Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 14:03 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1697213
Tin tức > Di sản Văn học > Xem nội dung bản tin
Một trường hợp ứng dụng thể loại TỪ khác đặc biệt
[01.05.2012 14:31]
Xem hình
Từ vốn được coi là thể loại văn học “diễm mĩ”, thiên về tả tình, nhất là tình cảm trai gái khi “trước chén, trong hoa” (tôn tiền nguyệt hạ). Tuy nhiên phạm vi ứng dụng của nó đôi khi cũng được nới rộng. Trong từ sử, có tác giả từng dùng từ để ngoại giao, đề từ, thậm chí để nói chí; song dùng từ để ca tụng công đức tổ tiên, khắc vào biển gỗ để tự lại là trường hợp hiếm gặp.

Bài từ điệu Thiên tiên tử ở nhà thờ Đại tôn dòng họ Nguyễn Huy tại làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là trường hợp như vậy.

Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu cũng là một dòng họ có truyền thống về khoa bảng. Ông tổ dòng họ này là Nguyễn Uyên Hậu, một nhà nho học vấn sâu sắc đặc biệt là về kinh học, từng giữ chức Ngũ kinh bác sĩ thời Hồng Đức (1470-1497). Con trai ông là Nguyễn Hàm Hằng thi đỗ Hương cống, sau đó tham gia giảng dạy tại trường Quốc tử giám.

Tiếp đó đến các thế hệ sau có Nguyễn Huy Oánh thi đỗ Đình nguyên Thám hoa, Nguyễn Huy Quýnh thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Huy Tự thi Hội đậu tam trường…. Một số khác tuy không tham gia khoa cử, hoặc không đỗ đạt cao song cũng để lại trước tác, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn học dân tộc.

Đến nay, nhiều trước tác của các tác giả thuộc gia tộc nổi tiếng này đã được giới thiệu đến bạn đọc, tiêu biểu như một số tác phẩm của Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, hay Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự, Mai đình mộng kí của Nguyễn Huy Hổ, Chung Sơn di thảo của Nguyễn Huy Vinh...

Tuy nhiên vẫn còn nhiều trước tác chưa được phiên dịch và giới thiệu. Tháng 10 năm 2007, trong chuyến đi điền dã về làng Trường Lưu nhân Hội thảo “Danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh” (tiến hành ngày 26 tháng 10 năm 2007), chúng tôi phát hiện tại nhà thờ Đại tôn dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh một tác phẩm rất đáng lưu ý.

Tác phẩm này được thể hiện bằng chữ Hán, lối hành thư, khắc trên hai bảng gỗ, treo đối xứng hai bên, trình bày tương tự dạng thức câu đối thường gặp, không đề tên người soạn. Hai biển gỗ này tương đồng về chất liệu, phong cách chữ viết, được đặt đối xứng nhau tại cùng một địa điểm… cho thấy chúng vốn được chế tác cùng một thời điểm, đồng thời có thể tin rằng tác giả chỉ là một người. Nguyên văn chữ Hán hai bảng gỗ như sau:

Bảng gỗ thứ nhất:
山 之 秀 氣 石 之 精 繄惟 ? ? 祖 獨 鍾 ? 少 年 秋 ? 冠 羣 英 郡 朝 經 試 政 播 聲 名.

Bảng gỗ thứ hai:
? 彼 青 鸞 駕 白 雲 神  歸 天 上 澤 留 人 好 生 一 念 体 洪 ? 憑 仙 力 壽 斯 民 光 岳 千 秋 永 不 泯  右 調 天 僊 子.
Dựa vào 05 chữ cuối bảng gỗ thứ hai “hữu điệu Thiên tiên tử 右 調 天 僊 子 (trở lên là điệu Thiên tiên tử), ta biết đây là một bài từ. 



(Biển gỗ thứ hai, bài từ điệu Thiên tiên tử,
Tại nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Huy – cục bộ)


Theo từ phổ, điệu từ này xuất hiện từ thời Đường, tên điệu vốn xuất phát từ một câu trong bài từ của Hoàng Phủ Tùng (皇甫松) người đời Đường: “Ảo não thiên tiên ưng hữu dĩ 懊惱天仙應有以”. Về mặt cách luật, điệu từ này có hai dạng thức: loại thứ nhất đơn điệu, chỉ có một phiến, gồm 34 chữ, phân ba cách khác nhau, hoặc gieo vần bằng, hoặc vần trắc, hoặc bằng trắc đan xen, gồm 6 câu, cú thức đều là: 7/ 7/ 7/ 3/ 3/ 7; loại thứ hai song điệu, 68 chữ, gồm hai phiến giống dạng gieo vần trắc.

