>>> Nhật kí Kadan (Phần 9)
Nhật kí Kadan (Phần 10)
Ngày 20/4
Kết quả hoạt động tận tâm của Ban đóng hàng và Đại bản doanh thể hiện trong lời công báo ngày hôm nay của tổng tư lệnh:
- Tập thể không có khả năng đặt thùng, nếu ai tự lo được thùng sẽ được ưu tiên kiểm hàng trước.
Thế là ở cửa ốp mọc lên xưởng đóng thùng.
Xưởng hoạt động nhộn nhịp tấp nập ngày đêm.
Tôi được bạn đồng hương, trung uý công binh Tuấn, nhà ở khu tập thể trường công binh thị xã Bắc Ninh giúp cùng đi mua gỗ và đóng thùng.
Ngày 29/4
Thế là sau 8 ngày liên tục chầu chực, thùng hàng của tôi đã được hải quan Liên Xô kiểm tra xong. Trị giá hàng được gửi theo mức lương. Mà lương thảm hại thế thì gửi được bao nhiêu. Tôi chỉ được gửi mức 600 rúp. May mà mua được thêm một suất của Đức nên trị giá hàng gửi là 1.200 rúp. Thùng hàng rỗng không. Lại bị kiểm tra rất kĩ, đến mức nắn từng họp dao cạo nhỏ tí nên chẳng thể gửi giấu thêm được thứ gì. Nhưng còn hơn khối người không có tiền gửi. Và được kiểm sớm thì mừng sớm. Tôi chỉ thất vọng không gửi được chiếc xe Min đỏ ớt về. Cả nhà tôi chỉ mơ có được chiếc xe đi cho oai, và việc làm ăn thực sự cũng rất cần.
Ngày 30/4
Tôi đi Mengiêlinxcơ, gặp huyện tổ chức hội chợ.
Thì ra ở các thị trấn người ta thường tổ chức hội chợ vào các ngày lễ lớn.
Tôi hân hoan dự hội chợ, vui lây niềm vui của dân địa phương.
Trên thềm nhà văn hoá đặt micro, loa đài và đặc biệt ấn tượng là ban nhạc địa phương. Sau lời phát biểu của vị lãnh đạo huyện là ban nhạc phục vụ.
Hội chợ diễn ra ngay tại quảng trường nhà văn hoá huyện, trung tâm thị trấn. Bàn kê thành hình chữ U khắp quảng trường ngay hàng thẳng lối, trên bày la liệt hàng hoá. Người xem, người mua chen chúc nhau. Đắt hàng nhất là hàng thịt nướng và bánh nhân thịt. Hàng thịt tươi và sữa cũng đông người. Cửa hàng côm có một bàn. Lô hàng tôi vừa nhập gồm nước hoa Pari, son Mĩ, áo phông Cá sấu, chì kẻ mắt mang bày bán thành thứ hàng thời thượng bán vèo cái đã hết nhẵn. Nhân viên hỏi tôi có thể mang thêm không, tôi lắc đầu chịu thua, hẹn nhanh nhất cũng phải một tuần nữa tôi mới mang đến được. Các gian cửa hàng bách hoá tổng hợp đều có bàn bày hàng, nhưng toàn là hàng có sẵn từ trước, không có thứ gì độc, chỉ là đổi hình thức từ trong nhà ra ngoài trời mà thôi. Hoá ra hội chợ chỉ là các cửa hàng bán gần nhau ở ngoài trời.
Dạo một vòng chợ thấy không có thứ gì đáng mua mang về, tôi quay lại hàng thịt nướng và bánh nhân thịt mua ăn. Tôi chỉ thích món thịt nướng, lần nào đi đến đây tôi cũng mua ở chỗ xe nghỉ giữa đường, mua nhiều, vừa ăn ngay vừa gói thêm mang đi phòng khi nhỡ bữa.

Ngày đầu đi chơi ở Kadan. Ảnh tác giả tự chụp bằng máy Zenhit
Ngày 1/5
Tôi quyết định viết đơn xin về nước sớm trước thời hạn. Tôi không thể chịu đựng hơn. Nếu không chờ đóng hàng thì tôi làm đơn từ lâu rồi. Bây giờ hàng đã kiểm xong chính là lúc tôi thực hiện ý nguyện của riêng mình. Nhưng khi nộp đơn mới hay mình không phải là người thứ nhất xin về nước sớm, trước tôi anh Chân và anh Xuân đã nộp đơn rồi.
