Tác giả ?Nhật kí trong tù’ trong một tâm hồn thơ Nga
[31.01.2008 19:23]
Đào Hùng
VOV
“Nhật kí trong tù” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh từng gây tiếng vang trong và ngoài nước như một sự kiện văn học trọng đại. Tập thơ đã được dịch và xuất bản ở Bungari, Cuba, Hungari, Nga, Trung Quốc, Pháp. Mĩ và nhiều nước khác. Nhiều nhà viết kịch, soạn nhạc, điện ảnh , nhiều nhà điêu khắc, hoạ sĩ, thi sĩ trong và ngoài nước đã lấy cảm hứng từ “Nhật kí trong tù” sáng tạo nên những tác phẩm nổi tiếng. Trong số những người nước ngoài dịch thơ vị lanh tụ sáng lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có thể kể tới cố nhà thơ – dịch giả Nga Pavel Antôkôlxki.
Bốn năm sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và hai năm trước khi tập thơ “Nhật kí trong tù” ra mắt bạn đọc, tháng 11-1958 cố nhà thơ-dịch giả Antôkôlxki sang thăm Việt Nam và được Bác Hồ tiếp. Nhà thơ Nga rất cảm phục và ngưỡng mộ vẻ đẹp tinh thần và tính cách Việt Nam được thể hiện đầy đủ ở người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh. Nhà thơ kể:
“Khi chúng tôi vừa bước vào phòng khách của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tiếp chúng tôi là một người cao tuổi, nước da dám nắng trong chiếc áo đại cán, chân đi đôi dép cao su giản dị, với vẻ mặt tươi cười đon đả đón khách. Nói đúng ra, đây là một người không có tuổi. Trái với mớ tóc và chòm râu bạc trắng như cước, tác phong của thi sĩ – lãnh tụ mang sắc thái lanh lợi của thời trai trẻ. Lúc đó là 6 giờ 30 phút sáng, nhìn gương mặt sáng và tác phong của vị chủ tịch, tôi đoán Người dậy từ rất sớm và làm việc hết mình. Vị đứng đầu nhà nước Việt Nam mời chúng tôi ngồi vào bàn trên có hoa quả và cà phê, rồi Người tự tay pha cafê cho chúng tôi”.
Điều lí thú đối với nhà thơ Antôcôlxki là, trong cuộc tiếp kiến với Chủ Tịch Hồ Chí Minh, ngôn ngữ chung không chỉ là tiếng Nga, mà cả bằng tiếng Pháp (nhà thơ – dịch giả Antôcôlxki là người giỏi tiếng Pháp). Nhà thơ tỏ lòng khâm phục khả năng ngoại ngữ của Hồ Chí Minh. Ông kể tiếp: “Người nói tiếng Pháp rất giỏi và biết tiếng Nga khá thông thạo, không cần phiên dịch. Khi tôi đặt vấn đề trong thời gian một tháng ở Việt Nam sẽ phải gấp rút chuẩn bị các tài liệu liên quan đến tiểu sử của Người để tìm hiểu, chuẩn bị dịch ra riếng Nga tập thơ “Nhật kí trong tù”. Nghe tôi nói xong, Chủ Tịch Hồ Chí Minh bằng dọng hóm hỉnh và với vẻ hài hước ánh trên trên đôi mắt không nhận mình là nhà thơ và nói rằng trong những năm tháng hoạt động cách mạng và kháng chiến, khi sống và làm việc ở rừng và hang núi, Người chỉ tranh thủ thời gian rỗi làm dăm ba câu văn vần gọi là để thư giãn, chứ thơ phú gì. Tiếp đó Hồ Chí Minh nói rằng hiện nay cả đất nước Việt Nam ai cũng làm thơ. Nhưng thơ là những con số thu hoạch mùa màng và năng xuất lao động. Những thành tích lao động của Việt Nam hôm nay là một bản trường ca. Chia tay tôi, Người đã viết bằng tiếng Nga vào sổ tay của tôi hàng chứ rất chân phương và cứng cáp: “Gửi lời chào anh em. Hồ Chí Minh”. Sau này khi nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của vị lãnh tụ Việt Nam, đọc và dịch những thi phẩm của Người, tôi khẳng định những ấn tượng ban đầu mà sâu sắc về cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa tôi với Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng”.
