Tin tức  |  Diễn đàn  |  Thư viện hình  |  Liên hệ
Thứ bảy,
03.06.2023 16:48 GMT+7
 
 
Kho bài viết
Tháng Sáu 2023
T2T3T4T5T6T7CN
      1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    
 <  > 
Nhận thư điện tử
Email của bạn

Định dạng

Thành viên online
Thành viên: 0
Khách: 2
Số truy cập: 1697276
Tin tức > Giới thiệu > Xem nội dung bản tin
BÁO CÁO TỔNG KẾT VÀ ĐỀ ÁN CÔNG TÁC MỚI
[24.08.2006 04:52]
Báo cáo do Nhà văn Châu Hồng Thuỷ đọc tại Lễ ra mắt Chi Hội Nhà văn thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga ngày 21 tháng 12 năm 2003


PHẦN 1: BÁO CÁO TỔNG KẾT
Kể từ khi thành lập Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga (18-08-1994) đến nay, đội ngũ các nhà văn luôn đóng vai trò nòng cốt trong mọi hoạt động của Hội.Hội thành lập từ năm 1994, nhưng thực chất đội ngũ các nhà văn Việt Nam tại Nga đã hình thành từ cuối những năm 80, đầu những năm 90.
1. Tạp chí “Người bạn đường”, tiếng nói của Hội, chủ yếu đăng tải các tác phẩm của các nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình, dịch thuật văn học đang sinh sống tại Nga. Có thể nói trong mỗi số Tạp chí, có đến 90% các nhà văn tham gia đóng góp.
2. Cùng với các Hội viên chuyên ngành Âm nhạc, các nhà văn Việt Nam tại Nga đã góp phần làm phong phú đời sống Văn hoá tinh thần của Cộng đồng bằng những Đêm Thơ Nhạc nhân dịp các ngày lễ lớn của dân tộc, bằng những cuộc toạ đàm Văn học…Những Đêm thơ Nguyên tiêu, Đêm thơ Tháng Năm, Đêm thơ nhân ngày Thương binh liệt sĩ…được tổ chức tại các TTTM Bến Thành, Sông Hồng, KT,Tôgi, Lion, An Đông từ năm 1995 đến nay vẫn còn để lại những dư âm tốt đẹp trong cộng đồng. Những cuộc toạ đàm văn học về tập thơ”Heo may xứ tuyết” của nhà thơ Bùi Quang Thanh, tại Đôm Năm, tập truyện ngắn “Hoa bồ công anh” của nhà văn Thiên Can, Trại sáng tác Văn học Matxcơva 1999…tại TTTM Sông Hồng đã tạo nên sự sôi động trong đời sống Văn học, động viên khích lệ những người cầm bút.
3. Các nhà văn tại LB Nga đã góp phần làm cầu nối giưã Hội Nhà văn Nga và Hội nhà văn Việt Nam trong nước, góp phần củng cố tình hữu nghị vốn có truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nga.
a. Từ sau khi Liên Xô tan vỡ, Hội Nhà văn Liên Xô không còn, mối quan hệ giữa các Hội nhà văn hai nước bị gián đoạn, nhưng mối quan hệ gữa các nhà văn Nga và các nhà văn Việt Nam tại liên bang Nga không hề bị gián đoạn. Mặc dù các nhà văn Nga phân liệt, tách ra sinh hoạt trong Hai Hội nhà văn Nga, nhưng các nhà văn Việt Nam tại Nga vẫn giữ mối quan hệ tốt với cả hai Hội. Mỗi khi có các nhà văn trong nước sang công tác, các nhà văn Việt Nam tại Nga đã tạo điều kiện cho họ về nhiều mặt, trong đó có việc tạo những cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các nhà văn Nga nổi tiếng như Eptushenkô, Raxputin, Raxun Gamzatôv… (Đoàn các nhà văn Thuý Toàn, Hoàng Minh Châu, Tô Đức Chiêu, Trần Nhương, Nguyễn Thế Vinh, Vân Long, Lò Ngân Sủn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn, Đào Thái Tôn…)
b. Các tác phẩm văn học Nga, đặc biệt là của những nhà văn trẻ đương đại, được các dịch giả tại Nga dịch ra tiếng Việt, giới thiệu trên tạp chí “Người bạn đường”, tạp chí “Đất nước”, gửi về giới thiệu trên các báo chí trong nước.
