Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ năm,
01.06.2023 20:52 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1696059
Tin tức > Giai thoại văn học > Xem nội dung bản tin
Thầy trò Tổng Cóc
[03.06.2011 23:38]
1. Vùng hạ huyện Lâm Thao hiện nay còn kể nhiều giai thoại về bà Hồ Xuân Hương và ông Tổng Cóc. Làng Tứ Xã quê ông Tổng Cóc là vùng chiêm trũng, dân quê mộc mạc chỉ chuộng những người đàn ông tài ba nghĩa khí như ông Tổng Cóc và người hầu của ông ta, còn đàn bà con gái thì người ta chỉ ưa những người hay ăn hay làm, da bánh mật hoặc ngăm ngăm mỏ quạ.

Bà Hồ Xuân Hương là người ăn trắng mặc trơn chỉ giúp cha và chồng dạy học nên dân gian ở đây toàn kể những chuyện chê bai bà lười biếng không biết việc đồng áng lại hoang phí, ăn cá chỉ ăn khúc giữa, đầu và đuôi vứt bỏ. Hiện ở vùng này còn lưu giữ ngôi nhà của ông Tổng Cóc có bức ván lịa lưu chữ viết của bà Hồ Xuân Hương mà những năm 60, 70 của thế kỷ trước giáo sư Lê Trí Viễn đã đưa sinh viên về đọc và ghi chép lại những chữ chưa bị mờ.


Chuyện về vợ chồng họ có nhiều nhưng khi kể những chuyện Tổng Cóc giao du trong vùng thường nói đến nhân vật người hầu: ông Gié. Ông Ghé tên thật là Bùi Phúc Chiêm, nhà ở xóm Cầu Bậu, nay là khu 9 xã Tứ Xã. Vì tên ông là Chiêm (lúa chiêm) nên sinh con gái đầu lòng ông đặt tên là Gié (lúa gié) vì thế từ khi ông có con, dân làng đều lấy tên con để gọi ông là ông Gié.


Tuy hầu Tổng Cóc nhưng ông Gié cũng là người ăn chơi và võ nghệ thì không thua kém gì Tổng Cóc. Ông cũng được tiếng là người tài ba nghĩa hiệp, nên được các cô gái làng mến mộ. Ông có đến hai ba bà vợ. Con cháu ông giờ vẫn kể, khi ông thích cô nào thì gà gáy canh ba mò đến dò la xem cô gái có thức khuya, dậy sớm, hay ăn hay làm không. Tìm hiểu ưng ý rồi, ông nhờ thầy Tổng Cóc đến có lời trước với gia đình cô gái. Ông Tổng Cóc là người giàu có trong làng, là cháu chắt ông nghè Giáp, tên là Nguyễn Quang Thành đỗ tiến sĩ thời Lê Chính Hòa hiện có bia số 80 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám... đã hạ cố đến nhà ai vinh hạnh cho nhà ấy nên ông Gié càng dễ bề lấy vợ nọ vợ kia.


Thầy trò ông Gié có tiếng võ giỏi lại “trọng nghĩa khinh tài” cứ thấy ở đâu có bọn quan lại hào lý hách dịch là họ tìm đến để răn đe.


Chuyện kể ở làng Thạch Sơn, ngày nay gọi là làng ung thư liền nhà máy Supe, có tên Tú Đanh hống hách nhất vùng.


Cô chủ quán nhà ở đầu làng Thạch Sơn là nhân tình của Tú Đanh có kê sập gụ trải chiếu miến ở gian giữa, chỉ dành cho Tú Đanh ngồi. Vai cha chú cô gái ghé ngồi vào đấy cũng bị tên Tú đánh đòn.


Một hôm ông Gié cắp cháp theo sau Tổng Cóc đến thẳng nhà Tú Đanh. Họ tự ý cạy cổng đi vào. Có lẽ thần tướng thầy trò họ dữ tợn nên bầy chó dữ nổi tiếng của nhà Tú Đanh mới xô ra đã cúp đuôi giật lùi không dám tớp vào cắn.


