CHÂN DUNG NHÀ THƠ 1
Tên như núi Thái vời cao
Giải thơ từng nhận hôm nào thủ đô
Bán kem rồi đạp xích lô
Giờ ngồi chủ xị hội thơ tỉnh nhà
CHÂN DUNG NHÀ THƠ 2
Thơ tình gửi người không quen
Đồng dao con nít lại đem tặng già
Nhận làng Quan Họ: “Quê ta!”
Một người ba hội, bảy nhà, lừng danh!
Chửi thằng Bá Kiến lộng hành
Lại mơ Thị Nở cho anh… bốn lầu!
LỜI GIẢI
1. LÊ THÁI SƠN (nhà thơ)
Câu 1 muốn nhắc đến tên nhà thơ. Câu 2: chúng tôi gặp Lê Thái Sơn lần đầu khi cùng ra nhận giải thơ lục bát báo Giáo Dục và Thời Đại (1998). Câu 3 nhắc các bài thơ : THẰNG KEM (Nào ai kem, nào ai kem / Bạn bè có đứa quên tên nó rồi / Khi cần, chỉ gọi “kem ơi” / Vài tờ bạc lẻ thay lời hỏi han) và bài THƠ VUI TẶNG BẠN ĐẠP XÍCH LÔ (…Ngủ mà như vểnh tai nghe / Tiếng còi những chuyến tàu về ngoài ga // Lên xe nào cậu nào bà / Vali trẻ, thúng mủng già, như nhau / Áo đủ mốt, mũ đủ màu / Nước hoa, nước mắm, xăng dầu đều quen / Ra đường thẳng cánh đua chen / Vòng vo luồn lách mà lên với người / Nặng nhẹ cũng một dặm ngồi / Nhìn mặt đặt giá nửa lời là xong // Khi thì chẳng miếng lót lòng / Bạn bè nhậu nhẹt chúng không them mời / Khi thì xả láng cuộc chơi / Giá ai có bán gan trời cũng mua // Trăm lần sắm lễ lên chùa / Thật tâm mà khấn như đùa cả trăm / Cúi xin Đức Phật từ tâm / Kiếp sau lại bắt con cầm càng xe.). Câu cuối: Lê Thái Sơn từng là Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An.

Lê Thái Sơn
2. NGUYỄN TRỌNG TẠO (nhà thơ)
Câu 1 nhắc GỬI NGƯỜI KHÔNG QUEN (tập thơ tình): Chia cho em một đời tôi / Một cay đắng, một niềm vui, một buồn / Tôi còn cái xác không hồn / Cái chai không rượu, tôi còn vỏ chai… Câu 2 nhắc ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN (tập thơ): Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi / Có con người sống mà như qua đời /…/ Có câu trả lời biến thành câu hỏi / Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới /…/ Có thương có nhớ có khóc có cười / Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi. Câu 3 nhắc LÀNG QUAN HỌ QUÊ TÔI (tập ca khúc). Câu 4: Nguyễn Trọng Tạo là hội viên Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà báo, (cả 3 đều “Việt Nam”), là nhà văn, nhà soạn nhạc, nhà thơ, nhà lý luận phê bình (có in tập VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN), nhà…vẽ (trình bày khá nhiều bìa sách), và nhà lãnh đạo văn nghệ (Từng làm trưởng Đoàn văn công, Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT Thừa Thiên Huế, ủy viên hội đồng Thơ hội Nhà Văn VN). Hai câu cuối nhắc bài thơ BÁ KIẾN THỜI HIỆN ĐẠI với hai câu kết: rồi sẽ có ngày Thị quay trở lại / Cho anh bốn lầu tha hồ thoải mái!… Có lần tôi thấy mấy cô gái truyền nhau đọc câu này rồi cùng đỏ mặt lên, không rõ vì sao. Sau mới biết người Nam Bộ rất tinh nhạy trong việc nói lái (đôi khi họ cũng đọc trệu chữ “lầu” thành chữ “lù” nữa đấy).
Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 tại Diễn Châu, Nghệ An. Hiện sống và viết tại Hà Nội.

Nguyễn Trọng Tạo
ĐẶNG HẤN