Những ngày Nobel
[05.06.2007 14:00]
 |
Nhà văn Nga Bunhin I. |
"Những ngày Nobel" là thiên bút ký ghi lại những ngày I. Bunin nhận giải Nobel, trong đó có nguyên văn bài Diễn từ được Bunin đọc trong bữa tiệc Nobel diễn ra tại khách sạn Grand, Stockholm, Thụy Điển ngày 10 tháng 12 năm 1938.
Ngày mồng 9 tháng 11 năm 1933, xứ Provence tốt lành cổ xưa, vùng Grasse cổ kính thanh bình, nơi mà tôi hầu như đã sống suốt mười năm cuộc đời, một ngày cuối thu màu tro xám tĩnh lặng và ấm áp...
Những ngày như này không bao giờ làm tôi thích thú với công việc. Tuy vậy, tôi vẫn ngồi vào bàn làm việc từ sáng như mọi khi. Tôi vẫn ngồi đó cả sau bữa sáng. Nhưng, nhìn ra cửa sổ thấy trời sắp mưa, tôi cảm thấy: không, mình không thể. Hôm nay, rạp chiếu phim có buổi chiếu ban ngày, tôi sẽ đi xem phim.
Đi từ trên núi xuống, nơi có ngôi nhà trọ "Belveder" toạ lạc, để vào thành phố, tôi nhìn ngắm thành phố Cannes ở đằng xa, nhìn ngắm biển cả hơi mờ mờ trong những ngày thế này, dãy núi Estrel mờ sương và bắt gặp mình với ý nghĩ:
- Có lẽ, ngay lúc này, tại một nơi nào khác của Châu Âu, số phận của mình đang được định đoạt...
Tuy nhiên, ở trong rạp, tôi lại quên đi Stockholm.
Sau giờ giải lao, lúc một bộ phim nhảm nhí vui vẻ nào đó dưới cái tên "Baby" bắt đầu, tôi nhìn lên màn ảnh với sự quan tâm đặc biệt: cô bé Kixa Kuprina xinh đẹp đóng phim này, cô là con gái của ông Alecxandr Ivanovitr. Nhưng rồi trong bóng tối gần chỗ tôi ngồi có tiếng động vẻ rụt rè, tiếp đó là ánh sáng của chiếc đèn pin rồi ai đó chạm vào vai tôi và thầm thì với giọng xúc động và trịnh trọng:
- Ông có điện thoại từ Stockholm...
Và, ngay lập tức cả cuộc sống trước đây của tôi bị đứt đoạn. Tôi đi về nhà khá nhanh, nhưng chẳng cảm nhận được gì ngoài sự tiếc nuối không được xem cô bé Kixa đóng tiếp ra sao và sự thờ ơ, không tin cậy vào những gì người ta thông báo cho tôi. Nhưng không, không thể không tin được: từ đằng xa đã thấy, căn nhà mà tôi đang ở tạm vốn luôn im lìm và tối mù mù chìm sâu giữa những khu vườn ôliu vắng lặng phủ đầy các sườn núi trên vùng Grasse, giờ đây lại sáng rực từ trên xuống dưới. Trái tim tôi bỗng thắt lại bởi một niềm bâng khuâng... Một bước ngoặt trong cuộc đời tôi...
Suốt buổi tối, ngôi nhà trọ "Belveder" luôn vang lên tiếng chuông điện thoại, đó là những cuộc điện thoại gọi cho tôi từ những con người nói những thứ tiếng khác nhau từ các vùng miền xa xôi, gần như từ tất cả các thủ đô của Châu Âu; vang lên những tiếng chuông của những người đưa thư đem tới những bức điện chúc mừng gần như từ tất cả các nước trên thế giới, - khắp mọi nơi trừ nước Nga! Và, căn nhà trọ này còn nghênh đón những cuộc "tấn công ồ ạt" đầu tiên của những vị khách đủ tầng lớp, các nhà nhiếp ảnh và nhà báo... Lượng khách cứ tăng dần, thành thử những khuôn mặt của họ cứ như dồn cục lại trước mắt tôi, người ta bắt tay tôi từ mọi hướng, cảm động và vội vã nói với tôi một câu như nhau.
