- CÁI TÔI TRỮ TÌNH: Thơ mới khác thơ cũ ở "cái tôi", đó là cốt lõi tâm linh (thi hứng) của thi nhân, có cá tính- thi cách riêng gây được ảnh hưởng đến người đọc :
Tôi có gì, tôi có được gì đâu
ngoài một sự thực
sự thực như đời tôi bom đạn
sự thực như những gì đang tàn
như tôi đang sống nhờ mượn đội lốt mang danh
những người không phải là tôi
(Tình khúc tháng 11/1965)
-CÁI TÔI HIỆN SINH: Đó là sự hiện hữu thân phận con người:
Tôi chỉ là kẻ làm thơ sầu mây biển
buồn không vơi...
Tôi chỉ là một chiến binh
Căm buốt thao trường qua hơi nồng nàn dạ vũ...
đời tôi nào có gì hơn bọt biển
sớm lênh đênh chờ đến tối tan tành...
- CÁI TÔI ĐA NGÃ: Đó là thứ hồn thơ luôn tồn tại ý thức của kẻ lạc loài & bất hạnh, sự giằng xé giữa thân phận bị ràng buộc & tự do, giữa cái tôi bản thể (của mình) với cái tôi khác mình...nói như một Nhà Nghiên cứu thì đó là cái tôi ý thức luôn tìm kiếm truy đuổi cái tôi vô thức (viết đến đây NK tôi lại nhớ tới Hoàng Cầm- 1 tay chơi thơ vô thức có hạng rất dễ thâm nhập vào lòng người):
Phải chăng tôi sống bằng thần trí của kẻ nào đó
đã qua đời và hồn nhập nơi nào đó
(Trong cơn giông đời- tay gõ cửa)
Tôi tự hỏi lại tôi
Mày là ai đứng đó
chờ đợi muôn ngàn năm
tiếng than mình dội lại
ngay từ phút làm người
ta là hai kẻ
quỉ và thần chia ngôi.
(soi dấu - tay gõ cửa)

Bìa tập thơ "giỏ hoa thời mới lớn"của Du Tử Lê
- THƠ TÌNH DU TỬ LÊ: Phải nói là rất tình và rất đượm :
Cũng đành người đã quên tôi
Con chim nào cũng một đời kêu than.
...Cũng đành người đã ham vui
Núi non nào cũng một đời cô đơn...
Cũng may tôi có một đời
để đau, để khổ, để ngồi trông thư
(Khi trông thư Thụy Châu)
-Về NGHỆ THUẬT: Thơ Du Tử Lê là lối nói "độc bạch"- tự sự khá trần trụi, như một tia lửa đạn bắn thẳng vào trái tim người đọc làm "đau điếng"... Thơ Du Tử Lê nổi trội về sự tìm tòi cách tân "sắp đặt chữ nghĩa" khác người, (Trần Dần cách tân chữ nghĩa như một trò chơi chỉ mình ông thích thú với ông- lối chơi 1 mình) còn ở Du Tử Lê chơi trò chơi ngôn ngữ, mới đọc thấy khó chịu , đọc nhiều thấy thích thú như lôi được người đọc vào cuộc chơi với Thi nhân, chấp nhận được, đây là những "ngắt nhịp" khá hậu hiện đại :
Cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi vui thân thể cỗi, già
cõi lang thang mượn mái nhà hư, không
cõi hoang mang, vội
cõi bàng hoàng, qua !
(Cõi tôi)
Thơ Du Tử Lê với những" ngắt nghỉ, xuống dòng, viết hoa" khá độc đáo :
*Ơi, như mắt, xa dần mảnh vải trắng
mỗi linh hồn
tẩm liệm, một hơi, riêng...
* chúng ta chia tay từ Vú mẹ
tập xa nhau thuở chập chững, đi
chúng ta biết thịt, xương này hữu hạn
(và,) nhà giam nào phải lối đi về!
*Tôi sẽ để rất nhiều khoảng trống
giữa hai gạch chéo/
trong một câu thơ thí dụ.../.../.../
mời những người đọc thơ tôi
hôm nay, ngày mai tham, dự
bài thơ xuất hiện lần đầu
mượn trái tim anh em, bà con, để, thở
(Tình yêu trong ruột và bìa, sách)
Trong các bài thơ HAY của Du Tử Lê, có lẽ bài gây xúc động, ấn tượng nhất là bài" Khi nào chết hãy đem tôi ra biển" như thấm đau cái nỗi đau một thời loạn lạc của Thi hào Đỗ Phủ xưa :
"Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng chết
Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn."
Góc thành Nam Hà Nội 22-4-1014
NGUYỄN KHÔI