Quỳnh Dao – Tình yêu vẫn còn nồng nàn
[23.06.2008 12:45]
 |
Vợ chồng văn sĩ Quỳnh Dao |
Bước sang tuổi “cổ lai hy” nhưng Tình yêu vẫn còn vô cùng nồng nàn trong các sáng tác văn học và phim ảnh của nữ văn sĩ Quỳnh Dao.
Quỳnh Dao sinh 20/4/1938 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên/Trung Quốc; lúc nhỏ có tên là Trần Triết. Năm 1947 gia đình di cư tới Thượng Hải; năm 1949 chuyển sang sinh sống tại Đài Loan cho tới nay. Cha bà là Giáo sư Khoa Văn - ĐH Sư phạm Đài Loan, mẹ là Giáo viên Văn - Trường trung học Đài Bắc.
Sớm hấp thụ dòng máu văn chương từ cha mẹ, năm 9 tuổi Quỳnh Dao đã có tác phẩm văn học đầu tay: Truyện ngắn “Chú bé đáng thương” đăng trên tờ “Đại Công Báo”. Nhưng phải tới năm 1963, khi 25 tuổi, bà mới chính thức bước vào con đường văn học nghệ thuật với cuốn tiểu thuyết “Ngoài cửa sổ”, được in và lưu hành rộng rãi ở Đài Loan. Nữ văn sĩ, kiêm Nhà sản xuất phim, Chủ bút báo, Giám đốc công ty hiện 70 tuổi này là chủ nhân của một kho lượng tác phẩm văn học đồ sộ, tiêu biểu là những tiểu thuyết tình cảm lãng mạn (trên 60 truyện), cùng rất nhiều bộ phim được chuyển thể từ chính các tác phẩm của bà.
|
Tình yêu lứa đôi là chủ đề xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm của Quỳnh Dao, dẫu đã hơn nửa thế kỷ qua đi kể từ những sáng tác đầu tiên của bà. Trong con mắt của các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc, các tác phẩm văn học của Quỳnh Dao là “Vương quốc của tình yêu”.
Tình yêu trong các sáng tác của Quỳnh Dao thường được coi là cội nguồn sức sống và sức quyến rũ của nữ giới.
Tình yêu trong các sáng tác của Quỳnh Dao thường được coi là cội nguồn sức sống và sức quyến rũ của nữ giới. Không có tình yêu, phụ nữ trở nên héo hon, khô cằn. Nhưng cũng bởi thế, nhiều khi tình yêu cũng khiến cho nữ giới bị động, trở nên tự ti và có những hành xử tiêu cực đối với bản thân...
Và cũng bởi tình yêu có sức sống mãnh liệt, nên kho tác phẩm văn học đồ sộ của bà đã được các nhà làm phim chuyển thể sang phim nhựa và phim truyền hình nhiều tập. Tới nay, hiếm có nữ văn sĩ nào ở Trung Quốc lại có nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể điện ảnh như Quỳnh Dao. Các bộ phim truyền hình nhiều tập chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao rất được công chúng hoan nghênh tại Đại lục, Đài Loan, Hong Kong và nhiều nước khác.
Tiêu biểu là các phim: Mấy độ tịch dương hồng, Mây mù, Sân nhà âm, Bên dòng nước, Hải Âu phi xứ, Ba đóa Kim hoa, Nàng dâu câm, Tuyết Kha, Giữa trời mây nước, Một thoáng chiêm bao, Hòn Vọng Phu, 3 phần Hoàn Châu Cách Cách, Một thoáng mộng mơ...
Quỳnh Dao tâm sự: “Tôi là người nặng tình cảm, sống nội tâm, nhưng lại thích hòa hợp, không thích cô đơn và rất sợ chia ly. Nhưng lại rất cả thẹn và nhất là không thích chụp ảnh. Vì vậy khó có thể thấy nhiều bức ảnh chụp về tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng.” Là người nặng tình cảm, nên năm 1959, khi mới 21 tuổi, Quỳnh Dao đã bước vào hôn nhân.
Sau 5 năm làm vợ không hạnh phúc, năm 1964 bà quyết định ly dị người chồng đầu tiên để chú tâm vào sự nghiệp văn chương. Nhưng tình yêu trong tim người đàn bà văn chương này là bất tận, để rồi sau đó Quỳnh Dao đã gặp được người đàn ông đích thực của đời mình, là chỗ dựa tình cảm và cho sự nghiệp sáng tác của bà.
Đó là ông Bình Hâm Đào, người Giang Tô, sinh năm 1927, tốt nghiệp Đại học Đại Đồng - Thượng Hải, từng có thời gian làm Giám đốc nhà máy phân đạm ở Đài Loan. Nhưng đam mê văn chương đã quyến rũ ông chuyển sang viết báo và sáng tác văn học, trở thành Phó tổng biên tập báo “Liên Hợp”, người sáng lập Tạp chí văn học “Hoàng Quán”, rồi ông chủ NXB Hoàng Quán.
