Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ năm,
01.06.2023 21:33 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 3
Số truy cập: 1696086
Tin tức > Nghiên cứu-Phê bình-Chân dung > Xem nội dung bản tin
Tượng đài người lính Điện Biên (qua bài thơ “Giá từng thước đất” của Chính Hữu)
[08.05.2011 02:41]
Xem hình

Bài thơ Giá từng thước đất Chính Hữu cho ra mắt độc giả năm 1954. Lúc đầu Chính Hữu đặt tên bài thơ là Đồng đội, nhưng rồi muốn được “tự do huỷ bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý” (Tự bạch) nên Chính Hữu đổi tên bài thơ là Giá từng thước đất.


Quả thật, tư tưởng bài thơ toát lên chính từ cái ý sâu xa này.  Đọc xong  bài thơ và  ngẫm nghĩ thì thấy đồng
đội và bối cảnh trận địa “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội” đã được nhà thơ dùng làm cái nền, nơi con người  kề bên cái chết vẫn đồng tâm nhất trí chiến đấu giữ cho được từng thước đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những người chiến sĩ bình thường, những người lính không có chiến công đặc biệt đến tận hôm nay, sau 55 năm, vẫn không thể quên từng tấc đất thấm máu của đồng đội. Biết bao chiến sĩ, những người đã nằm xuống nơi đây và những người đang sống, cùng với nhân dân cả nước đã “chụm lại thành hòn núi cao” làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.

Cái giá của từng thước đất hàm chứa trong đó cả sự hy sinh của đồng đội. Hy sinh để giữ từng thước đất – đó là một sự đóng góp làm nên vinh quang. Ý thơ đậm đặc khiến người đọc thấy lộ ra sự hy sinh ở đây vô cùng ý nghĩa. Và trong thơ hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ sáng lên, lấp lánh. Họ biết “chia nhau cái chết”, biết chia nhau cả cái vinh quang được hy sinh vì đất nước – tất nhiên là sự hy sinh có ý nghĩa khi cần thiết. Nếu có ai đó muốn tạc tượng hình ảnh Người lính Điện Biên trên đồi Him Lam hay trên cứ điểm A1 hay giữa lòng một trận địa nào đó ở Điện Biên Phủ thì hình tượng có sẵn trong thơ chính là ý tưởng đã mách bảo cho nhà điêu khắc rồi: Một bàn tay chưa rời báng súng/ Chân lưng chừng nửa bước xung phong. Đó chính là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ “mỗi khi nằm xuống/ Vẫn nằm trong tư thế tiến công!”. Những hy sinh cao cả đó của các anh nhất định thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau không bao giờ quên.

Là nhà thơ nhưng cũng là người trong cuộc nên từ trong trái tim nhà thơ-chiến sĩ Chính Hữu đã in sâu những hình ảnh anh hùng của đồng đội. Nhà thơ nói đến một người, không thần tượng hoá con người đó để nhớ đến rất nhiều người – đây chính là bút pháp tài tình khắc hoạ tính cách điển hình của người lính Điện Biên: Khi bạn ta/ lấy thân mình đo bước/ Chiến hào đi/ Ta mới hiểu/ Giá từng thước đất.


Chiến hào trong bài thơ nằm trong lòng đất nhưng không vô tri vô giác mà đó là cuộc sống của những con người trong trận quyết đấu giữ từng tấc đất vẫn luôn sẵn sàng đương đầu với cái chết và luôn nghĩ đến đồng đội. Họ chính là Đồng đội ta / là hớp nước uống chung/ Nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà.

Đó cũng là chiến hào ở trận địa mặc dù có hình thù góc cạnh cụ thể, nhưng lại có đời sống riêng, nơi che chở và nơi chôn cất những chiến sĩ có tên và không tên dọc theo hai bên đường phát triển của chiến hào. Đọc thơ ta thấy chiến hào và những người lính hình như hôm nay vẫn đang vận động theo chiến hào để tiến đánh các cứ điểm - tất cả hiển hiện trước mắt ta đã hoà vào một, trở thành biểu tượng quyết đánh giặc giữ lấy mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ở miền Tây Bắc: Bên trái: Lò Văn Sự/ Bên phải: Nguyễn Đình Ba/ Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự/ Có phải các anh vẫn còn đủ cả/ Trong đội hình đại đội chúng ta? Các anh đã nằm xuống nhưng ở đâu đây tiếng các anh vẫn giục giã kêu gọi mỗi người lính Điện Biên hãy tiến công: Trận địa là đây/ Trận địa sẽ không lùi nửa thước/ Không bao giờ, không bao giờ để mất/ Mảnh đất/ Các anh nằm.
   

Giữa“bom gầm pháo giội” những người lính Điện Biên vẫn sống bên nhau những giây phút đầy ắp tình người ngay trong chiến hào của trận địa. Thế hệ hôm nay không thể nào quên các anh và chiến công của các anh, đúng như nhà thơ nữ và phóng viên chiến tranh Iu. Đrunina của Liên Xô trước đây đã từng viết về cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại: Không, không gì có thể quên/ Không, không ai có thể quên/ Ngay cả người nằm dưới mộ không tên.

Bài thơ khép lại với dư âm Không bao giờ để mất/ Mảnh đất các anh nằm mà khi còn sống hình tượng các anh đã tạc vào lòng người dân Việt Nam hôm nay và muôn đời sau: Một bàn tay chưa rời báng súng / Chân lưng chừng nửa bước xung phong!   
  
Thanh Xuân Bắc trước ngày Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
 Nguyễn Xuân Hoà

Nhà thơ Chính Hữu (1926-2007), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2000), tham gia Quân đội tháng 12 năm 1946 tại Trung đoàn Thủ đô. Năm 1948 viết bài thơ đầu tay “Đồng chí”, tức “Đầu  súng trăng treo”. Bảy năm sau viết bài thơ trên chiến hào “Giá từng thước đất” (1954). Các tác phẩm chính: Đầu súng trăng treo (Văn học, 1966), Thơ Chính Hữu (Hội Nhà văn, 1997), Tuyển tập Chính Hữu (Văn   học, 1998).



                GIÁ TỪNG THƯỚC ĐẤT                            

Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,
            Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Đồng đội ta
        là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa;
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa,
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà;
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp,
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.
Bạn ta đó
        ngã trên dây thép ba tầng,
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta?
Khi bạn ta
          lấy thân mình
 đo bước
Chiến hào đi,
            Ta mới hiẻu
                    Giá từng thước đất.
Các anh ở đây
            Trận địa là đây.
            Trận điạ sẽ không lùi nửa thước,
            Không bao giờ, không bao giờ để mất
            Mảnh đất
            Các anh nằm.

Chính Hữu
 1954 -1961


 


 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Lặng lẽ Nguyễn Thành Long
Hoàng Đức Lương - Quan niệm thi học và thơ
Nguyễn Bảo Sinh-nhà thơ dân gian có chất “Bút Tre”
Lần theo mối tình Chí Phèo - Thị Nở
Nhà thơ Việt Phương: “Nhân chi sơ, tính…phức tạp”
CHÂU HỒNG THUỶ: Nếu tôi là Puskin
Trí khôn nhà văn ở đâu?
Một người Việt làm thơ bằng tiếng Nga
Phê bình văn học - Trường hợp Trương Tửu
Lưu Quang Vũ và một quãng đời, một quãng thơ thường bị bỏ quên
 
 
 
Thư viện hình