Festival Âm nhạc kỷ niệm 100 năm sinh Nhạc sỹ Nga nổi tiếng Albert Leman (1915-1998)
Tối 17/9, tại phòng hòa nhạc lớn của Nhạc viện Traikovxki diễn ra Festival Âm nhạc kỷ niệm tròn 100 năm sinh Nhạc sỹ nổi tiếng của Nga Albert Leman (1915-1998), Nghệ sỹ Nhân dân LB Nga Xô-viết, Nhà hoạt động Nghệ thuật Công huân LB Nga Xô-viết, Giải thưởng Quốc Gia Liên Xô, giáo sư Nhạc viện Traikovxki..., người đã từng đào tạo nhiều nhạc sỹ Nga và các nước, trong đó có cả Việt Nam.
Tham gia chương trình hòa nhạc, ngoài dàn nhạc giao hưởng Bộ Quốc phòng LB Nga còn có những người học trò xuất sắc của nhạc sỹ tài danh Albert Leman. Họ hiện nay đang là những nhạc công, nhạc sỹ tên tuổi của nhiều dàn nhạc lớn; là giáo sư, giảng viên giỏi của nhiều nhạc viện thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Buổi hòa nhạc như một cuộc gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu với âm nhạc của Leman, đồng điệu với những gì mà người thầy đầy tâm huyết đã truyền lại cho họ từ những thanh âm đầu tiên.
Buổi hòa nhạc được bắt đầu bằng câu chuyện của Giáo sư Zaderatsky, nhà hoạt động nghệ thuật Công huân Nga, Giải thưởng Nhà nước Nga, Tiến sỹ nghệ thuật .... giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của nhạc sỹ, giáo sư Albert Leman đối với nền âm nhạc Nga và thế giới, đối với nhạc viện lớn của Liên Xô trước kia, LB Nga ngày nay - nhạc viện mang tên thiên tài âm nhạc Nga Traikovxki. Câu chuyện mang đầy hoài niệm về một nhân tài, là suy tư, hồi tưởng và cả tri ân đối với một người thầy, một nhạc sỹ giỏi và một nhà giáo ưu tú của nền âm nhạc Nga. Với sự dìu dắt của ông, nhiều thế hệ nhạc sỹ, nghệ sỹ Nga và nhiều quốc gia khác đã thành danh... Buổi hòa nhạc đã đưa họ về gặp lại nhau, biểu diễn cho nhau nghe, cùng nhau tưởng nhớ tới người thầy đáng kính.
Cả khán phòng lặng phắc khi những nối nhạc đầu tiên của bản giao hưởng viết cho đàn violin và dàn nhạc cất lên. Tay violin trứ danh Nazar Kojukhar cùng cả dàn nhạc hòa âm dưới cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng Roman Belyshev đã hút hồn khán giả đến nốt nhạc cuối cùng. Đó chính là bản nhạc được nhạc sỹ Leman sáng tác vào năm 1952 với chất liệu âm nhạc dân gian của một vùng quê thuộc miền trung nước Nga. Tác phẩm này ông sáng tác khi đang giảng dạy ở nhạc viện Kazan.
Buổi hòa nhạc tri ân giáo sư – nhạc sỹ Leman còn dành một phần lớn thời lượng cho phần trình diễn và những tác phẩm mới của các học trò xuất sắc của ông, đó là những bản giao hưởng viết cho viola và dàn nhạc, giao hưởng viết cho nhạc cụ termenvoks (một loại nhạc cụ được chế tạo từ năm 1912 và là khởi thủy của các nhạc cụ điện tử sau này). Đặc biệt, bản giao hưởng nhan đề “Trổ Một” của nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân, một học trò xuất sắc của ông trong những năm từ 1976 đến 1982, được trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng Bộ Quốc phòng Nga, dưới đũa chỉ huy của chính tác giả ... đã khiến cả khán phòng như vỡ òa khi âm điệu cuối cùng dứt hẳn.
