Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 15:05 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 3
Số truy cập: 1697243
Tin tức > Phỏng vấn - Trao đổi - Bình văn > Xem nội dung bản tin
Tưởng nhớ thầy Trần Quốc Nghệ - Người thầy siêu giỏi
[15.11.2009 15:47]
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Thầy Trần Quốc Nghệ là một người văn võ toàn tài và đức độ. Thầy xuất thân từ một gia đình nhà nho hiếu học (thân phụ đậu cử nhân lúc mới 25 tuổi dưới triều nhà Nguyễn) tại xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.


Năm nay, Ngày 20 tháng 11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ tới công ơn của các thầy cô đã từng dạy dỗ chúng tôi.
Và, từ nước Nga xa xôi, tôi xin gửi tới tất cả các thầy, cô giáo lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất. Tôi cũng xin viết mấy dòng tưởng niệm mộc mạc, chân thành như là nén tâm nhang kính dâng lên linh hồn thầy Trần Quốc Nghệ - Người Thầy “siêu giỏi” và kính yêu của các lớp học trò Trường Phổ thông cấp III Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh.

Thầy học từ cấp I đến tú tài tại Trường Khải Định (sau này là Quốc học Huế). Trong thời gian này Thầy vừa học văn vừa học võ (Thầy đã đoạt chức vô địch quyền Anh hạng lông của Trung kỳ). Thầy đã dạy học ở nhiều nơi, trong đó có Trường Phổ thông cấp 3 Vinh và Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng Hà Tĩnh (trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX). Ngoài những kiến thức học được ở trường, Thầy là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự bồi dưỡng. Vì vậy, Thầy có được một kiến thức rất uyên bác về văn học, sử học Việt Nam và Văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Thầy cũng rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và biết tiếng Hán, tiếng Bồ Đào Nha…, chủ yếu do tự học nhờ một trí nhớ tuyệt vời. Số học trò được thầy dạy có thể tính tới hàng ngàn, trong đó có nhiều người sau này nổi tiếng trong giới khoa học và các lĩnh vực khác như: GS Phan Huy Lê, GS. NGND Hà Văn Tấn, GS.TSKH Phan Đình Diệu, GS.TS Hà Học Trạc, GS.TS Phan Hữu Dật, Nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường, GS Lê Xuân Tùng (nguyên UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội), GS.TS Chương Thâu,…*

Tôi có may mắn được học thầy Trần Quốc Nghệ hai môn Văn và Sử cùng với một số bạn đồng khóa 1963-66 như Nhà thơ TS. Lê Thành Nghị, PGS.TS Phan Xuân Biên, PGS.TS Lê Đình Sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Bính,... Chúng tôi, lúc bấy giờ, là những học sinh “từ quê lên tỉnh” học, phải ở trọ nhà dân quanh trường, điều kiện học tập rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ vì chiến tranh, và đến giữa khóa học lại theo trường sơ tán từ Thị xã Hà Tĩnh lên vùng rừng núi xã Thạch Xuân. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi ít có thời gian rỗi để bày tỏ tâm sự hoặc tới nhà thăm các thầy cô. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được các thầy cô yêu mến vì là những học sinh chất phác, ngoan ngoãn, chăm học. Và riêng với thầy Nghệ, có thể nói, Thầy hết sức thông cảm và thương học sinh. Thầy thừờng bất ngờ ghé thăm nơi ở của chúng tôi để biết tình hình sinh hoạt, học tập của học sinh, dù lúc bấy giờ tuổi Thầy đã cao và không phải là Giáo viên chủ nhiệm lớp. Với chiếc xe đạp tồi tàn “bộ phận nào cũng kêu trừ cái chuông” Thầy cũng đã từng nhiều lần đạp xe hàng chục cây số đến tận nhà của học sinh bị ốm đau để thăm hỏi hoặc tìm hiểu tình hình và động viên tinh thần học tập đối với những người có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Thầy Nghệ sống rất thanh bạch, dản dị và thân thiện với mọi người. Thầy không những chỉ gần gũi, quan tâm tới học sinh của mình mà cả với những người dân khi ở nơi sơ tán. Sau này, khi đã ra trường nhiều năm với những trải nghiệm nhất định trong cuộc sống, chúng tôi mới được một số bạn của Thầy kể cho nghe  trong cuộc đời Thầy cũng có nhiều niềm vui và nỗi buồn. Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ còn nặng “bệnh” lý lịch và lại là một người cương trực, thẳng thắng nên Thầy đã có lúc bị hiểu oan và chịu những thiệt thòi. Tuy vậy, với phẩm chất của một nhà giáo chân chính, từng trải, có nghị lực và tấm lòng vị tha nên Thầy đã vượt qua được chính mình và mọi sự đố kị để tập trung vào chuyên môn và suốt đời dồn hết sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Những bài giảng của Thầy không những có nội dung phong phú, sâu sắc mà còn rất hấp dẫn, cuốt hút, tạo niềm say mê đối với học sinh, nhất là những khi được nghe Thầy giảng về truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm hay về lịch sử cổ đại. Thầy luôn muốn truyền đạt cho học sinh tình yêu khoa học và phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo. Thầy đúng là “một ông đồ xứ Nghệ” trong thời đại mới! Từ đó, chúng tôi càng thấy khâm phục, thương yêu và kính trọng Thầy gấp bội. Từ sâu thẳm trái tim, chúng tôi và các thế hệ học trò của Thầy luôn kính phục, yêu mến và tôn vinh Thầy là Người thầy “siêu giỏi” như GS. NGND Hà Văn Tấn, một học trò cũ của Thầy, nổi tiếng “thông kim, bác cổ” khẳng định.    