- Hàng năm vào một thời điểm: ngày 10 tháng 12.
- Vậy thì, ông sẽ đến Stockholm vào đúng thời gian trao giải này chứ?
- Có thể đến sớm hơn là khác: tôi mong muốn được cảm nhận sớm hơn sự hân hoan được đi xa. Do thân phận mất quyền thế của một người lưu vong và và sự khó khăn của dân lưu vong chúng tôi trong việc làm thị thực, cho nên đã 13 năm nay tôi chưa đi đâu ra nước ngoài cả, chỉ duy nhất một lần sang Anh. Đối với tôi, một người đã từng đi nhiều nơi trên thế giới, thì đó quả là một trong những thiệt thòi lớn nhất.
- Ông đã tới các nước vùng bán đảo Scandinavia chưa?
- Chưa, chưa khi nào. Xin nhắc lại là, tôi đã đi nhiều, đến những vùng xa xôi, nhưng đều là đi về hướng Đông và hướng Nam, còn lên phía Bắc thì tôi để dành cho sau này...
Sự kiện này đã bất ngờ cuốn tôi vào dòng nước chảy xiết mà chẳng bao lâu thậm chí đã biến thành một thứ gì đó tựa như một sự tồn tại điên dại: từ sáng đến tối không có một phút giây rảnh rỗi và yên tĩnh. Bên cạnh tất cả những sự kiện bình thường hàng năm vẫn diễn ra quanh mỗi người đoạt giải Nobel, thì với tôi, do tình thế bất thường của tôi, nghĩa là do tôi thuộc về cái nước Nga kì lạ mà bây giờ cư dân của nó sống phân tán khắp thế giới, đã diễn ra một cái gì đó mà chưa một người đoạt giải nào trên thế giới từng trải qua: quyết định của Stockholm đối với toàn thể nước Nga này, đất nước đã bị hạ nhục và bị xúc phạm đến vậy trong tất thảy mọi tình cảm của mình, đã trở thành một sự kiện mang tính dân tộc thực sự...
Đêm mồng 3, rạng sáng mồng 4 tháng 12 tôi đã ở xa Paris. Chuyến tàu tốc hành Phương Bắc, buồng riêng hạng nhất - đã bao năm rồi tôi chưa có cảm giác với tất cả điều này! Quá nửa đêm, chúng tôi đã tới nước Đức. Và tôi vẫn đứng ở chỗ cửa toa cuối đoàn tàu. Và từ dưới toa tàu, một cảnh vật gợi nhớ về nước Nga đang vùn vụt lùi dần về phía sau dưới ánh trăng nhàn nhạt: những cánh đồng bằng phẳng, những hàng cây phủ đầy tuyết trắng màu tang.
Buổi sáng đến thành phố Hannover. Tôi mở mắt, kéo tấm rèm lên - cửa sổ phủ tuyết, bám đầy băng. Băng đóng cả trên đường ray. Người đi lại trên sân ga đội mũ lông, mặc áo khoác lông - đã từ lâu tôi chưa nhìn thấy cảnh tượng này và hoá ra chúng đã được khắc sâu trong trái tim tôi!
Chiều tối, chúng tôi xuống chiếc tàu thuỷ "Hoàng đế Gustav đệ ngũ" và nó chầm chậm tiến về hướng bờ biển Thụy Điển. Lại những cuộc phỏng vấn, lại ánh sáng chói loá của đèn magiê... Đến Thụy Điển, toa tàu chúng tôi đúng là lọt thỏm giữa đám đông các nhà nhiếp ảnh và các nhà báo... Và, mãi đến tận khuya, rốt cuộc tôi cũng được ở một mình. Phía sau những ô cửa sổ là hai màu sáng và tối - những cánh rừng tối đen dày đặc chìm trong lớp tuyết trắng dày. Và, tất cả những cái đó, cùng với toa tàu ấm nóng thật giống như những buổi đêm trước đây trên đường Nicolaevski...
Lễ trao giải cho những người đoạt giải diễn ra vào ngày 10 tháng 12 hàng năm và bắt đầu vào đúng 5 giờ chiều.
