Jăng Pôn
[25.08.2006 05:04]
Truyện ngắn của CHÂU HỒNG THỦY
Chiều ba mười Tết âm lịch, cánh sinh viên trong ký túc xá chúng tôi đang tíu tít chuẩn bị làm lễ tất niên và đón giao thừa thì Jăng Pôn đột ngột xuấn hiện.
- Pôn, sao mày không ở lại ăn Tết với vợ con?
- Mày biết không, thị thực của tao hết hạn. Muốn lùi ngày bay phải mua vé mới, chứ không được đổi vé. Mấy triệu đồng mày bảo tao kiếm đâu ra?
Chưa kịp hỏi han đôi hồi gì thêm thì các bạn Cu Ba, Nga, Armenia… đã kéo đến. Chúng tôi vào bàn tiệc, bật Sâm banh.
Jăng Pôn ngồi cạnh tôi. Mặt nó buồn rười rượi. Đúng ngày Tết phải bỏ vợ con ở lại Việt Nam. Nhưng dù sao vẫn còn may, nó sang, kịp trước lúc anh em chúng tôi mở Sâm banh mừng năm mới. “Thôi, Pôn ạ - tôi an ủi nó, mày ăn tết với chúng tao, nghe nói tiếng Việt thì cũng như đang ăn tết với vợ con ở Việt Nam”. Nói đến đây, tôi đứng dậy giơ cao ly vodka, hét to:<br /> <br /> - Thưa các bạn! Chúng ta hãy nâng cốc chúc mừng sức khỏe của Pôn và vợ con của bạn! Chúc tình yêu không biên giới của các bạn mãi mãi vững bền!<br /> <br /> Tất cả nhất loạt đứng dậy hò hét. Tiếng li, cốc chạm nhau lanh canh, côm cốp. <br /> <br /> Men vừa độ ngấm. Chúng tôi bật nhạc. Từng đôi dìu nhau ra sàn nhảy. Jăng Pôn vẫn ngồi im lặng. Tôi nháy mấy bạn gái Việt kéo Pôn tham gia để cu cậu vơi bớt nỗi buồn.<br /> <br /> Vừa nhảy chúng tôi vừa uống. Tan cuộc thì Pôn đã say mèm. Chưa bao giờ tôi thấy nó uống nhiều như hôm nay. Tôi dìu nó về phòng. Những giọt nước mắt lã chã của nó rơi xuống tay tôi nóng hổi. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là tây khóc.<br /> <br />
Vợ Pôn học trên tôi hai lớp. Pôn học khoa Triết ở Đại học Tổng hợp. Cái tên Jăng Pôn nghe chẳng có vẻ Nga tý nào. Hỏi ra, mới biết ông nội của Pôn là người Nga lai Pháp hay Tây Ban Nha gì đó. Một lần từ Matxcơva về Minxcơ thăm bạn, tôi tình cờ gặp nó. Biết tôi cũng học triết, cu cậu xoắn lấy tôi, vồ vập:
- Tớ đang nghiên cứu lịch sử triết học và tôn giáo Phương Đông. Cậu giúp tớ nhé!
Không hiểu sao chúng tôi thân nhau ngay. Cứ rỗi là cu cậu nhảy tàu từ Minxcơ lên Matxcơva thăm tôi để đàm đạo. Tiếng Nga của tôi không đủ giải cho nó hiểu. Bí quá, tôi bảo:
- Tao giới thiệu cho mày làm quen với bạn gái tao. Nó giỏi tiếng Nga. Bố nó là chuyên gia về tôn giáo. Nó có thể giúp mày được.
Chả biết anh chị dạy nhau như thế nào mà những lần sau, cu cậu từ Min lên Mát là chui tọt vào phòng cô bé để nghiên cứu về Phật trước rồi mới sang chỗ tôi. Một lần, tôi gõ cửa phòng Lệ Tuyết, cô bé ra mở cửa, mặt vẫn còn đỏ bừng. Còn Pôn thì ngồi im như tượng. Trước mặt cu cậu là quyển "Phật học tinh hoa". Trên môi nó còn một vết son. Chỉ liếc qua là cụ Bá đã hiểu ngay cơ sự. (Tôi bật cười khi thầm nhớ tới câu văn của Nam Cao)
- Này Pôn, mày ngồi thiền đấy à? - Tôi trêu - Thế nào là Phật, mày giải nghĩa cho tao nghe!
