Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 17:59 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 3
Số truy cập: 1697314
Tin tức > Phỏng vấn - Trao đổi - Bình văn > Xem nội dung bản tin
Chú thích ảnh trên báo chí: Tưởng dễ mà khó
[20.10.2009 16:35]
Xem hình


Phạm Khải

Có lẽ không một người làm báo nào là không thấy được sự cần thiết của những bức ảnh đi kèm bài viết. Đó là những minh họa làm sinh động vấn đề được nêu, là sự trang điểm cho những ô chữ ngồn ngộn dễ làm rối mắt người đọc.


Tuy nhiên, vì cần thiết như vậy nên việc sử dụng ảnh sao cho hiệu quả, chú thích sao cho hợp lý, bố trí sao cho nghệ thuật lại là điều mà các tòa báo cần đặc biệt quan tâm, lưu ý, bởi thực tế, trên một số trang báo đã xuất hiện những bức ảnh với cách chú thích làm người đọc cảm thấy rắc rối khó hiểu, hoặc sượng sùng "gai gợn", gây cảm giác khó chịu.

Lẽ thường, khi chú thích người trong ảnh ở vị trí "bên trái" hay "bên phải" là người ta tính từ hướng nhìn của độc giả vào bức ảnh, như khi ta chỉ đường cho một ai đó, ta nói phía bên trái là tính từ phía ta nhìn tới. Vậy mà, vẫn có nhiều nhà biên tập (cũng như cộng tác viên) nhầm lẫn trong việc này. Khi họ chú thích người trong ảnh đứng thứ mấy "từ trái qua" hoặc "từ phải qua" là họ tính từ hướng người trong ảnh nhìn ra. Bởi vậy mà có những bức ảnh, căn cứ vào lời chú thích của bản báo, độc giả đã nhầm gương mặt nhà văn Tô Hoài thành ra gương mặt nhà văn Nam Cao (trong bức ảnh, hai ông đứng cạnh nhau).

Với những bức ảnh đông người, đứng ngồi… lộn xộn thì người biên tập phải cố gắng tìm cách chú thích sao cho ngắn gọn và hợp lý nhất, để người đọc nhận biết được chính xác đâu là nhân vật được đề cập tới trong bài viết. Có thể đánh dấu X vào góc áo của nhân vật, thay vì việc giới thiệu họ là người thứ mấy từ trái qua, hoặc hàng đứng hay hàng ngồi khi mà trong bức ảnh, có người chỉ lấp ló mỗi… nửa con mắt, hoặc một cái tai (bạn đọc không biết người biên tập có tính là "một suất" không). Hoặc có người lom khom nửa đứng nửa ngồi, không biết xếp vào hàng nào.

Với trường hợp ảnh chỉ có hai người, một nam một nữ, và cái tên của họ đã xác định rõ giới tính thì chỉ cần đề tên từng người, không nên cụ thể đến mức, như một tờ báo cho in ảnh diễn viên Hải Yến đứng cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và chú thích tỉ mỉ: "Diễn viên Hải Yến (ngoài cùng bên trái) và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên". Đưa thêm mấy chữ "ngoài cùng bên trái" như vậy là…phí chữ.

Trong trường hợp người trong ảnh đã trở nên quá nổi tiếng, thậm chí là lãnh tụ được cả thế giới ngưỡng mộ, thì chỉ những bức ảnh hồi họ còn nhỏ, chụp cùng đám đông mới nên ghi chú họ đang đứng ở vị trí nào, chứ với những bức ảnh thời kỳ họ ở đỉnh cao quyền lực, gương mặt đã trở nên phổ biến với tất thảy mọi người thì không nên chú thích tỉ mỉ, rằng họ đứng hàng thứ mấy "từ trái (hoặc phải) qua". Bản thân tôi đã từng bắt gặp một số trường hợp chú thích tỉ mỉ như vậy và theo tôi, ở đây, các nhà biên tập đã "thừa cẩn thận" mà "thiếu tế nhị".