Vào ngày hôm đó, tiếng gõ cửa phòng ngủ của tôi vang lên sớm, - từ chiều hôm trước đã có lệnh phải đánh thức tôi trước 8 giờ 30 phút. Tôi bật dậy và nhớ ngay hôm nay là ngày gì: ngày trọng đại nhất. Đồng hồ mới chỉ 8 giờ, buổi sáng phương Bắc mờ mờ, những ngọn đèn đường dọc con kênh hiện rõ qua những ô cửa sổ chỗ tôi vẫn chiếu sáng, và một phần của Stockholm mà phía trên nó, phía trước mặt tôi, với tất cả các ngọn tháp, nhà thờ và những cung điện của mình, cũng có nét gì đó rất giống với thành Peterburg, còn có vẻ đẹp tuyệt trần mà thường chỉ xuất hiện vào lúc hoàng hôn và bình minh. Nhưng hôm nay tôi phải bắt đầu một ngày từ sớm: ngày mồng 10 tháng 12 - ngày mất của Alfred Nobel, và do vậy, từ sáng tôi phải đội chiếc mũ lễ và ra nghĩa trang ở ngoại ô thành phố, nơi tôi cần đặt những vòng hoa lên mộ ông và mộ người cháu trai mới mất của ông tên là Emmanuil Nobel. Hôm qua, lại 3 giờ đêm tôi mới ngủ, và bây giờ khi mặc quần áo tôi mới thấy trong người choáng váng. Nhưng, café đặc nóng, một ngày mới tươi sáng, giá lạnh, ý nghĩ về buổi lễ kỉ niệm đặc biệt đang đợi tôi tối nay đã làm tôi phấn chấn...
Giấy mời chính thức tham dự buổi lễ được gửi đến những người đoạt giải trước đó vài ngày. Giấy mời được soạn thảo (bằng tiếng Pháp) hoàn toàn phù hợp với sự chính xác vốn là đặc trưng của tất cả các nghi lễ của Thụy Điển:
- Xin mời các quý ngài đoạt giải có mặt tại Phòng Hòa nhạc để nhận giải thưởng Nobel vào ngày 10-12-1933, trước 4h50 chiều. Đức vua với sự tháp tùng của các thành viên Hoàng gia và toàn bộ triều thần sẽ tới Phòng Hòa nhạc vào đúng 5h để tham dự buổi lễ và đích thân trao cho từng người giải thưởng mình được nhận, sau đó cửa phòng sẽ được đóng lại và buổi đại lễ bắt đầu.
Đến muộn dù chỉ một phút hay sớm hai phút so với thời gian ghi trong bất kì giấy mời nào của Thụy Điển đều là điều không thể chấp nhận được. Vì thế, tôi bắt đầu mặc quần áo gần như là từ lúc 3h trưa, đề phòng gặp chuyện bất trắc xảy ra đại loại như: bỗng dưng khuy cài cổ chiếc áo sơ mi đuôi tôm biến đâu mất như tất cả những chiếc khuy áo trên thế giới thường thích làm như vậy trong những tình huống tương tự.
4 giờ 30 phút, chúng tôi lên đường.
Thành phố chiều tối nay sáng lên một cách đặc biệt bởi những ánh đèn, - vừa là để chào mừng những người đoạt giải, vừa là chuẩn bị chào đón lễ Giáng sinh và năm mới. Tiến vào "Ngôi nhà Âm nhạc" lớn, nơi thường diễn ra lễ trao giải, là đoàn xe dài vô tận và dày đặc đến nỗi anh tài xế chở chúng tôi, một chàng thanh niên vạm vỡ đội chiếc mũ lông thú xù lông, đã cực kì vất vả lúc chen lách giữa đoàn xe: chúng tôi chỉ được giải thoát khi lực lượng cảnh sát với nhiệm vụ đón rước những người đoạt giải, những người mà trong những trường hợp như thế này thường đi theo sát nhau, chặn tất cả những chiếc xe khác lại để cho chúng tôi qua.