Nó đọc ngay cho tôi nghe một đoạn bằng tiếng Việt còn ngọng nghịu:
- Phật, dân gian còn gọi là Bụt, bắt nguồn từ tiếng Phạn cổ Ấn Độ gọi là Boudda. Phật nghĩa là người Giác ngộ, Giác ngộ được cái nguồn gốc của Đau khổ và Sinh tử.
- Mày mê Phật, thế mày có chủ trương diệt dục không?
- Tao mê nghiên cứu về Phật chứ không phải là người theo Phật.
- Giỏi! Cô giáo có học trò giỏi thật!
Rồi chúng nó thành vợ thành chồng.
* * *
Hôm cưới, Pôn bảo tôi:
- Hình như chúng tao có duyên tiền định. Có lẽ hàng nghìn kiếp trước tao với Tuyết đã là vợ chồng. Kiếp này Phật sai mày làm mối cho chúng tao.
- Phật lo diệt dục sao lại xui tao làm mối cho mày? Tôi trêu.
- Phật bây giờ hiên đại mà.
Trong đám cưới, có một người ngồi trầm ngâm. Đó là ông Trưởng khoa phụ trách sinh viên ngoại quốc trường tôi. Tôi tò mò:
- Thưa thầy, sao trong ngày vui này thầy có vẻ đăm chiêu vậy?
Ông nói nhỏ đủ để tôi nghe:
- Tôi đang nghĩ về số phận của hai đứa chúng nó. Không hiểu rồi chúng nó có sống với nhau mãi mãi không? Chúng nó có hạnh phúc không? Tôi e rằng khó lắm.
- Thưa thầy! Sao chúng nó lại không hạnh phúc? Hai đứa yêu nhau chân thành lắm. Thầy cứ nhìn gương mặt chúng nó kìa. Cứ như thiên thần ấy.
- Đúng vậy. Nhưng rồi sau này chúng nó sẽ sống ở đâu? Chúng nó sẽ sống ra sao ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, bên cạnh không có cha mẹ họ hàng ruột thịt? Rồi tâm lý, phong tục tập quán của mỗi dân tộc khác nhau, liệu có hòa nhập được không?
- Thưa thầy! Tình yêu không có biên giới về địa lý, màu da, và dòng máu - Tôi hăng hái phản bác.
- Cậu còn trẻ lắm! Thầy mỉm cười buồn bã.
Không dám đụng chạm đến nỗi buồn thầm kín của thầy, tôi im lặng. Ngày xưa thầy không vượt qua được trở ngại để lấy một người con gái Việt Nam. Tôi đã được các anh chị khóa trước kể về điều này. Thời ấy, nghe đâu người ta cấm sinh viên yêu nhau. Nước nhà đang đánh Mỹ, được cử sang Tây học là ưu tiên hạnh phúc lắm rồi. Lại còn đú đởn yêu đương là một điều tội lỗi đối với những người đang đổ máu ở chiến trường. Yêu ta đã là điều kiêng kị. Yêu tây càng không thể, chứ đừng nói đến chuyện lấy nhau. Cô gái Việt Nam yêu ông thầy của tôi ngày ấy, đã bị đuổi về nước sau vụ Bí thư chi đoàn tổ chức rình và bắt được hai người đang hôn nhau trong công viên buổi tối. Chàng sinh viên Nga đành bất lực trước quyết định tai ác kia. Không! Thưa thầy, thế hệ chúng em đã khác. Vì tình yêu, chúng em có thể vượt qua mọi định kiến, có thể đi với nhau đến cùng trời cuối đất.
* * *
Nghỉ hè, Jăng Pôn lên tìm tôi.
- Thủy, tao muốn sang Việt Nam thăm vợ mà không có tiền. Nghe nói vé bây giờ lên sáu trăn đô rồi. Biết làm sao bây giờ?
- Biết làm sao được. Tao cũng không có tiền về phép. Học bổng có 160 rúp, đủ mua một cái vé tháng. Tao đang tính phải mang hàng ra chợ bán lấy tiền cho năm học mới đây. Hay tao lấy hàng cho mày mang về quê mà bán. Ở đấy xa Matxơva, lãi nhiều hơn.
- Không được đâu! Người Nga chúng tao bảy chục năm nay quen nhìn người buôn bán như nhìn con chó ghẻ. Tao mà ra chợ, bạn bè nó sẽ nhìn tao với con mắt khinh bỉ ngay lập tức.
