Dòng sông cuối hạ lưu rộng mênh mông, từ bờ đê bên này sang bờ đê bên phía Ninh Bình có lẽ phải rộng đến hơn một cây số. Chưa bao giờ bọn trẻ làng dám bơi qua giữa dòng bởi vì đã được nghe người lớn kể đủ chuyện ly kỳ sợ hãi về bến sông này, rằng dưới sông có hà bá hàng năm thường bắt người lôi xuống nước tế thần, rằng trước đây có nhóm cướp rất dữ từ bên Ninh Bình đêm hay cưỡi trâu bơi sang bên này trấn cướp dân làng, rằng có một anh trai làng bơi rất giỏi nhưng đã chết chìm mất xác khi bơi ra cứu mấy người sắp chết đuối mùa nước lũ, rằng thỉnh thoảng thấy có thiếu nữ từ mạn ngược bị hành hình vì tội ngoại tình, bị cắt tóc bôi vôi và trói thả bè trôi ra biển…
Bên kia sông hình như là cả một thế giới xa lạ mà chúng tôi chưa biết. Mỗi lần ngồi trên triền đê nhìn sang đó thấy dãy núi nhấp nhô màu xanh lam đầy bí hiểm, những ngôi nhà thờ mờ mờ tháp chuông cao vút, những buổi chiều khi mặt trời khuất sau núi làm cả một vùng chân trời phía ấy cháy đỏ, vàng rực hoàng hôn…
Có lần thằng Khoan con bà Kỷ ở đầu làng rủ tôi chặt chuối đóng bè thử bơi sang bờ bên kia xem sao. Thằng Khoan là đứa to khỏe nhất trong lũ trẻ. Hai đứa hì hụi chặt được sáu cây chuối già sau miếu làng, cắt ngọn, vác ra bãi sông, hết cả buổi sáng bện dây bằng bẹ chuối khô, rồi buộc bốn thanh tre cũ kẹp sáu cây chuối thành một cái bè. Làm xong hai đứa sướng quá đẩy bè ra sông trèo lên, nhưng lại quên không chuẩn bị làm sào đẩy hay cán chèo gì cả, cái bè thì tự nó bị nước kéo trôi ra xa, tôi và thằng Khoan nằm sấp ôm hai cạnh bè, dùng tay khỏa nước loạn xạ. Ra phía ngoài một chút là sóng to bắt đầu dập dềnh, nước xô vào mạn bè tung lên hắt vào mặt, quần áo ướt sũng. Còn cái bè thì không thấy bơi ngang mà cứ trôi chéo về phía giữa dòng, tôi thấy nó bắt đầu xộc xệch, hình như một thanh tre khô ngấm nước bị gẫy. Thằng Khoan run rẩy, sợ hãi nhảy xuống nước bỏ bè bơi vội vào bờ. Tôi bị sóng xô táp nước vào mặt, sặc sụa, ngộp thở ôm chặt chiếc bè, xung quanh tất cả đều bồng bềnh, trơn tuột, thật đáng sợ, chỉ thấy sóng và nước… Hình như cái Nhung học cùng lớp lúc đó đứng trên đê nhìn thấy kêu cứu toáng lên, người lớn trong làng chạy ra sông lo cứu. Tôi chỉ nhớ là anh trai tôi lúc ấy bơi ra giữa dòng, đẩy tôi đang ôm chặt chiếc bè chỉ còn lại hai cây chuối gẫy vào bờ. Lần ấy tôi được bố cho một trận roi rát mông…

Nhà thơ Ngô Thanh Hoàn
Rồi từ bến sông này anh trai tôi đã khoác ba lô qua đò sang sông, theo đoàn quân vào Nam đánh Mỹ, còn mẹ tôi thì ngồi sau cửa bếp khóc thầm… Tôi còn thấy chị Xoan nhà ông Hiển hàng xóm buồn buồn đứng trên bờ đê nhìn mãi về phía bên kia sông, nơi xa xa có dãy núi Tam Điệp mà các anh bộ đội hành quân xa hút về phía ấy.
