Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ hai,
27.03.2023 00:15 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1668385
Tin tức > Trang Văn người Việt tại Nga > Xem nội dung bản tin
Nhật kí Cadan (Phần 1) - Phạm Thuận Thành
[20.07.2010 22:01]
Xem hình
Nhà văn Phạm Thuận Thành nguyên là sĩ quan quân đội, cán bộ giảng dạy môn chính trị ở trường sĩ quan lục quân 1, đã từng đi lao động xuất khẩu tại thành phố Kazan từ năm 1988 đến 1990. Trong thời gian lao động tại đây, anh đã ghi nhật ký, đánh dấu mốc một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mình, cũng như những suy nghĩ của anh về thời cuộc. NBĐ xin trân trọng giới thiệu cùng đọc giả

Lời tác giả: Đây là nhật kí ghi chép không đều từ ngày 22/12/1988 đến ngày 2/9/1990 của một sĩ quan quân đội đi lao động xuất khẩu tại thành phố Cadan - Liên Xô. Vốn là một cán bộ giảng dạy môn chính trị ở trường sĩ quan lục quân 1, một con người được giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, luôn coi Liên Xô là thành trì cách mạng thế giới, nhưng giấc mơ của lão nông về nước Nga năm nào đã bị thực tế đưa ngay về với mặt đất trần trụi sỏi đá khô cằn đến mức sức người không thể biến thành cơm. Một nhận định Liên Xô nhất định tan vỡ đã làm cho người quốc tế chủ nghĩa trẻ tuyệt vọng. Vì đó là sự đổ vỡ niềm tin đã thành thâm căn cố đế. Và con người như ra khỏi bến mê lao thuyền về phía vầng sáng le lói xa xôi ...

Ngày 22/12/1988

Sau mấy tháng chờ đợi hồi hộp làm các thủ tục đi tây, đến hôm nay mới có quyền được thở phào nhẹ nhõm. Ngày mai chúng tôi, 5 sĩ quan trường sĩ quan lục quân 1 về lữ 144 tập trung chờ bay. Thế là qua được bao nhiêu cửa ải: nào khám sức khoẻ, nào xác minh lí lịch, nào được phép của đơn vị, nào thanh toán chế độ, chuyển giấy tờ ... Trong số chúng tôi có 3 người suýt trượt. Anh Đào Quân Y, đại uý, bị thủng nhĩ tai phải, đã lót đường bằng mấy bao ba số. Anh Tô Xuân Hằng, đại uý, tập trung khám sức khoẻ bị chậm. Anh Nguyễn Công Khai, đại uý, bị bệnh huyết áp cao. Việc khao ở Phòng Huấn luyện đã xong, tôi mau chóng lên đường về quê. Cái lo vẫn còn ở phía trước. Nghe nói việc bay dễ bị ách lại lắm. Không khéo cứ nằm trong diện dự bị chờ bay suốt.

Tôi chả như người ta phải lo mua hàng mang đi. Bởi tôi đầy lạc quan, sang thiên đường thực hiện giấc mơ của cha ông cụ kị cứ việc vơ của gửi về giúp nhà, sao lại mang của nhà đi nhỉ? Cũng do thực tế nhà tôi thì lấy đâu tiền mua hàng mang đi, chẳng lẽ lại vay nợ lãi 10 phân rồi vơ của gửi về biếu người ta hết à.

Ngày 23/12

Đạp xe ra nơi tập trung. Kế hoạch cuối năm, người đi tây đổ về đông kinh khủng. Nơi ăn chốn ở có, nhưng chỉ dành cho riêng người đi, vợ tiễn chồng, người yêu tiễn người yêu đành phải coi trời bằng vung, cứ chồng người lên nhau mà ngủ. Thế mà có người vẫn không có chỗ mà nằm. Đến bữa chẳng buồn ăn bởi người đông quá, chờ khổ không đến lượt, ăn trong tâm trạng chờ đợi sốt ruột còn gì là ngon, tâm trí hướng cả về phía sân bay nơi xa. Chỉ đắt hàng quán ngoài cổng. Người đi người đến, tranh thủ mua bán, tranh thủ kiếm chác ... Đây có lẽ giống cảnh mộ phu đi Tân Đảo thời Pháp.