Thấy Tú Đanh dán mắt nhìn mình, ông Gié tiến lên có lời:


- Thầy trò tôi đi qua thèm thuốc quá vào xin ông Tú cây đóm châm lửa.


Chẳng đợi Tú Đanh cho phép, thầy trò họ vào thẳng nhà, Tổng Cóc nhằm sập gụ gian giữa vào ngồi. Ông Gié ra vẻ khúm núm đứng bên cạnh. Trong khi Tú Đanh sơ ý, Tổng Cóc phi con dao găm cắm ghim trên xà thượng. Tổng Cóc vén quần đến bẹn ngồi xếp hàng hai chân lồng vào nhau như ngồi thiền. Mặt Tú Đanh vẫn hằm hằm chưa nghĩ ra kế trừng trị khách.


Tổng Cóc nhếch mép nói:


- Vô phép, xin ông Tú con dao để chẻ đóm.


Tổng Cóc đưa mắt. Hai tay ông Gié vỗ “bạch” một tiếng vào hai mông rồi nhún người nhảy bật một cái đầu sắp chạm mái nhà rút xuống con dao đưa cho Tổng Cóc. Tổng Cóc lại hất hàm sai đầy tớ:


- Xuống bếp xin ông Tú đem lên đây cục than.


Tổng Cóc chẻ đóm xong thì ông Gié cũng đem than lên.


Cục than được để vào giữa đùi Tổng Cóc. Tổng Cóc thổi lửa rồi châm đóm, mùi da thịt cháy bốc lên làm cho Tú Đanh phải nhắm mắt quay mặt đi.


Hút xong điếu thuốc, thầy trò Tổng Cóc chào tử tế rồi thản nhiên ra về.


Dân làng biết thầy trò Tổng Cóc đến gây sự với Tú Đanh đứng đen đỏ ngoài đường chờ tin kết quả nhưng ông Gié cười xua tay nói với mọi người:


- Hôm nay ông Tú đón thầy trò tôi long trọng lắm, mời ngồi sập gụ gian thờ hẳn hoi.


Mọi người trố mắt vì cái sập ở nhà chủ quán còn không ai được ngồi ngoài ông Tú cớ sao ông Tú phải mời Tổng Cóc ngồi sập gụ gian thờ nhà mình. Ông Gié còn cùng Tổng Cóc làm nhiều chuyện động trời.


2. Nay dân gian trong vùng còn kể chuyện thầy trò Tổng Cóc sang làng Tứ Mỹ để trị tên Đội Binh gian ác hách dịch nhất vùng. Tên Đội Binh làng Tứ nhờ có chút công lao dẹp loạn được quan Chi phủ, Tuần phủ chiều chuộng dung dưỡng nên hắn luôn tỏ ra hách dịch hành hạ mọi người, nhất là với lũ hào lý địa phương, nếu không có lễ lạt, quà cáp đem đến đút lót mỗi dịp tết nhất hoặc nhà hắn có cưới treo, giỗ chạp, ma chay thì hắn không để cho được sống yên.


Nhân dịp tên Đội làm ma cho mẹ, thầy trò Tổng Cóc cũng sắm lễ sang viếng. Nghe nói tên Đội cũng đứng trực trước linh cữu mẹ mình khi lễ viếng tiến hành. Tuy thế khách khứa vào viếng hắn không hề vái đáp ai ngoài những người quyền thế bề trên.


