Tiêu chuẩn khen thưởng của Đại sứ quán, căn cứ vào Bảng điểm hàng năm của các cháu học sinh, Giấy khen của Nhà trường phổ thông Nga, Giấy chứng nhận đạt Giải cao trong các cuộc thi Olimpic Toán, Lý, Hóa, Tin học, Ngoại ngữ… của Quận, của Thành phố, của toàn Liên bang và Giấy chứng nhận đoạt giải các cuộc thi tài năng khác…Vào cuối tháng 7 hàng năm, Phòng Quản lý LHS của Đại sứ quán bắt đầu thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị phụ huynh, lãnh đạo Hội người Việt ở các địa phương thu thập hồ sơ để làm căn cứ khen thưởng. Trên cơ sở đó, trao Bằng khen cho các em học sinh Xuất sắc, và Giấy khen cho các học sinh Giỏi. Năm học 2009-2010, có đến 125 em học sinh Việt Nam tại Nga được vinh danh.
Đại sứ Bùi Đình Dĩnh trao Phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi năm học 2008-2009
Nhiều em học sinh từ lớp 1 đến năm cuối cấp, 11 năm liền đều được các trường phổ thông Nga tặng Bằng khen, Giấy khen, hoặc Huy chương… vì học giỏi, chỉ toàn điểm 5, và có tài năng xuất sắc. (Ở Nga, hệ phổ thông học 11 năm). Có những gia đình năm nào cũng có mặt những cặp anh (chị) em ruột cùng đứng trên bục nhận Khen thưởng của Đại sứ quán.
Xin kể đến các cặp anh chị em của Năm gia đình tiêu biểu.
Một điều thú vị là cả 5 gia đình đều chỉ có hai con, trong đó 4 gia đình đều một trai một gái. Tất cả đều được sinh ra và lớn lên tại Nga, trừ cháu Chu Ngọc Minh (con trai anh chị Chu Thế Vinh – Hà Thị Trực) sinh ở Việt Nam. Lợi thế của các cháu là biết tiếng Nga từ lớp mẫu giáo. Khi đến trường phổ thông, tiếp thu tiếng Nga nhanh, phát âm chuẩn không khác gì người bản địa. Khi nghe bài giảng, các cháu lĩnh hội tốt hơn những cháu sinh ở Việt Nam, được bố mẹ đưa sang học giữa chừng cấp học.
Đại sứ Phạm Xuân Sơn trao phần thưởng cho các em học sinh năm học 2012-2013
1. Lớp lớn tuổi nhất, là hai anh em Chu Ngọc Minh – Chu Dạ Thảo, con của anh chị Chu Thế Vinh – Hà Thị Trực ở thành phố Ekaterinburg, thủ phủ vùng Ural, cách Matxcơva 1700 km. Hai anh chị từng học Đại học tại Nga, sau quay trở lại làm ăn ở Ekaterinburg. Tuy sinh ở Việt Nam, nhưng được bố mẹ đưa sang Nga từ sớm, Chu Ngọc Minh giỏi tiếng Nga, giỏi cả tiếng Anh, biết thêm tiếng Nhật, tiếng Đức. Chàng trai này suốt 11 năm chưa bao giờ bị điểm 4 (bậc cao nhất là điểm 5), thi tốt nghiệp phổ thông với thành tích đạt Huy chương vàng, được Thống đốc tỉnh Svedlovsk Roshen đích thân trao Giải thưởng. Được chọn đặc cách vào ba trường: Ngoại giao, Kinh tế và Nông nghiệp, nhưng Minh lại yêu thích ngành kiến trúc, nộp đơn dự thi, và đỗ đầu kỳ thi tuyển của Đại học Kiến trúc.
Chu Dạ Thảo là cô em (sinh 1995), ngoài thành tích học giỏi tất cả các môn văn hóa và ngoại ngữ (Anh, Pháp), điểm tổng kết toàn 5, dự thi nhiều cuộc Olimpic khu vực và Thành phố đạt giải cao, còn bộc lộ năng khiếu Hội họa với nhiều bức tranh rất ấn tượng. Ngay từ năm học lớp 7, Dạ Thảo đã được nhiều Giải thưởng về Hội họa dành cho trẻ em. Xin xem chi tiết về Dạ Thảo, đã đăng trên nguoibanduong.net và mekongnet.ru (Bấm Ở đây)
Tranh "Bông Hoa đá" của Chu Dạ Thảo (lớp 7) giải Ba cuộc thi “Sự hấp dẫn trong các truyện ngắn của Bazov”
2. Lứa tuổi nhỏ hơn là Nguyễn Thị Hoàng Oanh (sinh 1996), và Nguyễn Văn Hoàng Long (sinh 1999), là con của anh chị Vũ Văn Hữu – Nguyễn Thị Hoa ở thành phố Toliatchi, thành phố sản xuất ô tô Vaz nổi tiếng bên bờ sông Volga. Mấy năm gần đây, tên trong Giấy khen của các cháu đã đổi lại họ Vũ (lấy theo họ của bố).
