Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 16:50 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 1
Số truy cập: 1697276
Tin tức > Giới thiệu > Xem nội dung bản tin
BÁO CÁO TỔNG KẾT VÀ ĐỀ ÁN CÔNG TÁC MỚI TẠI ĐẠI H?I III
[24.08.2006 05:00]
Do Nhà văn Châu Hồng Thuỷ đọc tại Đại Hội lần thứ Ba ngày 26 tháng 6 năm 2005 tại Matxcơva


PHẦN 1: BÁO CÁO TỔNG KẾT NHIỆM KỲ II.

Vài nét về tình hình chung:

Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga ra đời vào ngày 18 tháng 8 năm 1994, với sự có mặt của 37 thành viên sáng lập. 11 năm qua, Hội đã trải qua nhiều bước thăng trầm cùng với sự thăng trầm của Cộng đồng.

Đại Hội lần thứ 2 của Hội được tiến hành vào ngày 09 tháng 06 năm 1999, với 31 hội viên trực tiếp tham gia bỏ phiếu, trong đó, số Hội viên cũ chiếm chưa tới một nửa.
Trong Đại Hội lần thứ III hôm nay, cũng tại Hội trường này, số Hội viên tham gia từ khoá I, hầu hết đã về nước, nay chỉ còn lại 4 người. Điều đó nói lên đặc điểm chung của Hội, và của cả cộng đồng người Việt ở Nga: Đó là sự không ổn định về đội ngũ.

Nhiệm kỳ II của chúng ta diễn ra trong bối cảnh cộng đồng Việt Nam vừa trải qua cơn lốc khủng hoảng tiền tệ chung của nước Nga (tháng 8 năm 1998). Những năm gần đây, nền kinh tế thị trường Nga dần ổn định, phát triển theo chiều hướng mới, khiến các mô hình kinh doanh của cộng đồng dần trở nên lạc hậu, chưa theo kịp sự đòi hỏi của thị trường. Thu nhập của những người kinh doanh, của các Công ty giảm sút, đời sống khó khăn, ảnh hưởng tới các hoạt động văn hoá văn nghệ nói chung.

Các Hội viên của chúng ta cũng phải chịu chung những sóng gió thử thách cùng với cộng đồng. Nhiều người đã về nước hẳn, hoặc chuyển sang nước khác. Nhiệm kỳ II kéo dài đã 6 năm, qua nhiều lần trì hoãn, đến nay chúng ta mới tiến hành được Đại Hội lần III. Sự trì hoãn ấy do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Ban chấp hành Hội về nước gần hết. Từ 8 người, còn lại chỉ có 3 cho đến nay. Trong 3 người ấy, lúc có người này lại vắng mặt người kia…

Nhưng, dù chưa tiến hành Đại Hội, không có đầy đủ Ban chấp hành, các văn nghệ sĩ vẫn cứ sáng tác, vẫn xuất bản sách báo và tạp chí, tổ chức những hoạt động biểu diễn văn nghệ... Sáu năm qua (1999-2005), Hội chúng ta đã có những thành tích đáng kể.

1.HOẠT Đ?NG SÁNG TÁC, NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH, DỊCH THUẬT VĂN HỌC.

Đây là hoạt động chủ yếu và nổi bật nhất của Hội. Chiếm đa số trong đội ngũ sáng tác là những nhà thơ, với những tên tuổi đã quen thuộc với cộng đồng từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước như Nguyễn Đình Chiến, Bùi Quang Thanh, Châu Hồng Thủy, Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Thu Trang…; những tác giả mới nổi lên từ đầu khóa 2 như Thụy Anh, Lê Tây, Nguyễn Thông, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Xuân, Ngô Minh Sơn, Thi Ải Bắc ... Gần đây, năm 2004, Hội đã phát hiện được một tác giả mới là Mạc Thành Nhất ở thành phố Upha, thủ đô nước Cộng hoà Baskirria. Thơ của anh tuy mới xuất hiện, nhưng đã khẳng định được mình. Tác giả Đào Thị Côi, ở thành phố Ka dan thuộc Cộng hoà Tatarxtan, đã xuất bản hai tập thơ và hai album nhạc phổ thơ của chị, cũng vừa mới gia nhập Hội.

Tác phẩm của các Hội viên được công chúng biết đến qua những Đêm Thơ do Hội phối hợp với các TTTM của cộng đồng tổ chức, qua tạp chí Người bạn đường của Hội Văn học Nghệ thuật, tạp chí Tao đàn của Chi Hội Nhà văn và tạp chí Đất nước, tiếng nói của Đại Sứ quán, tạp chí Người đồng hương của Hội người Việt định cư…

Những Đêm Thơ nhân dịp các ngày Lễ, là một trong những hình thức có hiệu quả cao, giới thiệu các nhà thơ với đông đảo công chúng trong cộng đồng. Chỉ riêng cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 1999, nhân dịp Đại hội II và các nhà thơ trong nước sang thăm Matxcơva theo lời mời của Hội, chúng ta đã liên tiếp tổ chức được 6 đêm Thơ tại Hội trường Đại sứ quán và các TTTM. Từ năm 2000 đến nay, đã thành truyền thống, năm nào Hội cũng tổ chức Đêm Thơ Nguyên tiêu giao lưu cùng các nhà thơ, nhà văn và các nhà hoạt động xã hội Nga. Sáu năm của nhiệm kỳ II, đã có 6 đêm Thơ Nguyên tiêu phối hợp với các TTTM An Đông, Sông Hồng, TTKTTM Quốc tế, Lion, Bến Thành và Hội người Việt Nam tại LB Nga… tổ chức.

