Làm quan phải biết thương dân
[12.05.2014 02:28]
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh (1734-1786) là nhà thơ nổi tiếng của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Ông là một vị quan thanh liêm, chính trực, đầy khí phách, đồng thời là một người có tư tưởng nhân văn cao cả.
Lòng yêu nước thương nòi và lòng nhân ái vô lượng hải hà là những chủ đề xuyên suốt những trứ tác đồ sộ của ông.
CẢM TÁC (2)(1)
Phiên âm:
Thính sự cận dân thoại, Bất giải triêu đãi mộ. Tận tâm yên nhĩ hĩ. Cảm ủy quan như ngụ, Bát huyện tổng ngô bào, Hồng nhạn vị yên đổ. Chiêu tập dụng hà sách? Lư diêm tận sinh tụ. Nhật bất tái đề cơ, Kì sự thực vi thủ. Sinh tài dụng hà đạo, Thương lẫm hà sử phú? Tụng vị tất sử vô, Hà thuật vô lưu vụ? Hành dương ngục vị thanh, Hà phương kế vật ngộ? Thùy vi nhậm tuyên dương? Hải Nam tư kị Vũ. Thùy vị tịch điền trù? Phì nhiêu vô xích diêm, Thùy vi tức dâm xảo? Thùy vi lạc phục cổ? Thùy vi sử tương an? Tứ dân kiêm tứ thú. Thống chế tài nhất đạo, Tín thụ văn thập phủ. Dân dưỡng binh tự cường. Ngoại khả vô phương vũ. Quân trung bất khả phạm, Biên quan diệc củng cố”. [Theo Nguyễn thị gia tàng]
Dịch nghĩa:
SÁNG TÁC KHI CÓ CẢM HỨNG (2)
“Xử lí công việc phải lắng nghe lời dân, Không lười biếng, từ sáng đến tối. Hết lòng vào công việc mà thôi, Dám dâu xem việc quan như việc ở nhà trọ. Tám huyện đều là gan ruột của ta, Nhớ bài Hồng nhạn, dân chưa có nơi ăn chốn ở(2). Chiêu tập lại, dùng phương sách gì? Làng xóm thành nơi tụ họp, sinh sống. Hàng ngày chớ để dân khóc vì đói, Đối với dân, việc ăn uống là đầu. Việc làm ra tài lợi, theo con đường nào? Kho tàng có thể làm cho sung túc. Việc kiện tụng chưa hẳn là không còn, Nhưng phương cách nào để đừng ứ đọng lại? Gông cùm trong ngục chưa bỏ hết, Phải làm sao cho khỏi xét nhầm? Ai muốn được tuyên dương, Hãy đến ngay Hải Nam giúp vua Vũ(3). Ai muốn lo việc khai khẩn ruộng đất, Phải làm màu mỡ chớ có để nhiễm mặn. Ai muốn ngăn cấm bọn say mê điều cơ xảo? Ai muốn dân vui vì phụng dưỡng được cha mẹ(4)? Ai muốn cho dân cùng yên ổn? Bốn dân kiêm cả bốn thú vui(5). Thống lãnh chế độ chỉ một con đường, Dựng lòng tin, tiếng vang khắp mười phủ(6). Dân được nuôi đủ thì quân tự khắc mạnh, Nước ngoài không dám khinh nhờn. Trong quân không thể phạm kỷ luật, Chốn biên thuỳ càng vững chắc”.
NGUYỄN THANH TÙNG dịch
Dịch thơ:
Làm quan hãy nghe dân, Không nghỉ, sáng đến tối. Hết lòng vì mọi người, Việc công đâu dám chối. Tám huyện đều ruột gan, Không nhà, dân vẫn tội. Chiêu tập, dùng cách nào? Xóm làng, nơi tụ hội. Với dân ăn là đầu, Chớ để dân bị đói. Kho lẫm đợi đầy hàng, Làm giàu, đương lo lối. Kiện tụng hẳn vẫn còn, Làm sao để tránh khỏi. Chưa bỏ hết gông cùm, Chớ phạt người không lỗi. Ai muốn được tuyên dương, Vua hiền nên gắng hỏi. Ai muốn khẩn đất hoang, Chớ để đất nhiễm muối. Ai muốn cấm bọn gian, Muốn mẹ cha trăm tuổi? Lại muốn dân bình yên, Vui vầy hằng mong mỏi? Mười phủ dựng lòng tin, Quản cai chỉ một lối. Quân mạnh bởi dân giàu, Ngoại bang nào quấy rối! Trong quân kỉ luật nghiêm, Biên thùy càng cứng cỏi.
L?C NGUYÊN Chú thích; (1) Đầu đề do chúng tôi đặt, lấy từ bản Hàng trạng Nguyễn công (Nguyễn thị gia tàng). (2) Hồng nhạn: tên bài thơ trong Kinh Thi (Tiểu nhã) ca tụng Tuyên Vương có thể tập hợp, vỗ yên dân li tán. Bài Hồng nhạn có câu: “Chi tử vu viên, Bách đổ giai tác, Tuy tắc cù lao, kì cứu an trạch” (Người dân lưu lạc lo xây tường, Hàng trăm bức tường đều được làm xong, Nay tuy lao nhọc, mà rốt cuộc mà được nhà cửa để ở yên). (3) Chỉ việc trị thủy của vua Hạ Vũ. Đây có lẽ chỉ việc đắp đê, trị thủy ở nơi trị nhậm của Nguyễn Huy Quýnh. (4) Nguyên văn “phục cổ”, chữ trong Kinh Thư (Tửu cáo), nói việc dân mang trâu bò đi xa bán để được giá, đem tiền về phụng dưỡng cha mẹ. Đây dịch thoát. (5) Bốn dân: tức sĩ, nông, công, thương. Bốn thú: ngư, tiều, canh, mục; cũng có thể hiểu là 4 sở thích của tứ dân. (6) Mười phủ: có thể chỉ 10 phủ huyện (ý nói nhiều), cũng có thể là “mười phủ” theo tín ngưỡng dân gian, tức mười cõi.
|