Những người đoạt giải chúng tôi bước vào "Ngôi nhà Âm nhạc" cùng với cả đám đông những người khác, nhưng đến tiền sảnh chúng tôi được tách khỏi toán người này và được dẫn đi đâu đó theo những lối đặc biệt, vì thế những việc diễn ra trong phòng đại lễ trước lúc chúng tôi xuất hiện trên bục sân khấu tôi chỉ được biết qua lời người khác.
Khán phòng gây ngạc nhiên bởi sự cao ráo và không gian của nó. Lúc này, cả khán phòng được trang hoàng đầy hoa và đông nghịt người: hàng trăm bộ trang phục dạ hội phụ nữ đính ngọc trai và kim cương, hàng trăm chiếc áo đuôi tôm, những ngôi sao, những tấm huân chương, những dải băng nhiều màu và tất cả những tấm huân huy chương trang trọng khác. 5h kém 10, cả nội các Thụy Điển, ngoại giao đoàn, Viện Hàn lâm Thụy Điển, các thành viên Uỷ ban Giải thưởng Nobel và tất cả khách mời đã đều yên vị và giữ yên lặng.
Đúng 5h, từ bục sân khấu, các nhạc công nổi những hiệu kèn thông báo sự xuất hiện của nhà vua. Rồi những tiếng kèn hiệu nhường chỗ cho âm thanh tuyệt vời của bài quốc ca vút lên từ đâu đó phía trên, và nhà vua bước vào trong đoàn hộ tống gồm thái tử kế vị và tất cả các thành viên khác trong Hoàng gia. Đi tiếp theo sau nhà vua là đoàn tuỳ tùng và các quần thần. Chúng tôi, bốn người đoạt giải, lúc này vẫn còn đang ở trong căn phòng nhỏ tiếp giáp với lối vào bục sân khấu ở phía sau.
Nhưng đã đến lượt chúng tôi bước ra. Từ bục sân khấu, những hiệu kèn lại vang lên, và chúng tôi đi theo sau mấy vị viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển, những người sẽ giới thiệu và đọc bản thuyết trình tóm tắt về chúng tôi. Tôi, người được chỉ định phát biểu đầu tiên trong buổi yến tiệc sau lễ trao giải, bây giờ, theo nghi lễ, sẽ bước ra bục sân khấu cuối cùng. Dẫn tôi ra là ông Per Hallström, thư kí trọn đời của Viện Hàn lâm. Tôi bước ra mà kinh ngạc bởi sự ăn mặc sang trọng, bởi khán phòng đông nghịt người và khi những người đoạt giải bước ra cúi chào thì không chỉ cả khán phòng mà ngay cả nhà vua cùng với các thành viên Hoàng gia và quần thần của mình đều đứng cả dậy.
Sân khấu cũng lớn. Nó được trang hoàng những bông hoa tươi nhỏ màu hồng. Ghế của các viện sĩ được xếp bên phải bục sân khấu. Bốn ghế hạng nhất bên trái được dành sẵn cho những người đoạt giải. Phía trên tất cả những cái đó, là những lá quốc kỳ Thụy Điển lớn bất động và trang trọng treo trên các bức tường: thường thì người ta trang hoàng sân khấu bằng cờ của tất cả các nước của những người đoạt giải; thế lá cờ nào cho riêng tôi, một người lưu vong đây? Việc không thể treo cờ Liên Xô cho tôi buộc các nhà tổ chức buổi lễ vì tôi mà phải giới hạn bằng một loại cờ - cờ Thụy Điển. Một ý tưởng đầy ý nghĩa!
Ngài chủ tịch Quỹ Nobel khai mạc buổi lễ. Ông chào mừng đức vua, những người đoạt giải rồi nhường lời cho người diễn thuyết. Ông này dành toàn bộ lời phát biểu đầu tiên này để tưởng nhớ Alfred Nobel, - năm nay là năm kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông. Tiếp theo là các bài thuyết trình nhận xét về từng người đoạt giải, và sau mỗi báo cáo, người đoạt giải thưởng được người thuyết trình mời đi từ bục sân khấu xuống để nhận từ tay nhà vua chiếc cặp với tấm bằng chứng nhận giải Nobel và chiếc hộp đựng huy chương vàng lớn trên một mặt có khắc hình Alfred Nobel, còn mặt kia khắc tên người đoạt giải. Vào những quãng nghỉ, dàn nhạc chơi nhạc của Beethoven và Grieg.