Tuy đội ngũ sáng tác thơ đông đảo, nhưng số Hội viên xuất bản các tập thơ riêng không nhiều. Bùi Quang Thanh khoá trước ra tập“Heo may xứ tuyết”(1998), sang khoá II viết đều, có nhiều thơ đăng trên các Tạp chí. Châu Hồng Thủy sau gần 15 năm ở Nga mới có tập “Những bông tuyết mùa hè” (NXB Sáng tạo - Matxcơva - 2004). Nguyễn Đình Chiến về nước, cho ra đời tuyển thơ “Vầng trăng trên tuyết” (NXB Hội nhà văn – HN - 2003). Nguyễn Huy Hoàng là người viết nhanh và nhiều hơn cả. Anh cho in ở các nhà xuất bản trong nước liền ba tập “Phía bên kia trời, Miền yêu thương, Đa mang” và sắp tới là tập “Đường về”. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thuỷ, Bùi Quang Thanh, Nguyễn Huy Hoàng đã khẳng định được vị trí của mình, có mặt trong các Tuyển tập thơ uy tín trong nước như: “Tuyển thơ Việt Nam 1975 - 2000” (NXB Hội nhà văn. H. 2001), “Tuyển thơ Việt Nam nửa thế kỷ 1945-2000” (NXB Lao động. H. 2001). Nhiều tác giả chưa in thành tập, nhưng cũng có góp mặt trong tuyển thơ “Việt Nam quê hương tôi” do Uỷ ban về người Việt ở nước ngoài và NXB Văn học xuất bản (Hà Nội - năm 2000) như: Võ Thị Thu Trang, Thuỵ Anh, Lê Tây, Nguyễn Thông, Ngô Minh Sơn …

Tựu trung, trong sáng tác thơ ca, có hai mảng đề tài lớn. Một là những bài thơ viết về nước Nga, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga. Hai là những bài thơ hướng về quê hương đất nước, với những tình cảm yêu thương, nhớ nhung tha thiết. Hầu như ở mảng đề tài nào, cũng có thể chọn được những bài thơ trong sáng, trình độ nghệ thuật cao, xứng đáng đưa vào các tuyển tập Văn học.

Đội ngũ văn xuôi ít về số lượng người cầm bút, đồng thời cũng ít cả về số tác phẩm được in. Đây là điểm yếu của Hội ta kể từ khoá I cho đến nay. Có lẽ do người Việt ở Nga mục đích chủ yếu là làm kinh tế, quanh năm mải lo chuyện hàng hoá, nên những người cầm bút ít có thời giờ để dành cho văn xuôi.

Trên lĩnh vực văn xuôi, có thể kể đến Châu Hồng Thuỷ, Nguyễn Huy Hoàng, Tường Vân, Phương Như (Đỗ Hà), Thiên Can, Hồng Chiên, Nguyễn Đình Lâm, Trần Vũ (Trần Thanh Bình). Trong không khí Đại Hội hôm nay, chúng ta nhớ tới một Hội viên “đặc biệt” đã quá cố, mất ở đầu khoá II. Đó là Nhà văn Nguyễn Văn Tài. Đặc biệt, bởi anh bắt đầu cầm bút viết truyện ngắn thực sự khi đã gần tuổi 60, với sức lao động phi thường, một mình ra tạp chí văn nghệ “Đồng hương” mỗi tháng một số, mặc dù không được tài trợ, nhưng anh tự bỏ tiền in, tự phát hành. Số nào cũng có truyện ngắn của anh. Chỉ trong hơn một năm, anh đã ra được 11 số tạp chí và có được tập truyện ngắn “Nơi gặp gỡ của những thân phận” gây xúc động. Anh đã kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trước khi về cõi vĩnh hằng. Một trường hợp đặc biệt nữa là tác giả Thiên Can, 60 tuổi mới cầm bút viết truyện ngắn, viết nhanh và khoẻ. Tập truyện ngắn đầu tay “Hoa bồ công anh” xuất bản trong khoá 1 của Thiên Can đã gây được ấn tượng tốt. Trong khoá 2, anh liên tiếp cho ra mắt độc giả tập truyện ngắn “Mùa lấy mật hoa bạch dương” và hai truyện dài Duyên, Bông sen bên dòng sông Kandanka. Hiện tác giả đã về nước. Phương Như có một số truyện ngắn dí dỏm, sinh động, gây được cảm tình với bạn đọc, được giải Nhì trong cuộc thi của Tạp chí Đất nước năm 1999, hiện đã chuyển đi Ucraina sinh sống. Tường Vân, một cây bút viết truyện ngắn sắc sảo, chắc tay nghề, cùng đoạt giải Nhì với Phương Như năm 1999, hiện cũng rất ít cho công bố tác phẩm mới. Trong làng Văn xuôi, Nguyễn Đình Lâm xuất hiện muộn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, anh đã cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Con kiến tật nguyền” (NXB Sáng tạo, 2002), được dư luận khen ngợi. Tập truyện ngắn thứ hai của anh cũng đã nằm trên bàn biên tập của nhà xuất bản Thanh Niên trong nước, sẽ ra mắt độc giả nay mai. Hội viên mới Trần Vũ cũng là một trường hợp đặc biệt, tuy viết ít nhưng rất “chắc tay nghề”.