Bọn trẻ chúng tôi lớn lên với đồng bãi, nắng gió bên bờ đê. Dòng sông thì vẫn quá rộng, vẫn không đứa nào dám bơi qua giữa dòng, chỉ ngụp lặn ven bờ, tồng ngồng đuổi nhau trên đê, thấy bọn con gái thì lại nhảy ùm xuống nước. Mặc dù bên con sông lớn vậy nhưng làng tôi hầu hết các nhà chỉ bám đất làm ruộng, không thấy có mấy nhà sắm thuyền làm nghề chài lưới trên sông. Ngay đến bến đò cũng là do người bên phía Ninh Bình quản lý chở người qua lại.
Mùa nước lên, dòng sông rộng mênh mông, có cảm giác mọi thứ thật tinh khôi, nước ngập mấp mí lưng triền đê, phù sa sánh đỏ, sóng vỗ bờ oàm ạp. Đó là lúc bọn trẻ ngoài giờ đến lớp, thường ra bờ sông câu tôm càng. Chỉ cần uốn một lưỡi câu bằng thép nhỏ, buộc vào sợi cước, móc hạt cơm nguội vào đó, ngồi thả cần câu ven bờ là có thể câu được những chú tôm càng bật tanh tách cho vào giỏ. Mùa nước ròng, dòng sông thấp hẳn xuống, đất bãi ven bờ nằm phơi mình như dải lụa mịn màng nâu đỏ, phải chạy qua bãi dễ đến hơn một trăm mét mới ra đến mép nước. Mùa này có thể đắp đất be bờ làm những cái âu nước nhỏ, cửa âu mở ra phía sông, chỉ cần để chiếc gạc tre chắn ngang mặt nước, rang gạo làm thính rắc trong âu để lừa những con cá bơn ngoài sông bơi vào đớp thính, một lúc sau mấy cậu nhóc chúng tôi chỉ cần “du kích” nhẹ nhàng cầm cái sàng gạo của mẹ lội ra chắn cửa âu là có đầy giỏ cá mang về.
Con đê làng lúc nào cũng đầy cỏ gà vào mùa hè và hoa cúc dại vào mùa thu. Mùa nước cạn có rất nhiều những con còng đỏ càng chạy từ chân đê ra bãi. Chị Xoan thường đeo giỏ đi câu cáy dọc triền đê, cái cần câu chỉ buộc một đoạn chỉ đen và mồi bằng hoa mướp mà nhoằng một lúc là chị ấy đã câu được đầy giỏ cáy. Hình như lần nào chị cũng chia cho mẹ tôi một nửa, tôi biết vậy vì thể nào hôm ấy mẹ tôi cũng nấu một nồi canh rau mùng tơi hay rau đay rất ngon.
…Chiến tranh kết thúc cũng là lúc chúng tôi gần học xong cấp hai. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Có thể nói đó là những ngày hân hoan nhất của tất cả mọi người mà lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được. Chiều nào chúng tôi cũng chạy ra bến đò đứng chờ các anh bộ đội trở về làng, với tôi các anh ấy là những chàng trai đẹp nhất trên đời, những người lính giải phóng quân mà như cô Lan chủ nhiệm lớp đã đọc trong bài thơ với “chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành”. Mỗi chuyến đò cập bến thể nào cũng có một vài anh bộ đội mà trên ba lô sau lưng ai cũng có buộc một con búp bê tóc vàng mắt xanh rất đẹp. Tối đến trong làng đâu cũng nghe vang làn sóng đài tiếng nói Việt Nam phát ra từ những chiếc radio National mà các anh mang từ miền Nam ra.
Chỉ có nhà tôi là im lặng… anh trai tôi mãi không trở về. Tối nào cũng thấy bố nằm trên giường thở dài quay lưng nhìn qua cửa sổ, còn mẹ thì lại ngồi run run lau mắt bên bếp lửa thổi cơm chiều. Khoảng cuối năm đó nhà tôi nhận được giấy báo tử của anh trai, chỉ thấy đề là anh đã hy sinh tại chiến trường B.