Khi Tổng Cóc bước vào chiếu lễ cũng cầm hương cháy chờ thợ kèn than thở hộ đôi lời mà trước đó ông Gié đã giúi cho họ ít tiền, nhờ họ nói rõ tấm thịnh tình của ông Tổng nhà tôi phải lặn lội từ Kẻ Gáp sang để phúng viếng hương hồn người quá cố. Thợ kèn khóc sao cho tên Đội hách dịch kia hiểu rõ lai lịch người đang đứng viếng trước linh cữu là ai. Dứt tiếng thợ kèn, Tổng Cóc vái hai vái rồi cắm nén hương đang cháy vào bàn thờ vong. Xong việc ông đứng như trời trồng giữa chiếu lễ, không chịu lui gót vì tên Đội hách dịch không chịu vái đáp lễ mặc dù thợ kèn đã lên tiếng mời ông Tổng ra bàn ngoài ăn trầu uống nước. Ông Gié trước đó đã chen vào đứng gần tên Đội hách dịch, bèn đánh tiếng cho hắn biết: Ông Tổng nhà tôi phải chờ tang chủ đáp lễ đúng cổ lệ mới lui chân đấy ạ.


Hai mắt tên Đội long lên nhìn Tổng Cóc. Nhìn vẻ bình thản của thầy trò Tổng Cóc, lại nghe đồn họ là những người võ nghệ cao cường không biết sợ cường quyền là gì. Hơn nữa gây sự ở đây không khéo chỉ để tiếng xấu cho nhà mình, tên Đội buộc lòng phải vái Tổng Cóc một vái. Thầy trò Tổng Cóc đi ra, cả đám ma nín hơi tức thở, bấy giờ tất cả mới thở phào. Họ trầm trồ khen thầy trò Tổng Cóc bắt được ông Đội ác khét tiếng phải cúi mình vái lạy trong đám ma. Dân gian còn truyền tụng chuyện tên Đội sau đó nhắn lời đe dọa sẽ trừng trị Tổng Cóc. Thầy trò Tổng Cóc không chỉ một lần mà còn hai ba lần kiếm cớ sang Tứ Mỹ chơi sóc đĩa. Họ nhờ người báo tin cho tên Đội biết để có dịp trừng trị thói hách dịch vô đạo ở đời.



3. Trong đám văn nhân sĩ tử ra vào nhà cụ Đồ Xứ muốn ngấp nghé cô con gái cụ đồ lúc ấy ngoài Tổng Cóc tên là Tổng Kình còn có anh Nho Trâm người làng Kinh Kệ và anh Tú người làng Dòng (xã Xuân Lũng) hơi nặng tai gọi là Tú Điếc. Bố mẹ Tú Điếc không cho con trai lấy vợ ngoài, mà phải lấy người làng để lo việc khai phá mở mang điền trang thái ấp. Anh Nho Trâm thì vừa không lọt vào mắt nữ sĩ vừa không được cụ Đồ Xứ ưng thuận. Cụ chỉ chấp nhận cho con gái về làm dâu nhà họ Nguyễn Bình làng Gáp.


Dù lấy làm lẽ Tổng Kình nhưng theo cụ đấy mới là nhà gia thế đúng với ý nghĩa câu đối của nhà Tổng Kình thời ấy “Trâm hốt cơ cừu lưu thế trạch”, “Thi thư lễ dịch chấn gia Thanh” ý nói nhà ấy mãi mãi giữ được các của quý vua ban cũng như mọi kinh sách của đạo Thánh hiền. Vì Tổng Cóc con nhà gia thế lại hào hoa nghĩa hiệp nên mới chiếm được tình cảm của nữ sĩ. Không phải vì Tổng Kình (Tổng Cóc) làm phó tổng, chánh tổng và giàu có thế lực ép được bà lấy làm vợ lẽ.


Tổng Cóc tuy có chức Tổng nhưng thuộc Tổng Vĩnh Lại còn cha con Hồ Xuân Hương lại trú cư ở làng Sơn Dương thuộc Tổng Vịnh Hiền. Hai làng ở liền kề nhưng khác tổng nên Tổng Cóc không thể dùng quyền thế để ép duyên. Thời ấy nho học còn danh giá, uy tín cụ Đồ Xứ ở Sơn Dương còn được môn sinh cả vùng hầu hạ khó kẻ cường quyền nào ức hiếp được cha con cụ.