Nhìn chung, đội ngũ sáng tác văn xuôi đã chú ý tới hiện thực đời sống của cộng đồng người Việt ở Nga, nhưng chưa có những tác phẩm thật xuất sắc, chưa phản ánh sâu sắc những hoàn cảnh, những số phận con người với những bi kịch, những tâm tư tình cảm, những khát vọng vươn tới của họ… Hiện thực đời sống nhiều khi thật dữ dội và khốc liệt, các cây bút của ta chưa thực sự nêu được cái cốt lõi của đời sống …
Trong khoá II, Hội có đề ra chủ trương mở các Trại Sáng tác văn học để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Trại sáng tác Văn học do Hội tổ chức tại Matxcơva 1999, với sự giúp đỡ của TTTM Sông Hồng, đã động viên khích lệ những người cầm bút. Rất tiếc, hoạt động này trong khóa II và cả mười năm qua, Hội ta chỉ tổ chức được một lần duy nhất…

Về Nghiên cứu, Lý luận phê bình văn học, đây là lĩnh vực khó, mang tính chất đặc thù. Hội ta hầu như không có cây bút nào chuyên tâm đến lĩnh vực này. Châu Hồng Thủy có đôi bài viết dưới dạng chân dung văn học, về A. Puskin, Marian Tkachov, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Đình Chiến…, nhưng đây cũng không phải là mảng quan tâm chính của tác giả. Hội viên Đàm Mỹ Hạnh, là người được đào tạo cơ bản để nghiên cứu văn học, có bài viết về tập truyện ngắn “Hoa bồ công anh” của Thiên Can và bài nhận xét ngắn về Truyện ngắn của Đỗ Hà (Phương Như), nhưng đã lâu, chị chưa dành thời giờ cho lĩnh vực của mình. Chu Huy Sơn có một số bài viết về Văn học Nga trong sách giáo khoa Việt Nam, Văn học Châu Mỹ la tinh, giới thiệu các nhà văn: Nicolas Ghiden, Felix Pita Rodrighet, Đặng Trần Phất; những hồi ức về Xuân Diệu, Đoàn Việt Bắc… Tác giả Trần Vũ (Trần Thanh Bình) mới xuất hiện gần đây với một số bài viết về các nhà văn Nga như Ruliev, Lermotov, Griboedov, Tonxtoi… hoặc về các nhân vật lịch sử như Pier Đại đế, Cutudov, nhà vua Minh Mạng… Những bài viết của anh nghiêm túc, có tư chất của một người nghiên cứu thực thụ. Nguyễn Huy Hoàng, một cây bút đa năng cũng có một chuyên luận dày dặn, công phu với tên gọi “Thi pháp truyện ngắn Gô gôn” ( 312 trang, NXB Đại học Quốc gia, H. 2002), đã được đưa vào chương trình giảng dạy của trường ĐHTH Hà Nội.

Về dịch thuật, đội ngũ vốn đã ít ỏi từ khóa I, thì sang khóa II lại càng ít hơn. Hồ Quốc Vỹ, anh cả của đội ngũ dịch thuật, người có hàng chục đầu sách được in, đã cùng với các cây bút Kim Bảo, Từ Thị Loan về nước. Duy chỉ có một người chuyên tâm với việc dịch văn học còn ở lại, đó là Nguyễn Thị Kim Hiền. Trong nhiều năm qua, chị đã cho xuất bản “Trở về Êđen” của Rosalind Miles, “Tiếng cười trong bóng tối” của Nabokov và hàng loạt những truyện ngắn của các nhà văn lớn của Nga như I.Bunhin, A. Platonop, M. Zoshenko, A. Grin, V. Tocareva, D. Rubina… in ở các nhà xuất bản trong nước và trên các tạp chí tại LB Nga như Người bạn đường, Tao đàn, Đất nước, Người Đồng hương. Chu Huy Sơn dịch thơ từ tiếng Tây Ban Nha: chùm thơ Nicolas Ghiden đăng trên Người bạn đường. Châu Hồng Thủy tham gia chỉ như một người ngẫu hứng, thỉnh thoảng có dịch một đôi bài thơ Nga, thơ Pháp và thơ Đường, với bút danh Đoàn Yên Ly, Đan Thanh, Châu Đan Quế... Gần đây xuất hiện một nữ dịch giả trẻ có nhiều triển vọng: Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Viện Tiếng Nga mang tên Puskin). Chị đang tập trung dịch các truyện ngắn của hai nhà văn Nga X.Kaznechev và V.Đragunxki.

Nói chung, mảng quan tâm chủ yếu của những người dịch là văn học Nga đương đại. Họ có đóng góp đáng ghi nhận trong việc giới thiệu văn học Nga với độc giả Việt Nam…

Điều đáng tiếc là đội ngũ các nhà thơ, nhà văn của Hội luôn luôn biến động, không có ai sống định cư tại Nga. Các hội viên Nguyễn Đình Chiến, Bùi Quang Thanh, Lê Tây, Nguyễn Thông, Thiên Can, Phương Như… đã lần lượt về nước hoặc chuyển sang nước khác. Chính vì thế, dòng văn học Việt Nam tại Nga hơn mười năm qua, tuy đã hình thành, nhưng diện mạo của nó chưa thực rõ nét và sâu đậm.

