Nói chung, cuộc họp ngày 12.01.2014 do ông Lê Xuân Đính điều khiển (dù có biên bản) nó cũng không có giá trị! Vì Thông báo ra mắt Tuyển tập thơ đã được loan tải chính thức tới các Tác giả theo quyết định của cuộc họp đủ thành phần trước đó (05.01.2014) gồm cả phía đại diện Nhà Xuất bản VIPEN là anh Thế Dũng. Chúng tôi không chấp nhận việc ông Xuân Đính (một người “tạm quyền” sau khi sách đã được thông báo phát hành chính thức) đứng ra điều hành cuộc họp này và ra quyết định trái phép thu hồi quyển sách “Thơ Viêt ở Đức”, tài sản của VIPEN khi nó đã được nhiều người đặt mua và anh Sa Huỳnh đã gửi cho khá nhiều Tác giả trong đó có tôi.
>>> Bàn về Tuyển tập Thơ Việt ở Đức - Phần 2
Trong cảm nhận của tôi, tôi đoán có lẽ bà Phạm Thị Như Anh “chống lưng” cho bà LHP viết bài đả kích 2 anh SH và TD, vì chỉ có bà ta khen bà Lê Hoài Phương là “một người rất yêu Thơ và một thành viên rất tích cực của CLB Thơ Berlin”??? “Rất yêu thơ” mà đòi “xé sách thơ”??? “Tích cực” mà giọng điệu “góp ý” như phá đám. Tôi không tin nổi một người thích thơ “Thất ngôn” một trong những thể loại thơ tinh tế, khó trong lề luật và diễn cảm, vì đòi hỏi vần câu khắt khe mà lại có những câu lời xách mé, xỏ xiên, độc ác đến như vậy về bạn thơ, bất kể đến công sức của họ, áp đặt suy nghĩ tầm thường của mình lên việc làm của họ. Đáng tiếc lắm thay!
Và đến bây giờ khi tôi biết được 2 bà Như Anh và Lê Hoài Phương đứng tên cùng ông Klaus Neuhaeuser (Có lẽ là chồng bà Như Anh) kiện anh Thế Dũng và VIPEN không có Geweberanmeldung, thì tôi lại nghi ngờ bài viết kia chưa chắc đã phải của bà LHP, mà bà Phương chỉ bị kéo vào một “âm mưu” nào đó mà thôi.
Tôi cũng trách một vài Tác giả khi đọc bình luận của nhà văn Đỗ Trường, chắc thấy thơ của mình bị chê đã vội chửi bới thô thiển đến tục tĩu, điều đó chỉ chứng tỏ mình là người không có chút “hồn thơ” và chút văn hóa tối thiểu nào, mà có thể chỉ là những câu “văn xuôi đánh gãy vần” hoặc sao chép, hay ăn cắp đâu đó ý thơ rồi ghép lại bừa phứa chăng? Tôi nghĩ, thơ là tinh hoa nhân loại, nó hơn văn xuôi ở vần điệu mượt mà, chau chuốt, thực mà như mơ, diễn tả mọi vật bằng từ ngữ bay bổng, uyển chuyển, mạnh mẽ, hay mộc mạc đều mang giai điệu quyến rũ và sinh động. Những người có những cảm nhận tinh tế ấy không thể là những con người ô trọc, tàn nhẫn và độc ác.
Tôi chưa đạt tới cảnh giới đó của một “Nhà thơ”, nhưng cũng không thể, hay không nỡ làm kẻ khác đau đớn, buồn tủi. Tuy dám nói thẳng, nói thật những điều xấu xa, nhưng cũng chua xót không kém khi phải nói ra điều đó. Tôi đồng ý với nhận định của anh Chu Văn Keng về bài viết của nhà văn Đỗ Trường. Ông có khiếu thẩm định thơ khá tinh tế.
Trường quan thi Đỗ sĩ nguyên
Lời bình sắc nước, dính liền trăm dao
Cảm nhận xứng bậc anh hào
Khen, chê đều đắt, trí cao hơn người
Tài hoa chuốc khổ thân thôi
Giữa bùn nhơ nhốc, Sen ngời sắc hương
Quân tử, đâu ngại "rợ" thường
"Phớt tỉnh", chẳng chấp, chỉ thương kẻ hèn!