Tôi cũng hay tin nàng TD bông sen của chúng ta cũng có ý định xin về nước sớm.
Anh Chân năm nay 45 tuổi, người xóm Hoàng An, nay là ngõ Trung Phụng - Hà Nội. Nguyên thiếu tá, kĩ sư điện, cán bộ học viện kĩ thuật quân sự, sang đây học nghề xoa trát và quét dọn. Thương anh tuổi cao, mắt kém, tây cho anh làm công nhân điện. Anh rất tự trọng và khái tính, do hoàn cánh gia đình thiếu tá nhà dột con dốt vợ già anh tưởng sang thiên đường thì may ra vớt vát được phần nào để bù cho thời gian phục vụ quân đội, ai ngờ anh gặp phải thiên đường mù. Không chịu được bất công, không chịu được cực nhục, anh đành bỏ rơi 49 công đoàn viên lại Kadan để tháo thân về nước sớm. Anh nói:
Tôi tuổi cao, mắt kém, nhìn gì cũng phải đeo kính mới rõ, riêng xã hội Nga tôi không cần kính cũng nhìn thấy rõ tận cùng bộ mặt thật của nó.
Ngày 9/5
Kỉ niệm 45 năm Ngày chiến thắng của dân Nga.
Trên ti vi, trên đài, trên báo người ta nói rầm rộ về ngày này.
Riêng dân thành Kadan tôi thấy dường như họ dửng dưng với Ngày chiến thắng.
Khách ở Mát đến chơi đưa tin nóng hổi: Tại thủ đô của các thủ đô áp dụng luật bán hàng kèm hộ chiếu. Nghe nói đây là biện pháp mang tính quyết định của đảng cộng sản Liên Xô nhằm ngăn ngừa mưu đồ biến Mát thành cửa hàng thực phẩm của dân mấy tỉnh Iaroxlap, Tambop, Tula... Cái loại dân ngu này đang làm mất thể diện thủ đô của các thủ đô. Không có hộ chiếu dân Mát thì đừng có hòng mang giò, hoa quả, thuốc lá về tỉnh lẻ nhá.
Ngày 20/5
Gửi hàng về nước vừa là kết quả vừa là mục đích vừa là khâu cuối cùng quan trọng nhất của những người trực tiếp thực hiện sự nghiệp hợp tác lao động và những người trực tiếp vun đắp tình hữu nghị Việt Xô. Chúng tôi gọi nôm na là dựng nhà.
Phía tây rất biết điều đó, nên ngoài việc bóp ta bằng tiền lương họ còn bóp ta mạnh nhất ở khâu gửi hàng qua việc quy định gửi hàng theo trị giá thu nhập và sự kiểm tra hải quan.
Từ tháng 9/1989 phía Liên Xô đã đơn phương chà đạp hiệp định không cho chúng ta gửi hàng 10 kg qua đường bưu chính hàng tháng. Đồng thời họ cũng đơn phương chà đạp hiệp định qua việc quy định loại hàng và số lượng hàng được gửi bằng đường biển hàng năm. Người lao động đã xôn xao phản đối khi được biết quyết định này. Thế nhưng đến nhà nước bị khinh rẻ còn phải làm ngơ thì người lao động và gia đình họ phản đối khác nào gãi ngứa.
Với việc quy định trị giá hàng gửi theo thu nhập và loại hàng được gửi khiến nhiều người không cả buồn gửi hàng nữa. Không gửi thì dân Nga và nhà nước Liên Xô càng mừng. Tôi đã chứng kiến đợt gửi hàng vừa rồi, trước những thùng hàng cộng gửi về nước, dân Nga đã phải vừa khóc vừa kêu lên: Họ gửi cả nước Nga về Việt Nam rồi.
Cộng lại phải ra tay mua lực lượng hải quan. Mua được thì gọi là kiểm ôkê. Ban đầu chỉ nhằm gửi thêm một số hàng vượt mức. Bảng lương chỉ là con số co giãn do chính hải quan nắm, ai kiểm tra họ nữa mà sợ. Sau đó tiến tới ôkê kẹp chì luôn không cần kiểm hoặc chỉ kiểm lấy lệ. Rất nhiều mặt hàng chiến lược của cộng lại bị Liên Xô cấm xuất. Khi đã thành lệ, hải quan ăn quen mùi thì ai cũng phải nộp tiền mua mới được kiểm. Gửi ít gửi nhiều đều phải nộp một mức như nhau. Hải quan ăn tiền nhưng sợ mang tiếng nên chỉ ăn qua vài người đại diện. Trong số cộng liền xuất hiện loại cò quan. Tiền ôkê cứ tăng dần lên không phải theo ý của quan mà là theo ý của chính bọn cò quan này. Chúng quá hiểu tâm lí cộng để ranh ma kiếm chác.