2. HOẠT Đ?NG ÂM NHẠC - MỸ THUẬT VÀ CÁC CHUYÊN NGÀNH KHÁC

Hội viên ngành Âm nhạc có số lượng tương đối lớn, chiếm đến gần 50 % trong tổng số Hội viên của Hội. Tuy nhiên, số người sáng tác cực kỳ ít ỏi, chưa đủ đếm trên một bàn tay, bản thân họ cũng không chuyên tâm cho công việc sáng tác. Tác giả Hồng Hà, ở khoá trước đã tổ chức một đêm Nhạc Hồng Hà và cho xuất bản album “Em đến” và góp phần ra album “Tiếng hát cộng đồng” của nhiều tác giả. Đầu nhiệm kỳ 2 này, anh có Album “Mùa thu Hà Nội”. Gần đây, với tư cách là Hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, anh có tác phẩm tham gia dự thi sáng tác về Đà Nẵng do Hội nhạc sĩ Việt Nam phát động. Anh cũng có đóng góp nhiều trong các đợt Hội diễn Văn nghệ Cộng đồng do Đại sứ quán tổ chức. “Câu lạc bộ Ghi ta cổ điển” do nhạc sĩ Hồng Hà thành lập mấy năm qua và trực tiếp giảng dạy đã thu hút được những người yêu âm nhạc, đào tạo được một số các bạn chơi ghi ta cổ điển. Nguyễn Thế Thừa và Tạ Huy Hoàng có một số ca khúc giới thiệu trên tạp chí. Công việc chủ yếu của các anh là phối khí, dàn dựng chương trình biểu diễn. Hai anh đã có công lớn trong việc cùng Hội văn nghệ tổ chức đêm nhạc Hồng Hà, tổ chức cho Ban nhạc Văn Lang đi biểu diễn phục vụ cộng đồng tại Matxcơva và một số địa phương khác…

Hoạt động chủ yếu của các Hội viên chuyên ngành Âm nhạc trong nhiệm kỳ II vừa qua là biểu diễn.

Hoạt động biểu diễn âm nhạc có nhiều hình thức. Các diễn viên xuất hiện trước đông đảo cộng đồng với tư cách Hội viên Hội Văn nghệ trong những đêm Thơ – Nhạc do Hội kết hợp với các TTTM tổ chức, hoặc với tư cách là thành viên của một TTTM trong các Đêm liên hoan văn nghệ cộng đồng do Sứ quán tổ chức, hoặc biểu diễn trong những tiệc cưới, sinh nhật tại các nhà hàng.

Một nhóm các nghệ sĩ tiêu biểu của Hội là Ban nhạc Văn Lang thuộc Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật Văn Lang. Người có công đầu trong việc xây dựng Trung tâm và Ban nhạc này là nhạc sĩ Nguyễn Thế Thừa (hiện đã chuyển sang Ucraina sinh sống).

Ban đầu, Trung tâm có nhiều dự định, như phát hành báo chí, ghi hình, thu băng đĩa… nhưng cuối cùng, chỉ thực hiện được một nhiệm vụ là biểu diễn văn nghệ thông qua Ban nhạc Văn Lang. Có thể ghi nhận những đóng góp tích cực của các nhạc sĩ, ca sĩ từ những ngày đầu xây dựng Ban nhạc là Nguyễn Thế Thừa, Tạ Huy Hoàng, Bích Hòa, Ngọc Bảo, Minh Công, Ngọc Hồi… tiếp đến là các ca sĩ Cẩm Vân, Anh Tú, Minh Lượng, Nguyễn Đình Thịnh, Thanh Lan, Ngọc Nga, Hồng Lam…Ban nhạc đã có những đợt biểu diễn tại các Trung tâm của cộng đồng, phục vụ những ngày lễ lớn của dân tộc tại Matxcơva, và cả thành phố xa. Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Thế Thừa chuyển đi Ucraina, Ban nhạc Văn Lang do nhạc sĩ Tạ Huy Hoàng quản lý vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và bổ sung thêm thành viên mới.Thời gian gần đây, một số ca sĩ đã tách không sinh hoạt trong nhóm. Nhu cầu mở thêm những Ban nhạc mới do số lượng ca sĩ đông lên là nhu cầu cần được Hội quan tâm hơn.

Trong các cuộc Hội diễn Văn nghệ Cộng đồng, các Hội viên của Hội cũng tích cực tham gia và giành được những thành tích đáng kể. Họ thường xuất hiện với tư cách là thành viên của một đơn vị TTTM, như Ngọc Hồi thuộc THTM TOGI, Hồng Lam, Thanh Lan, Đình Thịnh… thuộc Bến Thành; Minh Công, Minh Lượng, Anh Tú, Ngọc Nga… thuộc TTKTTM Quốc tế .v.v.. Những ca sĩ Hội viên của Hội đã giành được giải thưởng xứng đáng của Hội diễn Cộng đồng là Ngọc Hồi, Minh Công…

Trong nhiệm kỳ này, BCH Hội chưa có những biện pháp tích cực để phát huy thế mạnh của lực lượng biểu diễn ca nhạc trong cộng đồng. Có những tài năng ca nhạc chưa được giới thiệu vào Hội. Có Ban nhạc hoạt động đã lâu, như Trúc Xinh, Bốn mùa… BCH cũng chưa tích cực vận động họ tham gia Hoạt động chung của Hội. Cả Hội chỉ có một ban nhạc Văn Lang, chưa đủ chỗ để dung nạp đội ngũ đông đảo các ca sĩ hiện nay. Nhiều năm qua, Hội hầu như không có liên hệ gì với các sinh viên, nghiên cứu sinh thuộc Nhạc viện Traikovxki và các Nhạc viện khác. Đây là đội ngũ tài năng, được đào tạo cơ bản, cần được mời tham gia Hội trong thời gian tới.

