Tan học, mấy anh em Việt Nam chúng tôi rủ nhau đi mua sách. Té ra hiệu sách chỉ cách trường có một đoạn. Hiệu nhỏ, nhưng sách thì đầy ắp. Toàn sách bìa cứng! Chao ôi!...Tôi nhớ lại hồi nhỏ tôi từ bản Chiêng Đôn ra chợ Tổng Nải (Quỳ Hợp, Nghệ An) mua sách (những năm 1957 – 58) về “xem” vì chưa biết đọc. Nhớ lại những hiệu sách sơ tán trong rừng ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương … mà tôi lặn lội đến tìm mua, có lần suýt bị bom. Nhớ lại những hiệu sách “lèo tèo” vài chục cuốn của ta sau chiến tranh và trong thời kỳ bao cấp… Vậy mà sách ở đây thì ê hề! Thơ Pushkin, Lermontov; truyện Gogol, L.Tolstoy, Dostoyevsky, Turghenev, Chekhov, Gorky, Babel, Bunin, Fadeev, Solokhov… đủ cả. Tôi lục lọi trong túi. Tiền chỉ đủ mua mấy cuốn giáo trình (học bổng mỗi tháng 90 rup, ăn tiết kiệm cũng đã mất một nửa). Tôi đành “ngậm ngùi” ra khỏi hiệu sách. Nhưng từ đó thỉnh thoảng tôi lại ghé vào đây mua sách. Hoặc có khi chỉ để “ngắm” sách cho thỏa nỗi lòng…
“Ở Volgograd cũng có bán sách Việt Nam đấy!”, một hôm Nguyễn Hà Thái nói với tôi: “Các anh Nghiên cứu sinh ở bên Bách khoa vẫn có sách Việt Nam đọc mà!”. Tin đó làm tôi “choáng”. “Họ mang ít cuốn theo sang để đọc mà thôi”. “Không, họ mua ở đây ấy chứ!”. “Hiệu sách nào chứ ở chỗ trường mình không có”.
Tranh luận với Thái một hồi rồi tôi sang chỗ các anh trường Bách khoa ngay. Chỗ Ký túc xá trường Bách khoa bên kia Đại lộ Lenin đang có mấy anh lớn tuổi như tôi. Có anh sang Thực tập sinh như anh Kình (Đại học sư phạm Vinh), anh Phôi (thành phố Hồ Chí Minh); Nghiên cứu sinh như Trần Vệ Quốc (Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, người Vinh), Hoàng Đức Văn (Đại học Bách khoa Hà Nội, người Hà Nội). Tôi sang thấy anh Quốc đang “xào rán” món lòng gà thơm phức. Anh Văn đang cầm trên tay cuốn sách đọc dở. Đúng là sách Việt Nam! Có dấu giá sách bằng tiền Liên Xô hẳn hoi (rup, hoặc kopek). “Ta vẫn ?xuất’ sách sang bên này à?”, tôi hỏi. “Có chứ”, anh Văn nói: “Để cho người của ta đọc. Anh xem, sinh viên, Thực tập sinh và Nghiên cứu sinh Việt Nam ở Volgograd đã có hàng trăm. Công nhân xuất khẩu bên Volsky có hàng nghìn. Cả Liên Xô có hàng chục vạn”. “Sách này anh mua ở đâu?”. “Mua ngay ở ?dưới đường’”. “Tôi không thấy”. “Nó đi bán ?lưu động’”. “À, ra thế!”. “’Rình’ là mua được”. Anh Văn là nhà toán học nhưng lại rất mê sách. Anh có một đống sách văn học Nga và Xô Viết. Tôi mượn anh “một ôm” những cuốn như “Những đứa con của phố Arbad” của Rưbakov, “Thao thức” của Kron, sách của Bondarev, Dumbadze, v.v..