Sau đây tôi xin kể vài nét công việc gửi hàng ở Kadan xem nó diễn ra như thế nào.
Trong quá trình làm ăn cộng phải tích cóp dần các mặt hàng chiến lược chờ ngày gửi. Đến thời hạn đóng thùng, việc đầu tiên là phải lo thùng theo tiêu chuẩn hải quan. Nếu ốp đặt mua được thì chỉ việc nộp tiền, hoặc mua lại của nhau, hoặc mở xưởng đóng lấy như ốp Min đã làm. Tuỳ lượng hàng mình có nhiều hay ít mà đặt thùng to hay nhỏ (có nơi gọi theo khối, có nơi gọi theo số thùng trong contenơ. Giá thùng từ 150 rúp đến 500 rúp. Rồi gia cố thêm cho chắc chắn, chống mưa nắng, chống trộm cắp moi ruột thùng. Rồi vào thùng, tức là xếp hàng đã mua vào thùng một cách gọn gàng nhất, hợp lí nhất, vừa chứa được nhiều vừa không bị đổ vỡ hư hỏng suốt quá trình vận chuyển ngàn dặm. Rồi thuê cẩu và thuê ô tô tải chở thùng đến kho chứa và kiểm hàng ở ga đường sắt thành phố. Giá thuê cẩu và ô tô tải là giá thoả thuận, thường là 10 rup thuê cẩu và 30 rúp thuê ô tô tải. Đến kho lại phải thuê cẩu hạ thùng xuống, thuê cẩu tự hành đưa vào kho, và quan trọng nhất là mua chỗ để thùng trong kho. Đáng lẽ không phải mua chỗ, nhưng do diện tích kho có hạn, người đóng hàng nhiều, ai cũng muốn gửi trước nên người giữ kho bắt chẹt. Ai không mua chỗ thì có khi lại phải thuê xe chở thùng về, tốn hơn mua chỗ nhiều, lại biết bao giờ mới đến lượt kiểm hàng. Giá thuê cẩu và mua chỗ ở kho cũng là giá thoả thuận, co giãn, thường thuê cẩu 20 rúp, mua chỗ hết 50 rúp. Đến lúc kiểm hàng, do thùng chồng nhau mấy lớp lại phải thuê cẩu hạ thùng xuống nền kho để kiểm, mất thêm 10 rúp nữa. Giá ôkê hiện nay là 600 rúp. Cò quan và hải quan kiểm thùng nào ăn tiền thùng ấy, còn cách phân chia 600 rúp như thế nào chỉ hai bộ phận ấy biết riêng với nhau. Kiểm xong phải nộp lệ phí hải quan, chỉ có 12 rúp thôi. Nộp cước phí đường sắt đi cảng Ôđétxa 40 rúp, cước phí vận tải biển từ Ôđetxa về Việt Nam tính theo đầu tạ, giá 25 rúp/tạ. Thùng nhỏ cũng hết 200 rúp. Ngoài ra người đóng thùng còn phải chi 2 bữa ăn tốn kém theo lệ làng nữa là bữa vào thùng (khai móng) và bữa kẹp chì (dựng nhà xong).
Tính trung bình người đóng thùng phải chi các khoản như sau:
Tiền thùng 200 rúp.
Tiền thuê từ lúc cẩu thùng đi đến lúc hạ thùng để kiểm 120 rúp.
Tiền ôkê 600 rúp.
Tiền lệ phí và cước phí 250 rúp.
Tiền ăn 200 rúp.
Tổng chi hết gần 1400 rúp.
Đáng lẽ số tiền phải chi chỉ gồm tiền thùng, lệ phí và cước phí, tiền ăn theo lệ làng, chừng 600 rúp thôi. Tiền tiêu cực phí những 800 rúp. Lưu ý trị giá hàng được gửi của tôi có 600 rúp.
Về đến Việt Nam gia đình đi nhận hàng tiếp tục mất thêm nhiều tiền nữa. Nhận hàng xong tức là nhận một sự đổi đời, một ngôi nhà tây mới, phải khao. Sau đó mau viết thư sang Nga báo để người gửi khao một lần nữa.
Đến lúc ấy sự nghiệp hợp tác mới hoàn tất một chu kì.
