(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung) - Vương phu nhơn là mẹ của người đẹp tựa tiên nữ Vương Ngữ Yên, cô gái dịu dàng, uyên bác tinh thông võ học chỉ qua nghiên cứu sách vở, dù chân yếu tay mềm, không biết chút võ công. Trong tác phẩm kiếm hiệp Thiên long bát bộ (Lục mạch thần kiếm) của Kim Dung, Vương phu nhơn vốn là tình nhân bị phụ bạc của Đoàn Chính Thuần, một tay sát gái với hàng loạt mỹ nhân bậc nhất thiên hạ.
Vương Chính Thuần là dòng dõi đế vương (Trấn Nam vương), em của hoàng đế nước Đại Lý Hoàng Chính Minh. Mà nước Đại Lý thì lại là xứ sở của hoa Trà (Mạn đà la), nên có lẽ do vậy, mà người đẹp họ Vương rất say mê hoa trà. Hoặc vì một lý do nào khác nữa thì không ai biết.
Chỉ biết là sau khi bị phụ tình, lại có một cô con gái với Đoàn Chính Thuần (chính là Vương Ngữ Yên), bà ta ẩn về vùng Tô Châu, đến Thái hồ tìm một hòn đảo vắng, lập ra một trang trại chỉ trồng toàn hoa Trà, đặt tên là Mạn đà sơn trang. Hiểu theo nghĩa đen là một Trang trại hoa Trà vậy.

Vương phu nhơn bị tình lang phụ bạc nên rất căm ghét đàn ông phụ tình
Để có được Mạn đà sơn trang, Vương phu nhơn bỏ ra không biết bao là công sức, tiền bạc, vẫn thường đi khắp thiên hạ sưu tầm, mua cả ngàn cây hoa trà về trồng, chăm sóc nâng niu. Ở Mạn đà sơn trang, trà hoa mọc ngút ngàn như rừng. Chưa bao giờ biết chán, Vương phu nhơn vẫn không ngại khó, tốn kém, tiếp tục tìm thêm thật nhiều giống hoa trà chủng loại khác nhau. Có thể nói Vương phu nhân đã say mê hoa trà đến tuyệt đỉnh, mê mẩn. Một thú vui lạ lùng nhưng tao nhã.
(Ghi chú: mà có lẽ sự thật chính tác giả Kim Dung mới là người say mê loài hoa này. Rải rác trong các tác phẩm của mình, Kim Dung không tiếc lời tụng ca loài hoa thanh cao, cao quý này. Không ít lần ông ví đoá hoa trà như một người con gái đẹp nhất, tinh khôi. Tỷ như trong Anh hùng xạ điêu, ở phần cuối truyện, Kim Dung mô tả Hoàng Dung dung mạo "như một đoá bạch trà", cho thấy Kim Dung yêu hoa trà ra sao).
Vì bị Đoàn Chính Thuần phụ bạc, nên Vương phu nhơn, dù tự trong đáy lòng vẫn không bao giờ nguôi nhớ về Đoàn Chính Thuần, đã vô cùng căm hận giới đàn ông nói chung. Bà ta rất ghét và không còn niềm tin vào sự chung thuỷ của đàn ông. Và đối xử với đàn ông vô cùng tàn bạo độc ác. Có lẽ âu cũng là cách để "trả thù" cho mối uất hận vì bị phụ bạc vậy.
Hàng ngày, ngoài hoa trà, bà ta tìm lùng những gã đàn ông năm thê bảy thiếp, chơi bời trác táng bắt cóc dẫn về Mạn Đà sơn trang để xử tội thiếu chung thuỷ. Mỗi khi bắt được "phạm nhân" đem về, y rằng Vương phu nhơn chửi rủa cay độc, ép làm những việc kỳ quái như buộc phải về ... giết vợ! Ai không nghe thì giết, bằng cách chặt chân, tay, đem làm phân bón chôn dưới gốc hoa trà. Tuy không rõ là bao nhiêu, nhưng chắc chắn khá nhiều gã đàn ông bạc bẽo đã bị Vương phu nhơn hoá kiếp cho làm phân bón ở Mạn đà sơn trang.
Lại vì rất ghét đàn ông, nên Vương phu nhơn ban hành một thứ luật kỳ lạ là cấm tuyệt đàn ông không được bén mảng, đặt chân lên đảo Mạn đà. Ai mà lỡ không biết, vô tình đặt chân tới đây sẽ phải bị chặt hai chân để lại làm phân bón trà!
Đặc biệt đối với đàn ông là người nước Đại Lý hả, mà lại mang họ Đoàn hả, (chính là quê hương và họ của "gã" người yêu phụ bạc Đoàn Chính Thuần), thì lại càng cần nghiêm khắc hơn. Chỉ có giết!

