Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ tư,
29.03.2023 12:29 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Ba 2023
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1669180
Tin tức > Trang Văn người Việt ở các nước khác > Xem nội dung bản tin
Dạ Ngân trên nẻo đường đất nước
[10.09.2007 23:44]
(Bài viết của Trần Thiện Đạo sau khi đọc tập "100 tản mạn hồn quê" của Dạ Ngân)

Nội dung tập "100 tản mạn hồn quê" (NXB Phụ nữ - 2006) của Dạ Ngân là thành quả những năm tháng tác giả đã sống qua trên dải đất thân thuộc từ Nam chí Bắc, vào thuở còn đắm mình trong cuộc chiến tới ngày hòa bình.

Trong thời gian đó, tác giả khôn thôi thâu lượm, ghi nhớ những điều mắt thấy và cảm nghe ở ba miền đất nước mà bà gọi là hồn quê - những đặc trưng đã mặc nhiên cấu thành bản sắc của chúng ta. Về phương diện này, chắc Dạ Ngân là nhà văn duy nhất quy tụ đầy đủ nguyên liệu sống thật cho phép bà xây dựng tác phẩm của mình trên một nền tảng rắn chắc: sinh trưởng ở miền Nam, bạn đời nhà văn gốc Nghệ ở miền Trung, lập nghiệp ở miền Bắc. Một sự thể đã ảnh hưởng không ít tới văn phong và chữ nghĩa, khiến cho nó có phần nào pha trộn, không thuần nhất như nhận thấy ở một Sơn Nam trước 1975, hay ở Nguyễn Ngọc Tư sau này.

Hồn quê

Bản sắc là một thực thể tạo nên bởi truyền thống văn hóa. Mà văn hóa là gì nếu không phải là những nét đặc trưng làm nền cho đời sống xã hội, hay để nói một cách tóm gọn như Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) hơn nửa thế kỷ trước, là "cái biểu hiện các trạng thái sinh hoạt" trong xã hội : ngôn ngữ, lịch sử, tâm tính, tập quán và cả sông núi, ruộng đồng, cây cỏ… Đó là sắc thái con người và thiên nhiên cộng lại, là hồn quê mà Dạ Ngân, qua 100 nét đặc trưng trong cảnh trí và sinh hoạt xã hội khắp ba miền đất nước mà bà đã sống qua, phác họa trước mắt chúng ta.

Có gì đâu, chỉ là những nét vẽ đơn sơ hình ảnh và con người chợt thấy chợt nghe khắc sâu trong tâm hồn và trái tim của nhà nghệ sĩ. Chúng ta thử điểm qua vài ba bức tranh tiêu biểu cho cả ba miền - Nam, Trung, Bắc.

Từ bên này biên giới sắp trở về quê mẹ: "Chúng tôi bắt đầu nghĩ tới bóng dừa của xứ mình. Cùng một cánh đồng biên giới, bên kia là dừa ( …). Chao ơi, xe vừa đi qua cột mốc, dừa ở đâu mà bạt ngàn, thướt tha, hồn hậu, thảo thơm, cảm giác như về lại trong bụng mẹ, diệu kỳ". (Bóng dừa đằng xa, sđd, tr. 6). Dừa vốn là biểu tượng phong cảnh miền Nam, diệu kỳ trong ánh mắt dân tình miệt vườn.
Còn đây là con người, là tâm tình của hai mẹ con lênh đênh trên chiếc thuyền tam bản, người mẹ đứng sau lái, đứa con gái ngồi trước mũi : "Đêm và sông dài (…). Cô bé rất hay mỏi tay khi phải cầm dầm tiếp má, quạt bên nầy mấy nhát, lại phải đổi tay quạt sang bên kia. Đom đóm trong những tán bần dọc biền lá và lục bình rì rầm hơi thở của hồng hoang, mông muội. 'Má ơi, sao má là dân miệt vườn mà chọn chi cái nơi khỉ ho cò gáy nầy để khổ thân như vậy má ?'. Bà mẹ bật cười với câu hỏi ngô nghê của con. 'Mồ tổ mầy! Má hổng duyên nợ với ba mầy thì làm sao có mầy để ngồi hỏi trả treo vậy hả? Lúc đó, má không còn nhớ vườn nhà, nhớ sông sâu nước ngọt, nhớ chợ nổi và cù lao nữa (…). Sông nước phập phồng, lục bình man mác, tiếng chèo của má đơn độc mà kiên gan giữa cô tịch, tiếng chèo ấy đã đi theo, theo mãi khi cô bé lớn lên, chừng như trong mớ ký ức khắc khoải bây giờ, thỉnh thoảng nó vẫn khua lên như những tiếng thở dài xót xa mà vẫn thấy êm dịu". (Tiếng chèo khuya, sđd, tr. 14-15). Tiếng chèo khôn dứt với thời gian. Tạo nên cả một cảnh tình êm ả, một bức tranh chấm phá nét thơ mộng, khiến chúng tôi, chúng ta không khỏi nghĩ tới loại tranh màu của họa sĩ William Turner (1775-1851) – hai phương trời và thời gian cách biệt vậy mà cùng chung một nhãn quan, thưởng ngoạn.