Chỉ đến khi người thân mở thùng ra thấy thùng thì to nhưng lại rỗng tuếch thì mới thực sự ngấm đòn về những ảo tưởng thiên đường cứu giúp.
Ngày 13/6
Hôm nay tròn một tháng Thư viện Thuận Thành hoạt động. Đây là thư viện riêng của tôi. Một lần tôi thử rẽ vào cửa hàng sách Kadan xem sách tây in tây bán thế nào. Cộng chúa ghét loại cửa hàng này vì nó không sinh lãi và cũng không có hàng chiến lược gì bán ở đó. Tôi rẽ vào chỉ để thoả mãn hiểu biết mà thôi. Hoá ra có thu hoạch không ngờ. Cửa hàng rất to, rất nhiều sách. Gian tiếng Việt có khá nhiều sách, toàn sách in đẹp, khác hẳn loại sách giấy đen sì tôi vẫn đọc ở thư viện trường lục quân. Tôi thích sách từ nhỏ nhưng chưa bao giờ được đọc trọn bộ Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc diễn nghĩa. Vậy là tôi mua luôn hai bộ sách này. Ngoài ra là một số sách theo tôi là quý nữa, như các cuốn Bàn và luận, Ông cố vấn, Những thiên đường mù...
Cũng xin nhắc thêm về lòng yêu sách của tôi.
Hồi bé tôi đã bị mê đi khi đọc các cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tục ngữ ca dao Việt Nam, Hà Bắc ngàn năm văn hiến, Cuộc sống và sự nghiệp. Tôi không có tiền mua sách, chỉ đọc nhờ anh Đô con nhà bác họ gần nhà, học cùng lớp. Năm học lớp 6 tôi theo gia đình lên xã Tam Dị (Lục Nam) học cấp 2 ở đó. Hàng ngày tôi được giao nhiệm vụ đạp xe lên huyện nộp sổ, hầu như ngày nào tôi cũng rẽ vào hiệu sách nhân dân ở Đồi Ngô mua sách.
Thời kì ở trường lục quân tôi cũng dành tối đa thời gian cho đọc sách. Kho sách của trường đáng gọi là kho tri thức nhân loại và tôi đã nghiền bằng hết, từ Lênin toàn tập đến Hồ Chí Minh toàn tập.
Hai năm không được đọc sách vì không có sách cũng quen. Bây giờ gặp sách không thể không mua. Rồi tôi cho thuê sách, mức 20% giá bìa trong vòng một tuần. Lượng người đọc khá đông. Đúng như Lênin từng nói: con người ta cần bánh mì nhưng cũng cần cả sách. Không biết Thư viện Thuận Thành có phải là độc nhất vô nhị ở Liên Xô không.
Nhân đây tôi ghi vào sổ nghe thấy vài điều liên quan đến thư viện của tôi, nhan đề: Thị hiếu bạn đọc.
Trong bài tôi nêu lí do lập thư viện, đó là do thư viện của ốp hoạt động thất thường, lại không có sách mới bổ sung nên một số người buộc phải tự mua sách để thoả mãn nhu cầu riêng. Số tiền mua sách không phải là nhỏ nếu so với đồng lương. Mà hầu hết mọi người đều muốn đọc sách. Vì thế thư viện cá nhân của tôi ra đời đáp ứng nhu cầu đó.
Qua một thời gian hoạt động tôi nhận thấy đa số thích sách của tác giả Việt Nam, thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Sách văn học cổ Trung Quốc cũng được hâm mộ. Sách văn học Xôviết tuy anh em không tẩy chay nhưng ít người đọc, chỉ trừ khi thư viện hết các loại sách khác mới có người cầm đến sách của tác giả Xôviết một cách miễn cưỡng.
Nhờ lập thư viện mà tôi tha hồ đọc sách. Qua đó tôi đã nêu ra một số kiến nghị với cấp trên để cải thiện đời sống người lao động Việt Nam ở Liên Xô.
Ngày 29/6
Từ các nguồn tin chính thống cũng như vỉa hè đều phát ra rằng, bắt đầu từ 1/7 ở Liên Xô áp dụng bảng giá mới đối với bánh mì và các sản phẩm từ mì; sữa và các sản phẩm từ sữa.
Ngay từ cuối tháng 6 này người ta mua bánh mì, bơ dự trữ nườm nượp. Các cửa hàng bánh mì đều rỗng tuếch hoặc diễn ra cảnh người xếp hàng rồng rắn lên mây, điều chưa bao giờ xảy ra với bánh mì.