c. Bằng các quan hệ hoạt động xã hội, các quan hệ ngoại giao thường xuyên hàng năm, các nhà văn Việt Nam tại Nga đã góp phần thắt chặt tình Hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nga. Nhân dịp Đại sứ Ngô Tất Tố sang nhậm chức, Các nhà văn Việt Nam tại Nga đã giúp Đại sứ tổ chức một cuộc gặp gỡ thân mật với các nhà văn hóa Nga đã từng gắn bó với Việt Nam như các nhà văn N. Nhikulin, M.Tkachôv, T.Gladkôv, A. Arkanôv, E.Paznôv… nhà đạo diễn điện ảnh A.Ximônôv (con của nhà thơ nổi tiếng K.Ximônôv), nhà sử học E.Kôbelev, nhà báo M.Ilinxki…Đã thành truyền thống, 4 năm nay, Tết Nguyên tiêu trở thành đêm giao lưu Thơ ca giữa các nhà văn Việt Nam với các nhà văn Nga tại Matxcơva.Đêm Nguyên tiêu đầu tiên năm 2000 được tổ chức tại TTTM An Đông. Tiếp theo là những đêm Thơ Nguyên tiêu 2001, 2002,2003 tại Sông Hồng, KT và Lion… Tại những đêm Thơ này, các nhà thơ nhà văn Nga thuộc Hai Hội khác nhau, thuộc nhiều thế hệ đã có những lời tốt đẹp ca ngợi truyền thống Việt Nam. Có thể kể những tên tuổi tiêu biểu : nhà văn M.Bavưkin (trưởng Ban đối ngoại Hội nhà văn Nga), nữ thi sĩ nổi tiếng từ những năm 50 của thế kỉ trước: R.Kadakôva (Tổng thư kí Hội Nhà văn Matxcơva), Nhà thơ X.Kaznachev (Phó giáo sư lý luận Văn học trường Viết văn Gorki), nhà thơ T. Arsăc (người Armênia, trưởng ban thơ của báo Nước Nga văn học), nữ thi sĩ Eva Muskôva người Slôvakia (Tiệp Khắc)…
4.Các nhà văn Việt Nam tại Nga đã góp phần tạo nên sự hình thành một dòng Văn học Việt Nam yêu nước tại nước ngoài, trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam đương đại.
a. Đội ngũ các nhà văn Việt Nam tại Nga được hình thành cùng với sự hình thành của cộng đồng người Việt tại LB Nga hậu Hợp tác lao động, hậu liên bang Xô viết. Họ xuất thân từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu hoặc từ các đơn vị lao động hợp tác. Có người ở Nga 4-5 năm rồi về nước, có người ở lại đã hơn 10 năm và có thể định cư lâu dài. Có thể kể đến những nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên (không tính theo tuổi tác, mà tính theo sự xuất hiện của họ trên diễn đàn Văn nghệ cộng đồng) như: Hồ Quốc Vỹ (Viện kinh tế thế giới), Vũ Đình Huy (Viện Hoá học),Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thuỷ, Vũ Xuân Hương, Thuỳ Linh, Từ Thị Loan, Phan Thanh Thuỷ ( nhóm Trường viết văn Gorki), Trần Văn Thi (Ban quản lý lao động), Bùi Quang Thanh (ĐHSP Lê nin). Nguyễn Hải Kế, Hữu Đạt (Đôm 5 Viện Hàn lâm), Bùi Mạnh Nhị (Xanh Peterburg), Nguyễn Phúc Thành(Hợp tác lao động tại Trerpôves),Nguyễn Huy Hoàng (MGU). Riêng trường hợp Nguyễn Hữu Long, có những tác phẩm khá chững chạc ngay từ khi còn là sinh viên tại Minxcơ (Bêlarus),tích cực gửi bài cho Tạp chi Đất nước ở Matxcơva.