Rồi cuộc đời của bà mự - mự là mợ nói theo giọng Nghệ. Mự là con dâu bên ngoại, vợ hai của cậu cả, dì ghẻ của một bầy con gái mồ côi mẹ. Nhưng mự không hề cư xử với bọn chúng giống như thói đời hằng cửu viện dẫn trong câu ca dao …mấy đời bánh đúc… mấy đời mẹ ghẻ… Cho nên: "(Mự) được con chồng nể và yêu còn hơn mẹ ruột của họ, vì bà khác máu nhưng không tanh lòng, bà tận tụy và công tâm". Tận tụy và công tâm cả khi mự đà ở tuổi thượng thọ. Một đêm: "(…) nghe tiếng con cháu từ Hà Nội về, mự khoát mùng ngồi dậy, vừa nhìn thấy đã đặt chân xuống đất, hỏi ngay: "Cơm hì, mự đi thổi cơm hì". Chúng tôi ôm lấy mự cười ngất, một bà cụ chín mươi tuổi mà đòi đi thổi cơm cho con cháu thị thành ư ? "Cười mô, dưng mà có ả mít dấm mấy ngày ni, vẫn phần kia con nì!" Chả là mự biết chúng tôi sẽ về giỗ tổ bên nội, sẽ đáo qua bên ngoại thắp hương ông bà và mự đã dành cho chúng tôi một quả mít nghệ trong sân vườn hương quả, cây mít mà chồng tôi vẫn nhắc, vẫn nhớ, vẫn thèm được ăn..." (Một ngôi sao, sđd, tr. 19-20). Bản sắc ở đây, ngoài cung cách xử sự, còn có phương ngữ đặc thù của mự - đặc thù, chớ không phải đặc dị.

Rồi còn cảnh vườn cà phê ở Huế: "Cà phê vườn Huế bắt đầu rủ rê bạn bằng những ánh đèn trang nhã trong những khuôn viên dày công của thời gian và của bàn tay con người. Những chiếc bàn bằng gỗ hoặc bằng đá mài nho nhỏ lẫn khuất giữa những khóm cây, không xô bồ bỗ bã chút nào. Hương của các thứ hoa gì đó và tiếng tâm tình, tiếng cười cũng như có mùi hương của các quý bà quý cô lẫn trong tiếng nhạc Trịnh khe khẽ, hình như ai vào đây cũng đều muốn mình trở nên thanh lịch nhẹ nhàng. (…) Một khu vườn ở Huế vào một buổi tối khô ráo sẽ giúp bạn thể hiện tâm tư và cốt cách mình, như giữa bạn và lịch sử được nối bằng một sợi dây, độc nhất và nhạy cảm". Phải có con mắt thấu thị và lỗ tai sành điệu thế nào thì mới nghe thấy ở phần đất kinh kì nhà Nguyễn, đằng sau lăng tẩm cổ kính và bên bờ dòng sông Hương thơ mộng, ngoài xa Hoàng thành và chùa Thiên mụ, cảnh vườn cà phê Huế đắm chìm trong mùi hoa lá, nét đẹp quý phái và tiếng nhạc thoảng qua tương ứng với nhau. Đồng hưởng với nhà thơ Pháp Charles Baudelaire (1821-1867) hơn một thế kỷ rưỡi trước đã nắm bắt được sự thể đó qua câu Les parfums (mùi hương), les couleurs (màu sắc) et les sons (và âm thanh) se répondent (tương ứng với nhau).