- Ở nước tao cách đây chục năm cũng nhìn người buôn bán như ở chúng mày. Cứ sĩ diện chờ học bổng hay đồng lương nhà nước thì chết đói. Nếu mày ngại gặp người quen ở quê, thì lên hẳn Mát sống với tao trong dịp hè, hai đứa cùng mang hàng ra chợ bán.
Nó băn khoăn:
- Nhưng tao với mày đào đâu ra tiền để mua hàng ra chợ?
- Cái đó khỏi lo! Tao có nhiều người quen là chủ hàng. Chúng mình có thể lấy "xu-khôi" chỗ họ.
- Lấy "xu-khôi" nghĩa là thế nào?
- Là chiều nay đến chỗ họ lấy hàng không phải trả tiền ngay. Sáng hôm sau đi chợ bán. Chiều về thanh toán. Lãi mình được hưởng.
Nó ngần ngừ suy nghĩ mấy ngày, rốt cuộc theo tôi đi chợ. Đi với nó, tôi cũng đỡ vất vả. Cái túi ba tầng đầy ắp quần bò, áo gió, tôi vác oằn cả lưng, nó chỉ xách một tay nhẹ tênh. Hôm đầu nó ngượng, chỉ đứng trông hàng, canh chừng kẻ cắp, còn mặc tôi giao dịch, đổi chác. Mấy hôm sau, nó quen dần, cũng biết mời chào khách.
Tuần trước tôi ốm mất mấy ngày. Tôi bảo nó:
- Mày có thể đi một mình được không?
- Tao sợ lắm. Nhỡ mất hàng thì sao?
- Sợ gì! Bao nhiêu cô gái Việt Nam vẫn đi chợ một mình đấy thôi.
Nó đi một lúc, trở về, mặt tiu nghỉu:
- Không lấy được hàng.
- Thế mày không đưa thư của tao à?
- Tao có đưa. Nhưng chủ hàng đi vắng. Chỉ có bà vợ ở nhà. Bà ấy không tin tao.
Hôm sau, tôi nhờ cô bạn gái cho nó đi chung. Tối về, mặt nó sa sầm:
- Mai tao không đi nữa!
- Sao thế?
- Có khách hàng mang chiếc áo bò đại bàng đến đòi đổi. Họ bảo tuần trước mua của chúng mình, về chật không mặc được. Tao bảo không nhớ mặt họ. Hai bên cãi nhau.
- Lúc ấy cô bạn tao bảo sao?
- Cô ấy đi mua bánh mỳ, chỉ có mình tao trông hàng. Họ dọa không đổi sẽ đi báo công an. Tao sợ công an đến thì lôi thôi rách việc, đành phải đổi. Lúc họ đi rồi, tao giở ra thì là áo cũ, đã vá một miếng. Thế là nó lừa mình. Lỗ mất mấy nghìn. Cô bạn mày quát tao ngay giữa chợ.
Dỗ mãi nó vẫn không chịu đi chung với cô bạn của tôi nữa. Tôi cũng thấy thế là phải.
Hôm nay, hai chúng tôi lãi được hơn hai chục đô. Bằng mấy tháng học bổng rồi còn gì. Mặt mũi nó hớn hở, bảo tôi:
- Thủy, mua rượu ăn mừng chứ?
Hai thằng mạnh dạn mua hẳn chai Vodka loại xịn và một con gà.
Đứng chợ cả ngày mệt, mới có nửa chai đã ngà ngà. Tôi cao hứng:
- Uống đi cho đã đời!
- Từ từ thôi! Mai còn đi chợ chứ!
- Chợ chiếc gì! Say thì mai nghỉ!
- Nghỉ thế nào được!
- A, thằng này say tiền nhỉ! Hôm nọ tao giục mày đi chợ. Hôm nay mày lại giục tao không được nghỉ.
- Tao còn nhiệm vụ tích cóp tiền mua vé.
- Vé là chuyện vặt. Tao chỉ giữ cho tao đủ số tiền để sống hàng ngày, còn bao nhiêu tao cho mày vay tất để mua vé. Nào, uống đi! Uống mừng sức khỏe vợ con mày!
Cộp. Chúng tôi chạm cốc.
- Trăm phần trăm nhé!
- Trăm phần trăm!