Thơ chắp vá, mới đảo điên
Tự tôn, tai điếc, bỉ nguyền kẻ ngay
Lắng nghe, suy ngẫm, nên "Thầy"
Rèn thêm vần, chữ sẽ hay hơn nhiều
Rượu say, bút pháp càng "siêu"
Đỗ Trường "lột ý", quyết "liều" một phen
Lời khôn của kẻ sĩ hiền
Khiến cho “đứa dại” chẳng yên, phát cuồng.
Có lẽ đọc bài thơ này, mỗi người chúng ta hãy xem lại nhận xét của ông Đỗ Trường, rồi nghiền ngẫm lại thơ mình. Vẫn biết câu “Thơ mình, vợ người” của các cụ nói chẳng sai, ai cũng tự thấy thơ mình hay tuyệt vời…..nhưng thực tế có khi ngược lại. Hãy dẹp bỏ tự ái, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, vần điệu, niêm luật, chắc chắn một ngày nào đó, đọc lại những bài “thơ” trong cuốn sách này, bạn sẽ thấy lúc đó “thơ” mình thật ngây ngô, ngớ ngẩn và …. “Thương quá cho Nàng Thơ” bị chính mình vặn vẹo thành xấu xí và…sẽ bật cười giống tôi.
“Đứa con tinh thần”
Khi cầm cuốn Thơ Việt đầu tiên tại Đức trên tay, tôi thấy lòng rưng rưng. Phải nói bìa cuốn sách được thiết kế rất đẹp, đủ ý nghĩa. Mặt trước là cổng thành Brandebburg được chiếu sáng với cành đào xuân kỷ niệm. Mặt sau là những cánh chim bồ câu tung bay trên bầu trời hằn lên cột vô tuyến Berlin nổi danh, phía dưới là những bông hoa Tuy Lip biểu tượng của mùa xuân, mùa của Thi ca đang đua nhau nở rộ. Là dân Design chuyên nghiệp, tôi rất thích cách bài trí bìa cuốn sách.
Cuốn sách khá dầy bởi nó chứa tới khoảng 290 bài thơ dài có, ngắn có của 73 tác giả đang sinh sống tại Đức. Cầm cuốn sách, tôi thấy thương cho anh Sa Huỳnh, người vất vả nhất trong vụ này, tốn công sức, thời gian, và cả tiền bạc vì những cú điện thoại, tiền gửi sách nữa, mà chẳng được gì, lại còn bị chửi. Sau nữa là thương cho anh Vũ Thế Dũng, Giám đốc NXB VIPEN. Tôi hiểu cái máu nghệ sỹ đã thúc đẩy anh gợi ý với anh Sa Huỳnh và CLB THơ Berlin để in cuốn sách này. Đây đúng là “Đứa con tinh thần” của tất cả chúng ta, nó mang đậm dấu ấn của những người con xa xứ, không phải ở Mỹ, Pháp, Tiệp, Úc hay đâu khác, mà là ở Đức! Một đất nước mang trên mình bao nhiêu biến cố đáng ghi nhận và cộng đồng người Việt tại đây cũng phức tạp nhất, bởi nó bao gồm đủ mọi loại thành phần khác biệt sâu sắc về lý tưởng, nhận thức và hoàn cảnh.
Sau tất cả những um xùm đòi giải thích về “Tác quyền” và “Bản quyền” của anh TMT, dẫn tới cuộc họp khẩn cấp, mở rộng (Tại sao nhỉ?) của Ban chủ nhiệm CLB Thơ Berlin với việc anh Thế Sáng xin từ chức (Sao thế?) và ông Lê Xuân Đính nhẩy vào “thay quyền” điều hành cuộc họp (Tại sao?) và bà Như Anh, ông TMT làm thư ký (Sắp đặt chăng?) để đơn phương ra quyết định “thu hồi” và “đình chỉ xuất bản” của một nhóm người mệnh danh là “Ban chủ nhiệm” câu lạc bộ thơ Berlin, với loạt bài viết của bà LHP có sự hưởng ứng của bà Phạm Như Anh (chồng Tây – có lẽ được mệnh danh là “thám tử Lú Bú” trong bài của bà Phương), đòi “xé sách thơ”, rồi tới bài của người xưng là “Phóng viên” Nguyễn Huy Thắng (có bằng phóng viên không nhỉ?), thêm vài kẻ a dua làm cả cộng đồng rối tung và hậu quả là Trưởng ban biên tập Sa Huỳnh chán nản rút lui, đêm ra mắt cuốn sách vào tết Nguyên Tiêu trong sự chờ mong háo hức của các Tác giả và Cộng đồng bị hủy bỏ, sách bị xếp xó. Anh Thế Dũng phẫn nộ vì bị đụng chạm Danh dự và tổn thất tới tiền bạc, công sức không nhỏ. Những kẻ phá đám đắc ý. Cộng đồng và nhất là các Tác giả thất vọng.
