Tiểu sử nhà thơ, nhà Hán học Wolfgang Kubin
Sinh năm 1945 tại Celle (Đức). Năm 1973 giành học vị Tiến sĩ Hán học với luận án Bàn về thơ trữ tình Đỗ Mục. 1974-75 nghiên cứu Hán ngữ tại Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh. 1977-85 làm việc tại khoa Đông Á học trường ĐH Tự do Berlin, dạy văn học nghệ thuật TQ thế kỷ XX. Năm 1981 bảo vệ luận án tư cách giáo sư (đề tài Không Sơn – quan niệm tự nhiên của văn nhân TQ). Từ 1985 là giáo sư, từ 1995 là chủ nhiệm khoa Hán học trường ĐH Bonn, tổng biên tập tạp chí Miniama Sinica (Hướng Đông).
Tác phẩm: - Lịch sử văn học TQ thế kỷ XX (10 tập, chủ biên, 2002); - Nghiên cứu về DỊ; - Đạo Ki-tô, Nho giáo và tinh thần cách mạng TQ; - Nghiên cứu Hồng Lâu Mộng… Dịch nhiều tác phẩm văn học TQ ra tiếng Đức, trong đó có 6 tập tác phẩm của Lỗ Tấn. Từ 1994 tới nay đã xuất bản 3 tập thơ, một tập tản văn. Được tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu Giáo sư danh dự. Kubin phiên âm chữ Hán là Cố Tân. Có vợ là người TQ.
Kubin đã nói gì?
- Tôi chỉ nói cái gọi là tác phẩm của các “nhà văn mỹ nữ” TQ không phải là văn học, mà là rác rưởi; chứ tôi không hề nói văn học đương đại TQ là rác rưởi;
- Tất cả các nhà văn TQ tôi quen đều coi thường Hội Nhà văn TQ;
- Từ sau thập niên 50 thế kỷ XX, TQ không có những nhà văn biết ngoại ngữ, họ cho rằng biết ngoại ngữ sẽ có hại tới việc nắm vững tiếng mẹ đẻ; TQ cũng chẳng có nhà văn vĩ đại nào;
- Người Đức cho rằng tiểu thuyết Tô-tem Sói có tính chất phát xít, sách này làm TQ bẽ mặt;
- Mấy năm gần đây TQ vẫn có một số nhà thơ xuất sắc;
- Không phải người nước ngoài, mà chính người TQ lại coi thường văn hóa và văn học TQ hơn cả; - Các nhà trí thức TQ kể cả nhà văn đều rất không coi trọng lẫn nhau;
- Nhà văn TQ rất nhát, không dám nói ra tư tưởng của riêng mình. Lỗ Tấn thật vĩ đại dám nói ra tư tưởng của mình. Người như Lỗ Tẫn hiện không có, sau này sẽ không có nữa.
Tóm tắt một số ý kiến của dư luận Trung Quốc
Nghiêm Gia Viêm (Giáo sư khoa Trung văn Đại học Bắc Kinh):
Tôi và Kubin là bạn học thuật, nhưng lần này quả thật tôi không đồng ý với ông. Lẽ nào TQ chúng ta không có nhà văn vĩ đại ? Chẳng có Vương An Ức, Trần Trung Thực, Trần Kiến Công, Lý Nhuệ … đấy ư ? Tiểu thuyết “Bạch Lộc Nguyên” (của Trần Trung Thực) tuyệt đối có thể qua được bất kỳ thử thách nào, đề nghị Kubin hãy đọc cuốn tiểu thuyết ấy… Bây giờ ra sách dễ, đúng là trong các tác phẩm văn học cũng xuất hiện một số rác rưởi thật, nhưng đó không phải là toàn bộ văn học đương đại. Kể cả các tác giả thế hệ sau 80x, như Hàn Hàn, Quách Kính Minh, trong tác phẩm của đám thanh niên hơn 20 tuổi này cũng có nhiều cái đáng khẳng định… Ai bảo nhà văn TQ không biết ngoại ngữ ? Riêng tôi biết, Vương Mông có thể nói tiếng Anh lưu loát, Hàn Thiếu Công cũng rất khá.
Phan Diệu Minh (Hội trưởng Hội Nhà văn Hồng Công):
Kubin chưa hiểu đầy đủ văn học TQ. Tôi từng tiếp xúc với Kubin. Ông ấy đúng là có thành tựu nghiên cứu Hán học, nhưng quan điểm về văn học TQ đương đại thì thật sự quá phiến diện… TQ có một loạt các nhà văn ưu tú, thí dụ Vương An Ức, Hàn Thiếu Công, … còn có Chủ tịch Hội Nhà văn Thiết Ngưng, họ viết rất có nội hàm và đặc điểm.