Sau này tôi có “rình” mua sách Lưu động mà không gặp bao giờ. Nhưng chỗ hiệu sách cạnh trường thì tôi ghé thăm luôn. Hàng tháng tôi dành ra một ít tiền mua sách, tạp chí. Tủ sách của tôi ngày một cao lên. Cô giáo dạy tiếng Nga của tôi, bà Irina N.D., biết tôi mê sách nên đã tặng tôi cuốn truyện của L.N. Tolstoy mới in. Cô giáo hướng dẫn làm luận án của tôi, bà GS.TS. Machiukhina, tặng tôi một cuốn sách chuyên luận về Tâm lý – giáo dục tuổi tiểu học.
Hàng ngày có thời gian rỗi là tôi đọc sách. Những kỳ nghỉ đông, nghỉ hè mọi người (anh em Việt Nam) đi đâu đó vắng, là tôi đóng cửa đọc sách. Tôi chìm đắm trong ?thế giới’ của những trang sách. Hạnh phúc biết bao khi có sách đọc! Gặp cuốn sách hay là người tôi “nổi gai ốc”. Thời gian, không gian hầu như “không tồn tại”.
Tốt nghiệp (tháng 7/1988), chúng tôi đóng thùng hàng gửi tàu biển về nước. Một nửa thùng của tôi là mấy cái valy sách. Mấy tháng sau tàu về Hải Phòng. Tôi ký hợp đồng với Hải quan Nghệ Tĩnh chuyển từ Hải Phòng về Vinh. Tôi xuống Vinh chuyển về nhà rồi chuyển xuống Tân Kỳ nơi tôi dạy học. Mở thùng hàng, tôi lấy sách ra xem ngay. Ôi những cuốn sách của tôi! Chúng còn nguyên xi! Chúng đã đi một chặng đường ?vòng quanh gần nửa bán cầu Bắc’! Hồi đó, cuối những năm 1980 - đầu 1990, đất nước ta đang rất khó khăn. Lạm phát có khi 12%. Lương tôi chỉ 120 đồng/ tháng. Nhưng tôi vẫn xem trong nhà tôi “tài sản quý nhất là sách”.
Ở Tân Kỳ 5 năm, đến 1992 tôi chuyển về Vinh. Lại đóng gói chuyển sách đi. Đất nước mở cửa, đời sống tốt lên từng ngày. Hiệu sách, nhà sách, trung tâm sách, quán sách cũ và mới, thư quán, mọc lên khắp nơi. Những tháng nghỉ hè hoặc khi về hưu, tôi thường khoác balô ra Bắc, vào Nam “sưu tầm sách”. Tủ sách của tôi đã tăng lên hàng chục lần so với thời ở Volgograd. Trong đó vẫn đầy đủ (tôi trân trọng giữ) những cuốn sách tôi mang từ Liên Xô về. Một hôm có anh bạn quen (Hùng, người Yên Thành) ở sở Khoa học và công nghệ Nghệ An (cũng học ở Nga về) đến chơi. Anh hỏi: “Còn có mấy cuốn dạy tiếng Nga không?”. Tôi nói: “Có chứ” (Sao nhà tôi lại không có sách tiếng Nga được?). “Cho mượn tý”. “Quên tiếng Nga rồi sao?”. “Để dạy cho mấy đứa cháu nó đi sang Nga lao động”. “Sao không đi Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan?”. “Bây giờ sang Nga lại khá!”. “Thế chứ!”.
Tôi thở phào sung sướng. Cuối cùng rồi nước Nga lại trở về đúng vị trí của nó. Lòng tôi lại cồn lên nỗi nhớ Volgograd, thành phố yêu thương, nơi có hiệu sách bên Đại lộ Lenin tôi thường ghé qua. Nơi tôi đã đọc (hầu như gần hết) những trang sách của văn học Nga và Xô Viết (dịch hoặc nguyên văn). Nơi tôi đã…
Thật khó nói hết những gì mà Volgograd (và nước Nga) cho tôi và tôi đã nhận được. Xin cảm ơn Người – Volgograd! Xin cảm ơn Người - nước Nga của tôi.
Vinh, ngày 5/5/2013
Quán Vi Miên
Địa chỉ: Phạm Huy, Quán Bàu, Vinh, Nghệ An; Đt: 038.3531.991 / 0915.235.128; Email: quanvimien@gmail.com