Sinh ra trong gia đình, không có ai làm nghệ thuật (bố mẹ làm kinh doanh) nhưng hai cháu với năng khiếu bẩm sinh, say mê học đàn Piano từ mẫu giáo. Biết năng khiếu của con, anh chị Hữu – Hoa đã mua hẳn chiếc Piano mới tinh cho các con luyện tập. Ngoài thành tích học giỏi toàn điểm 5, Oanh và Long tham gia nhiều cuộc thi do thành phố tổ chức và nhiều lần đạt giải nhất, nhì về đánh đôi Piano. Cách đây mấy năm, Người Bạn Đường và Mekong News cũng đã có bài giới thiệu về các cháu (Xem ở đây).
Oanh và Long luyện bài tập đánh đôi ở nhà
Giải Nhì cuộc thi Piano thành phố trao cho hai chị em, lúc Oanh 13 tuổi và Long 10 tuổi
3. Tương đương lứa tuổi với Oanh – Long là Nguyễn Huy Trường Nam và Nguyễn Thùy Linh. Bố mẹ hai cháu, Nguyễn Huy Tuấn – Trần Thị Minh Huệ đều là những nhà cán bộ khoa học ngành Địa chất.
Nguyễn Huy Trường Nam học trường Phổ thông Chuyên số 1543, một ngôi trường nổi tiếng ở Matxcơva, phải qua thi tuyển mới được nhận vào. Nhiều năm liền, Nam dự các cuộc thi Olimpic toán, tin học… đạt giải cao cấp thành phố và Liên bang, nhiều giải thưởng thi tiếng Nga, tiếng Anh ở trường. Năm 2009, Trường Nam được vinh dự đại diện cho học sinh Matxcơva tham gia Hội thảo học sinh quốc tế tổ chức tại Đức. Năm 2012, Trường Nam đạt Giải Nhì Toán và Giải Nhì Lập trình trong cuộc thi Olimpic toàn Liên Bang. Ngay từ năm học lớp 10, Nam đã mở lớp dạy lập trình miễn phí cho các bạn học sinh trong cộng đồng người Việt. Ngoài say mê học tập, Nam còn học chơi cả guitar…
Nguyễn Huy Trường Nam (thứ nhất hàng trước, bên trái) và các bạn bè trong Hội thảo quốc tế tại Đức
Nguyễn Thùy Linh em gái Trường Nam, học Trường PT chuyên tiếng Anh số 1485 Matxcơva, cũng đạt được nhiều thành tích xuất sắc: giành Giải Nhất trong cuộc thi tiếng Anh toàn thành phố, Giải Nhì cuộc thi Toán toàn quận, Giải Ba cuộc thi đàn Piano trong vùng...
Thùy Linh trong cuộc thi Piano
4. Hai chị em Trần Diệu Ân (1996), Trần Diệu Linh (2001), được sinh ra trong môi trường âm nhạc. Mẹ các cháu là Trần Thanh Hà, nghệ sĩ đàn Harp (Hạc cầm), tốt nghiệp trường Đại học âm nhạc danh tiếng Traikovxki – chơi đàn Organ trong Ban ca đoàn Hội Thánh. Bố là Trần Quốc Hùng, bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Trường ĐH Năng lượng, đồng thời là Mục sư quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Matxcơva). Cả hai chị em được mẹ cho tập đàn từ 5-6 tuổi, và cùng theo học Piano tại Trường Âm nhạc nổi tiếng mang tên Gnhexin. Chị Trần Thanh Hà luôn biết cách gợi nguồn cảm hứng cho các cháu. Diệu Linh ngoài tài năng âm nhạc, còn mê cả Hội họa. Hai cháu đã từng trình diễn cùng với Dàn Nhạc Giao Hưởng Matxcơva (Moscow State Symphony Orchestra).