Khu doanh trại nơi tập trung chờ đi tây tôi nhiều lần đi qua. Bạn cùng khoá ra trường về công tác ở đây. Tiến mấy lần mời vào chơi, nhưng trên đường về nhà vội tôi chưa vào lần nào. Tiến vẫn còn ở đây, tôi tìm gặp, bảo: Mình không mang gì đi, chỉ có cái ba lô lộn đựng mấy thứ vặt vãnh, nếu Tiến có gửi gì thì mình mang cho. Tiến đi mua hàng, có góp ý: Thành cố thu xếp mang đi một ít hàng, có khi làm 6 năm không bằng chuyến hàng mang lần đầu đâu. Lời góp ý chân thành, lại vô cùng chính xác với số đông người đi tây, nhưng chuyện mai ngày bây giờ tôi làm sao hiểu nổi. Tôi trả lời thực thà: Mình cần gì phải mang của nhà đi. Mình đi lao động cơ mà. Bạn ơi, mình mang đi rồi lại gửi về, chỉ một gói hàng mười cân là hoà tiền mang đi thôi. Không biết mang gì đi ư, son, phấn, tòng teng, áo phông, đồng hồ điện tử, bột nghệ, quần áo bò... hàng quán bán đầy ra kia kìa.

Ngay tối hôm ấy Tiến đạp xe về nhà thu xếp tiền mua hàng. Nhà Tiến ở Đa Tiện, cách đơn vị hơn chục cây số, tiện quá.

Thầy và anh rể cũng ra với tôi. Vừa là tiễn, vừa để mua sắm đồ cần thiết. Tôi nói ý của Tiến. Thầy tức tốc đạp chiếc xe thồ cọc cạch về bán lợn, bán thóc lấy tiền mua hàng. Tôi biết, con lợn vợ tôi nuôi lớn chừng 50 kg đang định gây nái, còn thóc nhà dư chừng một tạ. Tất cả tài sản của nhà tôi thoắt biến thành mấy lố tòng teng vớ vẩn làm lòng tôi lo thắt ruột. Công cuộc cứu nước cứu nhà phía trước trở nên nặng nề biết bao.

Điện Kremli ở Cadan - Thủ đô của nước cộng hoà Tatarstan

Ngày 25/12

Chiến gửi con ra tiễn tôi. Vợ chồng bộ đội quen xa nhau, cả hai dành hết hạnh phúc tuổi xuân cống hiến cho quân đội, nhưng lần đi xa này sao lại thấy thiêng liêng, bịn rịn khác thường. Chả gì những 3 năm sau mới đến kì nghỉ phép cơ mà. Xa nhau hơn cả vợ chồng Ngâu chỉ vì miếng cơm manh áo chứ có ai bắt buộc đâu.

Là cán bộ đơn vị nên Tiến thu xếp được một phòng ở nhà khách cho vợ chồng tôi. Thật là một cử chỉ bạn bè chu đáo, và cũng là một đặc ân cho tôi so với bao người chờ đi tây cùng cảnh ngộ.

Không thể tả hết được tình cảm vợ chồng mặn nồng thế nào trước ngày đi xa hút hắt. Tôi muốn bù đắp tình cảm xa mấy năm vào cả đoạn thời gian bên nhau ngắn ngủi này. Còn ngày mai sẽ là những sự thử thách giày vò kinh khủng với cả hai vợ chồng. Mà sự thử thách này hiện vẫn được vợ chồng tôi coi là may mắn hơn so với nhiều người khác chưa thể đổi tiêu chuẩn đi tây bằng mười năm quân ngũ. Nếu lại chỉ là hạng cổ cày vai bừa thì còn mơ nhé, bầu dục đâu đến phần thứ tám, cám đâu đến mõm lợn sề.

Ngày 29/12

Gần trưa tôi giục Chiến về. Con chắc đã nhớ lắm rồi. Ruộng đồng, nhà cửa cũng cần chủ rồi. Thực ra tôi không muốn thấy cảnh Chiến khóc lóc lúc tôi lên xe ra sân bay. Chiến không muốn về, cứ tần ngần mãi. Chắc vừa đạp xe vừa khóc.

12 giờ lên xe ra sân bay. Chỉ còn thầy theo xe đi.

Vào trong nhà chờ tôi cứ ngó mãi nhìn thầy. Phía ngoài thầy cũng ngóng tìm tôi mãi. Tôi đứng tách hẳn ra cho thầy dễ nhận nhưng hình như thầy không nhìn thấy. Thầy già trước tuổi bởi phải chèo lái con thuyền đói kém qua đoạn đời quá dài, nước ngược quá xiết. Tôi là nét phẩy của thầy đang cố gắng đi xa giúp thầy đây, không biết liệu có giúp được không. Bất giác tôi thương thầy quá, nước mắt cứ giàn giụa không kìm nổi. Trước khi xa bóng che của thầy tôi cũng cảm thấy sao mà lẻ loi, sao mà cô đơn quá.