Tất nhiên, để lời chú thích thêm "phong phú", thay vì cho bạn đọc biết nhân vật được nhắc tới trong bài báo đứng hàng thứ mấy (như những trường hợp tôi đã đề cập trên), cũng có một số biên tập viên (hoặc cộng tác viên) chú thích ảnh căn cứ vào vật dụng mà nhân vật mang theo hoặc đặc điểm nhân dạng của họ. Chẳng hạn "người cao, gầy", "người hói trán", "người đang cười", "người đeo kính râm", "người đội mũ nồi", "người đội mũ cối" vv và vv Cách chú thích này gây cảm giác…hài hài. Chưa kể, nhiều báo in đen trắng, chất lượng giấy không tốt, người đọc khó đoán định giữa hai ông đeo kính, ông nào đeo kính râm, ông nào đeo kính mát. Với chiếc mũ cối cũng vậy, phải là người của thế hệ trước mới phân biệt được sự khác biệt của nó với chiếc mũ cát, chứ trong bức ảnh lố nhố người đội mũ thế kia, để xác định ai đội mũ cát, ai đội mũ cối, thật khó!

Cũng gây cảm giác hài hước, mặc dù nội dung bài viết có thể rất xúc động, là trường hợp nhà biên tập chú thích bức ảnh một chiến sĩ QĐND (hoặc CAND) đã hy sinh khi giúp dân chống bão lũ "Đồng chí X…khi còn sống". Một cách chú thích thật thà đến độ làm cho người đọc phải…ngạc nhiên. Ô hay, có ai không còn sống mà lại quân phục chỉnh tề, mắt mở to, ngồi ngay ngắn để chụp ảnh chân dung thế kia? Đừng nghĩ đây là chuyện bịa chơi. Không ít tờ báo từng chú thích ảnh như thế đấy.

Có một cái "lỗi" mà không phải nhà biên tập nào cũng chú ý để khắc phục: Đó là, khi dùng ảnh, họ thường để ý tới "nhân vật chính" mà không có sự quan tâm một cách tối thiểu đối với các "nhân vật phụ". Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng kể rằng, trước kia, ông đã một lần bị nữ sĩ Tương Phố trách móc vì khi in ảnh bà và em gái là nữ sĩ Song Khê, đã quên không xóa đi búi tóc quá to của Song Khê, khiến nó che mất một phần gương mặt của bà.

Hiện tại, những trường hợp dùng ảnh kiểu này xảy ra như cơm bữa. Nhiều biên tập viên cứ thoải mái cho sử dụng những bức ảnh mà trong đó, có "nhân vật phụ" (mặc dù cũng là người nổi tiếng) bị mất tới già nửa khuôn mặt.

Gần đây nhất, tôi thấy một tờ báo in ảnh về Ban Chấp hành một Hội Văn nghệ đang họp bàn công tác xét giải văn học. Trong ảnh, ngoại trừ chủ tọa đứng ở đầu bàn phát biểu là nhìn thấy cả mặt, còn lại quanh ông toàn là những cái… chân với đủ guốc, dép của các ông các bà nào đó đang dự họp (không thấy mặt vì bức ảnh chỉ chụp có vậy). Nếu thực sự các nhà biên tập không chú ý đến những tình huống này thì rất có thể, đến một lúc nào họ sẽ bị qui là "cố tình chơi xấu" ai đó.    

Ai cũng biết: ảnh được dùng để minh họa cho bài. Nhưng người đọc thường nhìn tít bài, xem ảnh trước rồi mới đọc vào nội dung. Bởi vậy, nhà biên tập phải làm sao để ngay từ chú thích ảnh, người đọc không hiểu sai vấn đề được nêu, cũng như không phải vắt óc suy đoán về thông tin đưa ra trong dòng chú thích.

Chẳng hạn, trên báo T. số ra ngày 14/9 vừa qua, trong bài "CMND nữ nhưng…dán hình nam" có in hai bức ảnh xếp cạnh nhau: Bức ảnh một cô gái có khuôn mặt khả ái và bức ảnh một tấm chứng minh nhân dân mang hình một nam thanh niên. Dưới hai bức ảnh là dòng chú thích chạy dài "Anh Khoa và giấy CMND mang hình nam". Thoạt tiên, nhìn bức ảnh và đọc dòng chú thích, tôi cứ ngỡ tòa báo in nhầm: Sao dưới hình cô gái lại ghi là "Anh Khoa"? Tại sao lại là "anh"?. Đọc kỹ bài viết, tôi mới hiểu ra: Tên đầy đủ của cô gái là Trịnh Bùi Anh Khoa. "Anh Khoa" là do nhà biên tập (hoặc chính tác giả bức ảnh) gọi tắt tên cô. Kể ra, trong trường hợp này, tòa báo cẩn thận chú thích đầy đủ: "Chị Trịnh Bùi Anh Khoa và giấy CMND mang hình nam" thì chắc sẽ khiến độc giả nhận chân vấn đề được nhanh hơn.