Hãy đọc những dòng này của Bà LHP
“Ông TD muốn kéo các tác giả theo như một đoàn biểu tình trên Thi trường vậy. Mà hứng lấy cái tinh hoa đó mà cúng thì chỉ có ông TD và VIPEN của ông mới xứng đáng, được quyền xuất bản cả „một bảo tàng Thơ lưu giữ những vang động âm thầm đầy sử tính của tâm trí Việt ở Đức“.
Câu chuyện chỉ ở chỗ, các tác giả có muốn tố cáo ông TD và ông Peter Knost lên tòa hình sự không ? “ LHP
Hay câu:
Sách kia đơn giản in quyển mới
Quặng thơ ngồn ngộn giữa ban ngày (bài Muộn rồi của LHP)
Và của bà Như Anh, rồi các bạn đoán xem họ muốn gì?
Được phân công trong BCN CLB Thơ phụ trách về vấn đề in ấn, xuất bản và luật pháp, tôi đang cùng luật sư nghiên cứu các vấn đề do chị LHP và Trinh thám Lú Bú phản ảnh. - Như Anh
Để kết thúc chuyện này cho có hậu, theo tôi các Tác giả nào thích, thông qua anh Sa Huỳnh và anh Thế Dũng ta chọn lấy 1 ngày đẹp trời nào đó, vẫn góp tiền nhau lại làm cuộc ra mắt cho “Đứa con tinh thần” đầu tiên của chúng ta thật vui vẻ, đúng tinh thần “Văn nghệ sỹ” phóng khoáng và vô tư (nướng thịt thôi chẳng hạn). Dẹp hết mọi phiền muộn sang một bên! Thơ ai người đó chịu trách nhiệm. Hay dở để độc giả phán xét. Đây là đất nước Tự do, Sách đã in xong, đã bắt đầu tới tay bạn đọc. Không ai có quyền thu hồi hay cấm đoán nó. Ai không thích thì đừng đến, nhưng Thơ thì không thể xé bỏ ra khỏi cuốn sách chung, vì đó là điều tối kỵ và vô văn hóa nhất. Mọi lỗi lầm chỉ có thể sửa đổi và bỏ ra ở lần xuất bản sau.
Chúc các anh chị hòa đồng, vui vẻ và mở lòng đón nhận “Đứa con” yêu của chúng ta và hãy trân trọng nó!
Còn những ai lỡ làm điều gây xáo trộn Cộng đồng, làm phiền và xúc phạm người khác, cũng nên có một câu xin lỗi và rút đơn từ lại cho đẹp mặt giới “Văn Thơ” Việt tại Đức
Đài Trang
*Phụ lục 1
Cảm nhận của tôi về thơ Thế Dũng
Thơ của các Tác Giả khác có lẽ tôi không cần bàn ở đây, vì anh SH đã giới thiệu và nhà văn Đỗ Trường đã nhật xét khá chuẩn và tinh tế.
Tôi xin bình một chút về thơ anh TD, những bài thơ làm cho 1 số người như anh TMT nói là “không muốn in chung trong cùng cuốn sách”
Thực ra thơ anh Thế Dũng là những ám ảnh rất đời và rất thực. Đầy khát khao, khắc khoải, xen cay đắng, nhưng đắm say tự hồn trong từng câu chữ:
“Phút giao thừa chẳng có mấy lo âu
Cả vũ trụ như một ngôi nhà ấm
Pháo khoe tiếng – Rượu phô mầu say đắm
Những mảnh đời vỡ vụn cũng ngân nga….”
Đọc thơ TD, tôi bị cuốn hút vào những hình ảnh mà anh vận dụng, nó kỳ lạ và rất thâm thúy:
“Lẽ nào?