Riêng cộng ta thì vét sạch các loại gạo và mì sợi, những thứ thực phẩm ưa thích xưa nay của dân Việt ta.
Như vậy là tại các cửa hàng bánh mì và thực phẩm ở Kadan, lượng lương thực dự trữ coi như không còn nữa.
Riêng sữa người ta không để được lâu nên không mấy ai mua tích.
Nghe nói:
Việc chính phủ Liên Xô tăng giá hàng nông sản lần này là do sức ép quyết liệt nhiều năm nay của nông dân Nga. Họ doạ nếu chính phủ không tăng giá sản phẩm nông nghiệp thì họ sẽ lập tức bỏ hết ruộng đất kéo nhau ra thành phố tìm việc.
Nhưng đọc báo Sự Thật:
Người ta giải thích việc tăng giá hàng nông sản là để tương quan giá cả thị trường thế giới. Người ta đã so sánh rằng giá 1 kg bánh mì ở Mĩ là 2 đôla, ở Đức là 1 mác, còn ở Liên Xô là quá thấp.
Tuy nhiên việc tăng giá lần này vẫn còn thấp chán so với thị trường thế giới vì sợ nhân dân bị sốc. Ai cũng biết tỉ giá hối đoái 1 rúp ngang 1 đôla chỉ là do nhà nước đặt ra kiểu duy ý chí, chứ còn tỉ giá chợ đen 1 đôla ăn những 15 rúp cơ.
Có điều người ta quên không biết rằng hệ thống giá cả của từng nước khác nhau, nó tương quan tới mức lương thực tế của nước đó. Một công nhân Mĩ lương 2.000 đô, tương đương 30.000 rúp Nga. Trong khi đó ông Chốp nhận có 1.200 rúp. Chẳng lẽ giá trị một công nhân thường ở Mĩ lại cao hơn cả ông Chốp hay sao, ấy là tính về giá trị lao động xã hội.
So sánh như thế thì thấy cộng ta khác nào rẻ rách so với công nhân Mĩ, vì tháng lương của chúng tôi nhiều người chỉ được có 2 kg bánh mì thôi.
Vậy mà đọc báo Nhân dân thấy đăng cả trang 3 một bài to tướng nhan đề Liên Xô được mùa, có kèm ảnh một cô gái Nga trong trang phục truyền thống bê khay bánh mì và đĩa muối. Khờlep i sôn (Bánh mỳ và Muối) là biểu tượng sự no đủ của dân Nga. Không biết người viết bài này có mơ ngủ không, hay là kiểu khen mát của dân Việt quen sống thâm nho.
Ngày 7/7
Rút cục không có chuyện tăng giá. Bởi các mặt hàng ở Liên Xô đã được gốt hoá từ đời nảo đời nào rồi. Nay bỗng dưng có thứ gì thay đổi giá nó sẽ làm đảo lộn toàn bộ nền sản xuất và hệ thống giá cả. Điều đó xảy ra lúc này thực là nguy hiểm. Hơn lúc nào hết, thời điểm hiện nay đang là giai đoạn thử thách gay go mang tính toàn diện nhất đối với chế độ Xôviết. Nạn khan hiếm hàng hoá, khan hiếm thực phẩm đang tác động mạnh mẽ tới mọi tầng lớp nhân dân. Sự quan tâm tới công việc không còn, năng suất lao động ngày càng giảm sút. Và đặc biệt, sự đấu tranh giành độc lập của các dân tộc dâng cao chưa từng thấy mà sức mạnh Xôviết tỏ ra không kìm giữ nổi.
Trước hết là hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu và khối Vacsava đang tan rã.
Ở Balan đảng Công nhân thống nhất cầm quyền tuyên bố tự giải tán, chính phủ thuộc về Công đoàn đoàn kết.
Ở Cộng hoà dân chủ Đức bị khủng hoảng ban lãnh đạo của đảng, bức tường Beclin ngăn chặn sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản từ phía Cộng hoà liên bang Đức bị phá vỡ, đã có sự thống nhất tiền tệ 2 nước Đức để chuẩn bị cho sự hợp nhất đông tây, mà thực chất là đông bị hoà tan vào tây.
Ở Tiệp Khắc, ở Hungari, ở Bungari đều có những chuyển biến tương tự.
Ở Rumani xảy ra đảo chính đánh đổ sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Nhiều nước đồng minh thân cận khác cũng có dấu hiệu chuyển biến lạ. Nhất là Cuba, nước đã lên tiếng phê phán Liên Xô quyết liệt, đã có những hành động phản đối dữ dội như bản chất cách mạng triệt để của người Cuba trước sự thoả hiệp của Liên Xô với kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.