Nhà thơ Nga nói: Chủ Tịch Hồ Chí Minh không coi mình là nhà thơ thật ra chỉ là sự khiêm tốn trung thực. Người đã kiên quyết từ bỏ khả năng sáng tác thơ vốn có của mình để dồn cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chịu mọi mất mát cuộc sống vật chất, miễn sao thực hiện được lí tưởng Việt Nam độc lập, tự do. Tôi thực sự bị thuyết phục bởi tài năng và nghị lực của Hồ Chí Minh khi dịch tập thơ “Nhật kí trong tù” của Người, nhất là bài thơ “Bốn tháng rồi”. Bốn đoạn trong cả bài thơ này như tấm gương phản chiếu chất phi thường của cuộc đời Hồ Chí Minh. Sau khi khẳng định câu nói của cổ nhân: “Một ngày ở tù. Nghìn thu ở ngoài/ và Người đã phải “Sống khác loài người vừa bốn tháng./ Tiều tụy còn hơn mười năm trời”/. Trong bốn tháng ở tù vị anh hùng giải phóng dân tộc VN đã phải chịu bao đau đớn, mất mát về thể xác. Nhưng Người đã tự nhủ “May mà/ Kiên trì và nhẫn nại, /Không chịu lùi một phân, /Vật chất tuy đau khổ, /Không nao núng tinh thần/.
Nhà thơ Nga khẳng định rằng đây là một phần nhỏ của cuộc đời oanh liệt đầy bi hùng của Người và có thể thấy ở đó sự quật khởi của một dân tộc quyết giải phóng mình và không cam chịu nô lệ, là mầm mống, là dự báo sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Khi dịch các thi phẩm của Hồ Chí Minh, nhà thơ Nga cũng tỏ lộ lòng cảm phục tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin tưởng mãnh liệt của vị lãnh tụ vào tương lai Tổ quốc. Về bài thơ của Hồ Chí Minh là “Không ngủ được”, nhà thơ Antôkôlxki nhận xét: “Nỗi lo việc nước của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và niềm tin chói ngời của Người vào tương lai của đất nước được bộc lộ cả trong đêm không ngủ. Trong suốt đêm trằn trọc, phút chốc thiếp đi Người mơ thấy niềm hi vọng của dân tộc trở thành hiện thực thông qua hình tượng tuyệt vời Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
Nhà thơ Antôkôlxki đã ví “Nhật kí trong tù “ như một “văn kiện bằng thơ” kể về một thời kì khó khăn nhất, gian lao nhất trong cuộc đời oanh liệt đầy bi tráng của tác giả, phản ánh chủ nghĩa nhân đạo, lòng kiên quyết đấu tranh, không chịu khuất phục, tầm nhìn rộng của một chiến sĩ cách mạng, một người cộng sản lạc quan, một nhà dân chủ ước mơ về hạnh phúc con người. Qua “Nhật kí trong tù” nhà thơ Nga nhìn thấy ở Hồ Chí Minh sức mạnh tinh thần, niềm tin sắt đá vào tương lai và sự hoà quyện của chất thép với lòng yêu thương con người và chất trữ tình. Tập văn kiện tràn đầy sức mạnh của thi ca.
Tâm sự về nhiệm vụ của người làm công việc dịch thơ, cố nhà thơ – dịch giả Antônkônxki nói: “Người dịch thơ bao giờ cũng tâm niệm một điều là, phải dùng những thủ pháp ngôn ngữ và thơ Nga để chuyển tải càng đầy đủ và chính xác càng tốt cái thật chất cuộc đời được gói trọn trong cuốn nhật kí thơ. Cái khó khăn của việc dịch thơ Việt Nam là ở chỗ, những từ tiếng Việt rất ngắn (mỗi từ chỉ có một âm tiết). Một dòng thơ tiếng Việt có 6 hoặc 8 chữ thường chứa đựng nội dung nhiều hơn so với một dòng thơ Nga có số lượng từ tương đương. Âm điệu của tiếng Việt và tiếng Nga hoàn toàn không giống nhau. Trong điều kiện như vậy, ở mức độ nào đó nhà thơ – dịch giả được phép thoát khỏi những ràng buộc và tìm ra những nét tương đồng về nhịp điệu, ngữ điệu và cú pháp để chuyển tải sự độc đáo của ngôn ngữ thơ ca và văn hoá dân tộc khác. Người dịch trước hết phái cố gắng làm sao để bài thơ mình đã dịch vừa có hồn thơ Nga vừa đúng với nội dung, với cái thần của bài thơ tiếng Việt. Chỉ có qua lăng kính như vậy người đọc mới thấy rõ cuộc sống đa dạng và phong phú của tác giả và thế giới bao quanh tác giả.
Đề cập tới việc tạo dựng một nhân vật tiểu thuyết, nhà thơ – dịch giả Nga liên tưởng đến nhân vật Đông-Kisốt và viết: Nhà văn Tây Ban Nha Secvantes lúc cuối đời đã nẩy sinh ý nghĩ muốn biến mình thành người khai sáng nền tiểu thuyết Châu Âu của thời đại mới – một nền văn xuôi mang tính hiện thực. Đông-Kisốt của Servantes hiên ngang bước vào con đường dài vô tận đấu tranh chống điều ác và phi sự thật của thế giới. Các thế hệ bạn đọc hằng yêu mến con người lạ kì này cưỡi trên lưng con ngựa gầy đét. Secvantes dù làm tăng thêm cho cuốn tiểu thuyết tính châm biếm và chất hài tới mức nào chăng nữa, thì cũng không thể che khuất hình tượng buồn thảm chàng hiệp sĩ Đông-Kisôt say mê mơ hồ làm những việc nhân đạo cao cả.
