Tác phẩm “Trở về” của nhà văn Nga Andrey Platonov lên phim.
[10.06.2007 15:08]
 |
Một cảnh trong phim Người bố |
Nguyễn Thị Kim Hiền
“Người bố” - được dựng theo truyện ngắn "Trở về" của Anđrey Platonov, là một bộ phim về chiến tranh nhưng không hề có những cảnh quay mô tả cuộc chiến. Nhân vật chính, Aleksey Ivanov, một người lính từng chiến đấu ngoài mặt trận, nay được giải ngũ. Trên tàu hỏa, Aleksey làm quen với cô gái trẻ Masa, cũng từ mặt trận trở về. Tuy đã có vợ và hai con, anh vẫn về nhà Masa và chơi ở đó hai ngày. Sau khi hứa sẽ lưu giữ bóng hình cô trong tâm khảm, Aleksey về quê. Đứa con trai đầu đón bố ở sân ga. Trong những năm vắng bố, con trai bé bỏng lcủa anh chững chạc hẳn lên, thay bố đảm nhận vai trò ông chủ gia đình. Đứa con gái gặp bố với vẻ xa cách, vì khi bố ra trận em còn bé quá, không nhớ bố mình là người thế nào.
Ngoài mặt trận, mọi thứ đều rõ ràng và dễ hiểu. Đây là quân ta, kia là kẻ thù. Phải bắn vào bọn giặc, nếu không anh sẽ bị chúng giết chết. Ở nhà, trong cuộc sống hòa bình, mọi thứ đâu có đơn giản như vậy. Ở mỗi một thước phim, nhà quay phim Vladimir Klimov đều cho khán giả thấy được nhân vật chịu đựng cuộc sống thời bình khó khăn như thế nào. Trong gia đình cũng có sự bất ổn: khi Aleksey ra trận, một người đàn ông qua lại với vợ anh. Anh ta hôn vào má vợ anh, chơi với các con anh, thậm chí còn làm giúp một hàng rào mới quanh vườn. Một cuộc trở về như vậy còn khó khăn hơn cả vượt qua ranh giới mặt trận giữa ta và địch. Aleksey lại muốn ra đi - anh cảm thấy khó hòa hợp với cuộc sống xưa. Nhưng hai đứa con đã không để cho người cha vừa mới trở về lại thêm một lần xa cách.
Đóng vai nhân vật chính trong phim “Người cha” là diễn viên Aleksey Guskov. Anh cũng chính là người thủ vai Aleksey Ivanov trong vở kịch “Trở về” của nhà hát mang tên Tsekhov ở Moskva. Ý tưởng dựng phim “Người bố” dựa theo truyện của A.Platonov cũng chính là sáng kiến của người diễn viên này. Trong những năm gần đây, Guskov đã đóng những vai xuất sắc nhất của mình, trong các bộ phim như “Nhà kinh điển”, “Biên giới. Chuyện tình trong rừng taiga”… Các vai diễn của anh rất khác nhau, nhưng ở phim nào Guskov cũng thật hấp dẫn, lôi cuốn. Trong mọi trường hợp – rất hiện đại. Khó hình dung diễn viên này trên màn ảnh mà lại thiếu những chiếc xe hơi đắt tiền và những bộ quần áo sang trọng. Trong “Người cha”, với túi hành lí trên vai và vài chiếc huy chương trên ngực áo, Guskov rất có sức thuyết phục. Nhìn hình ảnh ấy, người ta tin rằng những người lính đã từ mặt trận trở về đúng y như thế.
Dàn diễn viên trẻ tuổi vào vai khá xuất sắc. Sveta Ivanova thể hiện được sự ngây thơ của một cô học sinh lớp cuối bị ném vào cuộc chiến tranh tàn khốc, vẫn giữ được sự trong sáng của mình. Còn diễn viên nhí Vasili Prokopev đóng thành công chú bé trưởng thành trước tuổi, thay cha lo việc gia đình.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, phải nói là nhóm làm phim đã rất mạnh dạn khi dám chuyển thể một tác phẩm của một nhà văn phức tạp như Andrey Platonov. Đương thời, truyện ngắn “Trở về” của ông bị phê bình gay gắt vì tác giả dám đề cập đến chủ đề người lính trở về sau chiến tranh và sự hòa nhập của họ với cuộc sống hòa bình - là vấn đề cấm kị trong văn học xô viết. Đến nay, đây vẫn là chủ đề chưa được điện ảnh Nga khai thác triệt để. Khán giả từng được xem những bộ phim nói về chuyện ngoài mặt trận người lính đã từng chiến đấu anh dũng như thế nào, nhưng ít có những bộ phim nói về chuyện họ hòa nhập với cuộc sống hòa bình ra sao, sau bốn năm chứng kiến những cảnh chết chóc hãi hùng ngoài mặt trận.
Đạo diễn Ivan Sokolov đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra là phản ánh mặt sau của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Ông cũng đã đạt được mục đích của bộ phim là bắt khán giả suy nghĩ, trải nghiệm về cuộc chiến tranh đã qua. Và mặc dù chủ đề phim rất nghiêm chỉnh, thậm chí có chút bi thảm, nhưng khán giả không có cảm giác nặng nề. Thậm chí các tác giả đã đưa được vào bộ phim của mình một sự hài hước của cuộc sống. Tất cả y như trong đời thực, cái bi cái hài đan xen, bổ sung cho nhau.
“Người bố” được quay ở nhiều vùng khác nhau của nước Nga, với tổng chi phí 55 triệu rúp. Thậm chí, để nâng cao tính hiện thực, người ta đã phục chế một đầu máy xe lửa thời thập kỉ 40-50, và chiếc đầu máy này xuất hiện ở nhiều cảnh quay trong phim.
Bộ phim có độ dài 82 phút, trong khi đó truyện của Platonov chỉ in trên 5 trang giấy. Theo lời đạo diễn Solovov, nhiều chi tiết trong phim phải bổ sung thêm những gì mà tác giả chưa nói hết. Thế nhưng khi xem xong, khán giả vẫn có cảm giác phim chưa thật trọn vẹn. Bộ phim dừng lại ở nơi mà các mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết hết.
Nguyễn Thị Kim Hiền
(Theo báo chí Nga)
|