Sau hàng chục năm về nước, nay anh quay trở lại Matxcơva, hứa hẹn sẽ có những đóng góp cho văn nghệ cộng đồng.
Lớp thứ hai gồm những tác giả trẻ khẳng định tài năng của mình qua cuộc thi Thơ và Truyện ngắn của Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga: Võ Thị Thu Trang, Tử Huyền, Hoàng Xuân Tuyền, Phan Chí Hiếu ( cả 4 người cùng đạt giải Nhì về Thơ-không có giải Nhất).Về truyện ngắn có Trần Minh Hoàng (ĐHSP Luganxcơ) và Vũ Thanh (Đôm 5) cùng đạt giải 3 (không có giải Nhất)… Đa số họ đã về nước công tác, càng có điều kiện phát huy khả năng của mình. Kế tiếp là thế hệ thứ Ba : ĐHSP Lê nin có Thuỵ Anh.Khu vực Đôm 5 có: Lê Tây, Ngô Minh Sơn, Thi Ải Bắc; khu vực Kankôvơ có Thiên Can, Nguyễn Văn Tài (đã mất); khu vực Sông Hồng có Nguyễn Thanh Xuân, Phương Như (Đỗ Hà), Tường Vân, Hồng Chiên, Nguyễn Đình Lâm; khu vực Tôgi có Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thông…Riêng tác giả Trần Thị Thanh Mai, sau khi đăng hai truyện ngắn rất xuất sắc trên tạp chí Người Bạn Đường, đã mất liên lạc, không rõ ở đâu. Trong nhóm thứ Ba này, có những tác giả trẻ khẳng định tài năng của mình ngay từ những tác phẩm đầu tay: Thuỵ Anh đoạt giải Nhất về thơ, Tường Vân và Phương Như cùng đoạt giải Nhì về truyện ngắn (không có giải nhất) trong cuộc thi do Tạp chí Đất nước tổ chức năm 1999. Nhà văn Nguyễn Văn Tài và Thiên Can là những trường hợp đặc biệt. Cả hai đều nổi cảm hứng cầm bút viết truyện ngắn khi đã ở độ tuổi 60, sau một năm phấn đấu miệt mài, mỗi người đều có một tập truyện ngắn chững chạc, gây được ấn tượng tốt. Nhân đây, phải nhắc đến công đầu của Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đối với Văn nghệ cộng đồng. Anh là người tích cực dựng nên Tạp chí Người Bạn Đường, là người quy tụ anh em văn nghệ sĩ dựng nên Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga, là người có “con mắt xanh”phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn học…
Đội ngũ làm thơ là đội ngũ đông đảo nhất của Hội. Nhiều người đã in những tập thơ của riêng mình. Tập thơ đầu tiên được in bằng tiếng Việt tại Matxcơva là “Hoàng hôn nhớ” của Nguyễn Đình Chiến (Tạp chí Đất nước xuất bản 1992). Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng xuất hiện muộn hơn, nhưng từ năm 1996 đến nay liên tục cho ra nhiều tập thơ do NXB Văn học trong nước và Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga phối hợp xuất bản: “Ngoảnh lại, Dư âm, Phía bên kia trời, Miền yêu thương”.Bùi Quang Thanh có “Heo may xứ tuyết” (M.1998). Mai Quỳnh Nam về nước có “Bước trượt”, Vũ Xuân Hương có “Sông trưa”… Hội cũng cho xuất bản hai tuyển thơ của nhiều tác giả: “Những nẻo đường xứ tuyết”(M.1995) và “Tuyết ấm” (M.2003).
Tuy ở nước ngoài, nhưng các sáng tác của các nhà văn Việt Nam cũng đã có tiếng vang trong nước. Nhiều người đã có mặt trong tuyển thơ “ Việt Nam quê hương tôi” do Uỷ ban về người Việt ở nước ngoài và NXB Văn học Hà Nội xuất bản như:Lê Tây, Nguyễn Thông, Ngô Minh Sơn, Thuỵ Anh, Võ Thị Thu Trang… Các tác giả Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thuỷ , Bùi Quang Thanh, Nguyễn Huy Hoàng có mặt trong các “Tuyển thơ Việt Nam 1975-2000”(NXB Văn học,H.2001), “Tuyển thơ Việt Nam nửa thế kỷ 1945-2000”(NXB Lao động.H.2001).