Nhận hộ chiếu.

Làm thị thực xuất cảnh.

Công an cửa khẩu dùng máy từ kiểm tra người một lần nữa. Bỗng nghe tiếng hự rất đặc trưng, tôi quay đầu nhìn, thấy thiếu tá Hương tái mặt, hai tay ôm ngực lảo đảo. Anh vừa nhận một chưởng từ người công an cửa khẩu. Người công an kéo anh vào góc phòng để kiểm tra, người khác coi như không có chuyện gì xảy ra.

5 giờ chiều lên máy bay. Đó là chiếc IL – 86, một loại máy bay chở khách hiện đại của phe xã hội chủ nghĩa. Tôi bay trên niềm tự hào đó tới thiên đường.

Lần đầu đi máy bay.

Nhân viên phục vụ toàn người Nga.

Lúc cất cánh, lúc hạ cánh máy bay gầm rú đến khiếp.

Giải lao ở Cancutta. Coi như tôi được biết đất Ấn độ của người quay lại "cái sa" xưa Gandi, của Nêru, của Tago, của xứ Tây Trúc gốc đạo Phật.

Giải lao lần nữa ở Carasi thuộc Pakixtan.

Bay chẳng có gì là thú vị. Nó là một cực hình mà người ta muốn đạt một mục đích gì đó phải chịu đựng. Cảnh trên giời tẻ ngắt, bao la một biển mây lúc cuồn cuộn như bông xốp, lúc phẳng lì xanh ngắt duy nhất một màu.

Lại giải lao ở Tasken thuộc nước Udơbêch. Thế là đã đến đất thiên đường. Mọi người giật mình vì cái lạnh bất ngờ nơi đây. Thiên đường gì mà lạnh như ma chẳng ấm cúng gì cả.

Bay đến Mat chiều 30/12. Kết thúc chuyến bay dài, nghe đâu dài tới 14 nghìn cây số. Tuyết ngập trắng xoá, mênh mông.

Làm thủ tục nhập cảnh. Không đường về quê mẹ. Bắt đầu lăn lóc xứ người. Ngoái về cố quận xa lăng lắc.

Lại lên xe đi đến sân bay Se re me che vô 2 để bay tiếp về Cadan. Nghĩa là chuyến đi chưa dừng lại. Chuyến bay dài vừa rồi mới đủ bay khỏi quê hương, hành trình đến nơi có công ăn việc làm thì phải bay tiếp.

Lần đầu đến đất lạ, lại là cỡ đất thiên đường, cái gì cũng hấp dẫn, hào nhoáng. Kể cả cảnh tuyết giá, trắng băng, lạnh lẽo mênh mông ngoài kia. Tại nhà ga sân bay có người của nhiều nước. Dễ nhận nhất là mấy người Nhật mắt một mí. Mấy người bọn tôi lại làm quen. Họ đi du lịch, đang bị mắc kẹt vì chưa có máy bay. Họ đi đứng, ăn nói đầy tự tin. Còn chúng tôi, cũng là khách ngoại quốc, sao mà tạp nham, bệ rạc khác hẳn. Từng đám người đứng, ngồi ngổn ngang, nghiêng ngó.

Chẳng mấy chốc cái đói kéo đến giày vò chúng tôi.

Không có tiền bị đói làm phiền ngay.

Chúng tôi kéo đến chất vấn cán bộ phụ trách, họ cũng chả làm gì được hơn vì họ cũng đang bị đói. Hỏi đến mấy ông tây người của xí nghiệp đi đón thì họ chỉ biết nhún vai, xoè tay, một cử chỉ rất lạ khi tỏ thái độ rồi chúng tôi sẽ còn làm quen nhiều, thậm chí còn làm theo đúng như cái cách người ta thường làm ấy.

Thế sao lúc hạ cánh các anh bảo sẽ dẫn đi ăn ngay. Nhún vai, xoè tay.

Chúng tôi bắt đầu hiểu vỡ vạc một ít về thiên đường của chủ nghĩa xã hội.

