Mĩ thuật đương đại ở ba trung tâm văn hóa nước ngoài tại Hà Nội
[06.09.2007 00:54]
Các nghệ sĩ Việt Nam thực hành triển lãm mỹ thuật đương đại từ đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Tuy nhiên, cho đến trước khi có Festival Mỹ thuật trẻ do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, tháng 3- 2007 tại Hà Nội, các loại hình mỹ thuật này tồn tại ở dạng thức “phi chính thống”, do các cá nhân nghệ sĩ tự tìm cách xoay sở về tài chính và hình thức tổ chức để được phép diễn ra. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến ba trung tâm văn hóa nước ngoài ở Hà Nội: Viện Goethe, L’Espace và Hội đồng Anh với vai trò vừa là một cầu nối quan trọng giữa nghệ sĩ Việt Nam với thế giới nghệ thuật đương đại bên ngoài, vừa là nơi góp một sự hỗ trợ nhất định về điều kiện cơ sở vật chất cho các nghệ sĩ nghệ thuật đương đại của chúng ta.
1. Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace
Từ tháng 9-2003, Trung tâm này mang tên Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace và rời về địa chỉ 24 Tràng Tiền. Năm 1991, tiền thân của L’Espace mang tên Trung tâm ngôn ngữ và Văn minh Pháp (Alliance Francaise) được khai trương tại số 42 Yết Kiêu.
Ngay từ khi mới thành lập, bên cạnh việc truyền bá ngôn ngữ như công việc chính yếu và cũng là một nguồn thu tài chính của Trung tâm, L’Espace đã xác định văn hóa nghệ thuật luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực để phát triển hình ảnh một nước Pháp văn minh, và sẵn sàng hỗ trợ cho văn hóa Việt Nam. Trung tâm này đã tham gia hợp tác với hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam.
Riêng về lĩnh vực mỹ thuật, ban đầu, Trung tâm là cầu nối cho một số nghệ sĩ mỹ thuật Việt kiều về nước tham gia các hoạt động mỹ thuật. Một trong những người tham gia nhiều nhất là họa sĩ Nguyên Cầm, người gốc Hải Phòng. Sau những lần trở về thăm quê có tính chất cá nhân, năm 1997, Nguyên Cầm trở lại với công việc chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo tranh trừu tượng với sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội (ĐHMTHN) thông qua một chương trình hỗ trợ của Trung tâm. Cần phải nhắc lại là năm 1997 ở Hà Nội, thông tin về nghệ thuật đương đại thế giới vẫn hết sức nhỏ giọt thông qua một vài kênh cá nhân. Như vậy, những hoạt động có tính chất chính thức như sự hợp tác giữa Trung tâm với ĐHMTHN qua trường hợp họa sĩ Nguyên Cầm là rất tốt cho giới mỹ thuật trong nước.
Nghệ sĩ gốm Francois Jarlov cũng là một nhân vật đáng chú ý. Ông có nhiều kinh nghiệm trong việc làm gốm Raku của Nhật Bản, một nghệ thuật gốm dựa trên triết học Thiền. Năm 2000, thông qua Trung tâm, ông có một chương trình hướng dẫn làm quen và thực hành với gốm Raku cho giảng viên khoa Điêu khắc- ĐHMTHN. Khóa học này kéo dài khoảng 3 tháng, kết thúc bằng một triển lãm. Sức hấp dẫn của văn hóa và nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đã tiếp tục cuốn hút ông. Việc dừng chân hợp tác với Trung tâm và ĐHMTHN như một khởi đầu quan trọng để ông tiếp cận Việt Nam. Hai năm sau đó, bằng nỗ lực tự thân, F. Jarlov tiếp tục trở lại Việt Nam, hoàn thành cuốn sách ảnh và tranh vẽ về Việt Nam mang tên Under the sign of the Blue Dragon (Dưới dấu rồng xanh), dày 160 trang, khổ lớn do nhà xuất bản sách nghệ thuật Pháp Les Editions Rivages Lointains ấn hành. Năm 2001, ông làm một cuốn lịch treo tường in tranh màu nước của ông vẽ các góc phố Hà Nội. Cuốn lịch này được giới thiệu tại Cafe des Arts, phố Hàng Hành, Hà Nội, nhằm gây quỹ từ thiện cho đồng bào thiểu số Việt Nam. Năm 2002, ông kết thúc hành trình Việt Nam bằng triển lãm các sáng tác của ông về Việt Nam và tại Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Hàng năm, ông đều phát hành một series bưu thiếp về Việt Nam (1). Những nghệ sĩ như ông góp thêm một tiếng nói hữu ích với quốc tế về vẻ đẹp văn hóa Việt Nam dù ông có hoạt động với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh đến cánh cửa L’Espace - nơi mở đầu và hỗ trợ kinh phí cho hành trình Việt Nam của ông.