Nhưng rồi Pôn chỉ nhấp môi. Nó đặt cốc xuống, thừ người ra.
- Uống đi chứ! Mày nghĩ gì thế?
- Ở Việt Nam giờ là mấy giờ rồi nhỉ? Nó hỏi.
- Có lẽ mười hai giờ đêm.
- Vợ tao và thằng Jôi En ngủ rồi. Không biết vợ tao có nghĩ đến tao không?
Nó móc túi ngực lấy ra tấm hình con trai và vợ. Thằng Jôi En một tuổi mắt đen, tóc vàng óng, ôm quả bóng cười ngây thơ như một thiên thần. Lệ Tuyết đứng cạnh thằng Jôi En, mắt cũng ngời lên hạnh phúc. Tối nào trước khi đi ngủ, Pôn cũng lấy ảnh ra ngắm nghía. Giờ nó nhìn ảnh, nhưng hình như hồn để tận đâu đâu. Bỗng nó rơm rớm nước mắt. Tôi ân hận vì đã nhắc đến vợ con nó để nó buồn. Bố nó mất từ khi nó còn ba tuổi. Mẹ nó gửi con cho ông bà ngoại rồi đi lấy chồng. Sống côi cút, đến khi có vợ thì vợ lại về Việt Nam. Ngày vợ nó thi tốt nghiệp, bố mẹ vợ liên tục viết thư cho hai đứa: Chúng mày về Việt Nam, bố mẹ sẽ lo công ăn việc làm tùy sở thích. Tôi hiểu ông bà ấy lo mất cô con gái, lo cô bé sống côi cút nơi dất khách quê người. Tôi thấy hai đứa về Việt Nam cũng phải. Mẹ Pôn đã yên phận gia đình mới, ông bà ngoại cũng chẳng sống mãi với mình. Vợ con ở đâu, thủ đô ở đó. Tôi khuyên nó thế. Sang Việt Nam, với vốn tiếng Việt của nó, nó có thể làm phiên dịch ở một công ty nào đó. Thậm chí có thể đóng phim. Tôi vẫn thấy người ta thường thuê sinh viên Cu Ba đóng vai Mỹ. Cùng với bố mẹ Lệ Tuyết, tôi đã vẽ cho nó một viễn cảnh thật tư ơi sáng. Thế là nó đưa vợ con về Việt Nam, rồi lại bay sang bên này học tiếp, định bao giờ học xong sẽ sang Việt Nam ở hẳn. Hiếm có thằng Tây nào yêu vợ như nó. Vợ xa hàng vạn cây số đã gần một năm rồi, tịnh không thấy nó bắt quen với cô gái nào.
- Này Thủy, mày nghĩ gì thế?
Tôi giật mình:
- Nghĩ về mày. Tao đang định viết truyện ngắn về mày đấy.
- Mày viết cái gì về tao?
- Về những kỷ niệm tao với mày làm quen như thế nào. Về những ngày hai thằng sinh viên nghèo chúng mình phơi mặt ngoài chợ kiếm tiền.
- Tao xin mày đừng viết. Nếu truyện được in ra, vợ tao nó đọc, nó sẽ buồn. Bố mẹ vợ đọc thì lại xấu hổ về tao.
- Đi chợ có gì mà xấu. Tao với mày có ăn trộm ăn cắp đâu nào. Với lại, tao sẽ đổi tên mày khác đi.
- Đổi khác đi thì vợ tao vẫn nhận ra.
- Tao sẽ đổi cả tên trường, cả địa điểm thành phố. Truyện là bịa cơ mà.
- Cũng không nên. Cả nước mới có vài cô gái lấy chồng Tây. Đọc na ná là họ nhận ra tao ngay.
- Mày trở thành nhân vật văn học thì mày sẽ nổi tiếng.Tôi đùa nó.