Đội ngũ văn xuôi rất ít ỏi, có thể đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến Châu Hồng Thuỷ, Nguyễn Huy Hoàng (tuy nhiên anh vẫn làm thơ là chính), Tường Vân, Phương Như (Đỗ Hà), Thiên Can (đã về nước), Nguyễn Văn Tài (đã mất), Hồng Chiên, Nguyễn Đình Lâm. Sức viết của Thiên Can quả là khoẻ, nhưng rất tiếc, sau tập truyện ngắn “Hoa bồ công anh” có nhiều ấn tượng tốt, các truyện về sau của anh đều nhạt nhẽo, rơi vào sự thờ ơ của bạn đọc. Nguyễn Văn Tài trước khi mất đã kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình “Thân phận xứ người” được xuất bản tại Hà Nội, có những truyện cảm động và sâu sắc. Châu Hồng Thuỷ tuy viết ít, nhưng cũng đã có những truyện được chọn đưa vào các tuyển tập trong nước. Nguyễn Đình Lâm và Hồng Chiên mới xuất hiện, cũng đã gây được ấn tượng tốt vì dám đề cập tới những mảng “không thi vị” của đời sống…
Về nghiên cứu, lý luận phê bình, chân dung văn học hầu như không có mấy ai quan tâm đến mảng này. Trên các tạp chí thỉnh thoảng có đôi bài viết của Châu Hồng Thuỷ (đó là mảng tay trái của tác giả). Từ 1994, anh có phê bình giới thiệu tập thơ “Hoàng hôn nhớ” của Nguyễn Đình Chiến. Tiếp sau đó là các bài phê bình của anh về các truyện ngắn của Thiên Can. Tác giả ưu tiên tập trung nhiều hơn về các bài viết chân dung các nhà văn như: Mạc Phi, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Văn Tài, M.Tkachôv….
Về Dịch thuật văn học, đội ngũ cũng rất ít ỏi. Người đứng hàng đầu trong lĩnh vực này là nhà thơ Hồ Quốc Vỹ. Anh đã từng có vài chục đầu sách dịch văn học.Trong những năm ở Matxcơva, anh đã cho xuất bản tập “Thơ Ngụ ngôn”của Krưlôv. Nữ dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền chỉ chung thuỷ với việc dịch văn xuôi, đã cho xuất bản “Trở về Êđen”, “Tiếng cười trong bóng tối” của Nabôkôv và hàng loạt những truyện ngắn của các nhà văn lớn của Nga như I.Bunhin, M.Zoshenko, A.Grin, V.Tocareva… Từ Thị Loan, Kim Bảo, Châu Đan Quế, xuất hiện không nhiều. Gần đây xuất hiện một nữ dịch giả trẻ có nhiều triển vọng: Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Viện Ngôn ngữ Puskin). Hiện nay chị đang tập trung dịch tác phẩm của nhà văn Nga X.Kaznechev. Nói chung, mảng quan tâm chủ yếu của đội ngũ dịch thuật là văn học Nga đương đại. Họ có đóng góp rất lớn trong việc truyền bá văn học Nga với độc giả Việt Nam…
Nhìn chung, đội ngũ các nhà văn Việt Nam tại Nga luôn biến động. Khác với cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ và một số nước khác, ít có người định cư chính thức ở Nga. Đa số sau khi ở Nga khoảng dăm mười năm, vẫn tính đường tìm về quê hương. Dù sao, các sáng tác của họ mang được hơi thở của cuộc sống, phản ánh được những gian nan vất vả, những nỗi niềm, tâm tư tình cảm của người Việt xa xứ, phản ánh được cả hai mặt khắc nghiệt và thi vị lãng mạn của cuộc sống, miêu tả những cuộc đời, những số phận con người với cái nhìn nhân hậu, cảm thông. Toát lên trong tất cả các tác phẩm của họ là tinh thần Nhân bản và Dân tộc, yêu thương con người và hướng về Tổ quốc. Tuy nhiên, công chúng vẫn chờ đợi ở các nhà văn có những tác phẩm lớn, có tầm khái quát cao, gây rung động lòng người. Điều này thật khó, bởi hầu hết các nhà văn Việt Nam tại Nga đều phải lo làm ăn kinh tế với một cường độ lớn gấp nhiều lần so với làm ăn kinh tế trong nước, chưa có ai có điều kiện thực sự dành tâm huyết cho sự nghiệp văn học.