Dân gian quê mùa quan niệm ai lấy phải Hồ Xuân Hương là gặp họa. Vì thế, ngày nay vẫn có câu ca: “Đánh gốc bốc trà may Tú Điếc”, “Cá Kình mắc lưới, phúc Nho Trâm”.


Cá Kình, tức là Tổng Kình còn gọi là Tổng Cóc về sau tán gia bại sản. Dân gian phê phán ông ăn chơi lại lấy phải bà vợ ăn chơi nên về sau nhà ngói cây mít phải bán sang Sơn Dương, cả bàn thờ cũng phải bán cho nhà họ Bùi trong làng. Nay là nhà anh Bùi Thắng cháu chắt đích tôn nhà ấy ở xóm Thắng Lợi còn giữ đôi bình thờ tiện bằng gỗ mít sơn then được Tổng Cóc sai vợ lẽ Hồ Xuân Hương viết vào đó dòng thơ, mỗi bình 2 dòng chữ Hán:


“Thảo lai băng ngọc kính
Xuân tận hóa công hương”
“Độc Bằng đan quế thượng
Hảo phóng bích hoa hương”


Tạm dịch nghĩa:


“Nói đến tấm gương bằng ngọc
Hóa công cũng chịu lúc tàn xuân”
“Chi bằng lúc vin cành quế đỏ
Tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm”


Tổng Cóc là người ăn chơi nên đày tớ của ông cũng là người nổi tiếng ăn chơi. Anh Gié người hầu đã lấy hai ba vợ nhưng còn nhiều cô gái làng mong muốn được theo hầu để nâng khăn sửa túi. Ông Gié giỏi võ chẳng thua kém Tổng Cóc là bao. Nhưng đúng như người xưa nói “Hay nghề nào chết nghề ấy”.


Một dịp quan Tuần phủ cho mở thi kiếm thuật ở tỉnh lỵ Hưng Hóa, cách làng con sông Thao, ông Gié xin Tổng Cóc cho dự thi. Tổng Cóc có can ngăn vì thi kiếm võ nhỡ sơ ý thì rơi đầu. Giải thưởng dành cho người thắng lớn lắm. Ngoài ra, người thắng còn được nhà nước trọng dụng ngay, được bổ làm võ quan. “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”, ông Gié quyết tâm nói với mọi người trước khi qua đò sang sông thi đấu.


Nhưng không may trong trận ấy ông Gié thua cuộc bị chém đầu lìa khỏi cổ. Gia đình được tin báo sang Hưng Hóa đưa thủ cấp và thi thể về mai táng ở sứ Đồng Trong. Nay mồ mả và bàn thờ ông Gié do người cháu đích tôn bốn đời là ông Bùi Phúc Hưng ở khu 9 xã Tứ Xã trông coi hương khói.


Mỗi khi nhắc đến chuyện Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc dân gian trong vùng vẫn không quên kể về ông Gié, mặc dù ông chỉ là người hầu của Tổng Cóc chồng bà chúa thơ Nôm.


NGUYỄN HỮU NHÀN 
 

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Gánh thơ… hoạn lợn (06.01.2012 20:02)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Trạng Quỳnh là người có thật hay không?
Bác Hồ đối đáp câu đối và họa thơ của Nguyễn Hải Thần
PHẠM TIẾN DUẬT VÀ CHUYỆN “VÒNG ĐEN – VÒNG TRẮNG” (BA TỈNH)
Nhà thơ Chế Lan Viên: Khổ vì hay… tranh luận
36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ
Vài chuyện vui về cái nết ăn của Lê Lựu
Đãng trí như Nguyễn Hoàng Đức
Gánh thơ… hoạn lợn
Chuyện về Vũ Trọng Phụng
Nhà văn Lan Khai bị vợ… lừa!
 
 
 
Thư viện hình