 


Bức ảnh và cách chú thích có thể khiến bạn đọc ngỡ là in nhầm.


Nhân nhắc tới việc đánh dấu X lên ảnh nhân vật cho dễ xác định và "gọn" việc chú thích, tôi để ý trước đây, một số báo khi in ảnh lõa thể của các cô gái bán dâm (mục đích là để cho bạn đọc thấy hành vi đồi bại của các cô cũng như chiến công trong việc triệt phá các băng nhóm tội phạm của Lực lượng Công an), thường ra, tòa báo vẫn ý tứ cho chạy khung đen che mắt, che hai "điểm cao nhất" trên bầu ngực trần các cô, cũng như phần - nếu trông thấy được của bộ phận kín bên dưới.

Tuy nhiên, đã có tờ báo, thay vì việc làm công phu ấy, họ cho đánh dấu X vào hai đầu ...ti của các cô. Chúng ta đều biết, dấu X được sử dụng với mục đích làm người xem ảnh chú mục hơn tới người, tới điểm cần nhấn mạnh. Phải chăng ở đây, mục đích của các nhà báo là vậy? Khi tôi đem điều này thắc mắc với một biên tập viên tờ báo nọ, thì anh phẩy tay: "Mả mẹ chắc thằng nào nó nghịch bậy". Nghịch gì, ảnh in hẳn lên báo đàng hoàng kia mà? Tôi nghe mà không tin vào tai mình.

Một hiện tượng khá phổ biến và cũng trở thành "cố tật" của một số nhà báo, ấy là, với những bài viết phản ảnh các hội nghị, các kỳ họp Quốc hội, họ thường đưa cảnh một số vị lãnh đạo cùng các đại biểu xuất hiện ngoài hành lang trong tư thế trò chuyện thân mật, cởi mở. Việc dùng ảnh thế này là bình  thường, thậm chí cần thiết, vấn đề là cảnh thì như vậy, song nội dung lại được một số nhà báo "nâng" lên thành: "Ông A (hoặc bà B) đang báo cáo với đồng chí X (hoặc đồng chí Y) về tình hình hoạt động của ngành mình trong năm qua".

Thường các báo ngành hay có cách dùng ảnh và chú thích kiểu này, trong khi những ai từng tham dự các hội nghị nói trên đều biết, chẳng ai đi báo cáo những việc lớn lao đại sự như hoạt động của cả "ngành mình trong một năm" qua mấy phút giải lao, thư giãn như vậy. Cách chú thích tưởng chẳng chết ai nhưng nếu căn cứ vào đó, người ta thấy cách làm việc của các quan chức nhà nước kể cũng đơn giản và tùy hứng.

Mới thấy, việc chọn ảnh, dùng ảnh thế nào cho hợp, cho đẹp đã khó, việc chú thích ảnh sao cho không trở nên rối rắm, hoặc dung tục, tầm thường cũng là một việc chẳng dễ dàng...

(Theo cand.com.vn)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Choáng váng truyện sex trẻ em
Mệnh lệnh của tổ tiên - PGS-TS Trần Hữu Tá
NGƯT Vũ Thế Khôi: Không có đạo thầy trò thì đừng nói đến giáo dục
Tưởng nhớ thầy Trần Quốc Nghệ - Người thầy siêu giỏi
Vì sao tôi dịch lại thơ Đường?
Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?
Khoảng trống của văn học Việt Nam trên văn đàn Nga
Nỗi xấu hổ của dịch giả Ruồi Trâu
Cụ Vũ Đình Hoè, cựu Bộ trưởng tư pháp kể chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại phiên toà xét xử ông cố vấn Vĩnh Thuỵ
Người viết trẻ có còn mơ vào Hội Nhà văn?
 
 
 
Thư viện hình