Nổi trội ở “Gặp gỡ Mátxcơva 2008” bởi gương mặt xinh xắn, chiều cao trên mét bảy và mái tóc đen mượt dài quá gối, Thu Trang còn là đại biểu trẻ nhất (sinh ngày 9/5/1988). Tuy gọi là “Gặp gỡ thanh niên, sinh viên kiều bào” nhưng tuyệt đại đa số những người tham dự là người Việt “trăm phần trăm”, nghĩa là sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, du học theo con đường nhà nước và mới ra nước ngoài được ít năm. Thu Trang không nằm trong số đó, cô là đại diện của thế hệ người Việt sinh ra ở nước ngoài. Tuy nhiên, tiếp xúc với Thu Trang, chúng ta thấy cô mang đậm nét nữ tính của người con gái đồng bằng Bắc Bộ… mấy chục năm về trước.

Bố của Thu Trang là ông Nguyễn Anh Tuấn, một doanh nhân Việt thành đạt ở Séc. Tại thị trấn As nhỏ bé gia đình Trang được người dân địa phương kính trọng. Hơn 25 năm về trước bố mẹ Thu Trang sang Tiệp Khắc làm “công nhân xuất khẩu”. Họ quen nhau, trở thành một cặp đôi hạnh phúc và sinh con gái đầu lòng. Người bố canh cánh trong lòng nỗi lo “con mất gốc”. Và ông chọn cách “nuôi tóc dài như bà nội hồi xưa” cho đứa con gái nhỏ như một hình thức giữ gìn “góc Việt” ở xứ người. 6 tuổi, Thu Trang được gửi về Nam Định để ông bà nuôi nấng cho đến khi học xong tiểu học. Mục đích là để hồn quê “thấm vào thịt” và để tiếng mẹ đẻ “ăn vào máu” theo cách nói của bố Thu Trang. Sau đó Thu Trang trở lại Séc học cho đến nay (vừa học xong lớp 11)
 |
Thu Trang (cuối) chụp chung với bạn bè đến từ các nước tại Matxcơva |
Là “chị cả” trong số những người Việt được sinh ra Séc thời hậu hợp tác lao động, Thu Trang có vốn tiếng Việt và nữ công gia chánh khá nhất. Cô tích cực tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho các em nhỏ mặc dù quỹ thời gian khá eo hẹp. Trong suy nghĩ của Trang “tiếng Việt không chuẩn thì sao gọi là người Việt được”. Cô tâm sự: “Bố mẹ em rất ủng hộ con gái tham gia các hoạt động của cộng đồng. Mà nhà em thì neo đơn, các cửa hàng thiếu người trông nom. Có lẽ bố mẹ sợ em “Tây hóa”. Nhưng anh xem, em còn Việt hơn cả nhiều cô gái ở Nam Định ấy chứ. Ba năm trước em về nước, thấy ít bạn để tóc dài và chịu học may vá, thêu thùa. Có bạn còn xui em cắt tóc ngắn cho hiện đại. Không có chuyện đó đâu”.
 |
Mái tóc dài là niềm tự hào của Thu Trang |
Ở Séc chưa bao giờ Thu Trang bị nhận nhầm là người Hoa hay người một nước châu Á nào khác. “Vì mái tóc dài của em là “đặc điểm nhận diện” dễ nhất mà. Chẳng hiểu sao những người Séc chưa hề đến Việt Nam, cũng ít thấy phụ nữ nước ta để tóc quá dài, nhưng trông thấy em là biết ngay con gái Việt Nam. Em tự hào lắm. Các bạn gái Séc ở trường cứ tấm tắc về “mái tóc Việt” của em. Họ nói “Nếu Hanka (tên gọi ở trường của Thu Trang) cắt tóc ngắn đi là chúng tớ nghỉ chơi đấy”.
T.Q.V.