Trương Hiền Lượng (Ủy viên đoàn chủ tịch Hội Nhà văn TQ):
Đấy chỉ là ý kiến của một học giả. Mắt (chúng ta) cần nhìn xa một chút, bụng (chúng ta) cần rộng một chút; văn học TQ bây giờ không còn ở tình trạng khép kín nữa, khi đã mở cửa thì khó tránh sẽ nghe thấy tiếng xì xào. Nghe được chút lời khen, ta bất tất phải hí hửng; cũng vậy, nghe thấy chút lời phê bình, ta chẳng cần bừng bừng nổi giận… Nhà văn TQ không còn là một quần thể đặc biệt, họ có thể là thầy giáo, thầy thuốc, cũng có thể là viên chức, nhà buôn …, tóm lại không thể vì một nhà văn có vấn đề thì nói tất cả có vấn đề.
Hàn Hàn (nhà văn sinh 1982):
(Trả lời phỏng vấn của nhà báo) “Ý kiến, quan điểm gì gì của chuyên gia, giáo sư gì gì ấy hầu như chẳng mấy liên quan với tôi; họ thích nói thế nào thì cứ nói thế đi. Xin lỗi, tôi còn đang bận rủ lũ bạn đi nhậu, thật là không phải.”
Lưu Hiệu Nhân (Thư ngỏ gửi nhà Hán học Đức Kubin):
Dẫu ngài nói “Văn học TQ đương đại là rác rưởi” và than thở “đời sau kém đời trước”, tôi vẫn phải chân thành cảm ơn ngài. Vì ngài làm như vậy là theo tinh thần cộng sản … Nhưng ngài cho rằng “Nước Đức chỗ nào cũng có nhà văn, họ đại diện cho nước Đức, nói thay người Đức, cho nên chúng tôi có tiếng nói của nước Đức” – nói như vậy thể nào cũng có chút tự khoe và ngạo mạn. Cái gọi là “Tiếng nói của TQ ở đâu nhỉ ? Không có, không tồn tại. Lòng can đảm của nhà văn TQ đặc biệt nhỏ, cơ bản không có. Lỗ Tấn rất có tính đại diện. Bây giờ bạn hãy chỉ cho tôi xem có một nhà văn TQ như thế không ? Không có.” Tôi cho rằng nói như vậy là có sự thiên vị, nông cạn và lèo lá.
Nghĩ xem, Trung Hoa ta chói lọi huy hoàng, đường đường nước lớn, mỗi năm tiểu thuyết dài xuất bản cả nghìn bộ, thế mà ngài dám quen nhìn mà chẳng thấy, không coi ai ra gì; điều đó mà chịu được thì còn cái gì mà không chịu được. Thực ra, tuy ngài là nhà Hán học, nhưng đối với văn học TQ đương đại thì dẫu vắt kiệt cả cuộc đời, ngài vẫn chưa đủ trình độ cao thâm, thế mà dám lấy đức tài gì để la lối om xòm… Là một nhà văn TQ không có tiếng tăm, tôi cũng cảm thấy mình rất có trách nhiệm giải thích cho ngài hết nghi hoặc, chỉ ra sự lầm lạc của ngài…
Tôi không thể không nghiêm khắc báo cho ngài biết: “Tiếng nói của TQ” là ở chốn sâu thẳm của lịch sử. TQ là một quốc gia lâu đời có tứ đại văn minh, khai thiên lập địa từ Bàn Cổ, Tam Hoàng Ngũ Đế cho tới nay, nhất là mấy nghìn năm chế độ phong kiến một mạch nối liên tục là nhờ bao đời vua quan văn trị võ công. Bất cứ Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ, có vị nào không yêu Trung Hoa ta, không yêu dân như con, không văn vũ thao lược, không thanh chính liêm khiết, mệt tới thổ huyết … vụ án văn chương coi là cái quái gì, tru di tam tộc cửu tộc có sao đâu ? Sưu cao thuế nặng, chính sự hà khắc dữ hơn hùm beo có thể bỏ qua không tính; …
Thái Tường (GS khoa Trung văn ĐH Thượng Hải):
Năm ngoái Kubin “nổ súng” vào văn học đương đại TQ, làm cho báo đài TQ xôn xao ầm ĩ một dạo. Về sau, do ông xuất đầu lộ diện thanh minh nên tiếng bàn tán xôn xao ấy bỗng xẹp đi. Hồi đó tôi chẳng để ý đến tin tức báo đài, phần vì nghĩ ai cũng có lúc lỡ lời, kể cả học giả, phần vì tôi không tin lắm vào thông tin của báo đài. Nhưng gần đây đọc báo thấy Kubin nhắc lại giọng điệu cũ; lần này không nói “rác rưởi” nữa, mà lấy năm 1949 làm ranh giới, nói văn học đương đại TQ không phải là văn học đương đại. Lý do vẫn như cũ: nhà văn TQ đương đại TQ không biết ngoại ngữ, cho nên rốt cuộc chẳng vào nổi văn học thế giới … Tôi có chút khó hiểu. Cái “ngoại ngữ” ông nói là ngoại ngữ nào ? Có lẽ là tiếng Anh, Pháp và tất nhiên cả tiếng Đức nữa – cũng tức là các ngôn ngữ “phương Tây”. Ngoài ra, cái “thế giới” và “văn học thế giới” của ông cũng chẳng dễ hiểu. Nó có bao gồm “thế giới thứ ba” hoặc “văn học thế giới thứ ba” không ? Hình như ông nói “phương Tây” hoặc “văn học phương Tây” thì phải.
