Một hôm Việt nói với tôi: “Hình như bên trường Bách khoa (chúng tôi thường gọi trường “Đại học Tổng hợp Kỹ thuật” như vậy) có 1 người Thái Lan?”. Tôi nói: “Không có chuyện sinh viên Thái Lan sang học ở Nga đâu. Họ thường sang các nước tư bản. Có lẽ là người Lào đó”. Quả đúng như vậy. Tôi đã gặp người đó trên đường và hỏi chuyện anh ta bằng tiếng Thái. Một tuần sau Thái đi chơi đâu đó về, nói: “Ô! Công nhân ?xuất khẩu’ Việt Nam ?đầy’ ở bên thành phố Volshky!”. “Volshky ở đâu?”. “Ở bên kia sông Volga”. À ra thế! Nhưng hai thành phố cách xa nhau nên anh em hoàn toàn không gặp nhau và chẳng ?giao lưu’ gì được với nhau. Cảm thấy “lạc lõng, cô đơn” quá!
Trong trường, ngoài sinh viên Việt Nam còn có sinh viên Lào, Cu Ba, Ăngôla, Côngô, Ápganistan, …Cứ đến ngày Quốc khánh (hoặc Lễ hội Quốc gia) của nước nào thì Khoa Đối ngoại đều tổ chức Lễ chào mừng/ Kỷ niệm cho nước đó. Năm thứ nhất, đến ngày Lễ của Ápganistan (tôi không nhớ ngày nữa), Khoa Đối ngoại “đặt vấn đề” tổ chức rất long trọng (vì quân đội Liên Xô đang tham chiến ở đó). Nhạc (trưởng đoàn) nói với anh em: “Ta phải ?biểu thị’ tình đoàn kết với bạn. Phải ?góp’ một tiết mục gì đó”. Việt nói: “Hát đi!”. “Ừ, ta ?đồng ca’ bài ?Ápganistan’ nhé!”, Thái nói. Mọi người nhanh chóng đồng ý. Tôi ái ngại nhìn sang Mai và Trinh. Hai cô này cũng như tôi: Chưa lên sân khấu lần nào! Bài hát này khá phổ biến ở ta vào đầu những năm 1980. Mặc dầu tôi không biết chính xác tên nó là gì, tác giả là ai, nhưng cũng thuộc được đôi đoạn.
Thế là đến giờ, mọi người vào Hội trường, ngồi nhóm vào một chỗ chuẩn bị. Khi các nghi thức buổi Lễ đã xong, đến lượt các nước lên ?bày tỏ tình đoàn kết’ thì đoàn Việt Nam lên sân khấu để hát ?chúc mừng’ sinh viên Ápganistan. Thái và Tuấn mỗi người khoác một ghita. Việt là người lĩnh xướng. Còn lại đứng hàng sau ?đồng ca’. Chúng tôi hát đến câu “Ápganistan!” (điệp khúc 2 lần) thì Hội trường sôi nổi hẳn lên. Ở phía dưới mọi người cũng hát hòa theo chúng tôi. Tôi thấy các bạn Ápganistan rất phấn khởi. Tiết mục thành công bất ngờ.
Ngày 9/5/1985, Liên Xô kỷ niệm lần thứ 40 ngày Chiến thắng phát xít Đức rất rầm rộ. Volgograd đỏ rực cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ…Chúng tôi cũng sẽ đi diễu hành trên đường phố. Trinh và Mai sẽ phải mặc áo dài dân tộc (mặc dầu trời vẫn rất rét; tuyết bên đường chưa tan hết). Hai đứa kêu: “Trời thế này, mặc áo dài thì chết cóng mất”. “Mặc (áo dài) vào cho đẹp chứ!”, trưởng đoàn yêu cầu: “Mang sẵn áo len đi”. Thế là hai đứa cắp thêm áo ấm. Đúng là mặc áo dài thì người đẹp hẳn lên. Mai mặc áo màu trắng, điểm xuyết vài bông hoa sen. Trinh mặc áo màu xanh lơ, điểm thêm vài bông mai vàng. Hai cô như hai nàng tiên giáng trần đi trên Đại lộ Lenin.