Mọi người không hiểu rằng, đồng minh khăng khít không còn, Liên Xô buộc phải bắt tay hoà hoãn với kẻ thù. Nay sự việc vãn hồi hoà bình đang có hiệu quả thì phải đáng mừng chứ. Mỹ, Trung Quốc đang bình thường hoá quan hệ với Liên Xô. Ba thế giới đang thống nhất, đang hoà tan, đó là công lao vĩ vĩ đại của ông Chốp hơn hẳn ông Lê, ông Xít, ông Khơ, ông Bờ trước đây.
Chưa kể thiện cảm của các nước Pháp, Tây Đức, Ý, Anh... dành cho ông Chốp ngày một tăng nữa. Vị thế của ông Chốp và Liên Xô chưa bao giờ cao trên trường quốc tế như thời điểm hiện nay.
Ngoài phải êm và đã êm rồi để cho Liên Xô còn đóng cửa bảo nhau chứ.
Vậy ở Liên Xô có những chuyện gì xảy ra?
Đó là tình trạng Liên bang Xôviết đang tự tan rã.
Litva tuyên bố độc lập. Đảng và nhà nước Litva không chịu lệ thuộc Liên Xô mà tự điều hành đất nước, bất chấp sự bao vây kinh tế và sức ép chính trị rất nặng từ phía Liên Xô. Quân đội riêng được thành lập. Nhân dân ủng hộ chính quyền của mình, do mình lựa chọn.
Nước láng giềng Extonia cũng đoàn kết chặt chẽ xung quanh chính phủ của mình. Nhà nước Extonia tuyên bố độc lập và ủng hộ nhà nước Litva.
Grudia, Azecbaizan, Acmenia từ lâu đã kiên trì đấu tranh đòi quyền tự quyết, quyền độc lập. Nhân cuộc xung đột giữa Azecbaizan và Acmenia, quân đội hai nước này quay súng chống lại nhà nước Liên Xô.
Vùng núi Kirghizia cũng đứng lên đòi quyền bình đẳng dân tộc. Quân đội Liên Xô đã kéo đến trấn áp.
Ucraina, nước quan trọng thứ 2 sau nước Nga trong Liên bang Xôviết cũng bắt đầu có dấu hiệu chuyển mình đòi độc lập về kinh tế.
Ngay trong nội bộ nước Nga, trụ cột của Liên bang Xôviết cũng có mâu thuẫn dân tộc gay gắt giữa người Nga và các dân tộc khác.
Nguyên nhân chính của sự tan rã này là do sự bất bình đẳng do người Nga gây ra. Các dân tộc khác vốn là thuộc địa của Nga hoàng xưa kia, đáng lẽ Lênin cần giúp họ khôi phục nền độc lập, đằng này các đồng chí của người không làm thế mà trao quyền độc lập kiểu mị dân vì lại bắt họ lệ thuộc kiểu liên bang. Tuy nhiên, do sức mạnh của nước Nga truyền kiếp và cũng do mục đích tốt đẹp ban đầu Lênin đặt ra, Liên bang Xôviết vẫn được củng cố.
Qua thời gian, mục đích tốt đẹp ban đầu mờ dần, mâu thuẫn dân tộc ngày một tăng do sự phân biệt rõ rệt giữa người Nga với các dân tộc khác về sự phát triển toàn diện quá chênh lệch. Sự tự nhận thức của các dân tộc khác cũng ngày một nâng cao. Tất cả các yếu tố dẫn đến sự chờ thời cơ để có một cuộc tự bung xé trong lòng Liên bang Xôviết. Hiện nay chính là lúc thời cơ đang xuất hiện khi Liên Xô không kìm thúc nổi khối Vacsava, và khi nước Nga không kìm thúc nổi Liên bang Xôviết.
Tóm lại, tư tưởng bành trướng đại Nga còn thống trị trong từng tế bào dân Nga thì không thể nhà nước nào có được chính sách đúng đắn để phát triển hài hoà các dân tộc thuộc Liên bang Xôviết. Hoặc là tôn trọng nền độc lập dân tộc, hoặc là dùng sức mạnh quân sự nô dịch các dân tộc khác như các Nga hoàng đã làm. Đó là con đường đi lên phía trước ở Liên Xô cũng như ở bất kì nơi nào trên thế giới.
(Còn nữa)