Thuyết “ngoại ngữ” của Kubin có lẽ sẽ gây ra phản cảm ở nhiều nhà văn TQ, song việc ông phủ định tổng thể nền văn học đương đại TQ sau 1949 thì chưa chắc đã bị họ kiên quyết phản đối. Có thể một số người còn mừng thầm và đồng điệu với ông. Thực ra họ đang cố gắng hướng về phía ấy. Họ cho rằng lịch sử đã chấm hết từ lâu rồi và cố xóa đi dấu vết trong ký ức của mọi người, từ đó khiến cho TQ thật sự đi vào “phương Tây”…

Wolfgang Kubin - Nguồn: http://blog.boxun.com/
Lưu Hải Minh: Các tác phẩm văn học đương đại
của chúng ta tuy chưa nát đến nỗi toàn bộ đều là rác rưởi cả, song cũng quyết không phải là thứ ngon ngọt, bổ béo như trái táo, mà chỉ như khúc mía, ăn cũng ngọt đấy nhưng nhai vài cái là phải nhè ra. Trước danh hàm của một số nhà văn đương đại chúng ta còn thiếu quán từ “cái gọi là” … “Nhà văn mỹ nữ” ngày nay chỉ có thể dùng thân xác để viết; người Đức bảo thủ không coi ra gì loại người gọi là nhà văn ấy, liệt họ vào hàng “rác rưởi”, xem ra có vẻ cay nghiệt, thực ra là nói thẳng nói thật. Có người chửi văn học đương đại TQ, điều đó không xấu. Nếu đã biết rõ nó là đậu phụ thối mà cứ một mực tâng bốc thì đấy mới thực là sự hủy hoại văn học TQ …
Từ nay văn học đương đại TQ hãy cố lên, bớt giở trò huênh hoang hào nhoáng đi, bớt khinh thường người xưa đi, tăng các sáng tác chín chắn lên …Tất cả các nhà văn TQ đều nên tự kiểm điểm việc làm của mình xem đã có thể đối mặt được với xã hội, với đời sống, với tâm hồn chưa.
Ý kiến một số cư dân mạng:
+ Chịu khó mà nghe người khác nói, cho dù quan điểm của họ chưa chắc toàn bộ đúng. Thực ra chúng ta cũng chẳng nói đúng cả đâu.
+ Phần lớn lời của nhà Hán học này là có lý. Chớ nên có thành kiến lệch lạc vì thấy họ là người nước ngoài. Một số lời điểm trúng huyệt, một số vấn đề người TQ cũng cảm nhận thấy nhưng vì nguyên nhân gì đó mà chưa thể nói ra rành rọt được.
+ Hiện trạng văn đàn TQ Kubin mô tả là đúng, nhưng chưa tìm ra căn bệnh thật sự. Thử hỏi, các nhà văn thơ vĩ đại đời Đường, Tống đều biết ngoại ngữ và tác phẩm văn học nước ngoài chăng ?
Nhân dân Nhật báo 24/8/2007 (Bài Văn học đang chờ “Thời đại vàng” viết nhân dịp khai mạc Diễn đàn Tình hình văn học TQ tại Bắc Kinh): Cuối năm ngoái, nhà Hán học Đức Kubin bất ngờ dùng lời lẽ đáng kinh ngạc “Văn học đương đại TQ là rác rưởi” nổ súng vào văn học TQ, làm cho giới văn học TQ xôn xao ầm ĩ. “Đã đến lúc xem xét và xác định lại vị trí cho văn học TQ rồi đây !” – một nhà văn TQ viết trong blog của mình.
Thập niên 80 thế kỷ XX đúng là “Thời đại vàng” của thuần văn học, nhưng hơn chục năm sau, văn học từ chỗ “mất trọng lượng” cho tới “lẩn trốn”, từ chỗ “ra rìa” cho tới “mất tiếng”, ngày càng khốn đốn. Giáo sư ĐH Bắc Kinh Trương Di Vũ quy kết cảnh khó khăn ấy là “nỗi lo văn học”: “Sự thay đổi đặc biệt sâu sắc xảy ra trong văn học đương đại làm cho văn học vượt qua mô thức dĩ vãng, biểu hiện ra hình ảnh nhiều thành phần cùng đứng; văn học ở vào thế bị chèn ép giữa các loại ký hiệu văn hóa siêu hạng của các phương tiện nghe nhìn.”
