Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ ba,
28.03.2023 20:49 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1668974
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Châu Hồng Thủy: Trò chuyện cùng Elena
[20.03.2016 15:36]
Xem hình
Tôi quen Elena Vađimovna Nhikulina đã hơn chục năm nay, nhưng hiểu biết về chị lại chẳng được bao nhiêu. Chúng tôi thường gọi Elena bằng cái tên thân mật Lena. Chị công tác ở Đài Tiếng nói nước Nga, Ban Tiếng Việt.

Tôi thường xuyên gặp anh Alechxay Xiunnherberg, trưởng ban, anh Igor Britov và chị Elena trong các cuộc sinh hoạt của Cộng đồng người Việt ở Matxcơva. Lúc nào cũng thấy chị xuất hiện với chiếc máy ghi âm to đùng để phỏng vấn mọi người. Gặp nhau, bắt tay, nâng cốc chúc mừng sức khoẻ, chúc mừng tình Hữu nghị giữa hai dân tộc…rồi chia tay. Có năm, mồng một Tết âm lịch, tôi mời chị cùng anh Igor Britov và vợ chồng nhà văn Marian Tkachev đến nhà ăn tết, cũng vui vẻ chúc tụng với đông người, chứ chưa có dịp nào ngồi chuyện trò tâm sự.

Sắp đến ngày Quốc tế phụ nữ mồng Tám tháng Ba năm nay, Elena nhờ tôi giới thiệu cho chị một phụ nữ Việt Nam đang ở Matxcơva để phỏng vấn. Tôi bảo chị nên phỏng vấn Võ Thị Thu Trang, một nhà thơ nữ trẻ trong Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga (1). Trang có thể đọc những bài thơ về tình yêu, về nước Nga để chị ghi âm. Chúng tôi hẹn với chị cuộc  phỏng vấn sẽ diễn ra tại nhà hàng Thanh Nga. Chị mang theo một chiếc máy ghi âm mới cứng, nhỏ như bao thuốc lá trông rất đẹp, thay cho chiếc máy ghi âm cũ to đùng như cục gạch ngày xưa. Tiếc thay, cuộc phỏng vấn không thành vì “sự cố nghề nghiệp”. Máy thì mới và đắt tiền nhưng không mở được. Tôi bảo Elena: “Xưa nay chị toàn phỏng vấn chúng tôi. Hôm nay tôi sẽ làm ngược lại để khỏi phí công chị đi mấy chục cây số đến đây. Chị phỏng vấn để đưa lên đài phát thanh cần phải có máy ghi âm. Tôi phỏng vấn chị để in báo, chỉ cần chiếc bút bi”. Chị cười và bảo: “Sẵn sàng!”

Tôi lấy bút và đặt câu hỏi:

- Elena trả lời bằng tiếng Việt hay tiếng Nga?

- Tùy anh. Tiếng Nga hay tiếng Việt đều được cả.

- Thế thì đề nghị chị nói bằng tiếng Việt, bởi chị nói tiếng Việt rất giỏi. Xin chị cho biết, chị bắt đầu học tiếng Việt từ bao giờ và ở đâu?

- Tôi bắt đầu học Tiếng Việt từ năm 1972, ở Viện các nước Á-Phi (ISAA) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (MGU) mang tên Lomonoxov. Thầy dạy tiếng Việt của chúng tôi là ông Viacheslav Remarchuc và bà Tachiana Philimonova (cả hai hiện vẫn công tác tại Trung tâm Việt Nam học thuộc Viện các nước Á Phi) cùng một vài thầy giáo Việt Nam. Người dạy văn học Việt Nam cho chúng tôi là thầy N.Nhikulin và cô Novalevna. Các thầy người Việt không  xuất thân từ nghề dạy học nên không có phương pháp sư phạm. Đến giờ học, các thầy hỏi chúng tôi: Hôm nay các cháu thích nói về vấn đề gì? Không có sách giáo khoa biên soạn như bây giờ.

- Sau khi ra trường, chị về công tác ở Ban Tiếng Việt  Đài Tiếng nói nước Nga?

- Chưa đâu! Năm 1977 tôi tốt nghiệp, về công tác ở nhà xuất bản Tiến bộ, biên tập bộ “Lê nin toàn tập” 55 tập  in bằng tiếng Việt. Năm 1982 tôi chuyển sang Nhà xuất bản của Thông tấn xã Novoxchi APN. Năm 1991, Nhà xuất bản giải thể, mới chuyển sang Ban Tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga, cho đến bây giờ.