Khối Mỹ thuật, hầu như không có hoạt động gì. Họa sĩ Trịnh Văn Khanh mất ở cuối khóa 1, chưa kịp thực hiện dự định triển lãm phòng tranh riêng của mình. Hoạ sĩ Lê Thanh Minh, Họa sĩ Hoàng Tân Hưng trước đây có triển lãm tranh, đã về nước. Các hoạ sĩ khác như Đào Dũng, Nguyễn Văn Hài… do mải kinh doanh, hoặc lo đời sống thường nhật, không mấy khi cầm bút sáng tạo nghệ thuật, chưa ai có tổ chức triển lãm tranh. Tuy nhiên, Hội cũng đã chú trọng tới việc phát hiện và động viên phát huy năng khiếu nghệ thuật của các cháu thiếu nhi như: Đào Vũ Hạnh Trang (vừa có năng khiếu Âm nhạc lẫn Hội hoạ) ở thành phố Reutov, Phạm Cẩm Phú (Hội hoạ) ở thành phố Upha, giới thiệu các cháu trên tạp chí của Hội và trong nước…

Về Điêu khắc, Hội duy nhất có một người (Trần Long), đã công bố một số tác phẩm điêu khắc và bài nghiên cứu về Đình làng Việt Nam trên Tạp chí Người bạn đường số 15.

Năm 2003, Hội đã kết nạp một Hội viên chuyên ngành Hội hoạ, nhưng từ đó cũng chưa mở rộng quan hệ tới các sinh viên Trường Hội hoạ Xurikov và các trường Mỹ thuật công nghiệp.

Nếu như trong khoá I, Hội chúng ta còn có đủ những ngành như Sân khấu, Điện ảnh, thì trong khoá II, các chuyên ngành này không có hội viên nào. Các Hội viên Nhiếp ảnh, Truyền hình chủ yếu hoạt động phục vụ các Hội nghị, đám cưới, sinh nhật hơn là góc độ nghệ thuật. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Hội viên Chí Linh đã có những bức ảnh, những thước phim đáng quý về mặt tư liệu, phản ánh kịp thời các vấn đề thời sự trong đời sống cộng đồng. Anh là Cộng tác viên của Đài truyền hình VTV 4, được công chúng rộng rãi biết đến.

3. CÔNG TÁC XUẤT BẢN SÁCH BÁO - TẠP CHÍ VÀ CÁC ẤN PHẨM VĂN HOÁ KHÁC.

Tạp chí Người Bạn Đường là cơ quan ngôn luận của Hội. Kể từ khóa II đến nay, trong 6 năm Hội chỉ cho ra được 4 số. Đó là một bước thụt lùi so với khóa I.

Lý do chính là chúng ta thiếu nguồn kinh phí để in ấn. Các nhà văn là những người làm kinh tế kém, không thể tài trợ cho việc in tạp chí. Các nhà doanh nghiệp của ta tại Nga ít người quan tâm đến văn hoá. Số người gọi là Mạnh Thường quân cho nghệ thuật với ý nghĩa đích thực hầu như rất hiếm. Chưa nói đến việc tài trợ, chỉ riêng việc mua tạp chí để tặng bà con ngày Tết, nhiều công ty cũng đã không có ý định làm việc này. Một nguyên nhân nữa là tư duy kinh tế của những người làm Tạp chí còn cứng nhắc, cho rằng Tạp chí thuần tuý làm văn nghệ, nên không có chủ trương in quảng cáo, trong khi đó, chính các quảng cáo lại là nguồn để nuôi Tạp chí. Tạp chí Người Bạn Đường ra đến số 15 (Tết năm 2003) thì tạm ngừng, chờ quyết định của Đại Hội.

Tại Hội nghị Ban chấp hành tháng 11 năm 2003, có chủ trương khuyến khích lập Chi Hội chuyên ngành và ra tạp chí, nhưng hiện chỉ có Chi Hội nhà văn thực hiện được điều này.

Tạp chí Tao Đàn tiếng nói của Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại LB Nga được ra đời nhân dịp Lễ ra mắt Chi Hội năm 2003. Hiện nay Tao Đàn đã ra được 2 số, với dung lượng dày dặn (80 và 96 trang), có chất lượng. Tuy nhiên, Tao Đàn cũng đang gặp phải khó khăn về tài chính cũng giống như tình trạng của Tạp chí Người Bạn Đường.

Về xuất bản sách, giới thiệu sáng tác của các Hội viên, ở phần trên đã điểm tên từng đầu sách. Các Hội viên tự lo kinh phí, tự lo in ấn và phát hành, Hội hầu như không hỗ trợ được gì. Hội cũng không có NXB riêng. Các tác giả in sách tại Matxcơva thường dựa vào nhà xuất bản “Sáng tạo” của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga. Các tác giả khác in sách ở trong nước, thường do các nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Văn Học hoặc Thanh Niên… ấn hành.

Nhiệm kỳ II, Hội cho ra đời tuyển tập Thơ “Tuyết ấm” của nhiều tác giả (Matxcơva – 2003). Đây là một tập sách dày dặn, tuy việc tuyển chọn chưa thật kỹ, nhưng đã góp phần động viên các cây bút, giới thiệu những gương mặt thơ của cộng đồng người Việt tại Nga.