Nửa đêm chúng tôi được ăn món lạ, đó là việc đón năm mới xứ người. Ồn ĩ, hò hát, ồn ĩ nhảy múa. Có ba người ăn mặc loè loẹt kiểu Ông già Tuyết đi chúc mừng năm mới. Dân đầu hung đầu bạch hưởng ứng vui vẻ. Dân đầu đen xúm vào xem. Bọn họ phát cho người xem bưu ảnh về ngành hàng không Liênxô. Sự ồn ĩ không xua đi được cái đói và những ý nghĩ u ám của chúng tôi. Nhớ câu đem con bỏ chợ là thế này đây.
 
Ngày 31/12

Quãng 10 giờ có lệnh ra máy bay.

Chúng tôi mong đến nơi ở mau chóng để có thể sớm đẩy lùi cái đói.

Lại bay. Hơn một giờ bay đãhạ cánh sân bay Cadan.

Năm mới chúng tôi được Cadan thết mỗi người một cốc chè đường nóng. Cái đói, cái khát, cái lạnh dịu đi một chút.

Quãng 12 giờ lên xe buýt về nơi ở.

Trên đường đi tôi đọc được câu khẩu hiệu to, dĩ nhiên viết bằng tiếng Nga: Cadan thủ đô danh tiếng của Tacta.

Cảnh băng tuyết trấn áp chúng tôi.Khắp nơi toàn là màu trắng. Bầu trời thì u ám. Không sinh khí. Tuyệt đối không một chút màu xanh. Thỉnh thoảng nhô lên cây cột điện hay cụm cây trụi lá màu đen nham nhở vì tuyết bám không kín. Cây như bị liệm, như xác ướp.

Gần 1 giờ xe dừng trước cửa kí túc xá Hoa Sen ở ngoại vi phía đông nam thành phố. Toà nhà mới xây xong trên khu vực đang xây dựng. Cần cẩu, bê tông tấm lớn ngổn ngang phía xa xa. Chắc làm ở đó. Xa trung tâm, thiếu phương tiện đi lại, thôi chúi mũi vào làm đi các đồng chí Việt Nam nhé.

Tôi rất mừng khi xe vừa dừng thì gặp anh Thụ chạy ra. Anh là giáo viên môn chủ nghĩa cộng sản khoa học, cùng khoa giáo viên với tôi trước kia. Anh bay trước một tháng, không ngờ lại được ở cùng nhau. Anh lại là đội trưởng, chắc anh em lục quân có chỗ nương tựa đây.

Mất một giờ mới ổn định chỗ ở. Căn hộ khép kín khá tiện lợi, có nhà bếp, nhà tắm, toa let. Giường lò xo êm ái, chăm đệm trắng muốt đã sẵn sàng, mời gọi.Quản trị ốp người tây cởi mở. Nhưng cảm giác tù hãm cứ đầu độc chúng tôi. Cả một ốp chỉ có một cửa ra vào khoá cứng. Ngay giữa tầng 1 là cái chòi canh có người gác kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại. ăn cơm nhà nước ở nhà công, đi đâu cũng có lính tháp tùng nay mai.

Quá 2 giờ mới được đi ăn. Chen chúc đông đặc người chờ ăn. Bình luận, làm quen, chửi bới ầm ĩ. Đã đói lại phải chờ lâu. Lại thiếu suất. Bữa ăn tây đầu tiên gồm: 1 đĩa xup lõng bõng ít cải bắp chua, lều bều lát thịt mỡ trắng như tuyết; 1 cốc mêtan; 2 lát bánh mì; 1 đĩa cháo đặc kèm 1 miếng côtlet rán; 1 cốc nước quả nấu.

Đối chiếu với bài học tiếng Nga thấy thiếu hoa quả, rượu vang, bánh mì không đủ ăn no. Đối chiếu với văn học Nga, với điện ảnh Xôviêt thì lại càng khác xa một trời một vực. Bữa ăn đạm bạc quá. Nhưng do dạ dày chúng tôi quá lép nên ăn như vậy cũng thấy tàm tạm rồi.

Viễn ảnh của thiên đường đang được thực tế hoá, cụ thể hoá.

Niềm tin về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mà tôi từng rao giảng ở trường sĩ quan lục quân 1 đang được kiểm chứng. Thực tế là thước đo của lí luận. Cái thực tế mà Brêgiơnep đánh giá là ở thời chủ nghĩa xã hội phát triển, gần sát với chủ nghĩa cộng sản đó. Ôi, cái giá của nhận thức thật đắt, thật chua xót. Hàng loạt những tiên đề định lí trước đây đang phải xét lại một cách rộn rã trong nhận thức.