- Chị nói tiếng Việt giỏi như thế, chắc đã sang Việt Nam nhiều lần và ở lâu ngày để luyện tiếng Việt trong giao tiếp?

- Tôi luyện tiếng Việt  chủ yếu  ở Matxcơva. Hồi học đại học, chúng tôi không được sang Việt Nam thực tập như bây giờ vì đang có chiến tranh.  Khi đang học năm thứ tư ở ISAA, tôi đã đi phiên dịch cho các đoàn Đại biểu Việt Nam sang thăm Liên Xô. Lúc thì Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản, công đoàn, lúc thì đoàn các nghệ sỹ sân khấu, các nhà báo, nhà xuất bản. Tôi sang Việt Nam  năm lần, mỗi lần chỉ một đến hai tuần. Lâu nhất là một tháng. Lần đầu tiên tôi sang Hà Nội là năm 1987, phiên dịch cho triển lãm nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười, lần cuối cùng là năm 1992. Từ đó đến nay chẳng có ai mời chúng tôi sang Việt Nam cả.

Elena Nhikulina tham gia Đêm Nguyên tiêu 2014 do Hội VHNTVN tại LB Nga và ĐSQ VN tại LB Nga tổ chức. Ảnh Chí Linh

- Chị có ấn tượng gì nhất khi đến Việt Nam?

- Tôi đã đến Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, mặc dù ngắn ngày nhưng tôi vẫn cảm nhận thấy thiên nhiên Việt Nam rất đẹp. Điều đặc biệt nữa là người Việt Nam rất mến khách. Lúc ấy, đất nước của  các bạn vừa trải qua chiến tranh còn rất nghèo. Hơn mười năm tôi chưa có dịp trở lại, nhưng nghe những người quen của tôi đi Việt Nam về, họ bảo Việt Nam bây giờ thay đổi ghê lắm.

- Công việc chủ yếu của chị ở Đài tiếng nói nước Nga là gì?

- Ở Ban tiếng Việt chúng tôi, công việc rất đa dạng, tôi làm đủ mọi việc. Trả lời thư thính giả, theo dõi tình hình khối sinh viên, nghiên cứu sinh, công tác giáo dục, khoa học, văn hóa Việt Nam... Những ngày Văn hóa Hà Nội, Văn hóa Việt Nam tại Mátxcơva tôi đều tham gia chuẩn bị.

- Chị có đọc nhiều về văn học Việt Nam không?

- Tôi  đọc không nhiều, nhưng rất thích Thơ Lãng mạn Việt Nam thời kỳ 30-45 và đã từng tham gia dịch thơ để làm tuyển tập Văn học Việt Nam. Thời còn Hội Nhà văn Liên Xô, chúng tôi đã xây dựng tủ sách Văn học Việt Nam gồm 15  tập. Tôi  dịch thơ của Xuân Diệu, Tế Hanh và Thu Bồn. Tuy không phải là nhà thơ, nhưng khi dịch nghĩa, tôi cố gắng dịch thơ họ gần như là một bài thơ rồi. Sau đó bà Rimma Kazakova (hiện là Tổng thư ký Hội nhà văn Matxcơva) (2) dịch chuốt lại thành Thơ, so với bản dịch nghĩa ban đầu của tôi cũng không có thay đổi gì nhiều.

- Chị Thu Trang đây và nhiều tác giả trẻ người Việt có rất nhiều thơ hay viết tại nước Nga và về nước Nga. Chị có thể dịch thơ họ ra tiếng Nga được không?

- Tôi sẵn sàng làm điều đó. Nhưng dịch xong thì in ở đâu? Ai in? Bây giờ làm gì còn Hội đồng Văn học Việt Nam như thời Hội nhà văn Liên Xô ngày xưa.

- Chúng tôi sẽ tìm các nhà tài trợ để in.

- Thế thì tôi sẵn sàng. Đây cũng là dịp để tôi tíếp xúc với Văn học Việt Nam hiện đại.

- Đã nhiều năm tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở Matxcơva, chị có nhận xét gì về họ?