Diệu Ân biểu diễn cùng dàn nhạc Giao hưởng Matxcơva- bản Concert for Piano with Orchestra, Op.21, No.2 F-moll, Part 1 của Frédéric François Chopin
Tài năng của Ân, Linh đã được khẳng định qua các kỳ thi Quốc tế về Piano. Xin kể những giải chính của Diệu Ân: Giải Nhất độc tấu Pianot tại Liên hoan In the Art World (11/2008), Giải Nhất độc tấu cuộc thi Âm Nhạc Không Biên Giới, Litva (2010), Giải Nhì độc tấu thi Piano quốc tế Flier (2011) và Giải Nhì International Chopin Piano Competition tại Hungary (06/2012), Giải Nhất độc tấu Piano cuộc thi quốc tế lần thứ ba cho nghệ sĩ Piano trẻ tại Gevgelya, Macedonia tháng 6/2013…
Diệu Linh trình diễn cùng với Dàn Nhạc Giao Hưởng Matxcơva – bản Concerto for Piano & Orchestra in D major, Part 1 của Franz Joseph Haydn
Diệu Linh cũng đạt những giải thưởng đáng nể so với chị của mình: Giải Nhất độc tấu Piano, giải quán quân hòa tấu Piano, giải ba biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng cuộc thi quốc tế lần thứ 10 Âm nhạc không biên giới tháng 8/2010 tại Litva; Giải Ba International Chopin Piano Competition tại Hungary (06/2012). Tháng 8 năm 2013 vừa rồi, cả hai chị em được mời về biểu diễn trong chương trình Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu tại Hà Nội và Sài Gòn, được thính giả Việt Nam hoan nghênh nhiệt liệt
5. Đôi chị em nhỏ tuổi nhất là Lương Nguyễn Thiên Anh (sinh 2003) và Lương Nguyễn Việt Ân (sinh 2004). Vì cách nhau có 1 tuổi nên hai chị em cùng vào học một lớp. Năm nay hai cháu học văn hóa lớp 4 của Trường Sư phạm Âm nhạc Matxcơva (Московский Музыкальный Педагогический Колледж). Thiên Anh và Việt Ân cũng may mắn được sinh ra trong gia đình có cha và mẹ đều gắn với hoạt động âm nhạc (tuy không chuyên nghiệp). Anh Lương Đức Hà và chị Nguyễn Thị Hằng, bố mẹ của hai cháu, đều sinh hoạt trong Ca Đoàn của Hội thánh Tin lành Lời sự sống Việt Nam tại Matxcơva. Chị Nguyễn Ánh Tuyết, chị gái của chị Hằng, cũng là người hoạt động nghệ thuật từ nhỏ, khi rời Nga, đã tặng lại cho các cháu cây đàn Piano. Các cháu bắt đầu được hướng dẫn chơi đàn từ ngay tuổi mẫu giáo.
Thiên Anh và Việt Ân luyện bài tập đánh đôi ở nhà
Trong hai năm gần đây, được sự dìu dắt trực tiếp của cô giáo Liutmila Yakovna Tkach, hai cháu đã mạnh dạn tự tin, bước lên bục sân khấu của những cuộc thi tài năng Piano. Sân khấu lớn của các cháu mới chập chững bước đầu vào con đường Nghệ thuật là “Festival Nghệ thuật thiếu nhi Những ngôi sao nhỏ Matxcơva 2013”.
Thiên Anh và Việt Ân cùng bố mẹ sau cuộc biểu diễn “Festival Nghệ thuật thiếu nhi Những ngôi sao nhỏ Matxcơva 2013"
Tại Festival, hai chị em đã được tặng thưởng về đánh đôi Piano. Trong một cuộc thi tuyển mới gần đây, Thiên Anh được chọn để tham gia biểu diễn trong Lễ Giáng sinh của thành phố vào ngày 24/12/2013. Mặc dù còn ít tuổi, nhưng phong cách biểu diễn của hai chị em rất tự tin, đĩnh đạc. Tin rằng, trong những năm gần đây, tài năng các cháu sẽ được tỏa sáng, sẽ đạt được những thành tích theo kịp lớp anh chị đi trước…
Thiên Anh biểu diễn trong Lễ Giáng sinh của thiếu nhi thành phố ngày 24/12/2013
Thành tích học tập của các cháu không phải ngẫu nhiên. Bố mẹ các cháu – dù là những trí thức, hoặc là những nhà kinh doanh, đều chung một điểm là thế hệ họ chịu nhiều thiệt thòi, phải hy sinh những đam mê khát vọng nghề nghiệp của mình để tập trung làm kinh tế, họ dồn hết tâm sức của mình dành cho các con điều kiện học hành tốt nhất. Tất cả gửi gắm Hy vọng vào tương lai của con cái. Và con cái họ, ngoài tố chất thông minh bẩm sinh, cộng với sự say mê học tập và rèn luyện nghệ thuật miệt mài, đã không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ. Nhờ các cuộc khen thưởng hàng năm của Đại sứ quán, các cháu được động viên khích lệ rất nhiều trong quá trình học tập và sáng tạo… Cộng đồng người Việt tại LB Nga có quyền tự hào về thế hệ trẻ thông minh và tài năng của mình…
Châu Hồng Thủy