Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ sáu,
31.03.2023 08:13 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 3
Số truy cập: 1669877
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
[03.08.2010 20:02]
Xem hình
Liuba hôm nay trông gọn gàng trong chiếc váy liền áo màu xanh da trời. Nước da trắng hồng cộng với vẻ đẹp thiên phú làm cho Ngữ ngẩn ngơ… Bó hoa định trao cho nàng cứ ngập ngừng mãi. Bao nhiêu câu nói soạn thảo từ đêm bay đâu hết cả? Đã thế chiếc máy ảnh Zenhit cứ tinh nghịch lúc la lúc lắc bên hông khiến Ngữ càng lúng túng hơn.


 - Chiều thứ bảy này anh sang em nhé…

Trời, làm sao mà Ngữ quên được chứ? Đầu như ngất ngây, chân chơi vơi… Lần đầu tiên anh được một cô gái Nga hẹn hò. Lại là người mà anh đã tơ tưởng bấy lâu nay.

Liuba là một cô gái dịu hiền, có mái tóc dài màu vàng óng ả, khuôn mặt trái xoan, cánh mũi dọc dừa, làn môi hồng tự nhiên, cặp mắt xanh với hàng mi dài cong vút, đẹp đến mê hồn. Nàng là OTK ( Cán bộ kiểm nghiệm) của phân xưởng lắp ráp phụ tùng ô tô nơi mà Ngữ cũng làm việc.

Không chỉ riêng Ngữ mê, mà cả tá cánh đàn ông ta có, tây đầu vàng ( Nga ) và “tây đầu đen ” ( Các dân tộc thuộc Liên xô cũ ) từ kĩ sư đến công nhân trong nhà máy cũng có. Nhiều anh cứ kiếm một cái lí do vớ vẩn nào đó để được đi qua đi lại chỗ người đẹp làm việc. Mấy cô gái ngồi cạnh nguýt dài:

- Gớm, cứ như là mật ong vậy, lắm ruồi…

Mặc kệ, những “ con ruồi ” vẫn cứ vo ve quanh cái lọ mật ong sóng sánh vàng, ngọt lừ, thơm dìu dịu. Ấy vậy nhưng đã có con nào được ăn đâu, dù chỉ là sà đôi cánh bé nhỏ vào cái miệng lọ? Chỉ khổ cho Liu-ba, bà tổ trưởng đã nhiều lần nhắc khéơ:

- Cô cẩn thận đấy, chấp hành kỉ luật trong giờ làm việc, chớ để mất điểm thi đua của tổ và bản thân nhé!

- Dạ…

Ngữ sang Nga đã được hai năm. Anh vào làm việc tại phân xưởng lắp ráp phụ tùng ô tô của nhà máy Daz. Thành phố Đimitrôpgrátxcơ nơi anh ở lại là trực thuộc tỉnh Ulianốpxcơ kết nghĩa với tỉnh nhà Nghệ Tĩnh. Một thành phố nhỏ, khoảng hơn trăm ngàn dân. Nghe nói vùng này xưa kia vào thời kì vua Sa hoàng trị vì là một trại tù. Thế nhưng Ngữ thấy dân tình hiền lành, dễ mến và chăm chỉ với công việc.

Ngữ thích nhất là chiều chiều cùng bạn bè trong ốp ( Kí túc xá) ra con sông Cheremsan bơi lội. Con sông khá rộng, tuy không bằng sông Lam quê anh. Không chỉ thế, mùa hè anh và đám bạn cứ thỏa thích ngắm nhìn những cô gái Nga xinh đẹp cũng vùng vẫy trên sông xanh mát rượi, chán rồi nằm trải mình trên bãi cát vàng tắm nắng. Thú thật, nếu còn ở quê nhà làm sao mà anh được tận hưởng những điều mà xưa kia chỉ nằm trên trang sách? Liên xô với anh là “ Thép đã tôi thế đấy”, “ Đội cận vệ thanh niên ”, “Timua và đồng đội”, “ Chiến tranh và hòa bình ”,  “Con đường đau khổ ”, “ Phục sinh ”… Hay trong những bộ phim chiến đấu, thần thoại, tâm lí xã hội: : “ Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt ”, “ Mátxcơva không tin vào những giọt nước mắt”, “ Giải phóng ”, “ Khi đàn sếu bay qua”,  “Người thứ 41 ”, “ Nàng Vácvara xinh đẹp”, “ Rútxlan và Lútmila”…Anh yêu Liên xô như vậy đấy.