Rồi thêm mùa phượng khôn thôi đỏ lửa: "Khi đi dưới một vòm phượng trổ không ai có thể cầm lòng được sự trầm trồ. Không có thứ bông nào cháy lên như phượng, cả một cành phượng uốn éo bốc lửa, cả một trời phượng rừng rực một sự cống hiến không tư lợi gì hết. Như có một thứ thể lỏng gì ở bên trong, tiếp sức, không ngơi, cả những lúc đêm xuống, cả những khi không ai đi qua dưới tán phượng cả. Phượng cứ cháy như thế hàng tháng trời, trước mùa thi, sau mùa thi, khi cả sân trường không còn một chiếc bóng áo trắng nào. Và sau đó, khi các chàng và nàng có dịp đi qua vòm kỷ niệm ấy thì sẽ thấy phượng xơ xác đến không ngờ, vì phượng đã cống hiến, đã say mê để bây giờ, trên mặt đường kia là những lớp hoa tơi bời mà vẫn còn đỏ rực" (Mùa phượng cháy, sđd, tr. 66-67). Có thứ hoa lá nào tạo nên một cảnh sắc một màu dài lâu và khôn phai đến nhường ấy? Cho nên hoa phượng đã nghiễm nhiên hóa thành biểu tượng cho tình yêu chớm nở, nóng bỏng mà son sắt, như ta thường gặp trong tác phẩm của Khái Hưng (1896-1947), hay của Nhất Linh (1906-1963), trong nhóm Tự lực văn đoàn.

Rồi lại thêm cảnh con người lầm than, khốn khổ dầm mưa, thứ mưa dầm thâu đêm suốt sáng: "(..) tôi ghé vào một hàng xôi nóng. Quán chật, người ngồi sát vào nhau, lặng lẽ, suy tư. Một cụ bà áo trong áo ngoài lùm xùm đi trên vỉa hè, nách ôm một xấp thùng các-tông đi qua, dáng đi vẹo lưng trông rất là xệu xọ. Không dứt ra được hình ảnh của cụ bà, chắc chắn bà không phải dân của đoạn phố, mà là người đi mua giấy vụn và chắc cái gánh giấy đang đặt ở đâu đó. Một người già phải tự đi kiếm sống trong mưa, cũng như những em nhỏ phải đi bán báo và đánh giày trong mưa, không xã hội nào có thể biện minh rằng như vậy là ai cũng có công ăn việc làm. Chuyện này ngày nào cũng diễn ra như vậy trên đường, nhưng sao buổi sáng này, ta mới nghĩ về nó như vậy?". Bỏ qua ba lần như vậy nằng nặng trong câu trích dẫn, chúng ta cảm nghe có một mối bận tâm của tác giả bỗng dưng dấy lên từ những dòng chữ ngắn. Nhà văn nào mà chẳng cám cảnh như vậy?

Kín đáo

Qua 100 hồn quê tản mạn trong tập sách vừa trình bày, Dạ Ngân xuất hiện dưới mắt chúng tôi như một nhà văn, dầu ăn khách tới đâu - tác phẩm Gia đình bé mọn (NXB Phụ nữ - 2005) của bà và tập sách này đã chẳng liên tiếp được nối bản và tái bản bao nhiêu lần đó sao - vẫn tỏ ra rất mực kín đáo trong trong phong cách. Và khiêm tốn, không múa máy, không hò hét khoa trương - ngược hẳn thói đời thường nhận thấy trên văn đàn nhỏ bé của chúng ta. Chú tâm tới những điều tựa hồ thoảng qua trên "mặt đất và bầu trời, con người và cảnh sắc, cánh chim và hạt bụi" (Lời cuối sách, sđd, tr. 215) - những chuyện nhỏ, thật nhỏ, nhưng thuộc loại hằng soi sáng cuộc đời.

Trần Thiện Đạo

(Paris)





(Theo evan.com)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Đỗ Quyên: Đẻ sách (25.01.2019 15:44)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
NHÀ VĂN NỮ LỆ HẰNG - VIỆT KIỀU ÚC: Viết rất là khổ cực!
VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGOẠI
Anh hoa phát tiết ra ngoài - Trần Thị Bông Giấy (Hoa Kỳ)
Mùa thu vàng
Vĩnh biệt Võ Thị Thu Trang
Quyên
Gặp các nhà văn Mỹ ở hải ngoại
Phạm Tiến Duật đây là một con đường
TS Thái Kim Lan và tủ sách Tuyển tập văn học Đức - Việt
THĂM TRƯỜNG M. GORKI
 
 
 
Thư viện hình