Xét quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ nhà văn Việt Nam tại Nga, xét đặc thù của các chuyên ngành văn học nghệ thuật, ngày 14 tháng 11 năm 2003, Ban chấp hành Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga đã cho phép lập ra Chi hội Nhà văn cùng với Chi Hội Mỹ thuật-Âm nhạc, Chi Hội Nhiếp ảnh Truyền hình Báo chí. Đó là kết quả tất yếu và là điều đáng mừng cho các nhà văn. Chúng ta có thể lấy ngày 18 tháng 8 năm 1994, ngày thành lập Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga là ngày thành lập của Chi Hội.
PHẦN 2: PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC MỚI.
Trong thời gian chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn thể lần thứ Ba của Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga và về lâu dài, công việc của Chi Hội có thể tập trung vào những vấn đề sau:
1.Tiếp tục phát hiện những tài năng mới, phát triển kết nạp Hội viên, đặc biệt chú ý khối sinh viên trong các trường Đại học.
2.Tổ chức sọan thảo Điều lệ riêng của Chi Hội nhà văn (Trước đây chỉ có điều lệ vắn tắt chung cho tất cả các chuyên ngành)
3. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với Hội nhà văn Nga và Hội nhà văn trong nước. Tổ chức dịch các tác phẩm của các nhà văn Nga trẻ đương đại, giới thiệu trên tạp chí của Hội và trong nước.
4. Ra tạp chí của Chi Hội các nhà văn
5. Tổ chức làm Tuyển tập Thơ và Tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả.
6. Lập trang Web site của Các Nhà văn
Với sự ra đời của Chi Hội các nhà văn Việt Nam tại LB Nga, tin rằng các nhà văn có thêm một khí thế mới, có thêm nhiều tác phẩm mới, xứng đáng với lòng mong mỏi của bạn đọc trong cộng đồng, góp phần làm phong phú cho nền văn học Việt Nam đương đại.
Matxcơva 04-12 năm 2003
In trên Tạp chí Tao đàn số1, Matxcơva, năm 2004

CĐQ
 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:
Nhà văn Vũ Tuấn Hoàng (21.06.2014 16:13)
Nhà thơ Mai Quỳnh Nam (06.03.2014 01:41)
Hội viên Vũ Duy Mền (07.05.2013 03:03)
Hoạ sĩ Võ Văn Lạc (13.10.2012 02:02)
Nhà văn Thiên Can (14.08.2012 00:04)
Nhà thơ Phan Xuân Sơn (08.11.2009 02:27)



Lên đầu trang
Các bản tin mới đăng
Nguyễn Trọng Oánh - Hồi ký của Nguyên Ngọc
Chùm thơ Lê Tuyết Lan (Tiền Giang)
Truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Thị Liên Tâm
TỪ BIỂN LÊN RỪNG - Bút ký của Ngô Xuân Huệ
Chùm thơ xuân của Trần Ngọc Ánh
Chùm thơ Đặng Hữu Trung
Thơ Dương Thuấn - song ngữ Tày Việt - P 3
Tập thơ "Tình ca Thiếu Khanh" - Phần 2
THƠ DƯƠNG THUẤN - (song ngữ Tày - Việt) P 2
Tập thơ “Tình ca Thiếu Khanh” - Phần 1
Tin cùng chủ đề
Nhà thơ Châu Hồng Thuỷ
Nhà thơ Vũ Xuân Hương
Về trang WEB Người Bạn Đường
Nhà thơ Thuỵ Anh
Nhà thơ Phan Chí Hiếu
Nhà thơ Hàm Anh
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng
Nhà thơ Phan Xuân Sơn
Đôi lời về Người Bạn Đường
Nhà thơ Đặng Hữu Trung
 
 
 
Thư viện hình