cấp của người yêu Lưu Quang Vũ, đồng thời là sự nhún mình khiêm tốn của Xuân Quỳnh. Đó là sự tỉnh táo trong mê đắm.
Một nỗi niềm rất thật là, sự phấp phỏng, lo toan, cũng là khát vọng có phần không tưởng của Xuân Quỳnh. Cũng là để gìn giữ hạnh phúc, và vun đắp cho một tình yêu nở hoa mãi mãi.
Tình yêu Xuân Quỳnh có nét rất nữ tính, và thật ra rất thường tình của người đàn bà với thiên chức “xây tổ ấm” gia đình. Nhất là trong cảnh phận riêng như éo le cuộc đời: “con anh, con tôi, con chúng ta”. Điều đó thật đáng thương cảm, và cũng đáng khâm phục biết bao.
Trên đời đã có biết bao lá thư tình của đôi vợ chồng chung thuỷ, ân nghĩa với nhau. Qua đôi dòng thư của Lê Quang Vũ và Xuân Quỳnh, ta thấy được tình yêu chân thành, say đắm, cũng như lòng cảm kích, tôn trọng nhau của những tâm hồn nghệ sĩ đích thực.
Tình yêu của đôi tài hoa bạc mệnh này còn là sự hoà hợp của những tính cách đầy bản lĩnh.
Trước hết, cả hai đều là những con người biết vượt thoát hoàn cảnh, trong đó có không ít gian khó của tuổi trẻ. Nhất là Xuân Quỳnh, đã có một tuổi thơ thật vất vả. Nhưng rồi, 13 tuổi chị đã đi văn công và cuộc đời mở rộng. Đến khúc tình duyên thì lận đận, nhưng rồi cô gái đứng lên, chủ động đi tìm hạnh phúc, và vun đắp công phu, kiên trì bằng chính đôi tay của mình.
Lưu Quang Vũ, sau khi rời quân ngũ, cũng đã trải qua một thời “gió bụi” – phải vật lộn với cuộc sống. Nhưng rồi, chàng trai ấy cũng là con người quật khởi, biết đứng vững, vượt lên hoàn cảnh, để tự mở đường đi lên đỉnh dốc cuộc đời.
Khi sống chung, họ lại dìu dắt nhau qua những đoạn quanh co, mấp mô của cuộc đời. Lưu Minh Vũ – con trai của Lưu Quang Vũ và Tố Uyên, sau này kể về bố và má Quỳnh: “... Tôi biết họ sinh ra là để cho nhau, cùng nhau vượt qua những năm tháng gian nan, lận đận nhất”.
Cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, không hẹn mà nên, đã tìm đường đến với sáng tác thơ và kịch như hai sự nghiệp để đời. Họ đã mê đắm một tình yêu nghệ thuật, và đã tận hiến cho lý tưởng chân thiện mỹ.
Và hiếm có đôi nghệ sĩ trẻ tài hoa nào lại đạt được danh giá đỉnh cao. Cuộc đời nghệ thuật đã được đền đáp xứng đáng. Kẻ trước, người sau đều được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật.
Hiền lành đấy, mà cũng đáo để cả. Có lẽ tính cách nổi trội nhất ở họ là khi cần, có thể quyết liệt: sống tận hiến, yêu đến giọt tình cuối cùng, đấu tranh triệt để cho cái thật và cái đẹp trên đời.
Dĩ nhiên, mỗi người là một cá tính độc đáo, và có một kiểu biểu hiện riêng. Tuy nhiên, họ tương đồng và tương ứng với nhau. Ở những cốt cách cơ bản, cũng chính là những bản lĩnh của người nghệ sĩ chân chính.