Ngữ cứ ước ao một ngày nào đó sẽ được đặt chân lên mảnh đất diệu kì đầy quyến rũ ấy. Tốt nghiệp phổ thông, vào đại học, đi bộ đội, ra công tác tại một tờ báo tỉnh.  Lẽ ra, Ngữ là anh giáo trường làng. Nhưng anh không thích ngồi một chỗ. Có lẽ tử vi nói đúng, Ngữ là người của sự: Thích tác động đến dư luận xã hội, vì họ biết sức mạnh của từ ngữ. Nghề thích hợp hơn cả với họ là kí giả. Và chính Ngữ cũng không ngờ anh đến với nghiệp cầm bút tự lúc nào. Có lẽ đó là những ngày từ trong quân ngũ. Truyện ngắn nhỏ đầu tiên viết cho các độc giả tuổi học trò: Chuyện về một cậu tú vì lao vào tình yêu quá sớm mà sao nhãng chuyện học hành để trượt thi đại học. Không ngờ, Ngữ lại nhận được hàng trăm bức thư của độc giả tuổi học trò, sinh viên trên cả nước và cả từ nước ngoài gửi đến ngưỡng mộ chia sẻ. Thậm chí có một cô bạn sinh viên văn khoa tận Sài Gòn gửi thư thổ lộ những điều thầm kín với anh. Dĩ nhiên “ chuyện tình qua những bức thư ” cũng chỉ dừng lại ở đó. Bởi Ngữ còn mải mê với những năm tháng miệt mài trên thao trường. Ở lính, Ngữ cũng được khối cô “ xin chết ”, nhưng Ngữ chẳng dám “ giết ” ai! Bởi Ngữ tuy vậy nhưng lại rất nhát gái. Hồi còn học ở trường sư phạm, với Hương, cô người yêu cũ mà anh cũng chỉ dám hôn…má! ( Mà cũng phải hạ quyết tâm lắm trước khi “ xung trận ” cơ đấy!) Vào lính kỉ luật nghiêm, lơ mơ thì ăn đủ. Ngữ lại đang là đối tượng Đảng.

Ngữ vóc dáng thư sinh, thuộc dạng nhỏ con. Ấy vậy mà qua 5 năm ở quân ngũ anh đã trưởng thành rắn rỏi lên nhiều. Chính ông Nguyễn Hữu Đại, chính trị viên tiểu đoàn vì mến mộ văn chương của anh mà đề xuất với phòng chính trị quân khu 4 cho anh đi học lớp viết văn chính qui rồi anh trở thành nhà báo từ đấy. Ra quân với quân hàm trung sĩ. Về công tác ở một tờ báo tỉnh nhà, phụ trách mảng văn hóa xã hội. Cuộc sống những năm bao cấp quả là khó khăn. Đồng lương chật vật, cái gì cũng tem phiếu. Mang tiếng là anh làm báo đi đây đi đó nhưng cũng chỉ “ dừng lại ” ở những bữa tiếp đón ân cần tại các cơ sở. Chuyện “ phong bì ” với cánh nhà báo là một điều cấm kị. Người ta phấn đấu và làm việc như một cái máy. Chuyện lương bổng thì: “Đến hẹn lại lên ”.

Mà “ cái hẹn ” đấy cũng dài cổ hươu lắm.