Chị Xoan rồi cũng đi lấy chồng, quê chồng chị mãi tận bên kia sông Đáy, phía mạn Yên Khánh, Ninh Bình. Không biết chị ấy đã có hẹn hò gì với anh trai tôi không, chỉ thấy trước hôm cưới, chị ấy sang nhà ôm mẹ tôi và khóc…

Tốt nghiệp cấp hai phổ thông, tôi và cái Nhung thi đỗ vào học cấp ba trường huyện, thằng Khoan học dốt không dám đi thi và ở nhà giúp mẹ nó bán hàng xén ngoài chợ làng. Phải nói là từ hồi đi học cấp ba cái Nhung lớn phổng phao và xinh hẳn lên, bọn trai làng xì xào trêu làm nó đỏ mặt suốt. Thằng Khoan thì buôn bán với mẹ có tiền mua hẳn một chiếc xe đạp phượng hoàng Trung Quốc, nó càng to khỏe bảnh bao, diện áo chẽn quần loe mốt Sài Gòn, đạp xe trên đê xích líp kêu tanh tách rất hãnh diện. Hình như nó cũng thích cái Nhung, nhưng con bé có vẻ phản đối ra mặt. Tôi thì vẫn gầy nhom, hàng ngày cắp sách đi bộ bảy ki lô mét đến trường, chỉ cắm cúi bài vở, chẳng để ý gì đến những thay đổi của làng quê và bọn trẻ, thậm chí còn không biết sự việc tày trời là cái Nhung đã xấu hổ bỏ học vì thầy giáo chủ nhiệm lớp mới tốt nghiệp sư phạm về quê dạy học, có ý tán tỉnh nó. Mẹ nó chạy đến nhà tìm tôi hỏi sự thể thế nào mà tôi chỉ ú ớ: Cháu chả biết gì cô ạ!
…Rồi cũng đến lúc phải giã biệt tuổi thơ, lần đầu tiên tôi ngồi trên chiếc ca nô chở khách tuyến Phát Diệm chạy ngược về thành phố, lần đầu tiên xa nhà vào đại học, một cảm giác khó hiểu lạ lẫm đến nao lòng. Thế là phải xa bến đò quê mênh mang sóng nước, xa một triền đê là cả thế giới tuổi thơ kỳ diệu và lãng mạn của tôi, vừa vui vì háo hức sắp bước vào một cuộc sống mới, vừa buồn như thể đang để mất điều gì đó phía sau lưng, có cả cảm giác sợ hãi ngợp thở giống như lần suýt bị chết đuối trên sông…
Chỉ biết rằng bến sông quê bình dị này đã mãi mãi mặc khải vào tâm hồn tôi, đứa con mà số phận đưa đẩy đi quá xa quê (chẳng biết là may mắn hay là bất hạnh!), nhưng lúc nào cũng đau đáu mong ngày trở lại…
Bố mẹ tôi đã từ lâu không còn nữa, anh trai vẫn nằm lại đâu đó trong một cánh rừng già Tây Nguyên, chị Xoan giờ chắc đang vui vầy bên con cháu, bạn Nhung xinh đẹp cuối cùng cũng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tỉnh, về quê dạy học và lấy chồng là thằng Khoan “đại gia” cùng làng...
Thỉnh thoảng tôi rất muốn ngồi viết điều gì đó về quê hương, nhưng cuộc sống và công việc cứ trái chiều, bận rộn, ít có điều kiện và khả năng để mà viết được chút gì cho ra hồn. Chỉ thấy lúc nào cũng nhớ và thương người anh trai đã hy sinh khi còn rất trẻ, những câu thơ tôi đã từng viết về chiến tranh là tôi đã viết thay cho anh ấy. Có lúc cảm nhận cuộc sống này thật tuyệt vời ngay cả khi đó là những nỗi đau (!).
Thế là muộn ngày trở về bến cũ
Nơi dòng sông đánh mất thuở ban đầu
Con thuyền xưa gục chèo trên bãi cạn
Vạt dâu mềm, hoa muống trắng còn đâu.
Thế là muộn em không còn đợi nữa
Tà áo hồng phơi nhạt nắng bên kia
Sóng xô nửa nhịp cầu tre đã gẫy
Để niềm đau vời vợi bến sông này.
Thế là muộn cả một thời trận mạc
Sống chết kề bên cánh võng rừng hoang
Khói súng vừa tan ngoảnh lại tìm đồng đội
Trạm giao liên thư cháy vội bên đường…
Thôi đừng tiếc một thời yêu thương
Chiến tranh phủ đau một thời ta đã mất
Rồi khát vọng sống cháy bùng lên,
dẫu muộn màng,
trong đáy mắt
Như cuộc đời này không chỉ một dòng sông.
(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi. Sorry).
NTH
* Nhà thơ Ngô Thanh Hoàn là Hội viên Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga