Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ ba,
28.03.2023 20:35 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1668972
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Bà tôi – truyện ngắn của Cua Đá
[07.10.2014 20:45]
Vài nét về tác giả: Tên thật là Hoàng Hương, sinh viên năm cuối Khoa Ngôn ngữ và Văn học Nga - Trường Đại học Sư phạm Tu La (LB Nga). Đã viết hàng trăm truyện ngắn, tạp văn và thơ. NBĐ xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện Bà tôi của tác giả

Buổi chiều tối muộn đang đến cũng là lúc khói bếp bay lên chuẩn bị cho bữa tối. Trong cái lạnh tê dại của những cơn gió thổi thốc vào cùng những màn mưa phùn lất phất cũng đủ khiến người ta chỉ muốn ngồi cạnh cái bếp không rời. Khói bếp làm mắt tôi cay xè khi nhóm đến lần thứ ba mà củi không chịu cháy. Bà từ ngoài sân bước vào, nhìn bộ dạng lúng túng của tôi, bà vừa nhai trầu vừa cười nói:

-Cha bố chị, mới xa quê vài năm mà đã quên mất cách nhóm bếp rồi à?

-Dạ… Cháu nhóm mãi mà nó không chịu cháy.

Tôi gãi đầu cười trừ thanh minh trong khi nước mắt chảy ròng ròng.

-Bà đi đâu về đấy ạ?

- Uh, bà vừa bên đám cất nhà bên nhà thằng Hậu về.  Nhà chúng nó cũng khéo chọn ngày, lên nhà mới đúng ngày mưa dầm gió bấc thế này. Để bếp đấy bà nhóm lại cho, cháu chạy ra sân giếng mang rổ rau vào đây ngồi nhặt cho ấm.

***
Bà Mùng là em gái bà nội tôi. Mẹ tôi mất sớm nên bà thương tôi lắm, có đồ ngon gì bà cũng để phần cho tôi. Bà hay bảo bà thương tôi hơn cả những đứa cháu ruột của bà. Ngày tôi đi học xa, bà dúi vào tay tôi những tờ tiền lẻ mà bà bán hàng ngoài chợ tích góp được rồi cứ ôm chầm lấy tôi mà khóc. Bà hay nói thương tôi côi cút, giờ lại đi xa không ai lo cho cơm nước hàng ngày. Giờ thì bà đã ngoài sáu mươi nhưng nom bà vẫn còn khỏe và nhanh nhẹn lắm. Dáng bà thấp bé, làn da ngăm ngăm, mớ tóc mỏng điểm những sợi bạc được bọc trong chiếc khăn len vuông màu đen. Trong ánh lửa bập bùng, gương mặt nhiều vết đồi mồi cùng những nếp nhăn của bà trông hồng hào hơn hẳn. Giọng nói bà phả ra hơi trầu:

-Cháu về chơi lâu không?

-Cháu được nghỉ hai tháng ạ.

-Thế chắc bà bảo lại cô Thy, đợi khi nào cháu đi thì bà mới lên giúp việc cho cô ấy được. 

 -Bà vẫn đi giúp việc cho người ta à?

 -Ừ.

-Lần trước cô Hải kể cho cháu nghe về chuyện bà đi giúp việc chịu nhiều thiệt thòi.  Cháu nghe mà thấy xót ruột lắm.

-Cuộc đời mà cháu, cũng phải có người này người kia. Mỗi người một nghề, đi ở cũng là một nghề mưu sinh. Nghề nào cũng vậy nếu số mình tốt thì gặp được chủ nhân từ, còn không thì coi như xui. Lần ấy cũng vì bức bách, túng quẫn quá nên bà mới đi sang xứ người. Bây giờ ở nhà rau cháo thôi chứ trả tiền nhiều đến mấy cũng không đi xa như thế nữa.

Bà vừa chậm rãi nhai trầu vừa kể chuyện- những câu chuyện dù xấu hay tốt đã đi qua cuộc đời, bà coi nó quen như bữa cơm, như những câu chuyện mà trải qua rồi để  bà ngẫm lại về nhân tình thế thái chứ không hằn học hay tỏ thái độ thiệt hơn.

-Còn cháu biết mẹ cái Mai cũng đi nước ngoài, giờ đang đi giúp việc cũng cho chủ là người Việt. Lúc nào nó nói chuyện với cháu nó cũng khóc vì mỗi lần mẹ gọi điện về chỉ nói muốn về nhà mà hợp đồng ký với chủ còn chưa hết, nếu về ngang chừng người ta bắt bồi thường thì lấy tiền đâu để bù vào.

-Có ở trong hoàn cảnh thì mới thấy thấm hết những tủi cực cháu ạ. Rốt cuộc lại cũng vì miếng cơm manh áo mà đôi khi con người trở lên ích kỉ với chính đồng bào, đồng loại của mình. Bà cũng giống như như mẹ của Lan cũng lăn lộn xứ người mấy năm, và giờ trở về được là may mắn rồi.

***
-  Ngày ấy, mùa màng thì thường xuyên bị những cơn bão ập tới hỏi thăm nên cũng thất bát. Ông cháu lại bệnh tật ốm quanh năm. Tuổi già rau cháo nuôi nhau qua ngày nhưng đâu có được yên ổn khi bà luôn phải giấu ông chuyện cậu hay đi cá độ, đánh bài thua đến nỗi cầm cố nhiều đồ trong nhà. Bà chỉ còn biết chạy vạy, vay đủ khắp nơi để trả nợ cho cậu. Cái nghèo nó thường cõng thêm cái khó. Được mối giới thiệu sang nước ngoài bà đã nhắm mắt mà đi chứ đâu còn lựa chọn nào khác. Bám mãi ở đất quê này thì bao giờ mới trả hết nợ nần, bao giờ mới được ngóc mặt lên, thoát khỏi cái nghèo. Mà thời gian đó rộ lên phong trào đi nước ngoài, người ta không biết sẽ làm gì bên trời Tây nhưng chỉ cần được đi nước ngoài là nghĩ cuộc sống sẽ khác rồi, người ta sẵn sàng cầm cố nhà cửa, vườn tược, vay cho bằng được số tiền lớn để đưa cho người dắt mối với hy vọng sẽ đổi đời.

Bà theo người ta sang đó, đất nước lạnh giá quanh năm chỉ toàn tuyết với tuyết. Người ta giới thiệu bà vào giúp việc cho một gia đình. Bà thì không biết tiếng nên chỉ quanh quẩn trong nhà, trong bếp quanh năm suốt tháng, chăm lo nhà cửa và lũ trẻ. Những đứa trẻ được bố mẹ chúng cất kỹ quá, chúng ít tiếp xúc với bên ngoài, chỉ đến trường rồi về nhà, bố mẹ thì bận công bận việc. Hai đứa trẻ có lẽ sinh ra và lớn lên bên đó, thằng anh tám tuổi, đứa em năm tuổi chỉ bập bẹ vài ba từ tiếng việt. Nhìn chúng cứ ngây ngô mà thấy tội. Chúng đâu có tuổi thơ được vui chơi những trò chơi như bọn con nít các cháu nơi thôn quê. Bà thương chúng như những đứa cháu của mình.

Thỉnh thoảng bà lại nhớ những tháng ngày sống nơi đất khách, nhớ ngôi nhà có hai đứa trẻ tội nghiệp. Dù gì bà cũng chỉ là một người giúp việc, bà không được quyền vượt qua thân phận ấy để yêu thương chúng, nếu không chỉ nhận lại sự đay nghiến, xỉa xói của bà chủ.

-Bà quyết định về là đúng đắn đấy ạ.

-Ừ. Không đâu bằng nhà mình cháu ạ. Bà không quen với sinh hoạt, đồ ăn bên đó. Cả ngày tù túng trong căn bếp sao mãi chịu được. Nhiều khi bà thấy thèm được nghe tiếng gà gáy, tiếng đài vào giữa trưa hè. Cũng may hợp đồng làm chỉ có hai năm rồi bà được thu xếp để về nước. Bà nghĩ giờ cũng có tuổi rồi, không muốn đi nữa, làm việc ngay trên thành phố thì còn thỉnh thoảng về nhà coi nhà cửa, vườn tược được. Bà ăn đời ở kiếp nơi đây rồi thì không muốn đi xa nữa.

- Đúng rồi bà ạ. Xứ lạ mà người mình mà còn chèn ép nhau như vậy thì sống sao nổi!  Ở nhà cho lành bà nhỉ?

-Ừ. Cuộc sống này luôn có người tốt và người xấu cũng như người giàu và người nghèo. Vậy nên những người như cháu được ăn học bằng mồ hôi của những người lao động thì hãy trở thành người không chỉ có tài mà còn có đức nữa.

-Dạ. Thế bà vẫn nhận đi làm cho nhà cô Thy à?

-Ừ. Nhận lời rồi thì cũng ngại khi từ chối. Vả lại cô Thy cũng là chỗ quen biết. Tính cô ấy cũng tốt nên bà không nỡ từ chối. Làm việc không chỉ được trả công mà còn giúp được người ta khi họ cần rồi tin tưởng mình.

-Bà cũng có tuổi rồi. Giờ ở nhà chăm lo nhà cửa, vườn tược cũng được, chứ bà đi làm như vậy vất vả cả ngày, lỡ ốm thì sao.

-Giờ bà vẫn còn đi làm được thì tranh thủ, phòng tuổi già nay mai đến còn có đồng tiền thuốc thang.