Thật là lạ và phi lí, - nhà thơ Nga nhấn mạnh,- nếu gắn một nhà hoạt động chính trị đương thời đã biết chiến thắng điều ác và phi sự thật, là đại diện cho cả một dân tộc với một nhân vật của quá khứ được hư cấu mang tính siêu hình. Tôi hoàn toàn phủ định những kì vọng phi lí và không đúng chỗ như vậy. Nhưng tôi dám khẳng định, nếu nhà viết tiểu thuyết đương đại muốn miêu tả thế kỉ 20 đầy sóng gió, biến động, mà rất đẹp của chúng ta và mong tìm thấy trong thế kỉ đó một nhân vật chính diện – một hiệp sĩ đích thực mà ngay từ buổi thiếu niên đã dấn thân vào cuộc đấu tranh chống điều ác và phi chân lí của thế giới, thì ở mức độ nhất định nhà tiểu thuyết đó có thể tìm thấy trong cuộc đời Hồ Chí Minh những tư liệu đắt giá và quí hiếm để dùng vào việc xây dựng nhân vật của mình. Nhà viết tiểu thuyết đó chẳng cần phải tưởng tượng hư cấu. Anh ta có thể bắt gặp ngay trong chính cuộc sống thực tại đề tài hấp dẫn để làm đề cương cuốn tiểu thuyết sẽ viết.
Rất nhiều người thuộc các lứa tuổi và thành phần khác nhau từ các nước trên thế giới cùng chung một suy nghĩ với nhà thơ Nga. Điều này được phản ánh rõ qua Hội thảo khoa học quốc tế: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc VN – Nhà văn hoá lớn” tiến hành cuối tháng 3-1990 tại Hà Nội. Hàng trăm tham luận đọc tại hội thảo như những tổng kết cuộc phẫu thuật cơ thể tinh thần con người vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỉ 20 và tôn vinh vẻ đẹp tuyệt vời của con người đó – Hồ Chí Minh. Phát biểu tại hội thảo, bà Mulơ Hêlen Macvivơ, cố vấn khoa học, là một ví dụ. Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt khi bà nói: “Tôi là một người Mĩ độc lập. Vì Hồ Chí Minh mà tôi sống trên thế giới này. Người cũng là chủ tịch của chúng tôi”.
*
* *
Nhà thơ – dịch giả Pavel Antôkôllxki sinh ngày 19-06-1896 tại thành phố Xanh-Peterburg. Năm 1904 ông theo gia đình chuyển về sống ở Maxcơva. Có một thời gian ông học tại khoa luật trường đại học quốc gia Maxcơva mang tên Lômônôxôv. Năm 1920 chàng thành niên Antôkôlxxki sinh hoạt tại “Quán cafê các thi sĩ”, ở đây anh được làm quen với nhiều nhà thơ nổi tiếng. Năm 1921 Antôkôlxki bắt đầu có thơ đăng trên tạp chí “Ngôn từ nghệ thuật”. Là một người rất yêu và cũng có năng khiếu sân khấu, nên vào đầu những năm 20 trong ông đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai niềm đam mê thơ và sân khấu. Niềm đam mê thứ nhất đã chiến thắng.
Trong di sản thơ của ông, đáng kể nhất là bản trường ca “Người con trai” (in năm 1943) ngợi ca những người con Xô-viết hi sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại và được giải thưởng nhà nước Liên Xô năm 1946. Nhà thơ Antôkôlxki không chỉ sáng tác, mà còn dịch thơ của các nhà thơ lớn nước Pháp, thơ của các thi sĩ tên tuổi Grudia, Azecbaigiăng, Ukraina, Armenia. Nhiều bản dịch của ông được đưa vào các hợp tuyển thơ. Cố nhà thơ – dịch giả Antôkôlxki còn là một nhà văn chuyên viết thể kí sự. “Sức mạnh Việt Nam” dày ngót 100 trang, xuất bản năm 1960 tại Maxcơva là một thiên kí sự ông viết sau chuyến thăm VN năm 1958. “Sức mạnh Việt Nam” và bản dịch “Nhật kí trong tù” là tấm gương phản chiếu lòng yêu mến của nhà thơ đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, sự sùng mộ của ông đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tác giả trường ca “Người con trai” qua đời ngày 09-10-1978 tại Maxcơva.
|