Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 15:07 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1697244
Tin tức > Trang Văn người Việt ở các nước khác > Xem nội dung bản tin
NHÀ VĂN NỮ LỆ HẰNG - VIỆT KIỀU ÚC: Viết rất là khổ cực!
[01.10.2007 20:49]
Tiểu thuyết
Tiểu thuyết


ANH HỒ

Nhà văn nữ Lệ Hằng sinh năm 1948 tại Hải Dương, miền Bắc. Vào Nam năm 1954. Rời VN đến Úc vào năm 1989, Lệ Hằng đã chọn vùng Blue Mountains sống một cuộc sống lặng lẽ cách thành phố Sydney hoa lệ (bang New South Wales) khoảng 100 km! Blue Mountains là một vùng núi non trùng điệp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Sau đó, nhà văn chuyển về vùng Cabramatta để... được gần gũi với những người Việt đồng hương... mà theo bà là: "Lá rụng về cội, mình cũng phải tìm về với cộng đồng của mình thôi. Về đây, mình được thưởng thức mùi mắm ruốc, mùi bún bò, mùi phở, vậy là vui lắm rồi! (.....) Tôi xem Cabramatta như nhà của mình. Về đó, tôi cảm thấy như về Chợ Lớn. Tôi có thể nói tiếng Việt được chứ không phải múa miệng múa tay để nói tiếng Úc!".

Bắt đầu sáng tác từ năm 1967, nhà văn nữ Lệ Hằng đã từng nổi tiếng ở Sài Gòn với các tác phẩm trước 30.4.1975: Thung Lũng Tình Yêu, Tóc Mây, Bản Tango Cuối Cùng, Ngựa Hồng, Mắt Tím, Tình Yêu Như Băng Sơn, Chết Cho Tình Yêu, Kinh Tình Yêu... Từ sau 1975 bà tiếp tục sáng tác ở hải ngoại, đi đi về về VN, một số tác phẩm chính trong giai đoạn này: Sa tăng Dịu Dàng (1992), Nghề Làm Vua (truyện dài1992), Hạnh Phúc Quanh Ðây (truyện phim, Sài Gòn 1981), Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn 1982), Năm 2100, Bên Kia Là Núi, Nói Thầm Với Ðá (1998)...

Trả lời trên tạp chí Văn Học (số 119 tháng 3- 1996), nhà văn nữ này tự nhìn lại "Lệ Hằng thời kỳ trước 1975 ở Sài Gòn": "Trước năm 1975 hả ? Trời ơi, tức cười lắm, tôi đúng là chiếc xe mới ra lò phóng vun vút trên xa lộ Biên Hòa, văng cả khói vào mặt người khác, chắc nhiều người bực lắm. Tránh sao nổi cái màn vượt tốc độ, rồi lạng quạng sang lane ẩu. May quá, nhờ phước đức ông bà để lại, tôi không húc ai toi mạng. Tôi cũng ân hận, đã viết nhanh, viết ào ào nhưng vẫn không nói hết được những điều mình muốn nói. Bây giờ nhờ ơn thời gian, nhờ uống quá nhiều chén đắng ở bên nhà cũng như ở xứ người, tôi cảm thấy mình người lớn hơn, tự thưởng cho mình một chút thong dong tự tại để viết một cách...chà tôi thuộc loại gà tồ ăn nói không khéo lắm, thôi nói đại...viết một cách vừa nghiêm chỉnh vừa ngông đời!".

Đối với bà, cũng như hầu hết văn nghệ sĩ định cư ở hải ngoại, thì chỗ dựa của nhà văn là độc giả. Lệ Hằng cũng nhìn nhận rằng tương lai của văn học hải ngoại tùy thuộc vào hai việc:

- Ở hải ngoại, trong vòng hai mươi năm tới nữa liệu còn có ai thưởng thức tiếng Việt nữa không? Cộng đồng người Việt ở các nước đã, đang và sẽ làm gì để nuôi dưỡng, phát triển nhu cầu thưởng thức văn học tiếng Việt?

- Một lúc nào đó hoàn cảnh đất nuớc cởi mở, văn học hải ngoại có thể "nhập khẩu" trở vào trong nước, liệu các nhà văn hải ngoại có đủ tác phẩm xứng đáng để xuất bản về nước?

Hai câu hỏi thẳng thắn, ray rứt không riêng của một văn thi sĩ hải ngoại nào.