Người Nga già trẻ, lớn bé, phụ nữ, đàn ông đi diễu hành nườm nượp, đều ngoái cổ lại nhìn. Tôi đi bên hai cô cũng cảm thấy hãnh diện lây. Nghi thức Kỷ niệm tổ chức ở Quảng trường Lênin, cạnh Đại lộ Lenin, ở Trung tâm thành phố. Người đông quá. Chúng tôi chỉ nhích được từng bước một. Đến nơi cũng không vào được vòng trong, vì có hàng giây xích bảo vệ chăng ngang. Có cả cảnh sát giữ trật tự. “Cần phải xem tận mắt Nghi lễ ý nghĩa này, dù chỉ một lần trong đời”. Nghĩ thế, tôi chen lên chỗ các bạn Lào. Cô Teng Òn ăn mặc theo trang phục Lễ hội Lào một cách rực rỡ: Váy lóng lánh kim tuyến. Vai vắt chéo tấm sà rông. Đầu búi tóc ngược lên. Chiếc kim thoa bạc cài ngang bíu tóc. Gương mặt thoa phấn son nhìn rất tươi. Tôi rủ cô lại chỗ rào chắn xin vào xem. Viên cảnh sát thấy chúng tôi lại, hiểu ý liền mỉm cười hỏi: “Các bạn từ nước nào đến?”. “Từ Lào và Việt Nam”, chúng tôi đáp. “Thôi vào đi! Ưu tiên đấy”. Thế là chúng tôi được vào bên trong hàng rào xem. Những người Nga xung quanh nhìn chúng tôi “thông cảm”.

Sinh viên VN trong ngày Văn hóa Việt Nam tại Volgagrad năm 2013
Thị trưởng thành phố đọc Diễn văn Chào mừng ngày Lễ chiến thắng phát xít xong. Bắt đầu Lễ duyệt binh…
Ngày 2/9/1985, Quốc khánh lần thứ 40 của nước ta. Lúc này đoàn Việt Nam ở trường đã khá đông vì có thêm 1 lớp sinh viên mới sang. Buổi lễ Chào mừng/ Kỷ niệm Quốc khánh nước ta diễn ra rất trang nghiêm. Khi làm nghi thức chào cờ và hát quốc ca, tôi đã không cầm được nước mắt. Đi xa Tổ quốc, thấy cờ đỏ sao vàng và nghe quốc ca của ta ngân lên thiêng liêng quá chừng! Trưởng đoàn Việt Nam lên đọc bài diễn văn, nói về lịch sử, ý nghĩa của ngày 2/9/1945 đối với dân tộc ta, đất nước ta. Nhạc đã soạn bài này khá công phu và đọc rất cảm động. Dứt lời, mọi người vỗ tay nồng nhiệt. Tiếp theo, đại diện sinh viên các nước lên chúc mừng. Sau đó Việt lên hát bài “Hà Nội – những công trình” (tôi không biết tên tác giả). Bài hát này lúc đó đang là “mốt” ở Hà Nội. Thái và Tuấn đệm ghita. Buổi tối bật TV lên, thấy Đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm đọc Lời chúc mừng/ Kỷ niệm ngày Quốc khánh nước ta. Lòng cảm thấy rất xúc động. Thấy Tổ quốc Việt Nam gần lại. Người như được truyền thêm sức mạnh mới.
Tết Nguyên đán 1986 đúng vào kỳ nghỉ đông. Đoàn Việt Nam ở trường lúc này đã tăng lên gấp cả hàng chục lần. Có thêm 2 đoàn sinh viên Thực tập của trường Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học sư phạm Huế sang. Bên trường Bách khoa (đã nói ở trên) có mấy anh Nghiên cứu sinh và Thực tập sinh cũng mới sang. Thế là chúng tôi quyết định “tổ chức một cái Tết Việt Nam” ngay ở Ký túc xá số 2 (nhà số 62, Đại lộ Rokosovsky). Ký túc xá có 1 gian rất rộng ở tầng 1. Gian này sinh viên thường tổ chức vũ hội, dạ hội, sinh nhật, v.v.