Sau bữa tối chúng tôi đến phòng đỏ xem ti vi cảnh đón tết của tây. Cũng vui vẻ như ở ta. Đặc trưng nổi bật là cây thông trang trí sặc sỡ.

(Còn nữa)

Tư liệu về tác giả

Phạm Thuận Thành
Sinh 1962
Quê : Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh

Là sĩ quan quân đội, cán bộ giảng dạy môn chính trị ở trường sĩ quan lục quân 1.

Từ 1988 đến 1990 lao động tại thành phố Cadan (Liên Xô cũ).

Học khoá 1 Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du 2007
Hội viên Hội văn học nghệ thuật Bắc Ninh và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Tác phẩm :TÁC PHẨM XUẤT BẢN
1- NƯỚC MẮT MIỀN TUYẾT TRẮNG ( Tiểu thuyết)
2 - MAI GƯƠM SẮC BÚT(Tiểu thuyết)
3- CỔ TRAI XUẤT ĐẾ ( Tiểu thuyết)
4- CỎ HOANG ( Tiểu thuyết)
5- NƯỚC MẮT SÔNG TƯƠNG (Tiểu thuyết)
6- CHUYỆN TÌNH XỨ TUYẾT ( Tập truyện ngắn)
7- ĐẢO MÊ( Tập truyện ngắn)
8- ĐÊM CUỐI Ở CÔN SƠN ( Tập truyện ngắn)
9- TẮM AO ( Tập truyện ngắn)
10- SỢI TƠ HỒNG ( Tập truyện ngắn)
11- ĐẤT VÀ NGƯỜI SIÊU LOẠI( Khảo cứu phong tục)
12- LÀNG NGO ( Khảo cứu phong tục)
13- KỂ CHUYỆN QUÊ HƯƠNG NHÀ LÝ( Khảo cứu phong tục)
14-TÀI HÙNG BIỆN CỦA NGƯỜI XƯA
15- DANH NHÂN, DANH THẮNG XỨ BẮC
16- NGƯỜI KINH BẮC ĐỐI ĐÁP GIỎI
17- CHUYỆN KỂ Ở ĐỀN ĐÔ
18- HUYỀN TÍCH CHÙA BÚT THÁP
19- ĐI VỀ HAI CHIỀU THỜI GIAN
20- CẬU BÉ MỒ CÔI
21- TIẾNG CỒNG TRONG XÓ BẾP( Truyện vừa)

22- NGƯỜI TỪ GIỚI TUYẾN TRỞ VỀ ( TIỂU THUYẾT)

23- NGÀY NGH? CUỐI TUẦN ( NXB CAND 2010)

24- HAI BỜ SÔNG ĐUỐNG( NXBQĐND 2010)

Giải thưởng:

Giải nhất văn xuôi Bắc Ninh 2003; Giải nhì văn xuôi Bắc Ninh 2004; Giải ba thơ 2002 - 2004 Văn nghệ Quân đội (không có giải nhất); Giải tư truyện ngắn 2004 Đài Tiếng nói Việt Nam; Giải ba (không có giải nhất) truyện ngắn 2007 - 2008 ở Đà Nẵng; Giải Khuyến khích UBTQ các HLHVHNTVN 2008 (tiểu thuyết Cổ Trai xuất đế) và một số giải thưởng văn học khác.

Tìm hiểu thêm về sáng tác của tác giả qua:

http://phamthanh.vnweblogs.com/

Tin liên quan:
Phạm Thuận Thành: Miếu con đĩ (17.02.2014 03:12)
ĐÊM CUỐI Ở CÔN SƠN - Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành (11.01.2013 16:40)
Tập thơ Thiên Thai - Phần 1 - của Phạm Thuận Thành (30.10.2012 01:58)
Giãi với trời xanh - truyện ngắn Phạm Thuận Thành (30.10.2012 00:53)
Đũa tre - Phạm Thuận Thành (24.01.2011 04:23)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Vì cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc?
Nhật kí Kadan (Phần 10) - Phạm Thuận Thành
Châu Hồng Thuỷ: NỖI XẤU HỔ THỜI SINH VIÊN CỦA TÔI
Chùm truyện ngắn của Thiên Việt
Một bông hồng Việt Nam trên xứ tuyết
Nhật kí Cadan (Phần 2) - Phạm Thuận Thành
Sang Nga đừng để như Văn Giá!
Liuba - Truyện của Võ Hoài Nam
Hoa Pion
Nhật kí Kadan (Phần 8) - Phạm Thuận Thành
 
 
 
Thư viện hình