Việc chủ trương ra Album nhạc của Trung tâm VHNT Văn Lang được đề ra từ ngày đầu thành lập, nhưng do còn thiếu quyết tâm, còn quá cầu toàn về mặt kỹ thuật, vì thế, cho đến nay, vẫn chưa thực hiện được. Cộng đồng người Việt ở Nga đông đảo, có một lực lượng ca sĩ tương đối lớn, tại sao chúng ta lại không thể tổ chức được một Trung tâm biểu diễn, sản xuất băng, đĩa nhạc? Đó là điều các anh chị em văn nghệ sĩ cần để tâm suy nghĩ…

4. HOẠT Đ?NG ĐỐI NGOẠI

Quan hệ đối ngoại của Hội, trước hết là hướng tới việc liên hệ với các nhà văn Nga và các cơ quan văn hoá xã hội Nga. Quan hệ này đã có từ trước khi thành lập Hội (1994). Trước tiên là mối quan hệ giữa các nhà văn Việt Nam học tại trường viết văn Gorki như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Từ Thị Loan, Châu Hồng Thuỷ, Vũ Xuân Hương, Thuỳ Linh, Phan Thanh Thuỷ, Nguyễn Thị Kim Hiền…hoặc Nguyễn Huy Hoàng ở trường MGU… với các nhà văn Nga đã từng gắn bó với Việt Nam thời chống Mỹ như Nhikolai Nhikulin, Marian Tkachov, Teođr Gladkov, Mikhail Ilinxki, Rimma Kazakova … và nhiều nhà văn Nga thế hệ mới. Quan hệ của một nhóm nhà văn đã được nâng thành quan hệ của Hội, kể từ khi Hội ra đời.

Ngay từ khi thành lập, Điều lệ Hội đã xác định nhiệm vụ đối ngoại là một hoạt động quan trọng.

Mặc dù các nhà văn Nga phân hoá thành hai tổ chức (hai Hội nhà văn), nhưng Hội ta vẫn không phân biệt chính kiến, tiếp xúc và quan hệ với các thành viên của cả hai Hội nói trên. Việc Tổ chức những Đêm Thơ Nguyên tiêu giao lưu giữa các nhà thơ nhà văn Việt Nam với các nhà thơ, nhà văn và các nhà hoạt động xã hội Nga trong nhiều năm qua là một việc làm đối ngoại cụ thể, góp phần thắt chặt tình Hữu nghị giữa hai dân tộc. Những dịp Lễ, Tết của hai nước, những ngày sinh nhật của các nhà văn Nga, Hội đều có thư hoặc điện chúc mừng. Hoạt động thiết thực nhất trong quan hệ đối ngoại là việc tổ chức dịch và in giới thiệu các tác phẩm văn học Nga trên các tạp chí của Hội và trong nước, chú trọng dịch những tác giả đương đại, có gắn bó với Hội…

Tuy nhiên, trong quan hệ đối ngoại, Hội vẫn còn có những sơ suất, như sinh nhật của một số nhà văn lớn có gắn bó với Việt Nam, hoặc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Nga, BCH Hội quên không gửi điện chúc mừng… Quan hệ Hội Văn nghệ với Hội Khoa học kỹ thuật trong nhiều năm qua đã có sự gắn bó, cùng hợp tác ra số báo đặc biệt Hoa đào xứ Tuyết, tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Puskin (phối hợp với Viện Tiếng Nga mang tên Puskin). Hội đặc biệt gắn bó với các Trung tâm thương mại lớn của cộng đồng trong việc tổ chức những đêm thơ, và được các Trung tâm tài trợ trong việc ra tạp chí, như Trung tâm KTTM Quốc tế, TTTM Bến Thành, TTTM Sông Hồng, THTM Tô gi, TTTM Lion, TTTM An Đông….. Nhưng mấy năm gần đây, việc gắn bó với các Trung tâm có phần giảm sút. Việc quan hệ với cộng đồng người Việt ở các thành phố xa có phần mờ nhạt.

Quan hệ giữa Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga với Hội nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trong nước là quan hệ song phương. Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga trở thành cầu nối giữa Hội nhà văn VN trong nước với hai Hội Nhà văn Nga. Hội đã tạo điều kiện để các nhà văn Việt Nam tiếp xúc với các nhà văn Nga và ngược lại.

Các cán bộ của Hội Nhà văn và Hội liên hiệp VHNT, Đài truyền hình… trong nước sang công tác tại Nga, Hội đều có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi công tác và tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dịp Đại Hội lần thứ II, Hội đã mời các nhà thơ nhà văn trong nước sang thăm và dự Đại Hội như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn, Chu Thăng, Hà Phạm Phú. Nhà văn, dịch giả Thuý Toàn, cố Nhạc sĩ Trần Hoàn (Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Việt Nam) trong những dịp sang Nga đều đến thăm và làm việc với BCH Hội.

Hoạt động đối ngoại là một mặt mạnh của Hội ta trong khoá II, có thể nói nổi bật hơn cả khoá I.

5. CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ CÔNG TÁC H?I VIÊN

a. Hoạt động của Ban Chấp hành:

Ban Chấp hành Khoá II lúc đầu có 7 người, sau do nhu cầu công tác, đã bổ sung thêm một người thành 8. Nhìn chung, BCH đã thực hiện được những nhiệm vụ chính mà Đại Hội II đề ra.

Tuy vậy, BCH đôi khi hoạt động tuỳ tiện, thiếu bàn bạc. BCH không có kế hoạch họp định kỳ, thường chỉ nảy sinh họp ngẫu hứng khi có công việc cụ thể. Khó khăn lớn nhất của BCH là: giữa nhiệm kỳ, đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký và một số Uỷ viên đã về nước hẳn. BCH còn lại chỉ có 3 người, nhưng vẫn cố gắng duy trì các hoạt động chung của Hội.

b.Tổ chức các Chi Hội

Ngay từ khi thành lập, Hội chúng ta đã chia ra các chuyên ngành, nhưng chỉ có tính chất tương đối, mọi hoạt động vẫn kết hợp chung. Cuối nhiệm kỳ II, Chi Hội nhà văn đã chính thức ra mắt. Chi Hội có Tạp chí riêng (Tao Đàn). Các chuyên ngành Mỹ thuật - Âm nhạc và Nhiếp ảnh - Truyền hình chưa tổ chức được các chi Hội riêng.

