THÀNH TRÌ
[02.10.2007 12:55]
Truyện ngắn của Nguyễn Danh Bằng (Việt kiều ở Mỹ)
Cảnh một
Khi đoàn lạc đà vừa vượt qua đỉnh đồi cát, ánh nắng chói lọi màu cam rọi thẳng tới in lên nền trời hình thù đổ nát của ngọn tháp. Hình ảnh ấy bất thần hiện ra khiến cả đoàn bừng tỉnh nhưng trong sự tỉnh thức đáng sợ. Không sự vui mừng nào tỏ ra suồng sã dù mọi người biết mình đã đến nơi sau cuộc hành trình dài vất vả. Ngôi tháp ấy và những bức tường lở lói cùng muôn ngàn mảnh vụn rải rác là tất cả những gì còn xót lại của ngôi thành nổi tiếng Khara Khoto sau những trận đánh dữ dội chống lại người Mông Cổ.
Chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ mười ba khi Thành Cát Tư Hãn đem quân tràn xuống tiêu diệt người Tangut cố chiếm lãnh thổ giàu có của Con Đường Tơ Lụa. Vị vua cuối cùng rất giàu có của người Tangut là Batir, một vị vua có sức mạnh vô địch, có đội quân thiện chiến trung thành đã chống trả quyết liệt. Sau ba trận giáp chiến dữ dội không phân thắng bại, Batir đem quân rút vào thành. Thành Cát Tư Hãn cho chặn dòng sông chảy ngang ngôi thành. Mãi đến khi người trong thành gần như chết khát, Batir tự tay chém chết vợ con, quăng bỏ hết châu báu xuống giếng rồi kéo quân ra khỏi thành. Tất cả sau cùng đều bị giết chết, ngôi thành bị phá hủy.
Thời gian trôi qua nhiều thế kỷ, vùng đất sa mạc ấy sau thuộc nhà Minh, chẳng bao giờ có một người dám bén mảng đến ngôi thành cũ. Họ bảo vùng đất ấy bị trù yểm! Nhiều thế kỷ ở đây chỉ có gió và nắng...
Đoàn khảo sát cho dừng đoàn lại trước cổng thành. Chẳng ai bảo ai họ cứ tảng lờ trì hoãn. Họ thản nhiên như thể đang dừng chân ở một nơi chốn quen thuộc. Hàng phên xếp bằng cây được hạ xuống quây tròn. Những tấm bạt lớn trải ra, phủ lên thành những cái lều truyền thống của người sống trong xa mạc Gô Bi. Chỉ trong bốn mươi lăm phút, bốn cái lều lớn dựng thành hàng dọc. Mấy con lạc đà tản ra chậm rãi gặm ngọn của những cành bụi nhỏ tưởng như đã khô cháy.
Nhà khảo cổ bắt đầu mon men dọ dẫm tìm kiếm. Ông cảm nhận được nắng hừng hực luồn ngay dưới chân ông. Ông thấy một mảnh đen, bới lên, nhận ra đó là một mảnh lụa cổ. Không khí khô ở đây là điều kiện lý tưởng để bảo tồn những vật thể cổ. Mảnh lụa lẫn đất nám đen, có một đường viền ráp nối giữa hai mảnh cháy dang dở. Ông tự nghĩ liệu đây có phải là mảnh còn sót lại từ áo quần? Hay chỉ đơn giản từ cờ phướn? Ông đưa tay phủi lên phần đất nơi ông vừa nhặt miếng lụa. Chỉ có cát và sỏi nhỏ! Rất khô!
Mọi người gọi nhà khảo cổ. Tiếng họ vọng phiền quấy trong cái toàn cảnh hoang tàn. Ông quay trở về khi mọi người đã quây quần bên ngọn lửa. Trời chỉ mới bắt đầu vào buổi chiều mà nhiệt độ đã xuống nhanh. Ai cũng mặc hoặc quấn lên người những cái áo bông dầy cộm. Họ mở bếp hâm lại bình trà sữa Yak (1) , mỗi người một tách ngồi nhìn lửa. Người dẫn đường lấy ra cây đàn Á-Hủ (2), kéo ê a... Ông kể truyện theo lối truyền thống, truyện về những trận đánh năm xưa...