Chính hoạt động văn học đã “se duyên” cho ông với Quỳnh Dao và họ đã thành hôn năm 1979. Sau đó, hai vợ chồng đã cùng bạn bè lập ra Công ty điện ảnh Cự Tinh với mục đích chuyên chuyển thể thành phim các tác phẩm văn học của Quỳnh Dao.
Nữ văn sĩ vốn tính cả thẹn này bộc bạch: “Tôi đã gặp may cả trong sự nghiệp và hạnh phúc gia đình, nhất là được bạn bè giúp đỡ, ủng hộ và công chúng nhiệt tình mến mộ. Để đáp lại thịnh tình này, từ năm 2004 tôi dường như không sáng tác văn học mà chuyên tâm vào biên kịch, chuyển thể điện ảnh những tác phẩm văn học của mình...”
Rất nhiều phim nhựa cũng như phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết của bà đã đoạt nhiều được giải thưởng lớn, điển hình là các phim: “Nàng dâu câm” đoạt ba giải liền trong LHP Kim Mã/Đài Loan; “Hoàn Châu Cách Cách” đoạt 4 giải liền trong LHP Truyền hình “Kim Ưng”/Trung Quốc (riêng Triệu Vi đoạt 2 giải, và được bầu chọn là Nữ diễn viễn xuất sắc thứ 3 trong số “10 diễn viên xuất sắc nhất của Trung Quốc”...)
Năm 2005 Quỳnh Dao cùng con dâu Hà Tú Quỳnh quyết định làm bộ phim truyền hình nhiều tập “Gặp lại một thoáng mộng mơ” (tức phim “Một thoáng mộng mơ”) hoành tráng hơn phim gốc, dự kiến chi phí tới 150 triệu Nhân dân tệ, với trường quay không chỉ ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông mà cả ở Pháp. Vì vậy công tác chuẩn bị rất công phu. Quỳnh Dao đích thân đứng ra tuyển chọn diễn viên vì đây cũng là nỗi lo lắng lớn nhất của bà, đặc biệt là đối với hai vai nữ chính Uông Lục Bình và Uông Tử Lăng.
Dàn nam diễn viên tương đối phong phú vì đều là những người có “thâm niên” và khả năng diễn xuất cao, ví như Phương Trung Tín trong vai Phí Vân Phàm, là diễn viên Hồng Công có bề dày và kinh nghiệm qua 123 bộ phim từng đóng. Và vì muốn có những khuôn mặt nữ trẻ trung, mới mẻ và cá tính hơn các diễn viên đàn chị quen mặt, Quỳnh Dao quyết định vào Đại lục tuyển chọn nữ diễn viên cho bộ phim này.
Trương Gia Nghê, nguyên là diễn viên của Đài truyền hình tỉnh Hồ Nam đã lọt vào mắt Quỳnh Dao trong số hơn 10.000 người dự thi tuyển. Cô sinh ngày 22/6/1987 tại Thành Đô, Tứ Xuyên Trung Quốc. Năm 2006, khi đóng vai Uông Tử Lăng cô gái họ Trương mới 19 tuổi và hoàn toàn là “tân binh” trong nghề.
Về khả năng diễn xuất của Trương Gia Nghê, bất chấp những khen-chê trái chiều, về cơ bản Quỳnh Dao tỏ ra rất hài lòng với nữ diễn viên trẻ tuổi này trong nỗ lực thể hiện một cô gái Uông Tử Lăng trong trắng, đầy mộng mơ và giàu lòng vị tha, nhân ái.
Vai Uông Lục Bình, một cô gái đài các, kênh kiệu của gia đình phú ông Uông được bà giao cho Tần Lam, một diễn viên chưa hề học qua trường nghệ thuật hoặc điện ảnh nào. Quỳnh Dao cho biết: “Tần Lam như giọt nước, nhưng là giọt nước mưa từ trên trời rơi xuống, vì vậy mà quý hiếm... Vì vậy mà tôi chọn cô ấy vào vai Lục Bình trong phim.”
Và thực tế đã cho thấy Quỳnh Dao quả là rất tinh tường trong khả năng tuyển lựa diễn viên. Phim “Một thoáng mộng mơ” của bà được công diễn lần đầu tiên là tháng 6/2007 tại Đài truyền hình Hồ Nam, và trong cùng năm này phim đã cùng lúc đoạt 5 giải thưởng và được bình chọn là “Phim truyền hình được ưa thích nhất Đại lục Trung Quốc” năm 2007.
Theo Kiều Tỉnh
|