Cái mơ mộng “ đi Tây ” ngày nào trở về lúc cơ quan có đợt bình xét tuyển người đi lao động hợp tác ở Liên xô. Hóa ra anh lại có “ bà con xa ” với  “ Xuân tóc đỏ ”  cho nên hôm cầm tờ giấy báo ngày giờ lên đường sang Liên xô mà Ngữ tưởng mình còn nằm mơ! Tuy nhiên, có một thiệt thòi với anh. Nếu ở lại cơ quan, anh có thể từ từ tiến và trong tương lai không xa là anh trưởng ban, phó tổng? Nhưng thời buổi xung quanh người ta cứ ồn ào với chuyện mua sắm thứ nọ thứ kia ở trời Tây làm bao nhiêu người cứ xoay như chong chóng. Thậm chí người ta còn phải “ cửa sau ” túi nọ túi kia đến oằn cả vai… với những ông trưởng phòng tổ chức cơ quan, với giám đốc để tranh gìành một suất đi. Vậy thì sao nhân lúc cơ hội ngàn năm có một này anh không nắm bắt lấy? Lại được cho không ấy chứ, Ngữ có phải mất một xu nhỏ nào đâu? Mà Ngữ cũng khổ sở lắm rồi vì cái cảnh xe đạp cà tàng lúc thì tụt xích, thủng xăm, lúc dây chuối khô quấn lốp…trên chặng đường trường đi công tác. Nhà bếp tập thể quanh năm, một mình một bát. Đời anh hiện chưa có sợi dây nào “ quấn cổ ”.  Hơn nữa được đến với xứ sở bạch dương tuyết trắng là ước mơ từ bao lâu nay của anh cơ mà? Và một lí do không thể bỏ qua là: Đi là để tự cải thiện đời sống vật chất trước mắt của riêng mình. Mai mốt trở về có cái vốn giắt lưng rồi. Quay trở về với cái bút cũng chẳng lo lắng mấy nữa. Bà con, anh em bạn bè cũng tác động vào. Thế là Ngữ khăn gói lên đường.

Ngày đầu thấy tuyết trắng, không chỉ Ngữ mà cả mấy trăm anh chị em đều ngỡ ngàng xuýt xoa. Mặc dù đã được ngắm nhìn trên phim ảnh nhưng có tận mắt chiêm ngưỡng mới thấy hết cái vẻ đẹp tinh khiết đến lạ lùng. Rồi những rừng cây bạch dương thanh cao, những tòa nhà cao tầng đồ sộ, xe ô tô tàu điện tíu tít, đường phố sạch sẽ, con người Nga đôn hậu, trẻ em xinh xắn ngoan ngoãn, các cô gái đẹp …mọi cái đều gây một ấn tượng mạnh.  Từ một nơi ăn còn thiếu, mặc còn khan nay được sống trong môi trường tuy chưa thể gọi là thiên đường nhưng với Ngữ và anh chị em cùng đi lao động thì nơi đây quả là tuyệt vời! Hồi đầu ai cũng lạ và dị ứng với thức ăn của bạn, nhưng rồi cũng quen đi. Bánh mì, xúc xích, bơ, sữa, xmêtan,…được mọi người “ nhập khẩu ” ngày ba bữa một cách thích thú. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi nhớ bát cơm canh quê nhà với rau muống luộc cà dầm tương, cá trích kho khô…

Công việc hàng ngày của Ngữ là ngồi trên dây chuyền sản xuất lắp ráp các linh kiện phụ tùng ô tô xe Lada, Ziguli…Còn nơi lắp ráp ô tô thành phẩm là tại thành phố Tôliatchi, cách đấy khoảng hai trăm kilômét. Cho đến một hôm, khi Ngữ đi qua khu vực kiểm nghiệm của phân xưởng, anh bỗng ớ người ra khi nhìn thấy một cô gái đẹp đến mê hồn mà ánh mắt của Ngữ không thể nào rời cô được. Cái chất lãng mạn tưởng đã nằm sâu trong anh từ bao tháng ngày bỗng trỗi dậy. Về máy làm việc rồi mà đầu óc anh còn mải nghĩ đến cô. Từ bữa đó, Ngữ hay lấy cớ đi uống nước bên tủ nước công cộng dựng ở góc phân xưởng để ngắm nhìn trộm cô. Ngay cả trong giấc mơ Liuba cũng đến với Ngữ. Nàng hiện ra trong chớp mắt với nụ cười bẽn lẽn…Ngữ như mơ mơ màng màng ở cõi bồng tiên. Bất ngờ tiếng chìa khóa lạch cạch của thằng bạn cùng phòng đi làm ca ba về làm Ngữ tỉnh giấc. Tiếc ơi là tiếc.