-Còn các cô chú nữa mà bà.

-Chúng nó còn không lo nổi thân mình thì sao lo được cho bà. Nghĩ ra cũng khổ, cũng chỉ tại ông bà không có của cải cho chúng nó làm vốn liếng nên chúng nó phải thân tự lập thân. Giờ chỉ mong chúng nó sống yên ổn, đủ ăn là mừng rồi, trông cậy gì nữa. Còn lo được cho mình thì phải tự lo thôi đỡ gánh nặng cho con cháu tốt phần nào hay phần đó, cháu ạ.

Những người ở làng này như bà còn bao nhiêu người nữa. Nghèo cũng là một nỗi khổ, là một cái tội. Có những người làm cả đời mà không đủ ăn nhưng vẫn phải sống thôi khi cuộc đời vẫn còn tiếp tục. Cả ngày bán mặt cho đất bán lưng cho giời vẫn không đủ chi tiêu khi giá cả ngày càng leo thang, hạt lúa giờ thân nó lo nó, cuối vụ thu hoạch được bao nhiêu lại tính đến tiền thuốc sâu, phân bón, máy cày… thì cũng hòa. Thanh niên, những người có sức lực một tí thì ra các thành phố lớn kiếm việc hết. Mùa cấy gặt chỉ thấy toàn người già và phụ nữ. Họ bám lấy cây lúa vì không thể nhìn ruộng bị bỏ hoang, hay không muốn người khác dè bỉu nhà kia thế mà lười khi xung quanh người ta cấy ầm ầm, còn ruộng nhà nó thì vứt đấy… Hết hai vụ mùa trong năm, người trong làng lại ùn ùn kéo nhau đổ về thành phố tìm việc.  Phụ nữ thì đi buôn, đàn ông thì làm bốc vác, cửu vạn hay bán hàng rong. Công việc dù nặng nhọc nhưng có đồng ra đồng vào  còn hơn bám mãi vào cây lúa.

Đúng là sống trong cái khổ lâu thành quen, ngày hôm nay còn chưa hết đã phải lo đến ngày mai. Cả cuộc đời bà thắt lưng buộc bụng, bươn trải cho cuộc sống nghèo khó mà số phận đã sắp đặt sẵn. Tôi nhìn bà, trầm ngâm nói:

-Bà đi giúp việc cho nhà người ta nốt lần này thôi nhé! Cháu cũng sắp ra trường kiếm được việc làm rồi, lúc đó cháu sẽ nuôi bà.

-Giờ cháu lo học cho tốt đi, ra trường đi làm thì ấm vào thân. Được học cái chữ cũng đỡ khổ sau này. Nhìn thấy chúng mày có cuộc sống không khổ như thời ông bà, cha mẹ chúng mày là bà mừng rồi.

***
Đã lâu không được ngồi bên bà, nghe bà kể những câu chuyện về cuộc đời như thế này. Ánh lửa bập bùng, ấm áp, giọng bà trầm ấm, chậm rãi khiến tôi nhớ về những câu chuyện ngày xưa khi bên bà. Mỗi khi có gió mùa đông bắc tràn về, tôi lại ngồi trong lòng bà rồi ngủ thiếp đi theo những câu chuyện bà kể. Ngày ông còn sống, bà thường làm vợt bắt châu châu cho ông mang ra đồng. Mùa đông ngoài món cá ướp còn có thêm châu chấu rang lá chanh ăn với cơm nóng, vừa ăn vừa áp bàn tay xung quanh cái bát nóng hổi cho ấm. Những mùa đông như thế cứ đi qua mái nhà nhanh như những cơn gió, giờ đây mái nhà đã phủ đầy rêu còn mùa đông vẫn lướt qua như quy luật mỗi năm một lần mà nó phải ghé tới nơi này.

Tôi lớn lên và đi xa, mang theo ước mơ về một cuộc sống khác đi ngoài cái rơm cái cỏ ở cánh đồng này, góc sân này. Bà thì già đi theo thời gian, những câu chuyện của bà cũng ngày càng nhiều và nặng nề như tiếng thở dài, xuýt xoa vì cái rét đang thổi qua mái nhà, thổi ngoài cửa kia mà cuộc đời bà cũng đang bước tới xế chiều.

Trên nhà đã có ánh đèn thắp sáng. Bà khẽ khàng quay sang bảo tôi:

-Cơm sắp chín rồi! Cháu lên nhà dọn mâm bát ra sẵn đi!

Tôi bước chân ra khỏi bếp. Gió rít từng hồi phả những giọt mưa phùn rơi vội trong bóng đêm. Mùi khói bếp, hơi ấm từ bếp lửa vẫn còn vương trên tóc, trên áo tôi…

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
 
 
 
Thư viện hình