“... Từ cửa thành phíaBắc, Khara Batir phóng ngựa dẫn đầu đoàn quân quyết chiến mở đường giữa trùng trùng quân Mông Cổ. Từng người một, những kẻ theo ông ngã xuống. Trong khi vừa chạy vừa đánh mở đường, Batir tuyệt vọng hét lên những lời bùa chú. Lập tức, tất cả những vật thể sống trở nên tàn úa, sông ngòi khô cạn, cánh đồng thu hẹp lại, cây đổ xuống về hướng Batir. Bão cát nổi lên bao phủ toàn bộ ngôi thành và những vùng lân cận. Khara Khoto trở thành hoang mạc.”
Ông già giọng ề à, sửa lại kính khi câu truyện kết thúc. Một người còn trẻ trong đoàn nói:
“Batir có tám mươi xe vàng bạc châu báu!”
Một người khác trả lời:
“Khi vào thành, người Mông Cổ tìm kiếm nhưng không thấy. Họ bắt đầu tàn sát người Tangut ngay sau đó.”
Sau sáu thế kỷ bị bỏ quên trong hoang mạc, Khara Khoto lần đầu tiên được một nhà thám hiểm Nga khám phá vào năm 1909, mãi sâu dưới lòng cát ông ta tìm được những bức tranh lụa, đồ vật cúng kiếng và rất nhiều sách.
“Tất cả đều nằm ở viện bảo tàng Hermintage”, nhà khảo cổ nói.
“Nhưng cũng không kiếm được vàng!”, người còn trẻ nói.
“Trong số bức tranh, có một bức kỳ quái về Phật giáo. Trên cổ vị Phật này treo lủng lẳng đầu lâu, nhiều cái nguyên cả râu tóc, và chung quanh là những hình thể dường như mô tả một thế giới hồn nhiên kỳ quặc phá hủy khác,” nhà khảo cổ nói.
“Có nghĩa là sao?”
“Sự thản nhiên của hủy diệt?”
Nhà khảo cổ nhún vai không trả lời.
Người trẻ tuổi quấn lại chiếc áo, ngoái nhìn ra xa. Gió lạnh bắt đầu lao xao thổi quanh. Gió ở đây như những con vật sống duy nhất đang đùa bỡn rầm rì, đuổi nhau vô mục đích trên lãnh thổ rộng lớn phi lý. Không hiểu sao anh lại nghĩ tới vô số những hành tinh xa xôi trong vũ trụ cũng như thế này. Anh thốt lên:
“Lạnh thế!”
Người dẫn đường sửa lại chiếc mũ vải quân đội Trung Quốc, rồi cất giọng ề à, kéo cây đàn, kể truyền thuyết thứ hai về Batir:
“...Khi Batir chuẩn bị tấn công ra ngoài thành lần nữa con gái ông đã hiến kế trá hàng để cứu cha mình. Và mọi việc được thỏa thuận với quân Mông Cổ rằng đạo quân của họ sẽ được vào thành qua cổng Tây. Nhưng vào đêm trước, khi quân địch tập trung tất cả ở phía ấy, Batir cùng lính tráng cởi giày lặng lẽ lẻn ra cửa thành phía Đông. Thoạt đầu là những con ngựa bắt đầu chết khát, rồi đến từng người lính. Batir gọi thần chú, những đợt sóng cát nổi lên vùi lấp tất cả. Quân Mông Cổ ngày hôm sau vào thành chỉ thấy duy nhất người con gái đang ngồi khóc trên tháp canh. Chẳng bao lâu chính đoàn quân này cũng phải vội vàng kéo đi bỏ lại một vùng hoang mạc chết chóc.”
Người còn trẻ lại hỏi:
“Thế sau cô gái ấy thế nào?”