Vài ba năm trở lại đây, cùng với sự mở rộng của mỹ thuật đương đại do có nhiều hơn nghệ sĩ trong nước tham gia, Trung tâm này cũng dành cho các nghệ sĩ làm nghệ thuật mới ở Hà Nội một sự ưu ái đặc biệt cả về không gian triển lãm cũng như hỗ trợ tài chính. Cuối năm 2002, Trung tâm tổ chức triển lãm sắp đặt ngay trong khu vườn rộng hàng trăm m2 bên trong Đại sứ quán Pháp. Bốn tác giả được mời tham gia: Lê Hồng Thái - một chiếc xe công nông dát nhũ vàng, kết hợp âm nhạc điện tử và sự hiện diện của 3 cô người mẫu quanh chiếc xe; Đinh Gia Lê - hình nộm những con dê đang vui đùa, giao phối với nhau trên cỏ, ở giữa là đoạn phim video ghi lại cảnh giết mổ dê; Phương Vũ Mạnh - sắp đặt và tranh vẽ mang tên Con đường, ngụ ý mọi con đường đều dẫn đến khởi nguyên của vũ trụ nhưng có thể ở hình thái cao hơn hoặc tồi tệ hơn, với rất nhiều hình nhân, bục bệ, dây xích, tấm phướn,...; và Nguyễn Duy Quang với sắp đặt ván cờ, trong đó có góc những manequin bán thân chơi cờ cùng người,... ngụ ý “mô hình nhỏ minh họa cho cuộc sống”. Lời dẫn về triển lãm này mang tên Lung tung ư?, có đoạn: “Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật tạo hình. Bất chấp vẻ tầm thường dễ nhận thấy của nó, câu nói này chỉ rõ những gì đang diễn ra hiện nay trong thế giới nghệ thuật: bản sắc được đặt trong thử thách của sự khác biệt. Theo hướng này, cái khó của nghệ thuật không phải là thể hiện cái đẹp mà là giới thiệu cái tự do...”(2). Lời dẫn cũng cho rằng triển lãm đã gây dư luận, “làm người xem ngạc nhiên, thậm chí không hiểu... Liệu người ta có xu hướng mượn cớ làm nghệ thuật để “làm những cái lung tung” hay không?...”. Khoảng 6 tháng sau, nhân dịp chia tay với văn phòng Trung tâm tại 42 Yết Kiêu, Trung tâm dành toàn bộ tường của tòa nhà Trung tâm cho ba nghệ sĩ: Sơn Lâm (sống tại Pháp, vẽ sơn mài), Phạm Ngọc Dương (trình diễn và sắp đặt với hoa tươi), Đinh Thảo Phong (vẽ tranh màu nước) thỏa ý trình bày nghệ thuật của họ.
Tháng 9-2003, L’Espace khai trương văn phòng mới tại 24 Tràng Tiền, cũng là bắt đầu một chương mới của sự tồn tại của nó ở Hà Nội. Các chương trình hợp tác nghệ thuật được thiết kế đa dạng hơn, táo bạo hơn và giàu cảm giác đương đại hơn. Sự hòa trộn của các loại hình nghệ thuật khác nhau được nhấn mạnh. Ngay trong tuần lễ khánh thành Trung tâm (6 đến 14-9-2003), một loạt các chương trình nghệ thuật đương đại đã được tổ chức dưới bàn tay đạo diễn của nữ nghệ sĩ Ea Sola Thủy. Trong đó có nghệ thuật trình diễn của Đào Anh Khánh, hội họa kết hợp sắp đặt của một số họa sĩ nổi bật như: Lê Quảng Hà, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Đinh Thị Thắm Poong, M. Nurmi, B. Ring,... cùng hai họa sĩ kháng chiến chống Pháp Mai Văn Hiến và Phan Kế An. Chương trình khai trương này như thông điệp của L’Espace về xu hướng tổ chức các chương trình liên quan đến mỹ thuật tại đây, mỹ thuật đương đại với sự hòa trộn của các loại hình nghệ thuật khác nhau sẽ được chú trọng hơn, ưu tiên hơn. Năm 2004 và 2005, một loạt triển lãm sắp đặt của Nguyễn Duy Quang, Đinh Gia Lê, trình diễn của Đào Anh Khánh,... đã để lại dư âm khen chê đan xen, khiến sự chú ý của giới truyền thông và giới nghệ sĩ đương đại về Trung tâm này càng lớn. Triển lãm Cuộc sống nghiêng (Nguyễn Duy Quang), và Tôi và... (Đinh Gia Lê) đều được tài trợ không dưới 100 triệu đồng.