- Người Việt Nam rất cần cù chịu khó. Thêm nữa, họ có đức tính kiên trì để đạt được mục đích cuả mình. Mục đích chủ yếu của họ là làm kinh tế sau này trở về xây dựng quê hương. Vì thế họ thức khuya dậy sớm, không quản gì mưa tuyết. Tôi cũng thấy họ có họ có tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Việc thành lập Hội người Việt Nam tại  Liên bang Nga cũng là một hình thức tập hợp  tăng cường sự đoàn kết của cộng đồng người Việt.

- Lâu nay, mối quan hệ giữa Đài Tiếng nói nước Nga và Đài Tiếng nói Việt Nam có giữ được thường xuyên  hay không?

- Những năm trước đây, Đài Tiếng nói Việt Nam có cử anh Hiếu sang vừa làm biên tập, vừa làm phát thanh viên. Giờ đây kinh phí khó khăn, chúng tôi tìm người Việt Nam ở ngay Matxcơva làm cộng tác viên. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng không mời chúng tôi sang trao đổi như trước. Biết làm sao được, tất cả là do thiếu kinh phí.

Nhân dịp kỷ niệm Năm mươi năm Ban Tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga chúng tôi có tổ chức cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Năm mươi năm phát thanh tiếng Việt cho thính giả Việt Nam. Nhờ có các Trung tâm Thương mại của người Việt tại Matxcơvagiúp đỡ, chúng tôi có điều kiện trao giải thưởng cho những người dự thi bằng những hiện vật có giá trị kinh tế cao như ti vi, máy giặt, máy catxet...Chính Đại sứ Nga tại Việt Nam Tatarinov trao giải thưởng cho những người đoạt giải.

- Chị cho hỏi thăm, chị Za-nhin còn làm ở đài Tiếng nói nước Nga không?

- Chị Za-nhin đã lên chức bà ngoại và  nghỉ hưu rồi.

Nghe chị nói, tôi giật mình. Thời gian trôi nhanh thật. Chị Za-nhin mà tôi hỏi thăm là con gái của bác Platon Thành, người chiến sĩ Tiểu đoàn anh hùng 307 thời chống Pháp (3). Năm 1994,  nhân dịp kỷ niệm Năm mươi năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại sứ Ngô Tất Tố có tổ chức tiệc chiêu đãi Tùy viên quân sự của nhiều nước và các bạn Nga. Trong bữa tiệc ấy, tôi là phóng viên ảnh, được gặp Platon Thành và chụp ảnh lưu niệm cùng bác. Nay bác đã mất, mà Za-nhin (kết quả của mối tình của bác với người con gái Nam Bộ) cũng đã về hưu. Chị Za-nhin suốt cả đời gắn bó với chương trình Tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga.

Ngồi lặng một phút, Elena tự bộc bạch:

- Tôi cũng lên chức như chị Za-nhin rồi. Con trai đầu của tôi 28 tuổi, con gái 26 tuổi. Chúng nó đều lập gia đình và có con  cả. nhưng không có đứa nào theo nghiệp mẹ.

Chia tay Elena, tôi bâng khuâng nghĩ, những người suốt đời gắn bó với Việt Nam như chị đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Một ngày nào đó, công lao ấy một ngày nào đó sẽ được nhà nước của chúng ta ghi nhận một cách xứng đáng

Matxcơva 10-03-2005 (bài viết cách đây 11 năm)

Châu Hồng Thủy

1: Nhà thơ Võ Thị Thu Trang đã mất năm 2009 tại Matxcơva

2: Nhà thơ Rimma Kazakova cũng mất năm 2008 tại Matxcơva

3: Về Platon Thành, chúng tôi sẽ có bài riêng

Tin liên quan:
KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY CÔNG DIỄN VỞ KỊCH “SÁNG MÃI SAO KHUÊ” (05.11.2020 20:47)
Thơ Châu Hồng Thủy trong Thơ Bạn Thơ 9 (02.11.2018 21:26)
Châu Hồng Thuy: HOA GƯƠNG HÌNH MẶT TRỜI - Truyện ngắn song ngữ Việt - Nga (08.09.2018 18:22)
Châu Hồng Thuỷ: NHỚ TẾT QUÊ HƯƠNG (26.01.2017 20:43)
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI (30.09.2016 22:38)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
 
 
 
Thư viện hình