Nhạc làm giấy mời Nhà trường, Khoa Đối ngoại, khoa PIMNO (đã nói ở trên), khoa Tiếng Nga hiện đại, Quản lý Ký túc xá, v.v. tới dự. Một số cô gái đẹp người, tốt giọng thì ôn lại mấy bài dân ca 3 miền. Thái và Tuấn thì chỉnh lại dây đàn ghita. Mấy anh Đại học sư phạm Huế thì phụ trách loa đài. Các cô gái Đại học sư phạm Hà Nội nấu ăn giỏi thì thoăn thoắt rán giò chả, bánh phồng tôm…Còn lại tất cả tập trung bày bàn ghế, trải khăn, trang trí phông màn, cắt giấy làm hoa đào, v.v. Đến giờ hẹn, mọi người ngồi vào ghế/ bàn ăn đầy đủ. Trưởng đoàn lên giới thiệu ?lý do’ họp mặt hôm nay. Quản lý Ký túc xá lên thay mặt Nhà trường và các Khoa phát biểu chúc mừng Ngày Hội/ Lễ mừng năm mới của Việt Nam.
Tiếng sâm panh nổ vang. Các chai rượu “Lúa mới” bật nắp. Mọi người cụng ly “Chúc mừng năm mới”. Tiếng đàn thánh thót vang lên. Tiết mục dân ca bắt đầu. Một số bạn Nga ăn thử miếng chả rán và khen “ngon, lạ”. Mọi người vừa nghe/ xem biểu diễn vừa ăn uống. Các ?diễn viên và nhạc công’ cũng vừa biểu diễn vừa xuống chạm cốc. Các món đủ cả: Nào canh măng, nấm, khoai tây, cà rốt. Nào giò chả (của Nga), chả rán, phồng tôm. Bánh mỳ thì loại trắng, loại đen, loại dài, loại ngắn. Chỉ thiếu mỗi “dưa hành, câu đối đỏ/ Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh” mà thôi! Nhưng có hề gì! Bấy nhiêu cũng đủ cho ta “vui xuân” xứ tuyết nổ trời rồi.
“Nào! Nổi nhạc lên, ta cùng nhau nhảy múa!”, trưởng đoàn ra hiệu. Thế là nhạc vang lên. Mọi người vào vòng nhảy. Một lát sau chuyển sang nhạc valx. Tôi mời bà Komenđant (Quản trị Ký túc xá) nhảy. Thú thật là tôi nhảy valx lần này là lần đầu. “Nhưng biết làm sao được, xã giao mà!”. Tôi nắm tay bà, người đu đưa theo điệu nhạc. “Cái chính là đừng dẫm lên chân bạn nhảy”, tôi tự nhủ…Mấy người mang theo máy ảnh cứ chớp lia lịa. Nhờ thế mà tôi có ảnh giữ lại làm kỷ niệm đến ngày hôm nay. Thỉnh thoảng nhớ Volgograd tôi lại lấy album ra xem.
Kể từ đó đến nay, ¼ thế kỷ đã lùi lại phía sau lưng. Bao nhiêu cái Tết đã đi qua đời tôi? Bao nhiêu Lễ hội/ kỷ niệm mà tôi đã trải? Nhưng những Lễ hội/ kỷ niệm ở Volgograd thì không bao giờ phai mờ. Hãy còn đó thầy, cô, bạn bè, người quen, đường phố, mái trường, ký túc xá, v.v. Hãy còn đó tình người Volgograd sưởi ấm lòng tôi. Hãy còn đó ý nghĩa của thành phố Volgograd đối với đời tôi.
Vinh, ngày 5/5/2013
Quán Vi Miên
Địa chỉ: Quán Vi Miên, 23/3 Phạm Huy, Quán Bàu, Vinh, Nghệ An; Đt: 038.3531.991 / 0915.235.128; Email: quanvimien@gmail.com