Một đặc điểm đáng chú ý của Trung tâm này là không giới thiệu nhiều nghệ sĩ mỹ thuật đương đại nổi danh của Pháp mà tập trung xúc tiến cho loại hình nghệ thuật này tại Việt Nam trong khi nó đang bị các thiết chế văn hóa - xã hội của chính Việt Nam thờ ơ. Sự đối nghịch này đem lại ưu thế của L’ Espace trong suy nghĩ của không ít nghệ sĩ trẻ. Về thuận lợi, có những điểm sau:
Thứ nhất, Trung tâm này tài trợ toàn bộ kinh phí cho một dự án nghệ thuật nếu họ chấp nhận nó. Tài trợ này hoặc từ ngân sách của họ hoặc từ các nguồn hợp tác khác như với Vietnam Airlines và một số công ty tư nhân.
Thứ hai, triển lãm tại Trung tâm phần nào kích thích và làm thỏa mãn tâm lý “vọng ngoại” ít nhiều tồn tại trong mỗi người Việt Nam, trong đó giới nghệ sĩ không phải ngoại lệ. Trong khi các tổ chức, cơ quan chính thống của đất nước như Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh hay Hội Mỹ thuật Việt Nam còn nhiều e dè, quan ngại trước các hình thức nghệ thuật mới thì sức cuốn hút của các Trung tâm văn hóa nước ngoài như L’Espace đối với họ càng lớn - như một đối trọng văn hóa thiên lệch.
Thứ ba, Trung tâm này có quan hệ ổn định với giới truyền thông. Mặt khác, các hoạt động văn hóa ở những nơi như vậy bao giờ cũng được truyền thông trong nước chú ý hơn so với các chương trình thuần túy trong nước, đơn giản vì đây là một trung tâm giao lưu văn hóa của nước ngoài ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Thứ tư, Trung tâm này có sự liên hệ mật thiết với mạng lưới trung tâm tại nhiều quốc gia khác cũng như với các cơ quan tổ chức văn hóa nghệ thuật tại Pháp, vì vậy, hy vọng xa hơn cho nghệ thuật của một cá nhân là hoàn toàn có cơ sở ngoại cảnh thuận lợi.
Nhưng không phải là không có những bất lợi. Một nghiên cứu trường hợp sau đây được xem như một minh chứng cho những bất lợi mà nghệ sĩ Việt Nam phải đối diện khi làm việc với người nước ngoài:
Nguyễn Ngọc Lâm là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khoa Điêu khắc - ĐHMTHN năm 2001. Lâm rất thích hình ảnh phổ biến ở Hà Nội và nhiều đô thị khác: rào cây trên vỉa hè. Mô hình cây bị rào chắn, bị cách bức khỏi con người, được nới rộng ra đến vấn đề môi trường sống, vấn đề ứng xử nhân sinh đã trở thành một chủ đề nghệ thuật lớn của anh. Vì vậy, khi may mắn được L’Espace lựa chọn tham gia chương trình nghệ thuật lớn mang tên Phố phường thứ ba mươi bảy (tháng 12-2004 nhưng sau đó gần như bị hủy bỏ toàn bộ) với sắp đặt 37 chiếc cây theo mô hình nghệ thuật mà anh đang theo đuổi, Lâm rất hứng khởi. Theo ý đồ ban đầu, Lâm sẽ bày 37 chiếc cây trên vỉa hè phố Tràng Tiền và một góc phố Ngô Quyền. Dự án được tài trợ 74 triệu đồng.
