Nhân 100 ngày mất của nhà văn Sơn Nam: Ông già Nam bộ đã có nơi về không lạnh lẽo
Vườn mộ được làm theo lối phá cách, dù bia mộ chỉ để ngắn gọn “Sơn Nam (1926-2008)” nhưng người đi viếng sẽ cảm nhận ngay đó là ngôi mộ của ông già Nam bộ.
Nhà văn Sơn Nam về với đất tròn 100 ngày. Ba tháng qua, những người mến mộ ông đã dốc hết tâm huyết làm cho ông ngôi nhà để ông yên nghỉ cuối đời. Đó là một vườn mộ đặc thù mang tầm vóc của một nhà văn Nam bộ...
Về với bình yên
Nhà văn nằm trong lòng những sỏi, đá, hoa, cây cảnh... Tất cả các chất liệu được lấy từ thiên nhiên để ngôi mộ bền vững với thời gian. Lối vào là một con đường bê-tông gắn sỏi trắng ôm quanh nấm mộ. Sỏi trắng biểu trưng cho thanh khiết, hư vô, cho quy luật của trời đất rằng sống gửi thác quy, ai đã sinh ra đời thì đều có chốn để về. Chốn đó, ngôi mộ ông nằm gối đầu lên một ngọn đồi cỏ. Đỉnh đồi có ba cây thiên tuế tượng trưng cho văn nghiệp của nhà văn mãi trường tồn và được các thế hệ tiếp tục nghiên cứu, phát triển.
 |
Bia mộ chỉ gói gọn hai chữ Sơn Nam, người viếng mộ sẽ cảm nhận đây là “nhà” của ông già Nam bộ. |
Nấm mộ là hai khối đá liên kết với nhau tạo thành lỗ âm dương, nơi liên kết giữa trời và đất. Trên nền mộ là chín ngọn sóng cách điệu bung ra tượng trưng cho đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh những gợn sóng trên nấm mộ đồng thời cũng gợi hình đôi bàn tay nâng niu trang sách.
Toàn bộ không gian quanh mộ trồng cỏ nhung, trúc, hoa ngâu, nhài, trang đỏ, sứ trắng... Tùy cảm nhận của mỗi người, người viếng mộ tinh ý sẽ nhận ra những chi tiết tinh tế ẩn ý trong cách bài trí vườn mộ theo phong thủy nghĩa trang. Chẳng hạn như bên phải mộ có tám phiến đá vòng cung và ba phiến đá thẳng hàng tạo liên kết với nhau tượng trưng cho vòng đời 83 tuổi của nhà văn. Những phiến đá này làm nền cho những bụi cây tượng trưng cho một cánh rừng, cho sự yên bình...
Vườn mộ thiên nhiên
Vì vườn mộ không xây theo kiểu truyền thống mà xây theo lối phá cách nên tấm bia ngay lối vào mộ được đặt rất vuông vức, trang trọng thể hiện sự tôn kính của gia đình, người thân. Những dòng chữ khắc trên bia đá: “...Ba ơi! Lúc sinh thời lòng ba luôn da diết: “Thân không là lính thú/ Sao chưa về cố hương?/ Chiều chiều nghe vượn hú/ Hoa lá rụng, buồn buồn...”. Ba ơi, quê nội mình ở miệt thứ Kiên Giang; một chặng đường xa lắm nỗi ngại ngần... Các con các cháu của ba, nhất là những bằng hữu thâm tình, sức yếu, tuổi cao e khó bề tới lui thăm viếng… Giờ đây, hạt bụi khiêm nhường giữa dòng đời xuôi ngược xin hãy an nghỉ nơi mảnh đất Bình Dương tình nghĩa, giữa lòng Nam bộ ruột thịt thân thương...”. Đây là một đoạn trích từ điếu văn mà người con gái đầu lòng đọc hôm tiễn ông về thế giới bên kia. Có lẽ vì thế mà câu chữ còn đầy cảm xúc dẫu chưa thật tròn trịa.
Điểm nhấn của vườn mộ là tấm bia đá phác họa chân dung nhà văn nổi lên giữa những mênh mông khói sóng của “hương rừng Cà Mau”. Trong cõi mênh mông đó, ông già Nam bộ khắc khoải nhặt nhạnh văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử lưu dân... cho ra đời những truyện ngắn, những biên khảo về sông nước, con người miền Nam. Ông đúc kết chúng lại trong bài thơ “Thay lời tựa” của tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau. Để rồi hậu thế khắc mộc mạc theo lối thư pháp Việt hai câu cuối của bài thơ lên hai phiến đá dựng hai bên đầu mộ: “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...”
Vậy là ông già cũng đã có một nơi về không lạnh lẽo...
Tác giả thiết kế vườn mộ của nhà văn Sơn Nam là nhà điêu khắc Nguyễn Văn Anh (hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam). Từ thời còn sinh viên, anh Anh đã rất thích đọc những tác phẩm của nhà văn nên muốn được tự tay thiết kế vườn mộ cho ông. Toàn bộ kinh phí huyệt mộ, thiết kế, xây, chăm sóc mộ... do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa (chủ đầu tư nghĩa trang công viên Bình Dương) chăm lo miễn phí.
Người thực hiện vườn mộ là nhà điêu khắc Nguyễn Sánh (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM), người làm mộ nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam, mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Anh Sánh cho biết: “Tôi muốn gói hết chất dung dị, phong sương, tìm tòi nghiên cứu của nhà văn Sơn Nam vào vườn mộ của ông. Dù trên bia mộ không ghi theo kiểu truyền thống như các mộ thường thấy, chỉ gói gọn hai chữ “Sơn Nam” và năm sinh, năm mất nhưng nhìn vào đó, người đi viếng sẽ thấy được mộ của một nhà văn Nam bộ chứ không phải ai khác. Hiện nay mộ vừa mới hoàn thành, nghiệm thu, vài tháng nữa khi cây cỏ lên nhiều, ngả vào bia tạo phần ấm cúng cho mộ thì lúc đó vườn mộ sẽ đẹp hơn. Tôi muốn vườn mộ là nơi giao lưu, nhắn gửi giữa người đi viếng và người đã mất, nơi này không hiện diện sự lạnh lẽo thường thấy ở các nghĩa trang”.
THANH MẬN