Mô hình cách luật của các dạng như sau:
1.    Đơn phiến, 34 chữ, gieo vần trắc, vị trí gieo vần ở các câu 1, 2, 4, 5, 6:
+ T + B B T T / + + B + B + T/ + B B T T B B/  + + T / + + T /  +  T + B B T T.
(Dấu + là vị trí không cố định về thanh điệu)

Dạng song phiến 68 chữ tương tự như trên, song gồm hai phiến tương tự, hai phiến vần cùng bộ vận.

2.    Đơn phiến, 34 chữ, dùng cả vần bằng và vần trắc, vị trí gieo vần ở các câu 1, 2, 3, 5, 6:
B T B B B T T/ B T B B B T T/  B B T T T B B /  B T T/  T B B/  B T B B B T B.
3. Đơn phiến, 34 chữ, dùng vần bằng, gieo vần ở các câu 1, 2, 3 5, 6:
B T B B T T B / B T B B T T B/ T B B T T B B /  B T T/  T B B/  B T B B T T B.

Điệu Thiên tiên tử dạng song phiến gồm hai phiến hoàn toàn tương đồng, nếu dùng dạng song phiến để chế tác, trình bày dưới dạng câu đối sẽ rất thuận tiện, song thực tế hai biển gỗ này số chữ và cách luật không hoàn toàn giống nhau.

Bảng gỗ thứ nhất gồm 30 chữ, bảng gỗ thứ hai, trừ đi 05 chữ cuối đoạn ghi chú tên điệu từ còn 34 chữ. Lại xét theo nghĩa câu, cách gieo vần, rõ ràng đây không phải điệu Thiên tiên tử theo lối song phiến. Biển gỗ thứ nhất không giống cách luật của điệu từ Thiên tiên tử song lối câu kiểu “trường đoản cú” của nó ít nhiều vẫn mang âm hưởng của thể từ. Biển gỗ thứ hai cú thức và cách gieo vần đúng với điệu Thiên tiên tử, tuy nhiên cách luật không tuân thủ thật nghiêm ngặt từ luật.

Tác phẩm ghi trên hai bảng gỗ có thể ngắt câu, phiên dịch như sau:

I.
山 之 秀 氣 石 之 精,
繄惟 ? ? 祖 獨 鍾 ?.
少 年 秋 ? 冠 群 英,
郡 朝 經 試 政 播 聲 名.

II.
? 彼 青 鸞 駕 白 雲,
神  歸 天 上 澤 留 人.
好 生 一 念 体 洪 ?.
憑 仙 力,
壽 斯 民,
光 岳 千 秋 永 不 泯.
(右 調 天 僊 子)

Phiên âm:
I.
Sơn chi tú khí, thạch chi tinh,
Ê, duy ngã cao tổ, độc chung linh.
Thiếu niên thu cức quán quần anh,
Quận triều kinh thí chính, bá thanh danh.

II.
Thừa bỉ thanh loan giá bạch vân,
Thần quy thiên thượng, trạch lưu lân.
Hiếu sinh nhất niệm thể hồng quân.
Bằng tiên lực,
Thọ tư dân,
Quang nhạc thiên thu vĩnh bất dân.   
(Hữu điệu Thiên tiên tử)

Dịch nghĩa:
I.
Là khí tinh tú của núi, là tinh anh của đá,
Ôi, duy có cao tổ ta, riêng được chung đúc sự linh thiêng.
Tuổi trẻ, trong kì thi Hương, vượt các bậc anh tài,
Từng thi hành chính sự trong triều ngoài quận, thanh danh vang dội.

II.
Cưỡi chim loan xanh kia, bay lên làn mây trắng,
Thần đã về trời, ơn trạch còn ở người dân.
Một niềm hiếu sinh, thể theo lòng trời.
Dựa vào sức bậc tiên,
Khiến dân này được thọ,
[Như] trời đất ngàn thu, mãi mãi không mất.
(Trên đây là điệu Thiên tiên tử)

Các biển gỗ này tuy không đề tên người soạn song do nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Huy thờ Nguyễn Công Ban, hiệu Lỵ Pháp, thụy Trung Cần, sinh ngày 20 tháng Bảy, năm Canh ngọ (1630), mất ngày mồng 01 tháng Mười hai năm Tân mùi (1711), thọ 82 tuổi. Nguyễn Công Ban đỗ kỳ thi Hương năm Giáp ngọ (1654) và bắt đầu bước vào quan trường. Năm 1665, ông đỗ khoa Sĩ vọng. Nguyễn Công Ban từng nắm giữ nhiều chức vụ trong triều ngoài quận.