Sau khi hoàn thành, triển lãm Cây của anh không được diễn ra theo ý muốn vì không được sự chấp thuận của Sở Giao thông- Công chính Hà Nội. Qua một thời gian chờ đợi, ông Dominique L’Huillier - phụ trách các hoạt động triển lãm nghệ thuật thị giác tại L’Espace đề nghị với Nguyễn Ngọc Lâm cho bày triển lãm tại sân vườn bên trong Đại sứ quán, nhân bữa tiệc kỷ niệm ngày quốc khánh Pháp do vợ chồng ông Đại sứ tổ chức (ngày 14-7-2005). Song việc sắp xếp 37 chiếc cây theo một ý đồ triển lãm từng được ông Phó tùy viên văn hóa chấp thuận đã bị bà phu nhân Đại sứ can thiệp, bà cho rằng triển lãm được bày nhân dịp bữa tiệc chứ không phải là một triển lãm thuần túy. Trong hoàn cảnh đó, ông Phó tùy viên văn hóa cũng không có khả năng đính chính sự việc. Bà này điều khiển tốp thợ sắp xếp các cây theo ý đồ của bà, không cần biết đến thái độ của tác giả ở đó. Nguyễn Ngọc Lâm đã bị rơi vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và kết cục, anh phó mặc. “Trong tôi lúc đó, có một cảm giác bị coi thường ghê gớm. Tôi thấy mình bị trục lợi. Nghệ thuật của tôi giống như thể để minh họa cho vị thế văn hóa của họ, cho một chương trình hành động nào đó của họ và kết cục, tôi vẫn chỉ là người của một dân tộc bị nhìn bởi con mắt thực dân”(3). Tháng 9-2005, một lần nữa anh lại được gọi đến sân vườn của Đại sứ quán để sắp xếp lại những chiếc cây phục vụ cho một bữa tiệc khác của ông Đại sứ và may mắn thay, lần này anh được bày hoàn toàn theo ý của mình.
Cách giải quyết kiểu “vớt vát” như với triển lãm của Nguyễn Ngọc Lâm hoàn toàn không cần thiết bởi nó không đạt được mục đích văn hóa hay nghệ thuật nào. Hơn nữa, vô hình chung nó làm cho hình ảnh hợp tác văn hóa bị hiểu méo mó đi, ít nhất là trong con mắt của những nghệ sĩ trẻ như Lâm, và nhiều đồng nghiệp, bạn bè chứng kiến triển lãm của anh.
Các nghệ sĩ của Việt Nam nếu không xem xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh của mối hợp tác chênh lệch này, rất dễ đẩy mình vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” mà Nguyễn Ngọc Lâm là một minh chứng điển hình. Những thuận lợi về tài chính cuối cùng sẽ không thể nào bù đắp được cho những bất lợi về tinh thần của nghệ sĩ.
Gần đây, khi nhìn lại triển lãm, Nguyễn Ngọc Lâm đã so sánh: “Nếu có một tổ chức, cơ quan nào đó trong nước sẵn sàng về tài chính để tài trợ cho các dự án nghệ thuật của tôi, tôi sẽ không bao giờ nhọc công làm với người Pháp. Tại vì ở nước ta, họ cứ bảo nghệ thuật đương đại không có lời, không bán được,... đủ những lí do để thấy nghệ thuật phi thương mại càng xa xỉ”(4).
2. Viện Goethe Hà Nội
Viện Goethe Hà Nội, thành lập năm 1997, là phân viện Goethe trẻ nhất tại châu Á của mạng lưới các Viện Goethe toàn thế giới. Mục đích hoạt động của nó không khác gì so với L’Espace hay Hội đồng Anh: dạy và học tiếng Đức, tham vấn du học Đức cho sinh viên và học sinh phổ thông, song song với hỗ trợ và hợp tác văn hóa giữa nước sở tại với Đức và cả châu Âu.
Trong hoạch định hoạt động hỗ trợ và giao lưu nghệ thuật của Viện có thể thấy hai phần rất rõ: giới thiệu các nghệ sĩ hàng đầu của Đức và hỗ trợ triển lãm mỹ thuật đương đại tại Việt Nam.
Triển lãm và các nghệ sĩ đến từ Đức
Tháng 1-2003, triển lãm mỹ thuật đương đại mang tên QUOBO được tổ chức tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 1 Hoa Lư, Hà Nội. Đây là triển lãm do Viện quan hệ quốc tế (IFA), Đức, thực hiện đã được lưu bày qua một số nước châu Á trước khi đến Việt Nam. Đây cũng là triển lãm mỹ thuật đương đại nước ngoài quy mô nhất được giới thiệu tại Việt Nam (bày trên hai tầng nhà, mỗi tầng có diện tích sàn 600m2). Viện Goethe Hà Nội, cụ thể là ông Viện trưởng, có công đầu trong chương trình hợp tác triển lãm này.