Ngữ bắt đầu làm thơ. Những vần thơ có cánh nhưng Ngữ lại chưa thông thạo về ngôn ngữ Nga nên không dịch ra được hoàn hảo. Cứ lộn xộn thế nào ấy. Đi nhờ tay phiên dịch của đội thì có mà điên. Mà chắc gì hắn đã dịch được. Bọn này trình độ cũng èng èng, nói còn ngắc nga ngắc ngứ. Tra từ điển cũng được nhưng mất nhiều công sức. Phải có cách gì để tiếp cận nàng nhanh nhất? ( Mà phải là văn hóa, chứ không như mấy tay “ đầu đen ”, đầu vàng kia nhẫn nại như những con ong đến tán tỉnh nàng mà chỉ nhận được một nụ cười xin lỗi: “ - Cám ơn, em còn bận làm việc”  Liuba không kiêu, nàng đẹp lại hiền lành, nhưng nghiêm khắc.) Chứ chẳng lẽ cứ ngày ngày nhìn ngắm nàng từ xa này sao? À, Ngữ đã có cách, quả là trong một phút xuất thần cái ý tưởng “ vĩ đại ” ấy đã đến với anh như một mũi tên của vị Thần ái tình ban cho vậy! Vốn là từ lúc sang Nga, trong khi mọi người lo  đánh hàng về ốp bán buôn, từ chai rượu, chai bia, đến tủ lạnh, xe máy Minxcơ, nồi áp suất, xoong nhôm, bàn là, thuốc tây, vòng bi, niken,…thì Ngữ lại chỉ cọc cạch với cái máy ảnh Zenhit của Nga mua từ ngày đầu đặt chân lên thành phố nhỏ này, đi chụp ảnh trắng đen cho anh chị em cộng đồng kiếm mấy đồng kopec còm. Góp gió thành bão, ấy vậy mà Ngữ cũng mua được mấy thứ lặt vặt và có vài thùng hàng loại mười kilôgam tiêu chuẩn để gửi về nhà nhờ ông anh bà chị giữ giùm cho để mai ngày trở về cố quốc có chút vốn mà gầy dựng cơ đồ. Nhưng cái máy ảnh Zenhit to quá, qui định của nhà máy khắt khe lắm. Nghiêm cấm đưa qua cổng  những thứ mà được cho là liên quan đến an ninh. Họ mà vồ được thì sẽ suy diễn ra ngay: À, hoạt động tình báo hả? Ngữ đi lên phố vào cửa hàng bách hóa. May quá, có loại máy ảnh mi ni. Chất lượng thì kém xa anh chàng Zenhit nhưng có còn hơn không. Giá cũng vừa phải. Máy ảnh con con chỉ nhỉnh hơn bao thuốc lá. Mua thêm một ít thuốc tráng phim, thuốc hiện ảnh và phim, giấy, lòng Ngữ cảm thấy vui như vừa được uống một cốc nước mát giữa ngày hè nóng nực. Ngay sáng hôm sau, Ngữ đút túi chiếc máy ảnh nhỏ xíu vào túi quần. Qua cổng nhà máy mà tim anh cứ đập thình thình. Lỡ ra tay bảo vệ nghi ngờ thì chết. Hú vía!