Grieg là một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu thích nhất. Với một niềm khoái cảm đặc biệt, tôi được nghe những giai điệu của ông trước khi ông Per Hallström đọc bản thuyết trình về tôi.
Phút cuối cùng làm tôi cảm động. Bài tuyên dương của Hallström không những tuyệt vời mà còn thật chân thành. Phát biểu xong, với phong thái đáng mến, ông nói với tôi bằng tiếng Pháp:
- Thưa ngài Ivan Alecxeievitr Bunin, xin mời ngài bước xuống nhận từ tay nhà vua giải thưởng Nobel Văn học năm 1933 do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng cho ngài.
Trong sự im lặng tuyệt đối ngay sau đó, tôi từ từ đi qua bục sân khấu và từ từ bước xuống theo những bậc thang tới chỗ nhà vua khi ấy đã đứng dậy đón tôi. Lúc này, cả khán phòng cũng đứng dậy và nín thở để nghe những lời nhà vua nói với tôi và những gì tôi đáp lại. Nhà vua chúc mừng tôi và thông qua tôi chúc mừng cả nền văn học Nga với cái bắt tay chặt đặc biệt thân thiện. Nghiêng mình cúi chào Người, tôi trả lời bằng tiếng Pháp:
- Muôn tâu đức vua, kính xin Người nhận lấy lòng biết ơn sâu sắc và kính trọng của tôi.
Những lời nói của tôi chìm trong những tràng pháo tay nhiệt liệt.
Nhà vua tổ chức lễ mừng bằng tiệc chiêu đãi cho những người đoạt giải tại cung điện của mình vào ngày hôm sau lễ trao giải. Còn vào buổi tối ngày 10 tháng 12, gần như ngay sau khi kết thúc buổi lễ, những người đoạt giải được chở đến dự bữa tiệc do Ủy ban Giải thưởng Nobel tổ chức cho họ.
Chủ tọa buổi tiệc là vị thái tử kế vị.
Khi chúng tôi đến thì ở đó đã lại tề tựu đông đủ tất cả mọi người: tất cả các thành viên của Viện Hàn lâm, Hoàng gia và các quần thần, ngoại giao đoàn, giới nghệ thuật của Stockholm và những khách mời khác.
Hai người đầu tiên bước tới bàn tiệc là vị thái tử kế vị và vợ tôi, sau đó vợ tôi ngồi cạnh thái tử ở giữa bàn tiệc.
Chỗ của tôi là ở bên cạnh công chúa Ingrid - hiện nay là hoàng hậu Đan Mạch -, đối diện với em trai nhà vua, hoàng thân Evgueni (cần nói thêm rằng ông là một hoạ sĩ Thụy Điển nổi tiếng).
Vị thái tử kế vị nói lời khai mạc bữa tiệc. Ông dành cho Alfred Nobel những lời tưởng niệm cao đẹp.
Sau đó đến lượt những người đoạt giải phát biểu.
Thái tử đứng tại chỗ phát biểu. Chúng tôi phát biểu từ bục đặc biệt được bố trí ở góc sâu trong phòng tiệc cũng rộng lớn lạ thường, được bài trí dựng theo phong cách Thụy Điển cổ.
Đài phát thanh truyền những lời phát biểu của chúng tôi từ bục này đi khắp Châu Âu.
Đây là nguyên văn Diễn từ mà tôi đã đọc bằng tiếng Pháp:
"Kính thưa thái tử, thưa các quý ông và quý bà!
Ngày mồng 9 tháng 11, ở một vùng đất xa xôi, tại thành phố cổ xứ Provence, trong ngôi nhà thôn quê nghèo nàn, tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo về quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Sẽ là không chân thành nếu tôi nói như mọi người trong những trường hợp tương tự thường nói, rằng đó là ấn tượng mạnh mẽ nhất trong cả cuộc đời tôi. Một triết gia vĩ đại từng nói thật chính xác rằng, cảm giác vui sướng mãnh liệt nhất cũng gần như chẳng có nghĩa lý gì khi đem so sánh với cái cảm giác đau buồn cùng mức độ.