“Người Mông Cổ thường lấy các cô gái làm vợ như thể chiến lợi phẩm.”
“Thế thì xót xa quá!”
“Cũng có thể họ sẽ thương nhau sau khi thành vợ thành chồng.”
“Thế thì cũng khó lắm.”
“Những người đàn bà ấy sau cũng sinh con cái, cũng thành người Mông Cổ.”
“Thế họ không giữ được những ý nghĩ ban đầu?”
“Không được. Tập thể lớn hơn!”, nhà khảo cổ trả lời thế.
Người trẻ tuổi lại nhấp nước trà. Nước nguội, vị nhạt.
Xa xa mặt trời vừa khuất sau đỉnh đồi. Bóng tối ngập lên như những cái hồ bóng tối, như trận lụt tuyệt vọng mơ hồ. Cả đoàn và những cái lều cũng thế, chỉ trong rất nhanh đã không còn nhìn rõ nhau. Tất cả ngước lên, chỉ có đỉnh tháp canh của tòa thành là vẫn hứng được ánh sáng, nó đỏ cam mạnh mẽ trên nền xanh thẫm trông không thực chút nào.
Nhà khảo cổ bất giác nhìn xuống mảnh lụa trong tay. Thật ra sự tồn tại của mảnh lụa lớn hơn bản thân nhà khảo cổ gấp nhiều lần.
Cảnh hai
Người lính Mông Cổ mặc quân phục chặt chẽ nhưng nặng nề, hắn mang giáo dài, gươm và cung lớn bắn được tầm xa. Hắn thuộc kỵ binh hạng nặng, loại lính không phải đi phá rối cướp lương như kỵ binh loại nhẹ. Nếu chỉ một mình, hắn có thể xoay trở nặng nề hơn một kỵ binh hạng nhẹ, bản thân cá nhân hắn không có một chút ý nghĩa gì, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Quân đoàn của hắn đi hàng chục vạn, ầm ầm như núi lở, đến nơi đâu để nghiền nát nơi ấy, để làm sập đổ thành trì, dứt điểm cả một dân tộc.
Cũng chẳng biết hắn đã đứng đây từ bao lâu rồi, nhưng chẳng ngại, hẳn đã có một mệnh lệnh nào đấy cho hắn chờ ở đây. Mỗi ngày hắn ngóng về mé núi, nơi thấp thoáng rất nhiều ngôi nhà lớn, ngóng xem có thấy quân kỳ. Khi nào quân đoàn đến nơi, cả bọn sẽ lại tràn lên tàn phá ngôi cao tầng ấy. Còn bây giờ việc giết hại một người lính Tangut là điều vô nghĩa. Hắn đang muốn nói đến gã Tangut mà hắn từng nhìn mỗi ngày lấp ló sau cửa sổ của dãy binh đinh (nhà cao tầng) cách vài dãy phố. Chẳng kém gì hắn, gã Tangut cũng nai nịt uy nghi, vũ khí đầy đủ. Nếu sơ sểnh, gã cũng có khả năng hạ sát hắn. Bằng ngày thì hắn chẳng sợ, người ngợm xe cộ ầm ầm dưới phố, cả hai đứng bất động ẩn nhẫn. Nhưng ban đêm thì quả thật là sự hung hiểm vẫn đấy suốt cả nhiều trăm năm qua!
