Tọa đàm về truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm
[06.06.2006 18:29]
 |
Tọa đàm tại Hội trường Đại sứ quán |
Ngày 21 tháng 5 năm 2006, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức Toạ đàm Văn học về Truyện ngắn của Nguyễn Đình Lâm. Toạ đàm Văn học thường được Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga tổ chức nhân dịp tập sách của các Hội viên ra mắt bạn đọc.
Năm 1998, Hội đã phối hợp với Đơn vị nghiên cứu sinh Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức Toạ đàm về tập thơ “Heo may xứ tuyết” của nhà thơ Bùi Quang Thanh. Năm 1999, toạ đàm về tập truyện ngắn “Hoa Bồ công anh” của Thiên Can (phối hợp với TTTM Sông Hồng tổ chức), năm 2000 là tập truyện dài “Duyên”, cũng của Thiên Can (phối hợp với TTKTTM Quốc Tế).
Nguyễn Đình Lâm là một cây bút mới xuất hiện trong những năm gần đây. Chỉ trong hai năm, anh đã cho ra đời 2 tập truyện ngắn, nội dung chủ yếu viết về đời sống cộng đồng người Việt tại LB Nga. Tập “Con kiến tật nguyền” do NXB Sáng tạo của Hội KHKT Việt Nam tại LB Nga xuất bản năm 2004. Tập thứ hai là “Tình yêu hàng chợ” (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2005).
Tới dự toạ đàm Truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm có đông đảo anh chị em Hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga. Về phía khách mời có: Đại diện các Ban ngành Đại Sứ quán, Đại diện Hội người Việt Nam tại LB Nga cùng các Hiệp Hội nghề nghiệp, các TTTM, các Công ty và nhiều anh em bạn bè gần gũi với tác giả.
Toạ đàm về Truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm đã diễn ra sôi nổi trong vòng hai tiếng rưỡi. Mỗi người cảm nhận theo một góc độ khác nhau, nhưng tựu trung đều thống nhất ở những điểm chính sau:
1. Khen ngợi tác giả đã có nỗ lực rất lớn: Trong thời buổi mọi người đều mải lo làm kinh tế, có một người không phải được đào tạo theo ngạch văn chương, cầm bút viết được hai tập truyện ngắn dày gần 400 trang, là một việc đáng cổ vũ, động viên. (Nguyễn Đình Lâm là TS Sử học, Chủ tịch Hội võ thuật VN tại LB Nga và Tổng Giám đốc TTTM Sông Hồng)
2. Truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm đã phản ánh được nhiều mặt cuộc sống của cộng đồng người Việt tại LB Nga. Cốt truyện của anh đơn giản. Văn phong giản dị.
3.Tuy nhiên, với tư cách là những người Nghiên cứu phê bình văn học và sáng tác, TS Chu Huy Sơn, TS Đàm Mỹ Hạnh, Nhà văn Châu Hồng Thuỷ có những đòi hỏi cao hơn với tác giả: Cần phải dụng công nghệ thuật nhiều hơn nữa để truyện ngắn không dừng ở mức “kể lại” hiện thực. Cả ba đều nhất trí với quan điểm của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết Lời giới thiệu cho tập “Tình yêu hàng chợ”: Hiện thực trong truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm “là những nguyên liệu còn tươi ròng để chúng ta tiếp tục khai thác và chế biến”.
PV
|