Lí do để triển lãm này trở thành tâm điểm nghệ thuật không chỉ của riêng Berlin là triển lãm tập hợp sáng tác của 16 nghệ sĩ Berlin ở hai phía bức tường - biểu tượng một thời của sự chia cắt và chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây Đức. Rất nhiều tác phẩm hoặc đơn giản bất ngờ, hoặc ứng dụng công nghệ cao (kỹ thuật số, máy chiếu projector,...) đã được giới thiệu trong triển lãm này. Nó quả là mới mẻ, góp phần giúp cho những nghệ sĩ Việt Nam muốn tham gia vào nghệ thuật đương đại một luồng thông tin xác thực về thế giới nghệ thuật bên ngoài Việt Nam, được chứng thực và tham gia vào nó chứ không đơn thuần xem và nghe một cách gián tiếp, sai lệch.
Nhân vật nổi tiếng đầu tiên trong giới mỹ thuật đương đại Đức được giới thiệu tại Việt Nam là nghệ sĩ Gerard Richter. Tháng 3 và 4-2004, lần đầu tiên, một tập hợp các sáng tác của ông trong thời gian 40 năm qua được trưng bày tại Việt Nam (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).
Gerard Richter là một nghệ sĩ đương đại quan trọng nhất - theo bình chọn của 120 giám đốc bảo tàng trên toàn thế giới được tiến hành gần đây. Tác phẩm của ông được sưu tập và trưng bày thành những đề mục riêng tại khoảng 45 bảo tàng lớn toàn thế giới, trong đó có những bảo tàng như: Museum of Modern Art (MOMA, New York, Mỹ), the National Gallery of Art (Washington D.C, Mỹ), National Gallery of Canada (Ottawa, Canada), Castello di Rivoli Museum of Contamporary Art (Torino, Italy), Harvard University Art Museum (Massachusetts, Mỹ), Fonds Regional d’Art Contemporain (FRAC) (Bourgogne, Dijon, Pháp),... (5).
Nhân vật thứ hai là Golfgang Laib (sinh năm 1952), một nghệ sĩ sắp đặt bậc thầy trong nghệ thuật đương đại Đức hiện nay. Tháng 11-2004, ông đã có một chương trình triển lãm tại ĐHMTHN.
Về hoạt động hỗ trợ mỹ thuật mới tại Hà Nội
Song hành với việc giới thiệu nghệ thuật đương đại đến từ Đức, Viện này cũng khá tích cực tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ tổ chức triển lãm mỹ thuật mới ngay tại khuôn viên của Viện.
Dấu mốc đầu tiên là năm 1999 bằng một trình diễn ấn tượng của họa sĩ Nguyễn Văn Cường với chiếc honda Dream và cái cần kéo đàn violin. Trình diễn này chỉ có vài chục khán giả nhưng ngay sau đó, nó được thông tin lan rộng tới giới làm nghệ thuật và nghiên cứu phê bình nghệ thuật đương đại.
Sau một số triển lãm sắp đặt và trình diễn lẻ tẻ diễn ra trong các năm 2000 đến 2002 của các nghệ sĩ như Đinh Gia Lê, Đặng Thị Khuê, Hoàng Dương Cầm, Trần Anh Quân, Phạm Ngọc Dương, tháng 10-2003, Viện Goethe đã tạo dựng được một dấu mốc thứ hai hết sức đáng chú ý: triển lãm Xanh - Đỏ - Vàng khai màn cho địa điểm mới của Viện tại 56-58 Nguyễn Thái Học. Khu nhà khi đó vừa được bàn giao cho Viện để sửa chữa. Các nghệ sĩ tham gia triển lãm đã tận dụng toàn bộ hiện trạng của khu nhà như một phần cấu thành sáng tác của mình. Điều đáng chú ý nhất của triển lãm này, là sự tham gia của hai thế hệ nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Hà Nội. Bên cạnh thế hệ đầu tiên với Trần Lương, Trương Tân, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Minh Thành, là thế hệ thứ hai: Lê Vũ, Nguyễn Trí Mạnh, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Ngọc Dương, Quỳnh Chi,... Bên cạnh các nghệ sĩ Việt Nam là những nghệ sĩ nước ngoài gắn bó với không khí nghệ thuật đương đại Hà Nội như V.Radulovic, B.Ring. Ngay cả sự tham gia bày một sắp đặt của Nguyễn Quân - nhà phê bình mỹ thuật gạo cội kiêm họa sĩ cũng gợi ra ít nhiều suy nghĩ về sự cuốn hút của các hình thức mỹ thuật mới. Quy mô của triển lãm cho thấy Viện Goethe đã đầu tư một cách nghiêm túc cho hình ảnh của một trung tâm văn hóa cập nhật và hơn nữa, tiên phong trong bối cảnh văn hóa và xã hội đương đại Việt Nam - như lời nói của ông Viện trưởng, muốn được người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ đến đó để “tận hưởng, chiêm nghiệm và cùng chia sẻ niềm vui với chúng tôi về vị trí mới của chúng tôi trong cuộc sống văn hóa của Việt Nam”(6). Triển lãm này cũng là lần đầu tiên quy tụ sự tham gia của ít nhất hai thế hệ nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại của Hà Nội, nên nó dành được sự chú ý lớn của giới quan tâm. Nếu thế hệ thứ nhất, nghệ thuật của họ mang ý tưởng văn chương hơn, tính thẩm mỹ thuần túy được chú trọng thì ở thế hệ thứ hai, sự tham gia của yếu tố “bình dân” có vẻ chiếm ưu thế. Hai đặc điểm này không loại trừ nhau mà góp phần cho thấy bắt đầu có sự đa dạng của nghệ thuật đương đại Việt Nam về cách thức tiếp cận, về các luồng ý tưởng và khát vọng được can dự trực tiếp vào đời sống thường nhật. Triển lãm được nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương (Viện Mỹ thuật - ĐHMTHN) coi như một dấu mốc quan trọng trên hành trình chuyên nghiệp hóa của mỹ thuật đương đại Việt Nam (7).