Văn học đang đứng trước sức ép sống còn to lớn. Thị trường của thuần văn học sa sút, lượng tiêu thụ teo lại, người đọc bị phân luồng gay gắt đã trở thành vấn đề phổ biến của thuần văn học. Sang thế kỷ mới, lượng đặt mua các tạp chí thuần văn học từ đỉnh cao cả triệu bản tụt xuống còn 1-2 chục nghìn, thậm chí vài nghìn vài trăm. “Không thể không thừa nhận, cuộc phá vây lớn của các tạp chí văn học tiến vào thị trường từ cuối thế kỷ trước tới đầu thế kỷ này đã cơ bản thất bại, cho dù chúng ta không muốn đứng trước sự thật tàn nhẫn đó đi nữa.” – Tổng Biên tập tạp chí “Nhà văn” Tôn Nhân Phát nói.
Văn học lần lượt đứng trước nỗi đau cắt thịt bị gạt ra rìa. Đầu năm 2001, nhà lý luận văn học theo chủ nghĩa giải cấu trúc* Hillis Miller đến TQ giảng dạy, viết trên tạp chí Bình luận văn học bài “Trong thời đại toàn cầu hóa, nghiên cứu văn học có còn tiếp tục tồn tại không ?” lấy tư cách nhà nghiên cứu văn học ông tuyên bố sự chấm dứt của văn học. Ông viết: “Trong 150 năm qua, sức mạnh thống trị của phương tiện thông tin điện kiểu mới đã làm một cuộc chinh phục và lật đổ phương thức truyền thống biểu hiện lời lẽ (ý nói văn viết, in trên giấy); việc văn học bị gạt ra rìa đánh dấu thời đại văn học đã kết thúc.” Sinh tồn hình ảnh hóa (ý nói hình ảnh nghe nhìn) trở thành phương thức quan trọng trong đời sống nhân loại.
“Văn học nay mới được ở vào vị trí nên có của nó” – gần đây bà Thiết Ngưng chủ tịch Hội Nhà văn TQ nói. Ở thời đại khát văn học “nhà văn có thể bị nâng tới một tầm cao ngày nay tôi cho là không được bình thường lắm …Vị trí của nhà văn từ chỗ được tôn sùng hồi thập niên 80 tới chỗ bị hạ thấp dưới cơ chế kinh tế thị trường hồi thập niên 90, là bình thường. Trong sinh thái văn hóa nhiều thành phần cùng tồn tại ngày nay, văn học không còn được cưng chiều nữa, mà nên bình đẳng với các ngành nghề khác.”
Văn học muốn tiến đến “thời đại vàng”, trước hết phải trở về sự phán đoán thẩm mỹ bình thường – sự đồng tình, buồn thương, nhân ái, lương thiện, chân thành, khoan dung. “Nếu xã hội hiện đại có chút lạnh nhạt với văn học thì theo tôi, trách nhiệm quan trọng không phải là ở bạn đọc mà là ở người viết, ở chỗ có hay không các tác phẩm ưu tú để bạn đọc cùng hưởng.” – Thiết Ngưng nói. Bà tin chắc “Văn học TQ nhất định sẽ tốt hơn, nhất định sẽ có thời đại vàng.” ./.
Ghi chú:
*Chủ nghĩa giải cấu trúc (deconstruction): trào lưu tư tưởng lý luận phê bình với đại diện là Jacques Derrida [người Pháp gốc Do Thái, 1930-2004, từng được Tổng thống Pháp J.Chirac ca ngợi là triết gia vĩ đại nhất đương đại], đả phá trật tự đơn nguyên và triết học siêu hình. Nhiều năm nay, không ít triết gia và nhà văn trên thế giới nói tới vấn đề văn học đã biến mất, đã chết. Ở đây Miller [Mỹ, trường phái Yale] muốn nói: do các phương tiện điện tử và số như truyền thanh, truyền hình, máy tính ...ngày càng phát triển, phương thức sống và cảm nhận thế giới của con người ngày một khác trước, họ dành nhiều thời gian hơn cho việc xem ti-vi, nghe đài, lên mạng, làm việc trên máy tính,…không còn đọc sách báo và quan tâm văn học như trước. Văn học với ý nghĩa cũ mất dần tác dụng, coi như không còn tồn tại.
Nguyễn Hải Hoành*
Các chú thích trong ngoặc là của người viết bài này
*Nguyễn Hải Hoành là dịch giả, nhà nghiên cứu tự do