Mắt nó lại rơm rớm:
- Bây giờ tao mới nói thật với mày. Hồi về Việt Nam năm ngoái, tao buồn lắm. Vợ tao nó cũng khóc luôn. Mày có biết vì sao không? Vì chúng tao quá nghèo. Tao chỉ đủ tiền mua vé sang với vợ con. Vợ tao mới xin được việc làm, lương chẳng đáng là bao. Ba bốn tháng trời tao ăn bám vào bố mẹ vợ. Mấy hôm đầu thì vui vẻ, liên hoan mời họ hàng đến mừng chàng rể ngoại. Sau hết tiền thì chỉ có rau muống luộc, có cá kho là sang rồi. Giờ tao mới hiểu câu "ch ó ở gầm chạn" của người Việt là thế nào. Mỗi bữa, người Hà Nội thanh cảnh chỉ cần ba bát cơm là đủ. Sức tao phải gấp đôi. Nhưng tao phải cố tập cho cái bụng bé lại kẻo thành người thô tục. Có hôm vợ dẫn ra quán ăn phở, tuy ngon và no bụng nhưng vẫn cứ thèm một lát bánh mỳ Nga, một đĩa xa lát củ cải đỏ trộn mai-ô-nhes. Vợ đi làm, tao ở nhà trông con. Gặp ngày ông bố vợ nghỉ việc cơ quan, tao cứ ngồi nem nép. Ông già chỉ gật đầu ừ hữ khi tao hỏi. Suốt ngày ông đọc Kinh Phật. Không đọc sách thì ngồi uống trà, hút thuốc một mình. Lắm lúc muốn mon men trò chuyện với ông nhưng lại thôi. Ông không biết tiếng Nga. Vốn tiếng Việt của tao không đủ để giãi bày tâm sự. Gặp điều gì hơi phức tạp, vợ tao lại phải làm người phiên dịch. Tao cứ băn khoăn mãi, tại sao ông già ít khi bắt chuyện? Lúc đầu tao chỉ nghĩ ông cụ mải ngồi thiền, hoặc suy nghĩ về tôn giáo. Về sau tao mới hiểu là ông khinh chàng rể. Một đêm, vợ tao dấm dứt khóc. Gặng mãi, vợ tao mới hỏi, bố mẹ bảo không cho ở nhờ nữa. Cơ quan không phân nhà, tiền đâu mà mua nhà mới. Nó bảo biết thế này cứ ở bên Nga cho xong. Mày biết không, nhà bên cạnh cũng có con gái lấy chồng Tây. Hắn ta là người Mỹ hay Thụy Điển gì đấy tao không nhớ rõ. Hai vợ chồng về thăm, bỏ tiền xây cho bố mẹ vợ hẳn một biệt thự. Nhà tao chỉ có mấy chục mét vuông. Hai ông bà già, hai vợ chồng thằng em vợ, vợ chồng tao với cu Jôi En là bảy. Tối đến, cả nhà đi làm về, không khí thật là ngột ngạt. Có lúc bức xúc quá, tao lẻn ra vườn hoa Chí Linh cho dịu thần kinh. Chưa nóng chỗ đã có mấy cô gái làm tiền xán đến. Tưởng tao là Mỹ hay một ông tư bản sộp, họ xổ ra một tràng tiếng Anh lẫn tiếng Pháp giả cầy, rồi còn bá vai bá cổ. Tao sợ quá, bỏ chạy một mạch về nhà, kẻo vợ lại nghĩ trốn đi lăng nhăng. Ở nhà như người thừa, ra đường thì không dám. Biết làm sao được. Cái biệt thự bên cạnh cứ sừng sững như trêu ngươi. Tao tủi lắm. Lại càng thương vợ. Cũng là lấy chồng Tây, người ta lấy chồng Pháp, Mỹ giàu có, sướng cả đời. Bố mẹ vợ kính trọng đón rước chàng rể còn hơn nguyên thủ quốc gia. Còn chồng mình, thì...
Nó bật lên nức nở. Tim tôi có cái gì đó vỡ òa. Hóa ra, hồi Tết nó buồn không chỉ vì xa vợ. Chợt nhớ tới bộ mặt trầm ngâm và lời tiên cảm của ông Trưởng khoa ngoại quốc. Hồi đó, tôi đã hăng hái thuyết ông về tình yêu không biên giới. Giờ tôi mới cảm thấy ông có lý. Tình yêu chắp cánh cho tâm hồn lãng mạn bay bổng. Thực tế phũ phàng đã vặt trụi đôi cánh của Tình yêu, ném nó trở về mặt đấy đầy bụi bậm. Chẳng lẽ Tình yêu là vậy sao?
Mắt tôi mờ đi. Trước mặt tôi, Pôn ngồi như hóa đá. Trông nó già đi hàng chục tuổi.
C.H.T
Matxơva 2/11/1993
In trên Tạp chí Người bạn đường số 4, Matxơva,1994
| |
|