Tháng 10-2004, tháng khai trương trụ sở mới, Viện Goethe tổ chức hai hoạt động mỹ thuật đương đại: triển lãm sắp đặt Mô phỏng một ngày xa xôi của Trần Lương và festival nghệ thuật trình diễn Lim dim (đồng tổ chức là Hội đồng Anh, nhà sàn Đức). Riêng Festival nghệ thuật trình diễn Lim dim gần như là không thành hình vì sự cố giấy phép triển lãm tại một nửa số chương trình trong dự kiến.
Năm 2005, không có một triển lãm nào đáng chú ý diễn ra, ngoại trừ series các triển lãm thuộc dự án Cây của V. Radulovic. Tuy nhiên, Viện lại tham gia một dự án nghệ thuật đương đại lớn mang tên Art ConneXions, với sự tham gia của các phân viện Goethe thuộc khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand. Lí do để có chương trình này là các nước nói trên đều có một quá trình giao lưu mở cửa đón nhận các luồng ảnh hưởng văn hóa, xã hội và con người từ bên ngoài cách đây hàng trăm năm. Như vậy, khái niệm giao lưu quốc tế mà nay được thay thế và mở rộng hơn bằng thuật ngữ “toàn cầu hóa” đã được tiếp nhận từ rất lâu ở khu vực này. Bởi vậy, dự án Art ConneXions dành cho các nghệ sĩ đến từ Đức và khu vực này là nơi để họ thể hiện ý tưởng về những sự chuyển đối lớn nhỏ trong xã hội, xảy ra nhờ quá trình giao lưu mọi mặt với bên ngoài: con người, đồ dùng, tri thức, tư duy, tình cảm,... Viện Goethe đã chọn nghệ sĩ Lê Vũ tham gia chương trình này.
Có những lúc lắng xuống, có những lúc trồi lên như quy luật tất yếu của cuộc sống nhưng phải nói rằng, các hoạt động về mỹ thuật đương đại tại Viện Goethe chú trọng hơn đến yếu tố cộng đồng- các triển lãm cho nghệ thuật trong nước đếu cố gắng hướng tới những gì có tính chất xã hội lớn hơn, có tính chất tập thể cao hơn và làm nên những triển lãm quy mô hơn. Các triển lãm đến từ nước Đức đều có tính chất tiêu biểu, nghiêm túc và được chuẩn bị kỹ lưỡng, thực sự chứng tỏ Viện này có ý hướng giao lưu văn hóa thuần túy với chất lượng cao cho từng kế hoạch giao lưu. Chính trị là nền tảng chung nhất cho mọi hành vi con người, huống chi hoạt động của một tổ chức, dù là tổ chức văn hóa, dưới sự điều phối của ĐSQ. Nhưng cách thức hoạt động như thế nào để chứng tỏ được tính chính trị mà không làm người nước sở tại phải dè chừng khi tham gia, đó là điều đáng kể. Tưởng chừng như, từ khía cạnh giao lưu mỹ thuật đương đại, Viện Goethe đã và đang làm được điều này, tuy rằng chất lượng các triển lãm của nghệ sĩ trong nước không phải lúc nào cũng được ngợi khen.