Đang giữa giờ làm việc, nhân lúc chi tiết chưa có, Ngữ xin phép giải lao. Anh nhẹ nhàng đi đến “ điểm hẹn ”. Thực ra đó là chỗ ẩn nấp khá kín đáo, từ đây quan sát vị trí của Liuba quá rõ. Mấy ngày trước anh đã “ thị sát ” cẩn thận rồi. Khi xung quanh không một ai để ý, Ngữ hồi hộp rút cái máy ảnh nhỏ xíu ra mà tim cứ đập thình thịch như trống làng. Tách! Tách!…xong. Liuba vẫn thản nhiên làm việc như mọi ngày bởi cô không bận tâm đến xung quanh. Tối đó, khi những hình ảnh của nàng cặm cụi bên bàn làm việc với những sản phẩm hiện ra trên giấy trong làn nước thuốc ảnh, Ngữ cứ mỉm cười một mình khi nghĩ đến nụ cười bẽn lẽn thẹn thùng với gương mặt đỏ bừng của nàng lúc bất ngờ nhận những tấm hình độc đáo này. Khe khẽ huýt sáo mồm điệu của bài hát Nga “ Triệu triệu bông hồng ”, Ngữ tự thưởng cho mình hai chai bia nhâm nhi với mấy con cá khô miền Axtrkhan chấm muối ớt.

Ngữ cẩn thận cắt ảnh của nàng theo hình trái tim và dán lên một tờ giấy trắng tinh. Bên dưới là mấy chữ đơn giản: “ Tặng em, Liuba người con gái Nga xinh đẹp, dịu dàng. Trần Ngữ, một người bạn VN ” Chỉ vậy thôi. Bởi anh biết rõ, cầu kì chỉ là thứ phù phiếm với Liuba. Con người nàng rất giản dị. Từ chiếc áo mặc hàng ngày, đôi giày, chiếc túi xách …Mọi thứ đó quen thuộc với Ngữ lắm. Bởi từ lúc nhìn thấy Liuba, cái gì hiện hữu của nàng cũng làm anh chú ý.

Ngày hôm sau Ngữ làm việc nhưng đầu óc cứ mải nghĩ về những tấm hình sắp tặng cho Liuba. Nàng sẽ thế nào đây? Đưa như thế nào đây? Đầu óc anh lung mung lên. Sau những giây phút tự trấn tĩnh, Ngữ hồi hộp run run bước đến cạnh bàn làm việc của Liuba, may sao giờ đó mấy cô bạn đỏng đảnh láng giềng đã ra ngoài uống nước, hút thuốc, tán gẫu. Còn những “ con ruồi ” đầu vàng, “ đầu đen ” cũng chưa đến vo ve bên bình mật ong.  Ngữ nhìn trước nhìn sau, khẽ chào Liuba. Giọng ấp a ấp úng như gà mắc tóc, mặt đỏ bừng như anh học trò phạm lỗi. Liuba ngạc nhiên khi nhận thấy anh chàng Việt Nam đến làm quen mà trông buồn cười quá. Nhưng Liuba không làm như thế, cô chào lại anh một cách lịch sự kèm theo một nụ cười nhẹ trên môi. Có vậy thôi mà Ngữ cũng đã toát mồ hôi rịn cả áo. Ngữ thầm cám ơn cô trong bụng. Tất cả những lời hay ý đẹp định nói với Liuba giờ bỗng tiêu tan đâu cả? Ngữ lúng túng rồi nhẹ nhàng đặt lên bàn của cô gói quà nhỏ và khẽ nói: “ Tôi tặng cô cái này.” Nói rồi, không kịp để Liuba hỏi lại anh đã ngượng ngùng quay đi ngay  như sợ cô trả lại.