Cũng đã vài lần hắn lẻn dắt ngựa xuống đường. Đêm vắng, vó ngựa chạm trên mặt đường thành tiếng lớn. Hắn đi loanh quanh qua một vài ngã tư, nhìn ngắm mấy đèn quảng cáo đang chớp tắt. Nhiều bảng hiệu xanh đỏ và những ngôi nhà hình thù cứng ngắc kiên cố làm hắn bối rối. Lần nào bước ngang một đường hẻm giữa hai dãy cao tầng hắn cũng dừng lại, bóng tối trông như đường hầm, lù lù vài bóng bất động của những kẻ vô gia cư đang ngủ say. Lũ hạ tiện bẩn thỉu. Lần nào cũng thế, đầu kia con hẻm gã Tangut bước ra liền ngay sau đó, cung cầm sẵn trên tay, đôi giày ống và chiếc nón bằng da đồ sộ trang trọng và hiên ngang. Gã đứng chân dạng ra. Hắn và gã Tangut quan sát lẫn nhau trong thái độ vừa thờ ơ vừa sắc sảo. Hắn hay gã, bất cứ ai chỉ động chân bước vào con hẻm một bước, lập tức người kia sẽ buông dây. Nhưng hắn ruổi ngựa tới con hẻm kế tiếp, chờ đợi gã Tangut hiện ra ở đầu kia, trang trọng và hiên ngang... Cứ thế họ lang thang qua nhiều dãy đường trong khu tài chính.
Nhưng đã nhiều ngày qua hắn không thấy gã Tangut. Cánh cửa sổ bên đó tối thui. Đã nhiều lần hắn vươn ra ngoài cửa sổ cố nhìn về phía ấy, cả những cửa sổ khác nữa. Chẳng thấy gì! Tòa cao tầng ấy bỗng gợi nhắc đến hình ảnh của những tòa thành bị phá hủy. Hắn nhớ lại cảm giác mỗi lần quân đoàn hắn rút đi bỏ lại đằng sau đống đổ nát sau những trận đánh khốc liệt. Họ mang theo của cải và sự sống, bỏ lại gạch đá và xác chết ngổn ngang. Lần nào cũng vậy khi nhìn lại chiến trường sau lưng, hắn cảm thấy giống như người yếu đuối tiếc nuối buồn rầu. Và bây giờ tòa cao tầng ấy trông chẳng khác gì tháp canh bị đốt cháy sụp một nửa.
Ban đêm là lúc hắn thích nhất với sự yên tịnh của thành phố, sự hiện diện của hắn thường có ý nghĩa hơn, rõ ràng hơn. Ngoại trừ một đêm mỗi tuần có một cặp vào lau chùi quét dọn. Hắn ghét cái máy hút bụi chạy ồn ào, tiếng phiền quấy! Đêm nay không hiểu sao người đàn bà vùng vằng giận dỗi. Bà ấy đổ khục xuống ghế tru tréo khóc. Người đàn ông vừa đẩy cái máy vòng quanh những dẫy bàn vừa năn nỉ vỗ về. Tiếng người đàn bà làm hắn sốt ruột. Ngữ này năm trước hắn chỉ việc thốc lên ngựa là xong. Hắn chợt nhận ra vị thế của hắn đang bị cô lập trong toàn bộ khung cảnh này. Mấy cái bàn giấy bằng sắt màu xám, những tấm vách ngăn đều đặn cũng màu xám, máy móc thiết bị vô hồn lỉnh kỉnh, ly tách lổn ngổn... Hắn nhìn lại cái chum rượu sừng bò nạm bạc của mình, những vết chạm trổ bằng tay tinh vi sắc sảo, một chiến lợi phẩm hắn lấy được trước đây và luôn đeo bên mình.
Tiếng người đàn bà tiếp tục trách móc. Tiếng máy hút bụi tiếp tục phiền toái. Hắn nghĩ ngợi mông lung rồi dắt ngựa xuống đường.
Bên con hẻm hắn đứng rất lâu. Trong bóng tối vẫn mấy cái bóng lùng nhùng che chắn các tông của mấy gã du thủ du thực. Nước đọng ngoằn nghèo dọc theo giữa hẻm, bạc lên ánh chiếu mờ làm hắn chợt để ý ra đêm nay có trăng. Đèn từ các bảng hiệu dọc hai bên đường, nhiều cái còn vẫn sáng trưng chớp tắt đều đặn. Hắn đi tiếp đến con hẻm kế, cũng chẳng có gì! Hắn nặng nề xốc lại con dao to bản rồi cho ngựa đi chậm dọc theo lề hướng về phía cuối con đường. Con đường dài và thẳng. Hướng ấy, đằng sau tất cả phố xá, bóng tối mờ của những dãy núi vờn lên vài vết sang sáng.