Tôi chỉ là tro nóng?
Trong Hỏa Sơn trụy thai?”
Có lẽ cách ví von rút ruột của anh bị vài kẻ tầm thường hiểu theo nghĩa trần trụi của câu từ, nên mới có những lời chê trách, song tôi lại thấy ở đây một nhân tài.
Nỗi khắc khoải của một kẻ tha hương sẽ mất Quê hương không còn lối về, nếu Tổ Quốc bị kẻ thù dùng quyền lực mềm bao trùm lên tất cả, lúc đó ở nơi viễn xứ này cuộc đời không còn ý nghĩa nữa, nó thô thiển, trần trụi và ...kể cả tình yêu đôi lứa cũng không thể đơm hoa kết trái giữa cảnh hỗn mang:
“Lẽ nào không đẻ đái?
Giao hợp chỉ để chơi?
Lẽ nào mình tuyệt tự?
Trong cõi Ma lẫn Người?
Thơ của anh trôi theo dòng tình cảm dữ dội và mãnh liệt, nó thoát thai từ sâu thẳm hồn anh, nó trăn trở, quằn quại vì nỗi đau cùng chia sẻ với Quê Hương, Dân tộc.
Khi đọc bài “Mẹ VN không chỉ nhìn ra biển” như một “Sử thi” của anh, tôi biết: dầu tất cả đó là sự thật, việc thật, những đau đớn khôn nguôi của một tâm hồn nhạy cảm cho nỗi mất mát lớn lao của cả một Dân tộc, nhưng nó làm cho những kẻ hèn nhát an phận thủ thường hoảng sợ. Họ không muốn “đụng chạm”, họ sợ “sự trả thù”, họ vin vào “sự tin tưởng” mù quáng, để có thể giấu mình vào những vần thơ nhợt nhạt, rên rỉ, chênh chao. Nói đúng ra họ sợ sự thật đang làm chính họ vỡ mộng! Nhưng lịch sử thì không thể đổi thay, không thể “tô hồng” theo ý muốn ai đó.
“Mẹ Việt Nam không chỉ nhìn ra Biển…
Những nẻo rừng Hồi, rừng Quế Lạng Sơn
Những cánh rừng đầu nguồn đã bị ngoạm
Bị chiếm bằng những hợp đồng cạm bẫy 50 năm……
Hốt hoảng nhận ra Trung Quốc trúng thầu 30 trọng điểm?”
“Việt Nam - Không chỉ nhìn ra biển
Ngẫm chín hướng mười phương để lập thế sơn hà!
Việt Nam - Không chỉ nhìn ra biển
Uống Dân chủ - Đa nguyên Thần -Trí sẽ thăng hoa”
Và có lẽ cũng vì “sợ điều gì đó” mà một bé gái 11 tuổi ở Praha khi trao bức tranh vẽ con chim hòa bình dang đôi cánh hướng về Hoàng sa – Trường Sa đành phải dấu tên chăng?
Khi đọc bài “Tên em là Nguyên khí – Việt Nam ơi!”, TD đã làm tôi gai người lên vì xúc cảm qua những câu thơ:
“Lẽ nào em cũng sợ bị bỏ tù?
Lẽ nào em cố tình ẩn danh để tránh họa biệt giam?
Đau thương thế Việt Nam?
Tang tóc vây quanh đầu xanh ngực trẻ?”
“Ơi, bé gái tha phương
Tâm hồn mười một tuổi
Mà non nước hai vai
Đôi cánh chim nặng gánh
Cát vàng và Cát Dài
Hoàng Sa và Trường Sa”…..
Mặc dù thơ của anh theo thể tự do, phóng khoáng, nhưng vẫn giữ được vần và giai điệu, lúc thì thầm xót xa, lúc trào dâng mãnh liệt, lúc cuồn cuộn như thác đổ căm hờn, lúc lại dạt dào cảm xúc tới ứa nước mắt.
Tôi thấy mình thật may mắn khi được thả trôi cảm xúc trong thơ anh, và bị nó cuốn theo đến những dòng cuối cùng.
Chạm vào thơ anh, tôi chợt thấy mình nhỏ bé và khờ khạo.
Đài Trang (Dresden - LB Đức)