Riêng bản thân tôi cũng có nhiều kỷ niệm với Thầy rất sâu đậm, không thể nào quên! Sau khi rời Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng-Hà Tĩnh thân yêu, tôi được ra nước ngoài học tập và sau đó lại đi công tác xa liên tục nên mãi đến sau năm 1980 tôi mới được gặp lại Thầy, khi đã nghỉ hưu, Thầy ra Hà Nội ở với con gái trong Khu tập thể Kim Liên và dạy tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha cho một số người chuẩn bị đi làm chuyên gia ở các nước châu Phi. Trong lần đầu gặp lại người Thầy kính yêu sau bao năm xa cách, tôi rất hồi hộp vì không biết Thầy còn nhớ người học trò cũ cách đây đã hàng chục năm không?. Song thật ngạc nhiên và cảm động là khi tôi chưa kịp cất tiếng chào Thầy thì từ xa Thầy đã bước tới và gọi đúng tên tôi. Đúng là Thầy vẫn có một trí nhớ tuyệt vời như xưa (các bạn tôi nói rằng, Thầy vẫn còn nhớ tên của hầu hết học sinh Thầy đã từng dạy). Sau đó tôi còn được gặp Thầy một vài lần nữa nhưng sau đợt công tác nhiệm kỳ mấy năm ở nước ngoài về nước thì tôi nghe tin Thầy đã mãi mãi đi xa. Nghe tin đó, lòng tôi tê tái vì thương nhớ Thầy.

Tháng 10 năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 40 năm khóa học sinh 1963-66 tốt nghiệp lớp 10, tôi cùng một số bạn từ Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác đã trở về thăm lại mái trường xưa (nay đã đổi tên thành Trường THPT Phan Đình Phùng và chuyển về địa điểm mới) và thăm các thầy cô cũ. Song trong niềm vui được gặp lại các bạn bè và với lãnh đạo Nhà trường chúng tôi lại cảm thấy buồn và trống vắng vì phần lớn các thầy cô giáo cũ của chúng tôi giờ đã vắng bóng, chỉ còn lại vài ba người nay cũng đã nghỉ hưu và già yếu. Trong không khí xúc động khó tả chúng tôi đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và tưởng nhớ tới những người thầy kính yêu đã mất như thầy Đàn, thầy Vượng, thầy Thanh và nhất là thầy Nghệ với những tình cảm chân thành, kính trọng nhất. Tôi đã viết mấy vần thơ sau đây kính dâng lên linh hồn của thầy Trần Quốc Nghệ:

 THƯA THẦY!
                  
Chúng con lại trở về đây
Thăm ngôi trường cũ, cô thầy, Thầy ơi!
Bao năm góc biển chân trời  
Lòng con luôn nhớ những lời dạy, răn.
Cho dù tóc đã hoa râm
Vẫn là trò nhỏ muôn năm của Thầy.
Sông kia dẫu có vơi  đầy
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chẳng quên!                                

Mát-xcơ-va, ngày 16.11.2009

 ĐHT

* Xem Google.com.vn: Trần Quốc Nghệ - Người thầy siêu giỏi (Hà Tĩnh online)

Đặng Hữu Trung
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Choáng váng truyện sex trẻ em
Mệnh lệnh của tổ tiên - PGS-TS Trần Hữu Tá
NGƯT Vũ Thế Khôi: Không có đạo thầy trò thì đừng nói đến giáo dục
Vì sao tôi dịch lại thơ Đường?
Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?
Khoảng trống của văn học Việt Nam trên văn đàn Nga
Nỗi xấu hổ của dịch giả Ruồi Trâu
Cụ Vũ Đình Hoè, cựu Bộ trưởng tư pháp kể chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại phiên toà xét xử ông cố vấn Vĩnh Thuỵ
Người viết trẻ có còn mơ vào Hội Nhà văn?
Kết nạp hội viên Hội Nhà văn - chuyện dài kỳ
 
 
 
Thư viện hình