Nói dzậy mà không phải dzậy
[25.08.2007 09:18]
Trong cuốn hồi ký Chiều Chiều, nhà văn Tô Hoài kể: năm 1958, các ông Hoàng Trung Thông, Tô Hoài và Phùng Quán đi thực tế lao động ở nông thôn Thái Bình. Nhà thơ Hoàng Trung Thông làm tổ trưởng.
Ông Thông thì hay rượu. Có lần, ông say, chân bước la đà, Phùng Quán giơ tay nói: “Anh cứ vin vào vai em cho chắc”. Hoàng Trung thông quắc mắt: “Ông mà để cho Nhân văn dắt à?!”. Câu nói này làm cho Phùng Quán buồn lắm! Nhưng chuyện này, phần kể tiếp sau đây, thì có thể nhà văn Tô Hoài chưa biết.
Bà Bội Trâm, vợ nhà văn Phùng Quán, có lần cho biết: sau đợt đi thực tế đó về, nhà thơ Hoàng Trung Thông tìm đến Phùng Quán chơi, hai ông uống rượu, khi rượu đã la đà, ông Thông không nói gì, lặng lẽ xin tờ giấy trắng, rồi rút bút đề ngay bài thơ chữ Hán tặng đồng nghiệp Phùng Quán:
Hạ tiết bằng hữu đáo,
Hồ thâm cổn cổn ba.
Ẩm tửu hữu tri kỷ
Tuý quá vong hồi gia.
(Dịch nghĩa: Mùa hạ bạn hữu đến/ Hồ sâu cuồn cuộn sóng/ Uống rượu có bạn tri kỷ/ Say quá quên về nhà)
Viết xong bài thơ chữ Hán, nhà thơ Hoàng Trung Thông ngất ngưởng ra về. Là nhà thơ đàn anh, nói khi đi thực tế như vậy, nhưng ngay sau đó ông vẫn tìm đến nhà thăm Phùng Quán, đề thơ tặng rất hay, và gọi Phùng Quán là “bạn tri kỷ”! Phùng Quán “ngộ” ra và nhớ hoài câu nói giả giọng Nam Bộ của nhà thơ già họ Hoàng quê Nghệ khi chia tay ở cổng nhà: “Nói dzậy mà không phải dzậy nghe!”.
|