3. Hội đồng Anh tại Hà Nội
Hội đồng Anh tại Hà Nội được thành lập từ năm 1993 nhưng phải đến năm 2001, cơ quan này mới có những hợp tác đáng kể trong giao lưu mỹ thuật đương đại ở Việt Nam nói chung. Nhìn lại 4 năm có hoạt động mỹ thuật đương đại, dễ dàng thấy năm 2003 là năm mà tổ chức này thực hiện được nhiều hoạt động mỹ thuật nhất, đó cũng là năm Hội đồng Anh kỷ niệm 10 năm hiện diện tại Việt Nam.
Nước Anh được coi là một trung tâm lớn nhất của mỹ thuật đương đại thế giới - nơi sản sinh ra những nghệ sĩ tiền phong và độc nhất, kiểu như nghệ sĩ mỹ thuật sinh thái- nghệ thuật của những xác ướp động vật - Damien Hirst. Vì vậy, một trong những mục tiêu mà ban Nghệ thuật, Hội đồng Anh muốn làm là giới thiệu những nghệ sĩ mỹ thuật tiêu biểu của Anh với công chúng và giới làm nghệ thuật đương đại nói chung của Việt Nam, đó cũng là một cách trao đổi thông tin hữu hiệu nhất về nghệ thuật. Tuy nhiên, không dễ gì biến mong muốn đó trở thành hiện thực vì các tiêu chuẩn tài chính, môi trường ngoại cảnh, điều kiện trưng bày triển lãm,... đáp ứng được đòi hỏi chuyên môn của nghệ sĩ đến từ một nền nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển như nước Anh hiện nay không thể có ở Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam chưa có một triển lãm mỹ thuật đương đại quy mô nào đến từ nước Anh. Thay vào đó, Hội đồng Anh chú trọng hỗ trợ và khuyến khích các nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam làm việc và triển lãm. Cam kết của Hội đồng Anh là “hỗ trợ cho một mạng lưới nghệ thuật đương đại mới tại Việt Nam. Mạng lưới này được thành lập để cổ vũ nghệ thuật đương đại trong số các nghệ sĩ trẻ. Nhóm này bao gồm những họa sĩ, nhà thiết kế, nghệ sĩ múa, nghệ sĩ sắp đặt và trình diễn, video art và nghệ thuật đa phương tiện có tài năng đầy hứa hẹn”(8). Năm 2003, họ đã hỗ trợ cho nghệ sĩ Nguyễn Bảo Toàn làm sắp đặt Mùa vàng và nhóm nghệ sĩ Trần Lương làm một sắp đặt video Súp cổ tích. Đó cũng là hai triển lãm nhân kỷ niệm 10 năm - Hội đồng Anh hiện diện tại Việt Nam. Năm 2004, hội đồng Anh tiếp tục tài trợ cho nghệ sĩ Nguyễn Bảo Toàn thực hiện sắp đặt Hối tụ, triển lãm được coi là gây tác động lớn đến công chúng nghệ thuật của Hà Nội. Cũng trong năm này, Hội đồng Anh có tham gia thực hiện festival nghệ thuật trình diễn Lim dim. Đặc biệt, tổ chức này có tài trợ khá thường xuyên cho các nghệ sĩ có triển lãm tại Ryllega gallery - số 1A Tràng Tiền, gallery nghệ thuật mới duy nhất tại Hà Nội. Theo quan điểm của đại diện ban Nghệ thuật - Hội đồng Anh, không ít triển lãm diễn ra tại gallery có chất lượng thấp. Tuy nhiên, họ vẫn tài trợ vì họ muốn ủng hộ cho một cái mới trong đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam (9). Trong khi các tổ chức cơ quan Nhà nước còn “e dè” (Lương Xuân Đoàn) trước cái mới thì phía các tổ chức nước ngoài lại sẵn sàng hỗ trợ và cổ vũ cho nó. Đây là một nghịch lý thực ra không nên có trong khi trên hệ thống tuyên truyền, chúng ta vẫn luôn luôn nói cổ vũ sáng tạo nghệ thuật, mở cửa giao lưu với toàn cầu.