Cảnh ba
Sau kỳ nghỉ phép, anh thanh niên vừa súng sính bước vào sở làm đã phải sững sờ vì nội thất đã thay đổi. Chỗ trước kia treo những bản in lại các bức tranh cổ của Trung Quốc giờ đây được thế vào bằng hai bức trừu tượng khổng lồ choán toàn bộ bức tường. Cái rổ tre công phu của Nhật trong hộp kính bị đem đi đâu mất. Đèn đuốc được gắn thêm sáng lộng.
Trong khi còn đang đứng tần ngần nhìn ngó, cô gái thường ngồi làm việc kế bên nhận ra đứng lên cười tươi:
“Ê chúc mừng. Kỳ nghỉ của anh ra sao?”
“Hãy khoan đã. Tôi chẳng thể nhận ra chỗ nào là của mình nữa.”
“Họ thay đổi trang trí nội thất vào tuần trước. Anh có thích không?”
Bây giờ anh nhớ ra cách đây không lâu có một người ăn mặc nghiêm chỉnh đi với ông giám đốc mới, tay cầm thước, đo đo đạc đạc khắp nơi. Anh nói tiếp:
“Có vẻ sáng sủa hơn nhỉ. Nhưng tôi không chắc lắm! Có lẽ hơi sặc sỡ?”
“Cũng có thể. Nhưng ông giám đốc mới của chúng ta thích thế.”
“Sao?”
“Ông nghĩ lối bài trí mới thế này làm cho chúng ta hưng phấn.”
“Nó làm tôi nhớ đến chuyến đi công tác lần cuối. Tôi đã ở trong một khách sạn có giấy dán tường màu vàng. Kết quả là tôi cảm thấy chóng mặt buồn nôn!”
“Cũng có thể là không tệ đến thế. Nhiều người thích lối bài trí mới.”
“Ừ thế thì tốt. Tôi luôn là một người lỗi thời.”
“Mấy lần rồi khách hàng đến đây mỗi lần ký kết xong một dự án, họ lại nói đùa là vừa bị chàng Mông Cổ trong hình “bắn hạ!””
Trên vách tường vòng ngang chỗ anh ngồi trước đây treo hình một người kỵ binh Mông Cổ. Anh rất thích bức tranh lụa này, nó không diễn tả chi li, nhưng những nét vẽ khái quát diễn tả tài tình cái tinh thần cứng cỏi của người lính.
Anh cười phá lên: “Có lẽ chúng ta nên treo mấy bức tranh Pop Art của Andy Warhol về mấy lon súp Campbell.”
Cô gái cũng cười phá lên:
“Có lý, nó làm người ta nghĩ đến sự nhân đôi, ba, nhiều lần.”
“Và hậu quả là chúng ta chết ngập lên vì rác!”
“Ví thử bây giờ tôi và cô nhìn sang bên kia thấy một tôi và một cô khác cũng đang nói truyện về những bức tranh, cô thấy thế nào?”, anh nói tiếp sau đấy.
“Kỳ cục!”
“Cái gì kỳ cục?”
“Cái cách anh liên hệ giữa hình ảnh mấy lon súp Campbell và cá nhân con người.”
Anh nghĩ đến cảm giác mỗi lần hòa vào dòng người xuống bến xe điện ngầm vào giờ cao điểm. Người ta đi nhanh, chen chúc, tướng dáng giống hệt nhau.
“Tôi nói rồi, tôi chỉ là người cổ điển.”
“Anh không chịu đơn giản hóa những vấn đề”, cô nói nhẹ nhàng.
“Không! thì cũng đâu có gì là quan trọng. Thôi bây giờ đổi chuyện khác đi nhé, thằng bạn trai của cô sao rồi?”