Trước đây, Chi Hội Tô gi được thành lập theo cơ sở phân vùng, tập hợp các Hội viên các chuyên ngành đang sinh sống, làm ăn tại THTM Tô gi. Đã lâu nay, chi Hội này ít hoạt động, vì một số hội viên đã về nước.

c.Công tác Hội viên

Hội viên của Hội ta luôn biến động, chủ yếu là về nước. Dù vậy, số hội viên trong nhiệm kỳ II luôn được bổ sung. Hội viên được kết nạp chủ yếu thuộc hai chuyên ngành Văn học và Âm nhạc.

Tuy nhiên, như trên đã nêu, lực lượng văn nghệ sĩ ở Trường Hội họa Xurikov và Nhạc viện Traikovxki và các Nhạc viện khác dường như trong nhiều năm qua chưa được Hội chú ý đến. Các cây bút ở thành phố xa cũng chưa được chú ý phát hiện, bồi dưỡng.

d.Tài chính của Hội:

Kể từ khi thành lập đến nay, việc thu hội phí Hội viên chưa thực hiện được. Hội không có Ban kiểm tra, cũng không công khai Tài chính. Điểm yếu này, khoá tới phải khắc phục triệt để.

***
Tóm lại, trong 6 năm của Nhiệm kỳ hai, mặc dù có những nhược điểm, nhưng chúng ta vẫn tự hào khẳng định: Hội có nhiều đóng góp cho việc xây dựng đời sống Văn hoá tinh thần của Cộng đồng. Có được thành tích ấy, trước hết là do tình yêu nghề nghiệp của Các Hội viên đã thúc đẩy họ cầm bút sáng tác, thúc đẩy họ tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Hội chúng ta chân thành cám ơn sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đại Sứ quán, cám ơn các vị Lãnh đạo các Hiệp Hội, các Trung tâm thương mại trong nhiều năm qua đã giúp đỡ Hội về nhiều mặt để hoạt động có hiệu quả.

PHẦN II: PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NHIỆM KỲ III.

Sang nhiệm kỳ III, Hội ta hoạt động trên cơ sở tình hình cộng đồng có những đặc điểm sau:

- Tình hình kinh doanh buôn bán của Cộng đồng người Việt ở Nga ngày càng nhiều khó khăn, chững lại, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động văn hoá tinh thần.

- Nhiều hoạt động bề nổi như thể thao, văn nghệ… của các Trung tâm thương mại trong thời gian gần đây lắng xuống. Các nhà kinh doanh trước kia từng tài trợ cho Hội, nay không mặn mà với việc này, thậm chí còn né tránh…Hoạt động của Hội ta vốn gắn chặt với đời sống cộng đồng, dựa vào các Trung tâm thương mại, nay sẽ gặp khó khăn hơn.

- Tuy nhiên, Cộng đồng người Việt ở Nga cũng có những điểm thuận lợi: Ban Công tác Cộng đồng Đại Sứ quán được thành lập từ nhiều năm nay, đã có bề dày kinh nghiệm hướng dẫn chỉ đạo các công tác cộng đồng. Những hoạt động của Hội Văn nghệ luôn được sự chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đại sứ quán. Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga ra đời, hơn một năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với đời sống cộng đồng và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Hội Văn nghệ hoạt động.

1. Nhiệm vụ trước mắt của Hội là kiện toàn lại cơ cấu tổ chức.

Căn cứ tình hình đội ngũ Hội viên, nhiệm kỳ này chúng ta vẫn tiến hành phân chia thành Ba Chi Hội theo chuyên ngành như nghị quyết cuộc họp BCH nhiệm kỳ II ngày 14 tháng 11 năm 2003 đề ra. Dự kiến chia thành 3 chi Hội như sau:

1.Chi Hội Nhà văn

2.Chi Hội Âm nhạc

3.Chi Hội Nhiếp ảnh - Hội hoạ - Điêu khắc - Truyền hình

Chi Hội Nhà văn thành lập đã được 2 năm, nay sẽ tiến hành Hội nghị để bầu ra Ban Chấp hành Chi Hội. Các Chi Hội Âm nhạc và Chi Hội Nhiếp ảnh - Hội hoạ - Điêu khắc - Truyền hình cần sớm tổ chức lễ ra mắt. Trên cơ sở đó, tuỳ theo tình hình lớn mạnh của các Chi Hội và ý nguyện của Hội viên, có thể tổ chức thành các Hội nhỏ nằm trong Hội lớn.

2. Hoàn thiện tư cách pháp nhân của Hội.

Trên cơ sở Điều lệ Hội bằng tiếng Việt, tiến hành soạn thảo lại Điều lệ bằng tiếng Nga, tiến hành đăng ký lại với chính quyền sở tại, hợp pháp hoá tư cách pháp nhân của Hội, đồng thời làm lại con dấu mới.

3.Công tác phát triển Hội viên.

Hội sẽ chú trọng phát hiện tài năng trong các Trường Đại học, đặc biệt ở các trường Hội hoạ và Nhạc viện, đồng thời phát hiện và kết nạp Hội viên ở các thành phố xa.

Song song với việc kết nạp Hội viên mới, sẽ tiến hành cấp Thẻ Hội viên.

4. Hoạt động Tạp chí và xuất bản

Tạp chí Người Bạn Đường, tiếng nói của Hội sẽ tiếp tục ra lại. Trước hết, phải củng cố Ban biên tập, chọn người làm việc thực chất, tránh tình trạng ghi danh cho có mặt như ở hai khoá trước.