… Trở về bên máy làm việc mà Ngữ cứ lo lo…Nàng sẽ thế nào nhỉ? Lỡ nàng trả lại? Tự nhiên anh lại trách mình. Ngộ nhỡ Liuba không thích và báo cáo sự việc với quản đốc, với lãnh đạo nhà máy? Khi đó có mà độn thổ. Mà biết đâu cái tội dám đưa máy ảnh vào trong nhà máy chụp linh tinh…họ mà kỉ luật thì chết. Chỉ có nước khăn gói quả mướp! Mãi vẩn vơ suy nghĩ, hết giờ làm việc lúc nào không hay. Lững thững bước ra khỏi cổng nhà máy, Ngữ bỗng giật mình khi có tiếng gọi khẽ:

- Ngữ…anh Ngữ…

Ôi, Ngữ không còn tin vào mắt mình nữa! Liuba đang đợi anh. Nàng đứng kia, dáng vẻ thẹn thùng e lệ. Trái tim Ngữ như muốn nổ tung. Dòng người qua lại vẫn ồn ào tấp nập. Nhưng cái cảm giác sung sướng hạnh phúc bất ngờ như làm Ngữ quên đi hết thảy. Trước mắt anh chỉ có Liuba thân thương.

- Chúng mình cùng đi dạo nhé!

Liuba chủ động mời. Ngữ chỉ biết đi theo như người mộng du. Họ cùng sánh đôi ra hướng bờ sông Cheremsan. Mùa thu nên khí trời hơi lành lạnh. Những chiếc lá vàng đang lay gọi trên cây. Cả một rừng vàng của lá của trời thu trải dài trước mắt. Mùa thu nước Nga thật đẹp. Với Ngữ bây giờ thì tất cả đều đẹp đều sinh động. Họ ngồi bên nhau cùng ngắm nhìn ra xa. Dòng sông xanh vẫn lững lờ trôi…Thi thoảng những chú cá nghịch ngợm nhảy lên đớp mồi quẫy nước tanh tách. Những vòng tròn nước lan xa lan xa…

- Anh Ngữ giỏi quá, mà rất gan. Sao anh liều thế? - Vừa nheo mắt cười tinh quái, Liuba vừa trêu chọc Ngữ - Em cám ơn anh rất nhiều, ảnh của anh chụp rất có hồn… Vừa nói Liuba vừa khẽ nhìn ra mặt sông, hai gò má đỏ bừng.

- Em đẹp lắm Liuba à…

Ngữ ngượng ngùng ấp úng nói mà tim cứ đập loạn xạ. Anh không dám nhìn sang bên cạnh, cặp mắt chỉ chực nhìn xuống những ngọn cỏ xanh nhỏ bé đáng yêu cũng đang chuyển màu lốm đốm vàng của mùa thu. Ngữ không ngờ cái máu liều lĩnh mà lãng mạn kiểu nghệ sĩ nửa mùa của mình lại “được việc” nhanh đến thế. Vậy mà hồi nãy cứ lo xa.

Ốp nữ của Liuba có cả bọn con gái Việt Nam trong nhà máy cùng ở. Tòa nhà chín tầng trông khang trang như nhà của bọn Ngữ. Hai tòa cách nhau chỉ có một sân bóng chuyền. Gửi thẻ ra vào cho bà gác cổng kèm theo một cái kẹo cao su “ hối lộ ” và một nụ cười xã giao ngượng nghịu, bởi đây là lần đầu tiên Ngữ bước chân vào ốp chị em. Bà già tỏ vẻ thông cảm thương hại pha chút răn đe:

- Nhớ ra về trước chín giờ đấy con nhé!

Liuba hôm nay trông gọn gàng trong chiếc váy liền áo màu xanh da trời. Nước da trắng hồng cộng với vẻ đẹp thiên phú làm cho Ngữ ngẩn ngơ… Bó hoa định trao cho nàng cứ ngập ngừng mãi. Bao nhiêu câu nói soạn thảo từ đêm bay đâu hết cả? Đã thế chiếc máy ảnh Zenhit cứ tinh nghịch lúc la lúc lắc bên hông khiến Ngữ càng lúng túng hơn.

…Liuba khẽ cười, nàng đi đến bên Ngữ nhẹ như một cánh chim. Hương thơm từ người nàng lan tỏa khiến Ngữ như bồng bềnh trên mây…

 Mátxcơva, 1988-2010.

VHN

(Theo Bản tác giả gửi NBĐ)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Hoa Pion
Nhật kí Kadan (Phần 8) - Phạm Thuận Thành
 
 
 
Thư viện hình