Quả thật đáng lo ngại, khi mà nhà văn Lệ Hằng nêu trường hợp chính bản bà: lúc mới sang Úc "tưởng bở lắm", bà lao vào viết nào là truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết, rồi bà cũng in được một số cuốn. Nhưng càng ngày bà càng thắm thía rằng chỉ nên viết cái gì dễ đọc hơn, vì vậy, bà đã xoay qua phụ trách mục "tâm tình bạn đọc". Bà nói: "Nó dễ viết hơn, người ta thắc mắc cái gì thì mình viết cái đó. Người ta yêu quí cái gì mình viết cái đó!".

Mới đây, trả lời phỏng vấn của đài ABC (Úc), trước câu hỏi: Là một nhà văn đã cho ra đời nhiều tác phẩm lãng mạn (.....) thế mà nay, bà không thể tiếp tục sáng tác những chuyện ngắn chuyện dài như thế? Nhà văn Lệ Hằng cho rằng: "Tôi không thể nào viết nhiều được. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi thấy rằng, số lượng người đọc văn chương tiếng Việt ngày càng ít đi. Các em lớn lên thì đọc tiếng Anh. Còn người lớn tuổi thì đâu có thời giờ đọc nhiều. Nhiều khi viết rất là khổ cực. Phải can đảm mới viết được. Mà viết xong in ra lại càng khủng khiếp hơn nữa. Mà in xong rồi lại phải bắt bạn bè tổ chức ra mắt sách cho mình. Tổ chức ra mắt sách xong thì ê chề lắm, bởi vì, cuối cùng chỉ có bạn bè đến với mình thôi. Thành ra tôi cần lắng nghe tiếng động hay âm thanh cuồng nộ của người đọc đáp ứng lại, thì may ra lửa tình hay lửa tiểu thuyết trong tôi mới sống lại, chứ không có lửa thì không viết tiểu thuyết được. Hồi xưa, tôi nhớ ở Sài Gòn, mỗi ngày tôi đến tòa soạn hay đến tòa báo, tôi nhận được cả cọc thơ. Nghĩa là một lời mình nói ra, nó vang vọng lại mình. Còn bây giờ, giỏi lắm tôi nhận được 5, 6 lá thư của độc giả!".

"Lệ Hằng không phải là nhà văn VN duy nhất tại Úc bày tỏ nỗi ưu tư về tình trạng xuống dốc của văn chương VN ở nước ngoài", phóng viên đài Úc ABC nhận định như vậy sau cuộc trò chuyện với nhà văn Lệ Hằng. Nhà văn nữ Lệ Hằng cũng nói lên thực trạng: "Vô tiệm sách thì tôi không biết mua cuốn nào. Có nghĩa là, số lượng sách và ngay cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng quá nhiều. Bằng chứng là, hội trung tâm văn bút của người Việt mình nhiều không đếm được, không biết bao nhiêu là trung tâm văn bút nữa! Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng quá nhiều. Chính sự kiện này làm cho tâm cảm của tôi bị "shock" khiến tôi không viết được, thì đúng hơn là vì vấn đề sở hụi. Các nhà xuất bản vẫn sẵn lòng bỏ tiền ra in sách cho mình. Tôi đã đi một vòng thăm hỏi các bạn bè nhà văn của tôi, nhà văn lớn, nhà văn nhỏ. Tôi thấy sách in xong để trong garage nhiều lắm, và vợ con họ cứ ca cẩm rằng, in sách không có chỗ mà để!".

Một năm vừa đi qua, mong rằng những khó khăn trên đây của nhà văn Lệ Hằng nói riêng, của các văn nhân thi sĩ hải ngoại nói chung, sẽ được giải toả phần nào trong năm mới. Quả thật, khi mà Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa thì việc "hội nhập trở về" của các cây bút Việt định cư ở nước ngoài chỉ còn là vấn đề thời gian...

A.H

(Theo nguoivienxu.vietnamnet.vn)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Đỗ Quyên: Đẻ sách (25.01.2019 15:44)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGOẠI
Anh hoa phát tiết ra ngoài - Trần Thị Bông Giấy (Hoa Kỳ)
Mùa thu vàng
Vĩnh biệt Võ Thị Thu Trang
Quyên
Gặp các nhà văn Mỹ ở hải ngoại
Phạm Tiến Duật đây là một con đường
TS Thái Kim Lan và tủ sách Tuyển tập văn học Đức - Việt
THĂM TRƯỜNG M. GORKI
Chuyện tình của cha tôi - họa sĩ Nguyễn Thiệu
 
 
 
Thư viện hình