Một khán giả Nga, chị Elena bày tỏ niềm khâm phục và ngưỡng mộ tác phẩm của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: “Hôm nay tôi đã được thưởng thức tiết mục do học trò xuất sắc của nhạc sỹ Leman là nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đến từ Việt Nam biểu diễn. Chúng tôi đã được nghe bản nhạc tuyệt vời. Tôi có ấn tượng thật đặc biệt về chương trình hòa nhạc này và nghe bản nhạc tuyệt vời của nhạc sỹ Việt Nam, người vẫn giữ vẹn nguyên tình cảm với người thầy tài năng Albert Leman của mình. Nghe bản nhạc của nhạc sỹ tôi cảm nhận được không gian Việt Nam, mảnh đất Việt Nam và con người Việt Nam, dù tôi chưa có dịp đến Việt Nam. Chúng tôi mong và hy vọng là nhân dân Việt Nam sẽ giữ mãi được mối quan hệ tốt đẹp với chúng tôi, trong đó có lĩnh vực âm nhạc”.
Về phần mình, rất xúc động và tự hào khi được mời tham gia chương trình hòa nhạc này, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân càng cảm thấy xúc động hơn khi được đón nhận tình cảm nồng nhiệt của cả ban lãnh đạo Nhạc viện Traikovxki, nơi ông từng theo học và đặc biệt là tình cảm của cả các khán giả Nga dành cho nhạc giao hưởng nói chung, bản giao hưởng “Trổ một” do ông sác tác nói riêng. Nhớ về người thầy lớn, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nói: “Tác phẩm này tôi viết cách đây mấy năm, dựa trên dân ca của đồng bằng Bắc bộ. Hướng đi cũng giống hướng đi mà ông thầy tôi đã dạy, tức là vẫn xuất phát từ giai điệu dân gian, tiết tấu dân gian và lấy âm nhạc dân gian làm hơi thở, bồi đắp cho kỹ thuật sáng tác của mình. Hôm nay chúng ta cũng đã được thưởng thức tác phẩm ông viết với đầy chất liệu dân gian. Điều đó cho thấy con đường ông đi vẫn là con đường đúng đắn và đi theo con đường đó chúng ta sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều không chỉ là giữ cho riêng mình mà còn phải truyền đạt tư tưởng đó cho các nhạc sỹ mới của VN sau này nữa. Sự đón nhận của khán giả trong khán phòng hôm nay cũng như sự đánh giá của các thầy, bạn cũ... khiến tôi cảm thấy rất xúc động”.
Là một nhạc sỹ tài năng, Albert Leman còn là một nhà giáo rất nghiêm khắc, rất tận tình và đã góp phần to lớn trong việc đào tạo cho thế giới nhiều nhạc công, nhạc sỹ và những nhạc trưởng xuất sắc./.
Xin giới thiệu một số hình ảnh của Festival Âm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Albert Leman:
Tượng Nhạc sĩ thiên tài P. Traikovxki trước tòa nhà Nhạc viện mang tên ông
Tòa nhà Bolsoi Zal (Phòng Lớn) nơi diễn ra Festival Âm nhạc Albert Leman
Biển Quảng cáo chương trình "Festival Albert Leman và các học trò của ông" treo trước Bolsoi Zal
Tờ chương trình Festival
Giáo sư Tiến sỹ Zaderatsky, nhà hoạt động nghệ thuật Công huân Nga, giới thiệu ngắn gọn về sự cống hiến của nhạc sỹ, giáo sư Albert Leman
Tác phẩm của Nhạc sĩ Albert Leman mở đầu cho chương trình hòa nhạc. Nhạc trưởng: Roman Belyshev; Solist Violin: Nazar Kojukhar
Khán giả của chương trình hòa nhạc
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - một trong những học trò xuất sắc của Albert Leman - chỉ huy dàn nhạc giao hưởng trình diễn tác phẩm của mình có tên "Trổ Một"
Nữ khán giả Elena với sự ngưỡng mộ tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ VN Đỗ Hồng Quân trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại LB Nga
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại LB Nga ngay bên cạnh tượng P. Traikovxki
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chụp ảnh lưu niệm với đại diện Đại sứ quán và Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga sau buổi diễn
Tin: Điệp Anh, VOV Moscow. Ảnh: Điệp Anh và Châu Hồng Thủy