Hoàn toàn chẳng muốn làm ngày lễ này mất vui, buổi lễ mà tôi sẽ còn giữ mãi ấn tượng không phai mờ về nó, dù sao tôi cũng xin phép được nói rằng, những nỗi đau buồn tôi đã trải nghiệm trong 15 năm qua nhiều hơn những niềm vui của tôi rất nhiều. Và những nỗi đau này không mang tính cá nhân - hoàn toàn không. Tuy vậy, tôi vẫn có thể nói một cách chắc chắn rằng, trong tất cả những niềm vui trong cuộc đời nhà văn của tôi thì điều kì diệu nhỏ bé của kĩ thuật hiện đại, tiếng chuông điện thoại gọi từ Stokholm đến vùng Grasse, đã cho tôi, với tư cách nhà văn, sự mãn nguyện tuyệt đối.
Giải thưởng văn học do người đồng bào vĩ đại của quý vị, ngài Alfred Nobel sáng lập nên, là sự tôn vinh cao quý nhất của lao động nhà văn! Tính háo danh vốn là bản tính của mỗi người và mỗi tác giả, và tôi vô cùng tự hào được nhận giải thưởng này từ phía những vị giám khảo rất có uy tín và công tâm. Nhưng, vào ngày 9 tháng 11, có phải tôi chỉ nghĩ về bản thân mình? Không, điều đó là quá ích kỉ. Sau khi được trải qua những phút giây cảm động vô bờ từ hàng loạt lời chúc mừng và những bức điện đầu tiên, trong sự tĩnh lặng và sự cô đơn của đêm dài, tôi nghĩ đến ý nghĩa sâu xa trong hành động của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Lần đầu tiên kể từ khi sáng lập nên giải thưởng Nobel, quý vị đã phong tặng nó cho một người lưu vong. Mà tôi là ai chứ? Một người lưu vong được nước Pháp dang tay tiếp đón, đất nước mà tôi sẽ mãi mãi biết ơn. Thưa các vị Viện sĩ Viện Hàn lâm, cho phép tôi gác lại cá nhân tôi và các tác phẩm của tôi, được nói với các vị rằng cử chỉ của các vị thật cao đẹp. Trên thế giới vẫn còn tồn tại những lĩnh vực độc lập trọn vẹn nhất. Chắc chắn rằng, ngồi quanh bàn tiệc này là những vị đại diện cho đủ các quan điểm khác nhau, đủ các tín ngưỡng tôn giáo và chính trị khác nhau. Nhưng có một điều chung không thay đổi gắn kết tất cả chúng ta lại: đó là quyền tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng, những thứ mà nền văn minh đã mang lại cho chúng ta. Đối với nhà văn, quyền tự do này là đặc biệt cần thiết, - đối với họ, đó là giáo điều, là tiền đề. Thưa các vị viện sĩ Viện Hàn lâm, chính cử chỉ của các vị chứng minh một lần nữa rằng tình yêu tự do là biểu tượng dân tộc chân chính của Thụy Điển.
Và tôi còn vài lời xin nói thêm để kết thúc bài phát biểu ngắn này. Không phải kể từ ngày hôm nay tôi mới đánh giá cao Hoàng gia của quý vị, đất nước, nhân dân và nền văn học của quý vị. Tình yêu nghệ thuật và văn học luôn là truyền thống đối với Hoàng gia Thụy Điển, cũng như đối với cả dân tộc cao quý của quý vị. Triều đình Thụy Điển do một chiến binh lừng lẫy thành lập là một trong những triều đình hiển hách nhất trên thế giới. Kính xin ngài, đức vua hiệp sĩ của một dân tộc hiệp sĩ, cho phép tôi, một nhà văn tự do ở xứ khác, người được ban thưởng bởi sự quan tâm của Viện Hàn lâm Thụy Điển, được thể hiện tình cảm chân thành và tôn kính nhất của mình đối với Người".
• Mạnh Cường dịch từ nguyên bản tiếng Nga, Đoàn Tử Huyến hiệu đính
© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
| Thiên Cầm st (Theo vietnamnet.vn) |
|