Hoa trà
Điếc không sợ súng
Những tưởng là chủ nhơn của Mạn đà sơn trang như vậy, Vương phu nhơn ắt phải rất rành rẽ về loài hoa trà, cây trà. Từ cách trồng trỉa, chăm sóc, cho đến đặc tính của từng loài, phân biệt được đâu là giống quý, tên của từng loại ...vv. Nhưng té ra hoàn toàn ngược lại. Vương phu nhơn hầu như không có chút kiến thức nào về loài hoa, cây này. Mà cũng chưa có ai từng hướng dẫn hay giải thích cho nàng.
Chính vì vậy, mặc dù thỉnh thoảng kiếm ra và đem về được vài chủng loại hoa trà thuộc giống trân quý, nhưng cũng không hề biết là quý. Không phân biệt được thượng vàng hạ cám. Lại do không biết cách chăm sóc và đặc tính của cây, nên hoa quý đem về trồng rồi cũng đều từ từ héo mà chết. Cũng vì vậy mà bà ta buồn bực phiền lòng không ít.
Thế rồi run rủi thế nào, bữa nọ anh chàng ngoan đạo lãng tử Đoàn Dự, chính là con trai của Đoàn Chính Thuần, lạc lối đưa chân đến Mạn đà sơn trang. Khi chàng ta vô tình dõng dạc tuyên bố mình là người nước Đại Lý, lại họ Đoàn, tưởng chừng đã cầm chắc cái chết trong tay Vương phu nhơn.
Nhưng trong cái xui luôn có cái hên. May nhờ kiến thức uyên thâm về hoa trà (vì từ nhỏ sống trong cung, cùng được chăm sóc, thưởng lãm hoa trà) nên không những thoát chết, mà Đoàn Dự còn lật ngược thế cờ, dồn Vương phu nhơn vào thế phải mở tiệc khoản đãi mình, chỉ để được nghe Đoàn Dự bình phẩm về cái hay, cái tuyệt của hoa trà. (Mà qua đó, mọi người như chúng ta cũng có cơ hội tăng thêm những kiến thức vô cùng thú vị, hay ho về loài hoa này. Hi hi).
Thế mới biết người đẹp Vương phu nhơn, cũng như rất nhiều người đẹp khác trên chốn võ lâm giang hồ của Kim Dung, có những sở thú rất lạ lùng, tức cười. Theo kiểu "điếc không sợ súng" vậy.
Nhưng suy cho cùng, trên cõi đời này nhiều khi thà "điếc không sợ súng", mà lại được sung sướng, hạnh phúc hơn là kẻ không điếc vậy. Giả tỷ không gặp Đoàn Dự, rất có thể Vương phu nhơn vẫn lầm tưởng Mạn đà sơn trang của mình là đệ nhất thiên hạ võ lâm, vẫn sung sướng hưởng cái thú ngắm hoa. Có khi lại còn nghĩ rằng gã người tình phụ bạc Đoàn Chính Thuần hẳn sẽ thèm khát, ganh tỵ nếu biết nàng có Mạn đà trang. Còn hơn là từ khi biết được "sự thật đau lòng" do Đoàn Dự chỉ ra, Vương phu nhơn có lẽ sẽ mất ngủ ít nhiều, nhìn hoa thấy không còn đẹp, còn quý như trước nữa rồi.
Lại nói thêm về tính "điếc không sợ súng". Bây giờ người đời hay gọi là tính "nổ"! Không ít vị đúng là dạng "ếch ngồi đáy giếng", tối ngày chỉ ngồi một chỗ dưới hố sâu, nhìn lên thấy một khoảng trời nho nhỏ bằng cái vung. Mà cứ nghĩ mình đã hiểu rõ, biết rành trời đất này rộng lớn cỡ nào vậy. Nói thật nếu "nổ" cho vui với thiên hạ, thì cũng có thể cho là được đi. Nhưng nếu đem cái tầm "ếch ngồi đáy giếng" ấy, mà làm quan, đi "dạy dỗ" thiên hạ, thì thật là cái hoạ vậy.

Vương Ngữ Yên, con gái của Vương phu nhơn và Đoàn Chính Thuần là một cô gái tuyệt sắc, nết na, thông minh dĩnh ngộ. Về sau nàng yêu Đoàn Dự - chính là anh cùng cha khác mẹ!
Nhưng chốt lại, kiến thức về hoa Trà có thực sự cứu mạng được cho Đoàn Dự hay không? Mời quý vị xem phần trích chương dưới đây trong tác phẩm THIÊN LONG BÁT B? sẽ rõ. Thật hấp dẫn và hay ho đó.
Xem tiếp kỳ sau
Nguồn: Bình luận án