Những lúc rỗi rảnh, cô thường kể đủ thứ truyện lung tung về gia đình, về thằng bạn trai tốt mã nhưng gà tồ. Cô cười phá lên, mắt cô nheo dài. Anh rất thích mỗi khi cô cười lớn, thật ra không lớn chút nào, cô chỉ hay nghiêng nghiêng đầu. Miệng cô nhỏ:
“Không, tôi vẫn cứ muốn tiếp tục hình dung anh bị hành hạ thế nào ở đây khi mỗi ngày phải nhìn ra kia thấy bức tranh của nhiều lon súp Campbell.” Anh muốn đổi câu chuyện, giả vờ nhìn cô lập lờ:
“Hình ảnh đó lại làm tôi đói bụng rồi, ham muốn một cái gì đấy!”
Cô gái chẳng vừa, cười hấp háy:
“Thế thì phải cung giáo săn bắn trước đã.”
“Tôi cũng thích đồ hộp, ăn ngay.”
“Anh nhầm rồi, thật ra anh vẫn phải săn bắn đấy, nhưng theo những kiểu cách khác.”
Cả hai cười phá lên. Anh ngồi vào phòng ngăn của mình mở máy vi tính. Khung cảnh gọn gàng. Cảm giác rất quen thuộc. Một cảm giác kiên nhẫn. Trước tiên là phải coi thư điện tử. Biết bao nhiêu là thư tồn đọng lại sau hai tuần. Thư của xếp nhắn anh chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới sau khi nghỉ phép về. Thư của một thằng bạn ở xa gởi hình con mới sinh của nó. Thư quảng cáo bán đồ dụng cụ thể thao. Đủ thứ! Chưa đọc xong hết, anh đã nhận thư mới. Cô gái kế bên gởi cho anh:
“Hey.”
“Cái gì?”, anh gởi lại
“Chẳng có gì.”
“Tức cười!” Một lúc sau cô lại gởi tiếp:
“Thật ra thì anh có lý.”
Anh lấy cớ đứng lên đi xuống phòng bếp bày ra hộp kẹo mua làm quà cho mọi người trong công ty. Phòng bếp tràn ngập ánh sáng với toàn bộ một bên vách là cửa kính nơi có nhiều chậu cây cảnh. Ngoài kia là khung cảnh lộng lẫy của một thành phố hiện đại điển hình giống như bao nhiêu thành phố hiện đại khác. Anh nhìn xuống đường sâu ở dưới, dưới chân cầu sắt khổng lồ là những ngôi nhà cao tầng khu tài chính vuông vắn đồ sộ, hàng trăm ô cửa bé xíu, một cái bể bơi và hàng chục sân tennis xanh đậm. Đường phố ngang dọc như khắc sâu xuống, mãi tít dưới ấy xe cộ xanh đỏ di chuyển rầm rì. Xe đông lạnh, xe rau cỏ đi bỏ mối các chợ và nhà hàng, xe thợ sửa chữa cầu thang máy... Người ta đi lại bé xíu như những con bọ ngúng nguẩy. Tất cả nối đuôi nhau chốc chốc lại ùn tắc, chốc chốc lại ùa đi. Anh lại nhìn ra xa. Sau làn cửa kính kiên cố tuy trong vắt nhưng không thể nghe được tiếng động nào bên ngoài. Anh có cảm tưởng những luồng không khí đang vồ vập rồi cuốn ngang, chẳng ai nghe được chúng.
Cũng có thể một ngày kia tất cả bỗng trở nên im lặng ở đây. Cũng có thể tất cả đều rỉ sét không nguyên vẹn.
Không hiểu sao anh muốn đi đến một nơi hoang mạc. Điều ấy hấp dẫn như thể đi về nhà vậy!
N.D.B
[1] Một loại thức uống phổ biến của người vùng hoang mạc Gô Bi pha chế từ trà và sữa vắt từ con Yak (bò Tây Tạng)
[2] Loại đàn cò bắt nguồn từ Trung Quốc.
| |
|