4. Kết luận
Nhìn lại hoạt động của ba trung tâm văn hóa nước ngoài, thấy rõ ràng họ đã chiếm ưu thế đối với nghệ sĩ làm nghệ thuật mới tại Hà Nội. Theo lời ông Xavier Augustin, giám đốc Viện Goethe, người quyết định tất cả các hoạt động triển lãm nghệ thuật mới tại đây, ông không bao giờ có ý muốn làm khó cho giới chức văn hóa tại Việt Nam do có sự khác biệt về quan niệm quản lý và hỗ trợ nghệ thuật giữa hai bên. Ông chỉ muốn sự hiện diện của Viện Goethe tại Hà Nội thực sự như hình ảnh mong muốn - một trung tâm giao lưu và hỗ trợ văn hóa Đức - Việt đương đại đúng nghĩa. Ông thừa nhận không phải triển lãm nào diễn ra tại đó cũng có chất lượng cao và ông luôn thảo luận với nghệ sĩ muốn trưng bày tại đó về nội dung triển lãm làm sao cho hiệu quả. Thậm chí, “có những triển lãm tôi thất vọng và biết chắc khán giả sẽ không hứng thú nhưng tôi vẫn đồng ý, với suy nghĩ rằng đó là một cách hỗ trợ để nghệ sĩ tự nhận ra chất lượng nghệ thuật của họ sau những cọ xát với công chúng”(10).
Tuy nhiên, điều đáng nói là thái độ dành cho mỹ thuật đương đại của ba trung tâm này không thể ổn định và mang tính chất lâu dài, nó phụ thuộc vào thái độ của người chịu trách nhiệm và hoàn cảnh hoạt động của trung tâm. Ví dụ dẫn chứng đơn giản nhất là sang đến năm 2006, khi L’Espace có nhân sự mới phụ trách các chương trình văn hóa, mỹ thuật đương đại Việt Nam lại không còn là một quan tâm lớn nữa. Các hoạt động của Trung tâm chuyển sang nhiều hình thức nghệ thuật khác, trong đó việc giới thiệu nghệ sĩ đến từ nước Pháp được chú trọng. Từ năm 2006 đến nay, L’Espace hầu như không tổ chức được một triển lãm mỹ thuật đương đại của nghệ sĩ Việt Nam nào đáng chú ý. Hội đồng Anh cũng tương tự như vậy. Các hoạt động hỗ trợ nghệ thuật tập trung cho một số dự án cộng đồng và các chương trình ca nhạc. Ngay cả Viện Goethe, sang năm 2006, số lượng các triển lãm mỹ thuật đương đại của nghệ sĩ Việt Nam thưa vắng hơn, thay vào đó là các chương trình phim ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc, văn học,... Chính vì vậy, họ không phải và không thể là một điểm tựa ổn định cho nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam. Điểm tựa này, trong bối cảnh xã hội hiện nay, phải được chính giới chức văn hóa Việt Nam tạo dựng.
Mặt khác, những vấn đề mà nghệ sĩ Việt Nam gặp phải trong quá trình tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho nghệ thuật của họ từ bên ngoài như trường hợp Nguyễn Ngọc Lâm rất cần được giới chức văn hóa trong nước quan tâm. Mặc cảm của nghệ sĩ, đôi khi, chính là đại diện cho mặc cảm của dân tộc rất cần được gạt bỏ. Song nếu không có một hành lang pháp lý mới cho các hình thức nghệ thuật mới tại Việt Nam, thì các nghệ sĩ của chúng ta vẫn tiếp tục phải đi tìm kiếm ở bên ngoài, tiếp tục phải vượt qua những mặc cảm khác, những trở ngại khác, kéo dài thêm lộ trình đi tới một chất lượng nghệ thuật cao hơn.
Đào Mai Trang
_______________
1. Tham khảo thêm thông tin tại website cá nhân của ông: www.francoisjalov.free.fr
2. Catalogue triển lãm do L’Espace ấn hành sau triển lãm tháng 12-2002.
3, 4. Phỏng vấn Nguyễn Ngọc Lâm, tháng 7-2005, tài liệu riêng chưa công bố đầy đủ.
5. Tham khảo về tranh của ông được cập nhật trên website: www.yahoo.com/arts/germany/masters
6. Catalogue Living Culture, tháng 10-2004, Viện Goethe Hà Nội.
7. Tham luận 10 năm - Mỹ thuật đương đại Việt Nam tại Hội thảo Nghệ thuật đương đại - Hình thức và chất liệu, do Viện Mỹ thuật - Đại học Mỹ thuật Hà Nội tổ chức, tháng 6-2005.
8. Xem website chính thức của Hội đồng Anh tại Việt Nam: www.britishcouncil.org/vietnam
9. Trao đổi với bà Vũ Ngọc Trâm, Ban Nghệ thuật, Hội Đồng Anh Hà Nội, tháng 9-2005, tài liệu riêng chưa công bố đầy đủ.
10. Trao đổi với ông X.Augustin, tháng 9-2005, tài liệu riêng chưa công bố đầy đủ.
|