Tạp chí sẽ cố gắng ra định kỳ, ít nhất một năm phải ra được hai số. Ban biên tập phải tự lo kinh phí để in ấn và phát hành. Chú trọng tuyên truyền mở rộng Tạp chí về trong nước và các nước khác có cộng đồng người Việt Nam sinh sống.

Khuyến khích các chi Hội ra các ấn phẩm chuyên ngành.

Hội sẽ tổ chức giúp các Hội viên ấn hành tác phẩm riêng; tổ chức biên soạn lại Tuyển tập Thơ và Tuyển tập truyện ngắn nhiều tác giả.

5 Tổ chức những Đêm Thơ, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho các cây bút trẻ, hoặc tổ chức các cuộc toạ đàm nghề nghiệp.

6. Tổ chức biểu diễn Âm nhạc- Triển lãm tranh ảnh nghệ thuật

Bên cạnh việc chấn chỉnh tổ chức ban nhạc Văn Lang, khuyến khích các Hội viên mở thêm một số ban nhạc khác, vì hiện nay Hội viên chuyên ngành Âm nhạc tương đối đông. Có thể tổ chức các cuộc biểu diễn nhạc cổ điển, hoặc giới thiệu các nhạc cụ dân tộc… Có thể tổ chức cho các Đoàn Văn nghệ của Hội đi biểu diễn phục vụ tại các thành phố có cộng đồng người Việt, vì chúng ta có đội ngũ ca sĩ nhiều người hát không thua kém các ca sĩ trong nước, có đủ nhạc công, có đủ người có khả năng phối khí, dàn dựng chương trình…

Hội sẽ đứng ra tổ chức triển lãm tranh ảnh nghệ thuật cho các Hoạ sĩ, các nhà Điêu khắc, Nhiếp ảnh.

7 Tổ chức cuộc thi sáng tác Thơ, văn xuôi, tranh, ảnh và ca khúc, hoặc có thể đặt Giải thưởng Nghệ thuật định kỳ, trao cho những tác phẩm xuất sắc, hoặc cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động nghệ thuật phục vụ Cộng đồng…(Cuộc thi sáng tác Thơ và Truyện ký của Chi Hội nhà văn phát động từ cuối năm 2004 sẽ kéo dài thêm thời gian đến cuối năm 2006)

8. Công tác đối ngoại

Trước hết, phải nhận thức rõ: Hoạt động của Hội góp phần quan trọng trong việc xây dựng gương mặt văn hoá của cộng đồng - là Đại diện của nền Văn học - nghệ thuật Việt Nam tại Nga.
Khoá III, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, vừa chú trọng quan hệ mật thiết với các nhà hoạt động văn hoá xã hội Nga từng gắn bó với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa mở rộng quan hệ với thế hệ những nhà văn trẻ, tuy chưa từng đến Việt Nam, nhưng có thiện cảm và có khả năng vun đắp lâu dài cho tình hữu nghị Việt Nga. Tổ chức dịch và giới thiệu các tác phẩm của các nhà văn Nga đương đại, giới thiệu với công chúng Việt Nam và ngược lại, tổ chức dịch và giới thiệu các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, giới thiệu với độc giả Nga (trước tiên là tác phẩm của các Hội viên đang ở tại Nga).
Hội sẽ liên hệ chặt chẽ hơn với Hội Nhà văn, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trong nước; tổ chức liên kết với các nhà xuất bản trong nước để giới thiệu tác phẩm của các Hội viên...

Hội sẽ liên kết với các Hội của người Việt tại LB Nga trong các hoạt động như tổ chức các cuộc toạ đàm, hội thảo và các hoạt động xã hội khác.

Bên cạnh đó, Hội sẽ tìm cách mở rộng quan hệ với những tổ chức Văn học nghệ thuật của Cộng đồng người Việt ở các nước Đông Âu và các nước khác..., nhằm tuyên truyền giới thiệu về hoạt động của Hội

9. Tiến hành lập Website của Hội Văn học nghệ thuật.

Trang Web sẽ giới thiệu rộng rãi hoạt động của Hội và giới thiệu các sáng tác mới của các Hội viên. Đây là công việc lâu dài, cần có sự đóng góp tích cực của các Hội viên về mặt bài vở, kinh phí duy trì hoạt động

xxx
Tin rằng nhiệm kỳ III, với tinh thần Đoàn kết, với tình yêu Nghệ thuật từ trong tâm hồn và máu thịt, các Hội viên chúng ta sẽ đoàn kết, xây dựng Hội VHNT VN tại LB Nga thành một Hội vững mạnh, có nhiều tác phẩm Văn học Nghệ thuật xuất sắc, có nhiều gương nghệ sĩ hoạt động tích cực vì đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng.


Matxcơva ngày 25 tháng 6 năm 2005



(Theo Văn phòng Hội VHNTVN tại LB Nga)
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Nhà văn Vũ Tuấn Hoàng (21.06.2014 16:13)
Nhà thơ Mai Quỳnh Nam (06.03.2014 01:41)
Hội viên Vũ Duy Mền (07.05.2013 03:03)
Hoạ sĩ Võ Văn Lạc (13.10.2012 02:02)
Nhà văn Thiên Can (14.08.2012 00:04)
Nhà thơ Phan Xuân Sơn (08.11.2009 02:27)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Nhà thơ Châu Hồng Thuỷ
Nhà thơ Vũ Xuân Hương
Về trang WEB Người Bạn Đường
Nhà thơ Thuỵ Anh
Nhà thơ Phan Chí Hiếu
Nhà thơ Hàm Anh
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng
Nhà thơ Phan Xuân Sơn
Đôi lời về Người Bạn Đường
Nhà thơ Đặng Hữu Trung
 
 
 
Thư viện hình