Hình thức cách luật của tác phẩm khắc trên hai biển gỗ tuy có khác biệt song nội dung của chúng tương đồng, theo đó, đây là tác phẩm do một tác giả thuộc dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu viết để thờ “cao tổ” (cụ bốn đời) của mình. Từ đó suy ra, người viết tác phẩm trên thuộc thế hệ Nguyễn Huy Tự (1743-1790), tác giả truyện Hoa tiên.

Tuy nhiên, trong dòng họ Nguyễn Huy, thế hệ này có người sống thời Lê, có người sống đầu thời Nguyễn. Do đó, dù dựa vào nhiều chi tiết của bài từ, như nội dung, hình thức trình bày, lối chữ viết… vẫn khó có thể xác định tác phẩm trên đây được sáng tác/chế tác vào cuối thời Lê trung hưng hay ở giai đoạn đầu triều Nguyễn.

Địa vị của từ cùng nội dung phản ánh, phong cách nghệ thuật và thẩm mĩ của nó có nhiều điểm khác các thể loại văn học khác, đặc biệt là thơ. Trong từ sử, dù đã có một số từ gia nỗ lực trong việc nâng cao địa vị của từ (như Tô Đông Pha, Lí Thanh Chiếu…), nhưng vẫn không đủ để xóa đi quan niệm về sự “phân cương” vốn tồn tại một cách khá phổ biến trong quan niệm chung của giới sáng tác.

Đối với đa số các tác giả, thơ và từ vẫn có ranh giới khá rõ rệt. Nhất là dưới quan niệm coi trọng văn chương chức năng của nhà nho, địa vị của từ không được tôn quý như thơ ca. Đó là cơ sở cho sự xuất hiện quan niệm cho rằng  “thi tôn từ ti” (thơ tôn quý, từ thấp hèn). Lại do từ là sản phẩm “trước chén trong hoa” (hoa tiền nguyệt hạ), được chế tác và biểu diễn trong môi trường giàu yếu tố âm nhạc và nữ tính nên từ thiên về trữ tình, lời đẹp mà tình nồng, coi trọng yếu tố duy tình và duy mĩ, tạo nên sự khác biệt nhất định so với thơ ca, từ đó hình thành quan niệm cho rằng “thi trang từ tục” (thơ trang trọng, từ dung tục), “thi trang từ mị” (thơ trang trọng, từ lả lướt), v.v…

 Ở Việt Nam, tuy từ năm 987,  Khuông Việt đại sư đã ứng dụng từ trong công tác ngoại giao song kéo dài đến hết thời Nguyễn, từ vẫn không được giới sĩ đại phu nước ta coi trọng.

Dưới thời Nguyễn, tuy sáng tác từ khả quan hơn các giai đoạn khác, song không ít tác giả vẫn giữ thái độ e dè với thể loại này bởi cho là nó có hại cho đạo, không giúp ích chính giáo, thậm chí còn gợi thói dâm bôn của nước Trịnh nước Vệ.

Chính vì thế, việc dùng tác phẩm từ để ca tụng công đức tổ tiên như trường hợp trên đây tuy chưa hẳn là hiện tượng có một không hai song có thể nói chắc rằng đây là trường hợp hết sức đặc biệt cho thấy quan niệm phức tạp, nhiều khác biệt của các tác giả Việt Nam đối với thể loại từ.

Phạm Văn Ánh
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) P1 - Nguyễn Du
Trần Trọng Kim và bộ sách giáo khoa bậc sơ học
Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) Nguyễn Du
Bài thơ Cự ngao đới sơn – một dự báo chiến lược thiên tài của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều?
Làm quan phải biết thương dân
Nguyễn Khản họa thơ thuận, nghịch của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh
Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du
Nguyễn Công Ban, một tác gia của dòng văn Trường Lưu (nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất)
Sống chụ son sao - tập đại thành của văn học Thái (Kỳ 1)
 
 
 
Thư viện hình